Trung Đông, vũng lầy của người Mỹ

Jackhammer Nguyễn - Báo Tiếng Dân|

Hơn 20 năm trước, tôi có dịp sống một thời gian ở vùng Cận Đông. Một anh bạn làm việc trong chính phủ một nước châu Phi nói với tôi: Cả vùng này chỉ có một tay chơi có thể chống lại được Do Thái, đó là Iran.
Một anh bạn khác người gốc Ý lai Ả Rập, hay đùa bằng cách trích lời Saddam Hussein: Thượng đế có ba sai lầm là tạo ra: Do Thái, Iran, và … ruồi. Anh bạn này vốn theo đạo Hồi phái Sunni, hay chỉ trích là giáo luật của nhóm Shiite bên Iran là khắc khe.
Khi những mẩu đối thoại với bạn bè này xảy ra thì cuộc chiến Iraq-Iran đã tàn, và hai bên đều bại, vì tổn thất nhân mạng, vật chất. Cuộc chiến là một hồi của bi kịch kéo dài hơn ngàn năm nay, bi kịch Hồi giáo Sunni-Shiite.

Ba cực vùng Trung Đông

Xung đột giữa hai giáo phái này, cộng với xung đột Do Thái – Ả Rập, càng làm cho bức tranh vùng Cận Đông trở nên rất phức tạp, và chưa hề yên tĩnh từ thế chiến thứ hai đến nay. Và hiện nay nổi lên ba cực rất rõ.
Thứ nhất là Do Thái bị vây bọc bởi các quốc gia Ả Rập thù địch, nhưng họ có đằng sau lưng mình sự ủng hộ tài chính và tinh thần hầu như vô điều kiện từ phương Tây, do mối quan hệ tài chính, tôn giáo trong các quốc gia này.
Thứ hai là Arab Saudi. Nước này xuất phát từ một bộ lạc nghèo khổ giữa sa mạc, nhờ lớp dầu hỏa dưới chân, trở thành thân cận với các thế lực dầu mỏ và tài chính phương Tây. Vương quốc này cổ súy một nhánh khác rất cực đoan của Hồi giáo Sunni là nhóm Wahhabi, với hình ảnh những phụ nữ cam chịu vận quần áo đen kín mít toàn thân. Điều quan trọng hơn là cả Mỹ và phương Tây đều lệ thuộc vào dầu mỏ của Saudi kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Thứ ba là Iran, quốc gia có lịch sử ngàn năm, giàu có về dầu mỏ và nhân lực. Song Iran cũng trải qua những thời kỳ cầm quyền chểnh mảng của triều đại Pahlavi. Rồi sau đó là thế lực thần quyền của Giáo chủ Khomeini. Tình trạng xã hội Iran được dễ thở hơn sau khi phái ôn hòa của Tổng thống Ruhani lên cầm quyền.

Mỹ đi hay ở?

Khi kỹ thuật ép đá phiến dầu được hoàn thiện ở Mỹ, và thật là may mắn rằng nước Mỹ sở hữu những dự trữ đá phiến dầu mênh mông, Mỹ bắt đầu không còn lệ thuộc vào dầu mỏ Saudi nữa. Cộng thêm với thái độ lá mặt lá trái của các hoàng tử Saudi, và nhất là sau vụ 11/9 với đại đa số các tay khủng bố là người Saudi, chính quyền Obama bắt đầu tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Saudi, nhìn nhận Tehran như là một đối trọng quyền lực bên kia vùng Vịnh Ba Tư.

Tất cả đã dẫn đến thỏa hiệp hạt nhân giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu một bên, còn bên kia là Iran. Thỏa hiệp này giúp bỏ cấm vận cho Iran, và nước này từ bỏ tham vọng quân sự hạt nhân. Thỏa thuận này không làm hài lòng hai đồng minh của Mỹ là Do Thái và Saudi.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, Hoàng tử Salman của Saudi tận dụng mọi quan hệ để giúp đỡ con rể của ứng cử viên Trump là Jared Kushner, một người gốc Do Thái. Mong chờ của Saudi và Do Thái trở thành sự thật khi Trump thắng cử với đường lối dân túy ve vuốt những bực dọc của giới thợ thuyền Mỹ. Jared Kushner trở thành người chỉ huy chính sách Trung Đông của Mỹ. Một người Do Thái bạn thân của Saudi.
Ngay tức khắc thỏa thuận hạt nhân 2015 bị xóa bỏ, mặc dù Tehran rất tuân thủ những qui định của hiệp định này.

Đối đầu leo thang dần cho đến đỉnh điểm là cuộc tấn công bằng máy bay tàng hình hạ sát tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ hai của Iran, khi ông này đang ở trên đất Iraq.
Thừa hưởng một gia sản can thiệp Iraq chưa ổn định của người Mỹ, Tổng thống Trump thường xuyên tuyên bố là Mỹ sẽ rút ra khỏi vùng Trung Đông đầy phiền toái. Nhưng mặt khác ông ta lại có những tuyên bố tréo ngoe, như là phải đến Iraq vì dầu mỏ, rồi quân đội Mỹ phải bảo vệ Saudi vì được trả tiền,…

Có lẽ là vì những trái khoáy đó, nên nhà phân tích David E. Sanger trong một bài viết đăng trên New York Times, ngay sau vụ không kích, đặt câu hỏi: Quyết định hạ sát tướng Soleimani có phải là một “quyết định” hay không.
Ngay trước vụ không kích, Tòa Đại sứ Mỹ đã bị một nhóm dân quân Shiite tấn công, mặc dù không vào tòa nhà chính. Trước đó ít lâu, Tòa Đại sứ Iran tại Iraq cũng bị nhóm Sunni tấn công. Chính quyền Iraq hiện nay là một chính quyền rất dễ đổ vỡ, kết nối lõng lẻo giữa một đa số Shiite và thiểu số Sunni, mặc dù cấu trúc của chính quyền này phản ánh khá đúng cấu trúc tôn giáo của đất nước này.

Trên thực tế khi ông Trump ra lệnh hạ sát tướng Soleimani, nước Mỹ đã tuyên chiến với Iran.


Tướng Soleimani: Người ngồi giửa hàng đầu

Dĩ nhiên Tehran sẽ trả đũa, nhưng bằng cách nào? Điều chắc chắn không phải là một cuộc đối đầu các quân binh chủng, mà là một cuộc chiến toàn diện, với một mạng lưới mà Soleiman đã dày công xây dựng trong mấy năm qua trên khắp vùng Trung Đông. Và đó cũng là lý do mà Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra để biện minh cho cuộc không kích, cho rằng, mạng lưới đó chống lại người Mỹ.

Các giới chức Iraq đã lên tiếng chỉ trích Mỹ. Khả năng Mỹ phải rút ra khỏi Iraq là hoàn toàn có thể. Sinh mạng của mấy ngàn người Mỹ hy sinh cho việc lật đổ Saddam Hussein trở nên con số Không. Và Trung Đông trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Nước Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Trung Đông? Hay rút đi? Ở lại với ai?

Vũng lầy Trung Đông chưa bao giờ lớn như thế.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco