Anh Hùng 4T cũng đặt câu hỏi: “Tại sao người Việt Nam chúng ta không nghĩ rằng có nhiều Steve Job Việt Nam?”

Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn: Infonet

Đoàn Bảo Châu|

Trước hết phải công nhận rằng bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có tinh thần lạc quan, thích nói những lời tích cực, có cánh. Là cấp trên, việc động viên khuyến khích những doanh nghiệp, tài năng của đất nước là tốt nhưng sẽ có giá trị hơn nữa nếu anh Hùng biết chỉ ra bằng cách nào mà người Việt Nam “có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm” hay tạo ra được nhiều Steve Job Việt Nam.

Việc ấy mới là khó, bởi nó cần trí tuệ và kiến thức thực sự còn thao thao những lời có cánh, những niềm tin không cơ sở, hay thể hiện sự lạc quan tếu thì ai cũng làm được. Hơn nữa, vấn đề ở đây là anh Hùng lặp lại quá nhiều kiểu phát biểu này. Thú thật là những kiểu phát biểu ấy nó không khai sáng hay đóng góp chút gì cho xã hội cả.

Có mấy điều tôi cần nói không phải chỉ cho anh Hùng được rõ mà để công luận nhìn ra vấn đề:

1. Muốn thành công, con người ta phải biết mình đang ở đâu. Biết mình kém để mình nỗ lực, cần cù học hỏi và lao động. Anh Hùng cứ tin, cứ nghĩ những điều bay bổng là quyền của anh, nhưng nghe nhiều chán lắm anh. Tôi cũng muốn tin là Việt Nam có thể mà thế giới chưa từng làm, nhưng phải là một quá trình học hỏi, phát triển chứ không phải theo kiểu Thánh Gióng. Một đất nước như Mỹ có tới 335 người đoạt giải Nobel, 540 tỉ phú, 5300 trường cao đẳng, đại học và Mỹ là nơi có hơn một triệu học sinh ngoại quốc tới học, có hơn một triệu bác sỹ, có chừng 5,5 triệu tiến sỹ.

Mà tiến sỹ ở Mỹ họ có trình độ thật sự, mỗi khi đưa ra ý kiến họ đều nghiên cứu kĩ, có trách nhiệm với xã hội chứ không theo kiểu "dân gian" như tiến sỹ "lu" của chúng ta đâu. Vậy nếu ta muốn làm được cái gì thế giới chưa từng làm thì ít ra chúng ta cũng phải có vài cái giải Nobel trước đã. Tôi tin ở tố chất con người Việt Nam, nhưng làm được điều anh nói hay không còn tuỳ thuộc vào một yếu tố vô cùng quan trọng là hệ thống giáo dục.

2. Một hệ thống giáo dục tốt là một hệ thống khai mở trí tuệ, động viên và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Hơn nữa, nó còn củng cố hệ thống giá trị trong nhận thức của học sinh. Còn nền giáo dục Việt Nam bây giờ là một nền giáo dục hình thức, đạo đức giả và hời hợt. Giáo dục không phải để học sinh có lý tưởng gì cao đẹp, cống hiến đất nước mà chỉ cốt để kiếm tiền, ấm thân. Chẳng thế mà các trường công an, quân đội luôn được coi trọng. Sự thấp hèn trong nhận thức của con người Việt Nam nó thể hiện ở chính điều ấy.

Hầu hết đều là học sinh giỏi, xuất sắc nhưng bước ra đường là ngu ngơ, chẳng hề quan tâm tới những vấn đề xã hội, hỏi gì cũng không biết. Thậm chí giáo viên cũng vậy. Một việc tày trời như việc kẻ thù đang quần thảo ở Bãi Tư Chính, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà cả thầy và trò cũng còn không để ý và chẳng biết gì. Đấy không phải chỉ là lỗi của họ mà còn là lỗi của hệ thống lớn hơn là hệ thống chính trị, xã hội.

3. Một hệ thống không cho phép tự do ngôn luận, không động viên con người quan tâm tới chính trị, chính quyền tự cho phép mình được độc quyền yêu nước. Người dân bức xúc với sự xâm lược của kẻ thù, muốn xuống đường biểu tình cũng không được. Ai kêu gọi biểu tình phản đối kẻ thù là có thể bị quy chụp là phản động, là thế lực thù địch ngay.

Đừng nghĩ là tôi dài dòng. Nói tới những vấn đề như của anh Hùng bộ trưởng nêu ra là phải nhìn ở nhiều góc độ và nhìn sâu vào căn nguyên. Nhìn để khắc phục. Cái nhìn thẳng thắn giống như thuốc kháng sinh, như một cuộc đại phẫu để nhìn bệnh ở đâu rồi còn xử lý, còn anh Hùng bộ trưởng thì giống như kiểu bác sỹ khi điều trị ung thư thì chỉ xoa xoa ngoài da của bệnh nhân rồi bảo: Tôi tin là sẽ khỏi thôi, thậm chí còn trở thành lực sỹ ấy chứ!

Người dân có quyền trông mong vào lãnh đạo những phát ngôn khai sáng, có đóng góp cho xã hội thực sự chứ không phải mấy câu à ơi vô bổ thế này anh Hùng ạ.