Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có một ứng viên tự ứng cử công khai mình đồng tính

Nguyễn Hoàng - RFA|

Ứng cử viên Lương Thế Huy vừa tạo ra một chấn động (không biết lớn hay nhỏ, nhưng thực sự là chấn động) trong tiến trình bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội ở Việt Nam. Ông là người Sài Gòn, hiện đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội, giữ cương vị lãnh đạo tổ chức phi chính phủ iSEE chuyên về hỗ trợ các cộng đồng thiểu số.

Chấn động là vì Lương Thế Huy công khai mình là người đồng tính nam, và là người tự ứng cử duy nhất HĐND TP Hà Nội đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách ứng cử.

Còn ở cấp đại biểu Quốc hội, trong cả nước, có 9 người tự ứng cử.

Những cái tên còn lại là ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân), ông Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam). Hai người này ở Hà Nội. TP.HCM có bà Ung Thị Xuân Hương (Phó ban nghiên cứu và đào tạo, Hội luật gia Việt Nam) và, ông Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM). Cần Thơ có 1 người là ông Nguyễn Thiện Thức (Giám đốc điều hành Trung tâm dạy nghề Thành Phúc); Bắc Kạn có 1 người là ông Nguyễn Kim Hùng (Quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam); Nam Định có một người là bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam); Sóc Trăng có một người là ông Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng).

Trừ bốn người là bà Ung Thị Xuân Hương, ông Nguyễn Thiện Thức, ông Nguyễn Kim Hùng, ông Trần Khắc Tâm và bà Khương Thị Mai ít xuất hiện trên truyền thông, những người còn lại đều có lai lịch lẫy lừng trong sự nghiệp của họ và rất quen mặt trên truyền thông. Trong đó có đến 3 người hiện là đại biểu Quốc hội đương nhiệm (ông Cường, ông Trí, ông Nghĩa) và một người là đại biểu Quốc hội của khóa 13, cách đây 2 khóa.

Khả năng trúng cử của Lương Thế Huy ra sao khi được xếp cùng toàn những bậc cha chú cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm chính trường như thế kia?
Đầu tiên, thế mạnh của Lương Thế Huy là “lạ”.

Lạ nhất, dĩ nhiên là điểm công khai bản thân là người đồng tính.
Với tỷ lệ người LGBTQI+ chiếm đến  0,06-0,15% dân số (theo một nghiên cứu của tổ chức CARE)… trong dân số Việt Nam, có thể nói  trong bất cứ tổ chức lớn nào đều có mặt người LGBTQI+. Nhưng đó là LGBTQI+ ngầm, những người hoàn toàn không công khai xu hướng tính dục hay bản dạng giới, hoặc chỉ công khai với một số người rất hạn chế. Do vậy, sự có mặt của họ trong các tổ chức dân cử không mang ý nghĩa là tiếng nói bảo vệ quyền lợi của một cộng đồng thiểu số.
Việt Nam có thể được xem là một trong những nước có sự tiến bộ về nhận thức xã hội rất mau chóng đối với LGBT. So với cách đây một thập niên, xã hội đã hiểu biết, cởi mở và chấp nhận các cộng đồng thiểu số này hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có những quyền con người cơ bản của người LGBT vẫn chưa được công nhận như quyền kết hôn đồng giới và quyền được luật pháp công nhận là người chuyển giới.
Chỉ khi được bảo hộ bằng nền tảng pháp luật thì người LGBT mới được bình đẳng hơn nữa về cơ hội học hành, việc làm, kết hôn, có con cái và thừa kế tài sản..v.v, giảm bớt sự kỳ thị.

Một đại biểu dân cử khẳng định một trong những kế hoạch hành động xuyên suốt của mình sẽ là trung gian tốt nhất để giúp phe kỳ thị và phe bị kỳ thị ngày càng hiểu rõ nhau hơn, qua đó thúc đẩy việc ra đời của các bộ luật kể trên, hay các bộ luật tương tự để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT.

 

Điểm mạnh thứ hai của Lương Thế Huy gồm một loạt các yếu tố khác: trẻ, ngoài Đảng, trên đại học, làm việc ở ngoài cả khối nhà nước lẫn doanh nghiệp, có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.

“Trẻ” (dưới 40 tuổi) và “ngoài Đảng” là hai yếu tố để xác định tỷ lệ đại biểu trong các tổ chức dân cử . Các yếu tố cơ cấu đáng kể còn lại là phụ nữ/ khối dân doanh/dân tộc thiểu số…

Các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh phải đạt được các tỷ lệ cơ cấu ấn định như trên. Ví dụ, tỷ lệ người ngoài Đảng được mong muốn ở 5%-10% (tức khoảng 25-50 đại biểu); tỷ lệ đại biểu trong hai cấp HĐND và Quốc hội là phụ nữ ít nhất 35%; tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18%; trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 10% (50 người)…
Ở nhiệm kỳ trước, tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng thấp hơn cơ cấu, nên được yêu cầu phải nâng lên trong nhiệm kỳ này.

Lương Thế Huy đạt được cả hai điều các tổ chức dân cử này đang cần. Thắng lợi đầu tiên của ông -l à người duy nhất ở Hà Nội đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách ứng cử HĐND thành phố có thể là một dấu hiệu khẳng định điều này.

Về chuyên môn để đảm trách công việc của một đại biểu dân cử, Lương Thế Huy cũng rất mạnh: là thạc sĩ luật tốt nghiệp ở Mỹ, nhiều năm hoạt động cộng đồng trong vai trò nghiên cứu và thúc đẩy xã hội, có kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế, là đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra tại Thuỵ Sĩ và là một trong 30 gương mặt của Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2016.

Rất nhiều người trẻ (bên ngoài cộng đồng LGBT) đã được truyền cảm hứng nhờ hành động này. Họ hy vọng vào một thành viên có các tố chất rất đương đại, gần gũi với họ, để có thể mang tiếng nói của thế hệ mình vào quốc hội. Trang cá nhân trên mạng Facebook của Lương Thế Huy có rất nhiều lời chia sẻ của giới trẻ kêu gọi bạn bè và gia đình ủng hộ ông.

Nhưng, thế mạnh của Huy đồng thời cũng bị xem là điểm yếu trong mắt một số người.
Rất  buồn cười là sự chỉ trích đồng thời đến từ những người trong phe “cờ đỏ” lẫn “cờ vàng”
“Cờ vàng” căn cứ vào mức đồng thuận tuyệt đối 100% của ông ở hai vòng hiệp thương ở nơi cư trú và nơi công tác, cùng với độ đồng thuận cao ở vòng hiệp thương thứ 3 (Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội), để nghi ngờ ông là “hạt giống đỏ”, “đồng chí này là con đồng chí kia”, “được bố trí cho tự ứng cử”, được cài cắm vào để nối dõi và “nói những điều được phân công nói” chứ chẳng làm được cái qué gì lợi dân lợi nước.
Một số người thuộc phe “Cờ đỏ” nhíu mày trước cái lý lịch tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Mỹ và một số quan điểm phản biện chính sách và xã hội mà ông Huy từng viết trên trang cá nhân. Họ lấy cả việc ông Huy từng tự xưng nhí nhảnh với bạn bè là “bé Wii”, hay việc ông làm TikTok hướng dẫn việc các cặp đôi yêu nhau (hay có thỏa thuận với nhau) về việc gửi ảnh “nóng” của nhau sao cho an toàn… để kết luận ông có vấn đề về đạo đức.

Không thấy “cờ” nào chỉ ra các điểm tồi tệ, yếu kém của ông Huy trong chuyên môn hay đời tư. Tất cả chỉ là suy diễn và quy kết chụp mũ!

Theo dõi phản ứng xã hội, cho đến nay đại đa số dư  luận đều bảo vệ Lương Thế Huy và hào hứng trước nhân tố mới này. Mạng lưới xã hội của Lương Thế Huy rất rộng: các thành viên LGBT đã trở thành những gương mặt chủ chốt trong các nhóm hoạt động cộng đồng và gia đình của họ, các tổ chức phi chính phủ, đồng môn trường luật và các nhà báo cấp tiến… Họ đều ủng hộ ông và đều rất hy vọng vào kết quả bầu cử.

Tuy nhiên quan điểm bầu cử tại Việt Nam không giống như ở Mỹ. Mặc dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ứng cử viên và hứa hẹn sẽ là thành viên chất lượng thuộc vào hạng nhất nếu trúng cử, nhưng Lương Thế Huy cũng có thể rớt đài, mà không biết vì sao. “Bọn xấu” hay xì xầm rằng cần gì phải đi bầu cử, vì ai đậu ai rớt đều được ấn định trước hết rồi.

Nhưng, cho dù kết quả cuối cùng là gì và điều gì sẽ xảy ra, tiến trình ứng cử của Lương Thế Huy sẽ rất đáng để theo dõi và bàn luận trong mùa bầu cử này ở Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/first-time-a-national-assembly-...