Thỏa thuận của cường quốc và bài học cho Việt Nam

 
Nguyen Ngoc Chu

I. ÔNG PUTIN ĐÃ BIẾN THOẢ THUẬN BUDAPEST 05/12/1994 VỀ UKRAINE THÀNH GIẤY LỘN

Ngày 05/12/1994 tại Budapest, 3 nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, đã ký Bản ghi nhớ với Ukraine về Đảm bảo an ninh cho Ukraine để Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân.
 
Ukraine lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả 3 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraine sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1700 đầu đạn hạt nhân.
 
Điều khoản đầu tiên của thoả thuận Budapest 05/12/1994 là:
1. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, trong sự phù hợp với các nguyên tắc của Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine.
 
Điều khoản thứ 2 là:
2. Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế trước đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ, hoặc theo cách khác theo Hiến chương của Liên hợp quốc.
 
Nhưng bất chấp cam kết “tôn trọng nền độc lập và chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine”, “không sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine”, “không một vũ khí nào của họ sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraine, ngoại trừ để tự vệ”, tháng 2 năm 2014 ông Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine và sát nhập vào Nga, tháng 2 năm 2022 ông Putin ký sắc lệnh công nhận 2 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donestk và Lugansk là những “quốc gia độc lập”, và đưa quân vào Donbass. Thoả thu Budapest ký ngày 05/12/1994 về đảm bảo an ninh cho Ukraine, tôn trọng chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine, với LB Nga tham gia ký kết, đã bị chính đương kim tổng thống Nga Putin biến thành những tờ giấy lộn.

TS Nguyễn Ngọc Chu 

Bài viết có nhiều phần.  đây là phần đầu tiên.

***

Đúng 28 năm trước, bản ghi nhớ Budapest đã được ký kết: Ukraine đã mất vủ khí hạt nhân ra sao

Từ trái Boris Yelsin, Bill Clinton

Cách đây đúng 28 năm, vào ngày 5 tháng 12 năm 1994, Bản ghi nhớ Budapest đã được ký kết – đó là một thỏa thuận quốc tế về quy chế phi hạt nhân hóa của Ukraina.

Đặt chữ ký vào bản ghi nhớ là các nhà lãnh đạo Ukraina, Mỹ, Nga và Anh. Tờ OBOZREVATEL cho biết bản chất của tài liệu là gì và tại sao các ý kiến ​​về nó lại trái ngược nhau.

Nội dung của Bản ghi nhớ Budapest

Vào ngày 5 tháng 12 năm 1994, tại hội nghị thượng đỉnh OSCE ở Budapest, một văn kiện đã được ký kết về đảm bảo an ninh để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân của Ukraina. Trong văn kiện đó nói rằng để đổi lấy cam kết của Kyiv từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, thì Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Đấy, Bản ghi nhớ Budapest được cho là nhằm đảm bảo rằng vũ khí của các nước này sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại Ukraina, ngoại trừ mục đích tự vệ hoặc theo bất kỳ cách nào khác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

 Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân

Vài tuần trước khi các bên ký kết bản ghi nhớ, vào ngày 16 tháng 11 năm 1994, Ukraina đã gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Để bồi thường, Ukraina đã nhận được khoảng 500 triệu đô la theo “Chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe doạ”. Cũng như đã đưa ra đề xuất dự kiến ​​rằng Nga sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina với giá 160 triệu USD.

Kết quả của tất cả các thỏa thuận được ký kết, Ukraina đã mất kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới về sức mạnh và số lượng đầu đạn. Nước này đã tự nguyện trao cho Nga đầu đạn và tên lửa hành trình, rồi cho nổ các hầm chứa vũ khí liên lục địa và loại bỏ các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu95MS. Việc đưa hết vũ khí hạt nhân sang một quốc gia láng giềng được hoàn thành vào tháng 6/1996.

Tại sao Bản ghi nhớ Budapest vẫn gây tranh cãi cho đến ngày nay

Bất chấp thực tế rằng Nga là một trong những nước ký kết Bản ghi nhớ Budapest, vào ngày 1 tháng 3 năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin đã khởi xướng việc đưa quân vào Ukraina, kết quả là Liên bang Nga đã sáp nhập bán đảo Crưm của Ukraina.

Đây là lý do mới để cáo buộc chính quyền Ukraina, đặc biệt là Tổng thống đầu tiên của nước này là ông Leonid Kravchuk, phản bội lợi ích quốc gia bằng cách từ bỏ tiềm năng hạt nhân của mình.

Trong khi đó, có một quan điểm khác, những người ủng hộ gọi việc giải trừ hạt nhân Ukraina là một biện pháp bắt buộc là: vào năm 1994, nhà nước không có đủ phương tiện vật chất và kỹ thuật để duy trì đầy đủ tên lửa hành trình và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nga quan tâm đến việc giải giáp sớm Ukraina. Theo hồi ức của những người tham gia đối thoại chính trị vào thời điểm đó, trong trường hợp Ukraina từ chối giao nộp vũ khí thì sẽ bị đe dọa cô lập quốc tế.

Một lý do khác dẫn đến việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân là do Sở chỉ huy trung tâm để điều hành vũ khí chiến lược này được đặt tại Nga nên chính quyền Ukraina không thể tác động đến các vụ phóng tên lửa. Ngoài ra, sau thảm họa Chernobyl ở Ukraina, đã có nhiều bàn tán sôi nổi về mối đe dọa của một thảm họa toàn cầu trong trường hợp bảo tồn vũ khí nguyên tử.

Theo Leonid Kravchuk, vào thời điểm đó có khoảng 46 đầu đạn hạt nhân nhiên liệu rắn trên lãnh thổ của Ukraina, số còn lại là nhiên liệu lỏng.

“Nhiên liệu lỏng trong tên lửa còn khủng khiếp hơn vũ khí hạt nhân. Các nhà hóa học nói với tôi rằng lạy trời, nó tràn vào một nơi nào đó trên lãnh thổ, thì đất đai sẽ không canh tác trong hàng chục năm, hoặc thậm chí hơn”, ông tổng thống thứ nhất của Ukraina nói vào tháng 5 năm 2020 trong một cuộc phỏng vấn với Ales Batsman. Theo ông Kravchuk, nhìn chung, sau khi ký Bản ghi nhớ Budapest, Ukraina đã thiệt hại khoảng 250 tỷ USD.

Như OBOZREVATEL đã đưa tin trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba đã đặt tên một giải pháp thay thế cho Bản ghi nhớ Budapest. Ông cũng hứa rằng bộ của ông sẽ thực hiện một loạt các biện pháp để bảo vệ Ukraina khỏi các mối đe dọa mới.

Nguyễn Vinh (Theo Obozrevatel)