Lũ lụt ở Trung Quốc có cuốn trôi triều đại Tập Cận Bình?

Nguyễn Thanh Văn|

Từ đầu tháng Sáu, 2020 đến nay tại các tỉnh miền Nam và miền Trung Trung Quốc đã hứng chịu những cơn mưa lớn đổ xuống kéo dài liên tiếp ngày này qua ngày khác khiến cho  27/31 Tỉnh Thành và Khu tự trị của nước này bị ngập chìm trong biển nước.

Theo Truyền hình Trung ương của nhà nước Trung Quốc (CCTV) thì mực nước của sông Dương Tử, sông Hoài, hồ Động Đình, hồ Bà Dương và Thái Hồ gần đây đã vượt quá mức cảnh báo. Tình hình lũ lụt ở Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang ở trong tình hình  nghiêm trọng. Đợt mưa lũ này đã làm ít nhất 150 người chết hoặc mất tích, hơn 1,7 triệu lượt người phải di dời khẩn cấp, gần 2,7 triệu hecta hoa màu bị tàn phá, 273.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng, gây ảnh hưởng tới đời sống của hơn 37 triệu người. Thiệt hại kinh tế cho tới thời điểm này ước tính lên tới gần 90 tỷ NDT (gần 10 tỷ USD).

Hàng năm Trung Quốc thường phải đối mặt với lũ lụt trong mùa Hè. Tuy nhiên thường thì chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần đến một tháng; nhưng trận mưa lũ năm nay đã gần 2 tháng mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Có nơi mưa liên tục trong 10 ngày, 20 ngày và có nơi mưa liên tục không ngừng, lượng mưa ở một số vùng bao gồm hầu hết các khu vực ở tỉnh Quảng Tây cùng các khu vực ở trung tâm và phía đông tỉnh Quảng Đông đã vượt 500 mm, Thậm chí có nơi lên đến 800mm, khiến cho mực nước ở 430 con sông đã vượt qua đường kiểm soát lũ lụt từ tháng 6, trong đó nước ở 33 con sông đã dâng cao tới mức kỷ lục trong lịch sử.
 
Đặc biệt là mực nước sông Dương Tử (Yangtse) hay còn gọi là Trường Giang dâng cao lạ thường và đe dọa đến khả năng tồn tại đập Tam Hiệp. Chính vì thế tình hình mưa lũ trên diện rộng năm nay ở Trung quốc đang được đánh giá là tồi tệ không kém so với 2 trận lũ lụt kinh hoàng nhất trong khoảng 70 năm trở lại đây. Lần thứ nhất vào hè năm 1954, ở dọc sông Dương Tử, khiến hơn 30.000 người chết, 18 triệu người bị ảnh hưởng. Lần thứ hai xảy ra vào năm 1998, cũng dọc theo sông Dương Tử nhưng ở phía Nam và Bắc Trung Quốc với hơn 2.000 người chết, 15 triệu người mất nhà và thiệt hại kinh tế lên tới 24 tỷ USD.
 
Vì sao Trung Quốc hứng chịu  lũ lụt nặng nề trong năm nay?
 
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, hiện tượng El-Nino,việc cải tạo đất đai của con người do nhu cầu phát triển đã khiến cho tình trạng lũ lụt càng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.
 
Theo chuyên gia Song Lianchun, một nhà khí tượng học nổi tiếng của Trung tâm khí tượng quốc gia Trung quốc cho rằng: “Hệ thống áp cao cận nhiệt đới ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay rất mạnh. Nó lại gặp không khí lạnh nên dẫn tới mưa xối xả, liên tiếp đổ xuống khu vực sông Dương Tử.”

Giáo sư David Shankman, Khoa Địa lý, Đại học Alabama, Hoa Kỳ, người có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về lũ lụt ở Trung Quốc, cho rằng hiện tượng El Nino diễn ra vào mùa đông làm thay đổi vị trí của đường ranh giới giữa khí lạnh khô ở miền bắc và khí ẩm nóng ở miền nam hay còn gọi là dải mây Mai Vũ, khiến nó "đứng" ở miền nam Trung Quốc, nơi có sông Dương Tử, gây ra lượng mưa rất lớn. Và cứ sau vài năm lại có mưa rất lớn vào mùa hè, thường xảy ra sau khi có El Nino mùa đông. Trong những năm khác, khi không có El Nino, Mai Vũ sẽ "đứng" ở vị trí khác.

Giáo sư Shankman cũng nói thêm rằng hiện tượng Mai Vũ năm nay không phải là vấn đề với Việt Nam và lũ lụt ở Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam. Trận lũ năm nay là ở sông Dương Tử, chảy từ phía tây sang phía đông Trung Quốc và đổ ra cửa biển tại Thượng Hải, không đi qua Việt Nam.

Về bài học kiểm soát lũ, Giáo sư Shankman cho rằng lũ là hiện tượng tự nhiên của các dòng sông, khi không thể ngăn chặn được lũ, con người cần học cách sống chung và cần có nơi để sơ tán vào mùa lũ.

Sau trận lũ lụt năm 1998, ở Trung Quốc các hồ chứa được xây dựng trên các con sông lớn, trong đó có hồ chứa đập Tam Hiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sức ép lũ ở hạ nguồn sông Dương Tử.
Tuy nhiên theo ông Fan Xiao, nhà địa chất thuộc Cục địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên cho hay, việc cải tạo đất và xây dựng đập ở gần các con sông cũng như bùn cát ứ đọng, tích tụ do các vụ sạt lở từ thượng lưu sông Dương Tử đến khu vực đập Tam Hiệp trong nhiều thập niên qua đã làm thu hẹp diện tích và thể tích của nhiều hồ khiến khả năng giữ nước lũ bị sụt giảm rất đáng kể. Điển hình như bề mặt hồ Bà Dương tại tỉnh Giang Tây, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc thông ra sông Dương Tử bị giảm từ 5.160km2 xuống còn 3.086 km2 như hiện nay.

Đập Tam Hiệp có nguy cơ vỡ hay không?

Đập thủy điện Tam Hiệp nằm chặn ngang dòng sông Dương Tử ở phía Tây thành phố Nghi Xương, Tỉnh Hồ Bắc và nằm cách thành phố Thượng Hải, bên bờ biển Hoa Đông khoảng 1.200km.

Đập Tam Hiệp là công trình thủy điện lớn nhất Trung Quốc và thế giới. Nó là niềm tự hào và được mệnh danh là thành đồng vách sắt của Trung cộng, được khởi công xây dựng vào năm 1994 dưới thời Giang Trạch Dân làm Tổng bí thư và Lý Bằng làm Thủ tướng và được hoàn thành vào năm 2006. Khả năng của nó có thể tạo ra 22.500 megawatt điện và trở thành đập thủy điện có năng suất cao nhất thế giới.

Ngoài mục tiêu giải quyết nhu cầu điện năng cho 60 triệu người dân Trung Quốc tại nhiều thành phố, con đập còn được tính toán ngăn lũ lụt định kỳ chung quanh lưu vực sông Dương Tử là làm giảm thiểu sức mạnh của dòng chảy. Trung cộng từng tuyên bố đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn lũ lụt vạn năm. Tuy nhiên theo quan điểm của nhà khoa học bê tông Trung Quốc Lưu Tôn Hy (Liuchong Xi), người đã nghiên cứu chuyên sâu về tuổi thọ của đập bê tông trong và ngoài nước, cho rằng tuổi thọ của đập Tam Hiệp là 500 năm hay 1000 năm là sai lầm; tuổi thọ của những con đập bê tông mà ông nghiên cứu ở Nhật Bản thường chỉ được 100 năm, còn tuổi thọ của các đập bê tông ở Trung Quốc chỉ là 50 năm.

Khi mưa lớn dai dẳng từ đầu tháng Sáu đến nay khiến mực nước của các con sông, đặc biệt là lưu vực sông Dương Tử dâng cao vượt mức báo động, gây ngập lụt nghiêm trọng ở 27 tỉnh, thành Trung Quốc thì giới chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng, liệu các con đập khổng lồ có kiểm soát lũ hiệu quả hay không, và con đập gây tranh cãi Tam Hiệp một lần nữa rơi vào tâm điểm luận bàn gây sự chú ý của dư luận.

Theo chuyên gia địa chất Fan Xiao thì con đập này có thể phần nào chặn dòng lũ, nhưng nó lại không hiệu quả trong việc kiểm soát nước lũ ở trung và hạ nguồn sông Dương Tử.

Còn theo ông Peter Gleick, chuyên gia khí tượng thủy văn và là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, thì không có con đập nào, dù nó lớn đến đâu có thể ngăn chặn được những trận lũ lụt tồi tệ nhất. Nguy cơ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu do loài người gây nên đang làm tăng nguy cơ xảy ra các trận mưa lớn và lũ lụt. Điều này càng khiến các con đập như Tam Hiệp không còn hữu hiệu trong việc ngăn các trận lũ tồi tệ xảy ra trong tương lai.

Mùa hè năm 2019, sau khi xuất hiện hình ảnh vệ tinh cho thấy thân đập có vẻ bị lõm do sức ép của nước, thì những lo ngại về đập Tam Hiệp bắt đầu xôn xao từ dư luận. Nhưng giới chức lãnh đạo tại Bắc Kinh khẳng định con đập vẫn an toàn. Thế nên trận mưa lũ kỷ lục giáng xuống miền nam Trung Quốc từ tháng Sáu cho tới nay là thử thách lớn cho đập Tam Hiệp.


Đập Tam Hiệp trước đây (trái) và hiện nay (phải) được cho là bị biến dạng bởi sức ép của nước.

Do tình trạng mưa kéo dài với sức nước cực đại là 53.000 mét khối mỗi giây nên vào lúc 2 giờ chiều ngày2 tháng Bảy vừa qua, đập Tam Hiệp buộc phải mở 3 cổng xả lũ. Đến ngày 17 tháng Bảy mở 5 cổng, và thậm chí đã mở 6 cổng xả lũ vào ngày 19 tháng Bảy, tuy nhiên mực nước trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp vẫn tiếp tục tăng hơn 8 m trong ba ngày, đã đạt tới 164,51 m và chỉ cách mực nước tối đa 175 m chưa tới 10,50 m. Liền sau đó theo dự báo của Cục Thủy văn sông Dương Tử, một trận lũ lớn đang hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử, và lưu lượng đỉnh sẽ đạt tới 70.000 m3/s và dự kiến ​​đỉnh lũ mới sẽ đến hồ chứa Tam Hiệp vào khoảng ngày 21/7.

Để đối phó với đợt lũ lớn hơn sắp tới và tự bảo vệ mình, vào ngày 20 tháng Bảy, đập Tam Hiệp đã mở 7 cổng để xả lũ hết công suất khiến tình hình lũ lụt tại các tỉnh hạ nguồn thêm trầm trọng. Người dân phải chịu cảnh lũ chồng lũ và thành phố Vũ Hán với hơn 11 triệu dân sinh sống, là trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa và giáo dục của miền Trung Trung Quốc phải đối mặt với áp lực lũ lớn.
Trong lúc đó, truyền thông Trung quốc nói rằng 2 tỉnh Giang Tây và An Huy đã “hy sinh“ để bảo vệ đập Tam Hiệp và thành phố Vũ Hán bằng cách giới chức 2 tỉnh này ra lệnh phá đập chắn cho nước tràn vào vùng thấp của hai nơi này hầu giảm bớt lượng nước và sức nước khi cơn lũ đến Vũ Hán. Người dân nêu lên câu hỏi, nếu thời tiết với lượng mưa lớn tiếp tục trút xuống, thì có bao nhiêu thành phố, quận và làng sẽ trở thành đối tượng của sự ‘hy sinh’ nữa.

Trước đây hồ chứa nước đập Tam Hiệp đã được ví von như một quả bom nước khổng lồ treo lơ lửng và chực nổ trên đầu hàng trăm triệu người dân ở hạ nguồn sông Dương Tử. Một số chuyên gia đã thiết kế thử nghiệm mô phỏng trường hợp đập Tam Hiệp bị vỡ để xem hậu quả sẽ ra sao. Thử nghiệm cho thấy nếu Tam Hiệp bị vỡ thì 40 tỉ khối nước tràn xuống thì ngay lập tức sẽ biến Nghi Xương, Hồ Bắc thành bình địa với khoảng 700.000 người thiệt hại. Và ngay sau đó sẽ là tình trạng lở đất nghiêm trọng và sẽ khiến cho 6 tỉnh hạ lưu sông Dương Tử trở thành đầm lầy, hàng trăm triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Hiện nay tại hạ lưu sông Dương Tử có khoảng từ 400 đến 600 triệu người sinh sống , trong đó có các vùng thịnh vượng nhất như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải… Nếu đập Tam Hiệp vỡ thì hậu quả xảy ra ngoài sức tưởng tưởng. Tổn thất về người và kinh tế là không thể kể siết.

Theo các chuyên gia Trung quốc thì dòng lũ từ thượng nguồn đáng lo ngại hơn rất nhiều so với lượng nước tràn ra do vỡ đập. Nước từ thượng nguồn sông Dương Tử tràn về sẽ san bằng nhiều tỉnh thành ở hạ nguồn, thiệt hại về tài sản và sinh mạng người dân thì không thể đong đếm.

Ông Phí Lương Dũng, Nhà vật lý học hạt nhân nhận định: Nếu như con đập này sụp đổ, thì toàn bộ những vùng đất trù phú phì nhiêu nhất của Trung quốc coi như kết thúc. khi con đập này sụp đổ thì tốc độ nước chảy sẽ cực kỳ nhanh, có thể đạt tới 180 km/h, trực tiếp đổ dồn xuống hạ lưu, trong vòng 20 phút đã có thể đánh vỡ đập Cát Châu, trong vòng 2 giờ sẽ gây ngập lụt lớn ở Vũ Hán. Tuy nhiên vì lượng nước quá lớn, nhiều địa phương sẽ bị nhấn chìm, trong đó các khu vực phát triển nhất hạ lưu sông Dương Tử như Vũ Hán, Cửu Giang, Nam Kinh, Thượng Hải đều chịu ảnh hưởng. 

Cũng theo ông Phí Lương Dũng thì lực lượng quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là bộ đội dự bị có khoảng 40% được đưa về tập trung tại tại các khu vực này. Như vậy nếu như đập Tam Hiệp sụp đổ, thì chẳng phải toàn bộ kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng đều chịu tổn thất vô cùng nghiêm trọng.

Đây là điều mà Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Cộng không dám nghĩ tới.

Đập Tam Hiệp được xem như tử huyệt của Trung quốc, một khi con đập bị vỡ thì nó sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng và nước Trung Cộng.

Nói cách khác, trận Hồng thủy hiện nay liệu có cuốn trôi triều đại Tập Cận Bình?

Tham khảo:
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/dap-tam-hiep-mo-7-cua-xa-lu-de-tu-bao-ve-bat-chap-lu-o-ha-luu-54477.html
https://vnexpress.net/chuyen-gia-my-de-dieu-cua-trung-quoc-lam-tram-trong-lu-lut-4132638.html
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/tai-sao-lu-lut-o-trung-quoc-nam-nay-rat-nghiem-trong-659016.html
https://viettimes.vn/vi-sao-lu-lut-nam-nay-o-trung-quoc-dac-biet-nghiem-trong-488159.html