Vợ nhà báo công dân Lê Trọng Hùng viết thư cầu cứu quốc tế

Ông Lê Trọng Hùng là người chủ trương phổ biến các quyển sách Hiến Pháp

RFA

Hôm 8 tháng 11, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng là bà Đỗ Lê Na gửi một bức thư đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các đại sứ quán, nhằm kêu cứu về trường hợp của chồng bà.

Trong thư, bà kêu cầu cộng đồng quốc tế sử dụng các biện pháp cần thiết để yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng, người bị bắt giữ sau khi tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 ở Hà Nội.

Ngoài ra, bà cũng kêu gọi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), Hội đồng Nhân quyền LHQ, các tố chức phi chính phủ và các Tòa đại sứ nước ngoài tại Hà Nội cử người tới giám sát phiên tòa sơ thẩm một khi phiên tòa diễn ra.

Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Đỗ Lê Na cho biết việc gửi thư cho các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài là “quyền lên tiếng để chống lại áp bức bất công”, và hy vọng hành động của mình sẽ truyền cảm hứng cho các gia đình của tù nhân chính trị khác. Bà Na nói qua điện thoại như sau:

Tôi gửi cho họ, thứ nhất vì họ là các cơ quan có chức năng bảo vệ nhân quyền, thứ hai nữa là tôi mong muốn vụ việc của gia đình mình sẽ được nhiều người quan tâm đến.

Và thông qua cái việc quan tấm đến đó thì tôi cũng muốn cho người dân ở trong nước, đặc biệt là những gia đình đấu tranh, một số gia đình thì cũng còn e ngại trong việc người thân của mình bị bắt bớ, có những gia đình không dám thẳng thắn lên tiếng, thì tôi muốn qua cái câu chuyện của gia đình mình để cho mọi người biết rằng là cái quyền lên tiếng để chống lại áp bức bất công - đó là quyền của mỗi người, và nếu chúng ta làm đúng thì chúng ta sẽ không có gì phải sợ hãi họ cả.”

Bà Đỗ Lê Na và chồng là ông Lê Trọng Hùng. Ảnh: FB Tử Đinh Hương

Hôm 5 tháng 11, luật sư bào chữa và gia đình được tiếp cận với cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội ban hành, theo đó thì nhà báo công dân này bị truy tố theo khoản 1 của điều 117 của Bộ Luật Hình Sự, với cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Điểm đáng chú ý nữa trong bản cáo trạng này là phía cơ quan tố tụng đã sử dụng bốn video được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông Hùng để làm bằng chứng buộc tội.

Các video trên bàn về các vấn đề như thành lập toà án bảo hiến, vụ việc ở xã Đồng Tâm, tranh cử Đại biểu Quốc hội, hay vai trò của nền tư pháp.

Về việc này, bà Đỗ Lê Na cho biết:

Yêu cầu cái nhóm thẩm định các video của chồng tôi và kết luận rằng những video đó là có ý định chống phá nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo gì đó thì hãy ra trước toà để đối chất với luật sư và chồng tôi. Như thế thì mới thể hiện được cái sự công khai, cái sự công bằng và cái tính nghiêm minh của pháp luật.”

Hiện phiên toà xét xử ông Hùng vẫn chưa được lên lịch, tuy nhiên với việc bị truy tố theo khoản 1 điều 117 của Bộ luật Hình sự thì nhà báo công dân này sẽ phải đối diện với mức án tù từ năm đến 12 năm.

Ông Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, là một cựu giáo viên và là một trong những người sáng lập "đài truyền hình CHTV", chuyên phát trực tiếp các bài phân tích tình hình chính trị xã hội trên mạng xã hội Facebook và Youtube.

Ông đồng thời là một trong hai người ra ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Hà Nội bị bắt giữ, trước cuộc bầu cử bị chỉ trích là không minh bạch không lâu.

Tuy nhiên, báo điện tử đảng Cộng sản sau đó có bài viết phủ nhận điều này và cho rằng hai ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị khởi tố và bắt tạm giam vì "đã có những hình vi vi phạm pháp luật", chứ không phải do phổ biến Hiến pháp hay tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội.