Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Bị cáo Lê Anh Tú không đồng ý nhận tội

Hiếu Bá Linh

Trong phiên xử hôm 7/11 (phiên xử ngày thứ 2) tại Tòa án Thượng thẩm Berlin, báo chí truyền thông Đức chờ xem liệu bị cáo Lê Anh Tú có nhận tội hay không?

Trong phiên xử hôm khai mạc (tức là phiên xử ngày thứ nhất) tòa án và luật sư của bị cáo muốn đạt được một thỏa thuận như sau: Bị cáo sẽ nhận mức  án nhẹ từ 4 năm rưỡi cho đến 5 năm tù nếu đồng ý nhận tội toàn diện. Nhưng cho đến cuối phiên xử hôm khai mạc, thỏa thuận này vẫn chưa ngã ngũ. Luật sư của Lê Anh Tú thông báo thân chủ của ông có thể sẽ đưa ra lời nhận tội trong phiên xử vào thứ hai tuần tới ngày 7/11.

Về vấn đề nhận tội, nếu lời thú tội của bị cáo chệch với bản cáo trạng, Viện Công tố liên bang Đức sẽ không chấp nhận thỏa thuận này.

So với phiên xử ngày thứ nhất, phiên xử  ngày thứ 2 chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và không có tiến triển gì, bị cáo Lê Anh Tú đã không đồng ý nhận tội. Hai luật sư bào chữa cho bị cáo (một LS ở Tp. Leipzig và LS kia ở Tp. Karlsruhe) nói trước tòa rằng thân chủ của họ chưa sẵn sàng nhận tội và yêu cầu tòa cho thời gian để thân chủ  tham khảo một số hồ sơ tạo nên một phần của bản cáo trạng, trước khi có một quyết định dứt khoát. Tòa án đồng ý với yêu cầu trên, cho bị cáo 2 tuần để tham khảo hồ sơ, và kết thúc phiên xử ngày thứ 2.

Mặc dù hiện nay đã từ chối nhận tội, nhưng tương tự như vụ xét xử bị cáo Nguyễn Hải Long hồi năm 2018, bị cáo Lê Anh Tú có thể sau này sẽ đồng ý nhận tội theo thỏa thuận trên. Hơn nữa, việc nhận tội cận ngày Thủ tướng Đức Scholz đi thăm Việt Nam (ngày 13/11) có lẽ là điều mà phía Việt Nam muốn tránh.

Mặt khác, nếu thêm 1 nghi can nhận tội tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì  chính phủ Việt Nam sẽ là rơi vào tình huống cực kỳ khó chịu trước quốc tế vì từ trước đến nay Việt Nam vẫn một mực khăng khăng nói rằng Trịnh Xuân Thanh tự nguyện trở về đầu thú. Trong vụ xử Nguyễn Hải Long trước đây, luật sư bào chữa thứ 2 ở Berlin (luật sư thứ nhất ở Leipzig) đã từng nói trước tòa rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin và nhà nước Việt Nam đã tìm cách gây ảnh hưởng, cản trở Nguyễn Hải Long nhận tội để được hưởng mức án nhẹ (3 năm 10 tháng tù).

Như vậy, vụ xét xử này có thể sẽ phải kéo dài nhiều tuần lễ hoặc nhiều tháng để lấy lời khai của các nhân viên điều tra và các nhân chứng để xác thực các bằng chứng. Qua đó vụ án này sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhiều chi tiết được tiết lộ quá các lời khai, đặc biệt là những chi tiết mà trong vụ xử Nguyễn Hải Long không có, chẳng hạn như việc chở Trịnh Xuân Thanh từ CH Séc sang thủ đô Bratislava của Slovakia mà bị cáo Lê Anh Tú có tham gia (bị cáo Nguyễn Hải Long không tham gia). Từ Bratislava Bộ trưởng Tô Lâm đã mượn chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh đến Moscow (tức là ra khỏi vùng Schengen). Sau đó, từ Moscow Trịnh Xuân Thanh bị đưa về Việt Nam bằng một máy bay khác.

Phiên xử ngày thứ 3 sẽ diễn ra vào Thứ Tư ngày 9/11. Tòa án cũng cho biết, trong phiên xử ngày thứ 3 sẽ lấy lời khai của 3 nhân chứng, trong đó đặc biệt nhất là bà Trần Dương Nga vợ của Trịnh Xuân Thanh.

SLOVAKIA MỞ LẠI CUỘC ĐIỀU TRA VỤ BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH

Viện Công tố ở thủ đô Bratislava cho biết đang theo dõi vụ xét xử nghi can Lê Anh Tú tại Đức và ngày 7/11 đã viết đơn trợ giúp pháp lý gửi Đức. Slovakia yêu cầu được thẩm vấn nghi can Lê Anh Tú và Đức gửi cho toàn bộ hồ sơ và bản cáo trạng.

Hôm 4/11 Nghị sĩ Juraj Šeliga đệ trình yêu cầu Viện công tố Slovakia mở lại cuộc điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017. Ông ta lập luận có sự nghi ngờ chính đáng rằng các cơ quan đặc biệt của chính phủ Slovakia và các cơ quan nhà nước Slovakia có liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa ra khỏi vùng Schengen từ Bratislava đến Moscow bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Ông cũng chỉ ra phiên tòa đang diễn ra ở Đức xét xử nghi can Lê Anh Tú.

Viện Công tố Slovakia nói rằng họ đã 2 lần: tháng 4 năm 2020 và tháng 8 năm 2021, gửi đơn trợ giúp pháp lý yêu cầu Việt Nam cho thẩm vấn Trịnh Xuân Thanh, nhưng không được phía Việt Nam trả lời.

Viện Công tố Bratislava cho biết sẽ thẩm  vấn cựu tổng thống Andrej Kiska. Một phát ngôn viên của Viện Công tố Bratislava nói rằng không biết ông Kiska có sẵn sàng trả lời hay không. Hôm thứ Hai 7/11, cựu tổng thống Kiska đã công bố thông tin mới liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đây là một đoạn từ cuốn sách sắp ra mắt của ông.

Cựu tổng thống Kista viết rằng vệ sĩ của ông ta, người biết được vụ bắt cóc từ các đồng nghiệp của mình, đã nói với ông vài ngày sau vụ bắt cóc xảy ra. Chính lực lượng an ninh Slovakia đã thấy những gì xảy ra là đáng ngờ, và một số người trong họ thậm chí đã nói ra. Một trong số họ được cho là đã bay đến Moscow cùng với Trịnh Xuân Thanh.

Ông viết tiếp rằng, tuy nhiên từ trước cho tới nay các cơ quan thực thi pháp luật Slovakia vẫn chưa bao giờ thẩm vấn ông ta. Ông Kiska đã kêu gọi một cuộc điều tra về vụ việc trong quá khứ và cũng cung cấp thông tin mà cơ quan thực thi pháp luật nên quan tâm./.