Liên tiếp các vụ đình công, Công đoàn Nhà nước yếu kém hay vô trách nhiệm?

Ảnh Các vụ đình công liên tiếp sau Tết Nguyên đán 2022 

RFA

Từ sau vụ đình công ở công ty Việt Glory, hàng loạt cuộc đình công ở các xí nghiệp khác đã diễn ra nhằm đòi hỏi các quyền lợi về lương thưởng của người lao động. Báo chí nhà nước đưa tin dẫn nguồn từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết từ trước và sau Tết Nguyên đán 2022, đã xảy ra 28 cuộc đình công tập thể. Nhà hoạt động công đoàn nhận xét vụ việc này cho thấy sự bất lực và yếu kém của Liên đoàn lao động Việt Nam.

Hàng loạt vụ đình công sau Tết

Khoảng 5.000 công nhân công ty Viet Glory ở Nghệ An vào ngày 7/2 đồng loạt ngưng làm việc trong một tuần, yêu cầu được tăng lương cơ bản và các khoản trợ cấp. Đến 14/2, người lao động đã đạt được mục đích, công ty Viet Glory đồng ý tăng 6% mức lương cơ bản, bổ sung tiền thâm niên, tăng một số khoản phụ cấp khác như tiền xăng xe, tiền ăn và phụ cấp con nhỏ.

Sau đó, một số cuộc đình công khác nổ ra tại các công ty khác. Công nhân bỏ việc đòi hỏi quyền lợi ở các tỉnh khu vực miền Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh và ở Bắc bộ như  Bắc Ninh…

Cụ thể như vụ Công ty TNHH EM - Tech Việt Nam, thành phố Vinh, Nghệ An, khoảng 500 công nhân bỏ việc tập thể từ chiều ngày 15/2, phản đối công ty tăng lương cơ bản không đồng đều, yêu cầu tăng phụ cấp. Một công nhân tên L, nói với RFA rằng:

“Em bây giờ muốn là nếu không lên lương thì cũng cho tụi em mt lý do như thế nào thôi. Còn đây là không có một lý do nào luôn.

Chưa giải quyết nhưng bây giờ công việc bắt buộc cũng phải làm, chứ nếu không thì bị đuổi việc.”

Đến ngày 16/2, công nhân đã đi làm lại sau khi ban lãnh đạo công ty hứa sẽ nêu kiến nghị của công nhân lên tổng công ty bên Hàn Quốc.

Cũng tại Nghệ An, sau giờ nghỉ trưa ngày 15/2, hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An không vào xưởng làm việc. Họ tập trung trong sân công ty yêu cầu xem xét lại chế độ lương thưởng không công bằng giữa các bộ phận khác nhau, yêu cầu tăng phụ cấp xăng xe, không trừ các khoản phụ cấp trong tháng một cách vô lý, không trừ tiền nghỉ phép vào tiền thưởng tháng 13…

Ở Hà Tĩnh, cũng trong chiều ngày 15/2, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH Haivina, ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, đã tập trung tại trụ sở công ty để yêu cầu công ty này điều chỉnh mức lương. Chị H, làm việc tại đây cho biết:

“Lương quá thấp mà nếu không có những khoản phụ cấp khác thì lấy gì mà tiêu. Ở bên này khoảng gần bảy triệu nếu làm trên bảy năm, tùy thuộc vào thâm niên làm việc.”

Tại Bắc Ninh, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Cresyn Hà Nội đặt tại Cụm Công nghiệp Đông Thọ, huyện Yên Phong đình công đòi tăng lương và giải quyết các chế độ phúc lợi khác từ ngày 14/2.

Theo mạng báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Công ty đã đồng ý đáp ứng một số yêu cầu như tăng tiền ăn từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng/bữa, cơi nới nhà để xe. Các vấn đề quan trọng khác như tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp lương, tiền thưởng ngày lễ Tết ..., công ty sẽ bàn lại và trả lời cho người lao động vào ngày 25/2.

Công nhân Viet Glory đình công ở Nghệ An hồi đầu tháng 2/2022. Hình: Công An Nhân Dân

Hiệu ứng domino?

Trong các hội nhóm Facebook của cộng đồng người ở Nghệ An, Hà Tĩnh… nhiều ý kiến cho rằng sự kiện xảy ra ở Viet Glory đã tạo hiệu ứng domino, dẫn tới các vụ đình công tiếp theo trong những ngày qua.

Facebooker Oanh Chinh bình luận “Team áo hồng (đồng phục công ty Viet Glory - PV) mở hàng đắt quá!”

Tài khoản tên Hoàng Văn Hùng đặt câu hỏi “Lại đến lượt các chiến binh nón xanh (đồng phục công ty Nam Thuận, Nghệ An - PV) à! 

Một công nhân khác tên Duyên, thuộc công ty Haivina Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, ghi “Áo hồng Nghệ An gọi, Áo đen (đồng phục công ty Haivina - PV) Hà Tĩnh trả lời!”

Chị H, công nhân Haivina cho rằng các vụ đình công xảy ra đồng loạt là vì năm nay các công ty đều không, hoặc ít tăng lương như mọi năm. Công nhân các công ty khác thấy Viet Glory đòi được quyền lợi nên cũng có bị tác động:

“Chắc cũng có phần nào đó ảnh hưởng. Mọi năm cứ vào đầu năm là được tăng lương cơ bản, nhưng năm nay nghe nói dch bệnh nên không có công ty nào lên lượng cả, chỉ có đáp ứng một số yêu cầu chứ không phải đáp ứng hết.”

Theo chị L, vụ đình công ở Viet Glory được nhiều người ủng hộ nên cũng tạo động lực cho những nơi khác mạnh dạn lên tiếng, nhưng không có sự liên hệ tổ chức đình giữa các công ty:

“Em cùng nghĩ như vậy nhưng tự công nhân đứng ra làm vậy chứ có liên hệ gì với nhau đâu.”

 

Doanh nghiệp nói gì?

Lý do mà hầu hết các công ty đưa ra để từ chối tăng lương cho công nhân là lương cơ bản mà công ty trả đã cao hơn mức lương cơ bản theo quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu phân chia theo vùng. Còn về tiền phụ cấp thì tuỳ thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp.

Trong một đoạn video do công nhân công ty Haivina đăng tải trên Facebook, ghi lại nội dung ban lãnh đạo công ty này phát biểu với công nhân đang đình công rằng:

“Thứ nhất, phía công ty đã nói rõ ràng rồi, đề nghị mọi người trở về vị trí làm việc của mình. Thứ Hai, viết kiến nghị gởi lên. Thứ ba, công ty sẽ có trách nhiệm trả lời.

Nếu trường hợp công ty đã chấp nhận tuân thủ tất cả những quy trình liên quan đến kiến nghị của người lao động mà anh chị em không tuân thủ thì bắt đầu từ sau phút này, công ty sẽ đóng cửa nhà máy.”

Các công nhân nói với RFA rằng mức lương theo luật định là quá thấp. Cả tháng làm tăng ca liên tục, không vi phạm lỗi gì mới được khoảng hơn sáu triệu. Trong khi vật giá các hàng hoá, mặt hàng nhu yếu phẩm thì cũng ngang ngửa ở thành phố. Như vậy là không thể đủ sống:

“Đình công để tăng lương nhưng năm nay dịch giã gì đó không lên lương, lương thấp quá. Tụi em làm đêm thì tháng khoảng bảy triệu, giờ nhiều khoản lắm, làm sao mà đủ được.” - chị L nói.

Theo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng năm 2022 do Chính phủ ban hành quy định, mức lương tối thiểu sẽ được chia theo bốn cấp độ. Trong đó, cao nhất là vùng một với bốn triệu hai trăm ngàn đồng, giảm dần xuống đến thấp nhất là khoảng ba triệu ở vùng bốn.

Các công ty đóng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh thuộc vùng ba, nên công nhân chỉ nhận được ba triệu tư/tháng, chưa tính tiền phụ cấp.

Đình công hàng loạt, Công đoàn vẫn được khen thưởng

Riêng ở Nghệ An, chỉ trong vòng hai tuần từ sau tết Nguyên đán đã xảy ra ít nhất ba vụ người lao động đình công.

Dù vậy, tập thể Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An vẫn được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ hồi giữa tháng một, và được tặng Huân chương Lao động với thành tích “đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực sáng tạo trong tổ chức hoạt động, tích cực, đạt nhiều kết quả, thành tích xuất sắc”.

Công nhân tên H nói làm việc cho công ty Haivina đã nhiều năm, tháng nào cũng đóng tiền công đoàn, nhưng công đoàn luôn đứng về phía doanh nghiệp thay vì phải bênh vực lợi ích của người lao động:

“Đợt đình công vừa rồi công đoàn tỉnh cũng có về thương lượng với công ty nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Công đoàn công ty thì hầu như họ đứng về phía công ty thôi.

Thì cứ nói cho qua chuyện chứ công đoàn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Không biết công ty khác như thế nào chứ công ty này thì công đoàn có như không.”

Trả lời mạng báo Zing về tình hình liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói đã tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn; đồng thời rà soát nhằm có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.

Trách nhiệm của Công đoàn Nhà nước trong các vụ đình công

Ông Bùi Thiện Tri, Chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) trả lời RFA qua email về trách nhiệm của Công đoàn Nhà nước khi xảy ra các cuộc đình công, biểu tình tập thể của công nhân rằng:

“Tuyệt đại đa số các cuộc đình công ở Việt Nam từ trước đến nay đều là tự phát, chứ không phải được lãnh đạo bởi các cấp Công đoàn (tức đại diện của Tổng Lao động Lao động Việt Nam tại cơ sở).

Điều này cho thấy sự mờ nhạt trong vai trò đại diện cho quyền lợi người lao động ở cơ sở của Công đoàn Nhà nước cũng như sự vô trách nhiệm ca cấp lãnh đạo Công đoàn Nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm của mình tới nơi tới chốn, trong khi họ vẫn nhận tiền lương từ sự đóng góp của công nhân.

Việc công nhân đình công tự phát cho thấy sự bất lực của Công đoàn Nhà nước trong việc đại diện cho người lao động khi đối thoại, đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Chỉ đến khi đình công xảy ra thì Công đoàn cấp trên cơ sở (cấp huyện, tỉnh) mới vào cuộc như là một bên trung gian hoà giải, cùng với công an, chính quyền giải quyết xung đột. Mục đích của họ là làm sao để cho người lao động trở lại làm việc càng sớm càng tốt, đó là kiểu làm việc giải quyết tình thế.

Để xảy ra đình công thì họ cũng viện lý do là công đoàn cơ sở còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, đặc biệt ở một vài doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở còn chưa được thành lập nên người lao động cũng không biết bấu víu vào đâu.

Trong khi đó Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về việc thành lập Tổ chức đại diện người lao động ở doanh nghiệp (ngoài tổ chức công đoàn nhà nước) đã có hiệu lực từ 01/01/2021 nhưng đến nay vẫn phải chưa có các văn bản dưới luật hay các nghị định hướng dẫn nên người lao động cũng chưa được tự thành lập tổ chức đại diện cho mình.