Những giọt nước mắt ngày khai trường

Cánh Cò - RFA|

Năm nay hình như cả nước uể oải tham gia chương trình khai giảng năm học mới. Không khí không còn ồn ào náo nhiệt vì những trò đọc diễn văn hay trang trí lòe loẹt bắt học sinh đứng đón như lãnh tụ, ngồi hàng giờ giữa nắng nóng nghe những câu văn không bao giờ hiểu và thở phào khi họ ngưng nói, ngưng diễn vai trò những người dẫn dắt nền giáo dục nước nhà.

Thế nhưng đâu đó vẫn còn sót lại chút cơ hội hợm mình cho người đứng đầu ngành giáo dục khi bức ảnh ông Phùng Xuân Nhạ tới tham dự Lễ Khai giảng năm học 2019 – 2020 cùng thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội xuất hiện trên báo chí thì người ta phát hiện ra rằng ông Nhạ vẫn chưa thoát được cái hào nhoáng tạm bợ khi bước chân lên tấm thảm đỏ chói hai bên là học sinh ngồi chờ.

Ông Nhạ có vẻ hài lòng vì được đón rước long trọng nhưng ngược lại người dân thấy bị xúc phạm khi họ phải còng lưng trả biết bao nhiêu thứ tiền cho con mình được tới trường trong khi người đứng đầu ngành giáo dục tỏ ra vô cảm đối với những gì đã và đang xảy ra trong phạm vi ông quản lý.

Bên cạnh chiếc thảm đỏ ấy là hình cảnh những em bé tuổi từ 8 tới 10 được người dân chụp hình tung lên mạng cho thấy các em đứng khép nép trước hàng rào trường học nhìn vào bên trong, nơi những đứa bé cùng tuổi mình ăn mặc tươm tất ngồi nghe thầy cô giáo đọc danh sách khai giảng niên khóa mới. Chắc chắn các em rất buồn vì trên lưng các em đang chất đầy nỗi lo cơm áo. Tình trạng của các em không lạ đối với nhiều nước nhưng nếu nhìn xa hơn ắt sẽ thấy rất nhiều cái lạ khác trong ngày khai giảng.

Ngày khai giảng năm học 2019 – 2020. Ảnh: FB Việt Tân edit

Ít nhất có 5 bức ảnh mà cư dân mạng mang lên trang nhà của mình cho thấy những lớp học khốn khó cùng lúc khai giảng trong năm học mới. Trường học không có chỉ có một căn nhà lá rách nát và cô giáo đứng trước khoảng 15 tới 20 em học sinh trong khi các em ngồi chồm hổm trên nền đất vì không có bàn ghế để ngồi. Trước mặt các em là cờ đỏ, là căn chòi èo uột và cô giáo xanh mướt vì thiếu ăn. Những hình ảnh đau lòng này không phải cá biệt mà chừng như bất cứ một huyện miền núi nào cũng đều giống như nhau.

Theo Báo Tuổi trẻ ngày 6 tháng 9, 2019 đưa tin, trong buổi khai giảng năm học mới ở điểm trường Tắk Pổ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 6 em học sinh phải ngồi dưới nền đất vì không có ghế.

Với tư cách Bộ Trưởng Giáo Dục ông Phùng Xuân Nhạ làm sao trả lời thỏa đáng cho những hình ảnh quá khác biệt đối với những ngôi trường miền xuôi nơi ông và các lãnh đạo giáo dục cơ sở đang mãn nguyện với những hoành tráng có khả năng che lấp mọi tiêu cực phía sau nó? Ông không thể vịn vào bất cứ lý do nào để trốn tránh trách nhiệm vì những hình ảnh này không phải mới xảy ra mà hầu như được lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác bất kể ông có lên giọng thế nào chăng nữa.

Năm nay ông đưa ra ý tưởng: Năm học mới ưu tiên “dạy người”.

Khốn nạn cho ông, “dạy người” thì chính người dạy phải biết làm người đã, trong khi ngược lại bao nhiêu chuyện tồi tệ từ giáo viên dưới quyền ông tỏ ra thiếu tư cách làm người chứ chưa nói tới việc dạy cho học sinh những điều tốt đẹp.

Giáo viên nam thì can tội sách nhiễu tình dục với hàng chục nam sinh, giáo viên nữ thì nhục mạ học sinh bắt các em tát tai nhau hay bắt uống thau nước giặt giẻ chùi bảng… những hành động như thế không thể nói là cá biệt vì nó xảy ra tại nhiều địa bản khắp nước và cho tới bây giờ không phụ huynh nào chắc chắn rằng những vụ việc như vậy sẽ không còn xảy ra cho con em mình.

“Dạy người” thế nào được khi bản thân là bộ trưởng giáo dục ông không có bất cứ hành động nào khả dĩ giải thích được mối bận tâm của ông khi nhiều tỉnh phía Bắc mua điểm đến nỗi vụ việc vỡ ra và công an vào cuộc nhưng ông lặng thinh xem như chuyện của… thế giới khác chứ không phải xảy ra tại Việt Nam. Các học sinh khi lớn lên chúng sẽ lật những bài viết, những comment nói về chuyện này, như vậy xin hỏi ông “dạy người” là dạy thế nào?

Trước ngày khai giảng hơn một tuần, một vụ án xảy ra làm đau lòng không ít cho người nghe chuyện “5 học sinh thay nhau hãm hiếp một cô giáo bất kể cô van xin thế nào chúng cũng không tha”.

Báo Pháp Luật 24 thuật lại câu chuyện kinh hoàng này như sau: “Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc một giáo viên bị 5 học sinh khống chế và giở trò đồi bại.

5 nam sinh trên gồm: Lý Văn Hạnh, Bàn Văn Hùng (16 tuổi), Bàn Văn Sơn, Bàn Văn Dương, Bàn Văn Hiệu (15 tuổi) đều trú bản Suối Bon và đang học lớp 9 trường THCS Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Theo đó, vào đêm ngày 24 tháng Tam, nữ giáo viên trường Tiểu học Loóng Luông là Bùi N.H.(27 tuổi) đang ngồi soạn giáo án để ngày mai lên lớp dạy thì bất ngờ bị 5 nam sinh trên lao vào khống chế, giở trò đồi bại, mặc cho cô giáo khóc lóc van xin. Sau khi thỏa mãn dục vọng, những tên này đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Cô giáo H lập tức đến cơ quan chức năng tố cáo vụ việc.”

Có phải đây là kết quả của bao nhiêu năm ngành giáo dục đã tận hiến cho các em học sinh hay kết quả này đến từ lòng bất mãn vì thiếu quan tâm, vì bị kỳ thị hay xem thường đồng bào thiểu số khiến cho những thanh niên chưa kịp lớn đã kịp gây ra tội ác mà cô giáo dạy cho chúng trở thành nạn nhân?

Hay bài học do chính ông dạy các cô giáo thị xã Hồng Lĩnh nay đã ra kết quả đáng buồn này?

Người dân còn nhớ vào sáng ngày 14 tháng Mười Một, 2016 Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên tiếp khách, rót rượu là sai nguyên tắc của cán bộ và ảnh hưởng uy tín của ngành, tuy nhiên, mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã.

Chỉ cần một lần sảy miệng ông không thể tại vị cái nơi ông đáng ra phải có những lời nói khác.

Ông tiếp tục vung tay múa chân trong môi trường giáo dục tồi tệ và tiếp tục đưa ra những lời có cánh để mụ mị người dân, nhưng tiếc cho ông vì còn ai trong đất nước này còn tin vào lời ông nói nữa?

Cánh Cò