30-4: Nhìn vượt qua một ước mơ tan vỡ

Ai về bên kia sông Đuống Cho ta gởi tấm the đen Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm) Có ai trong chúng ta còn nhớ giấc mộng thanh bình và quê hương sông Đuống của Hoàng Cầm? Gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, ước mơ về một quê hương thanh bình, ấm no, hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay của người dân cả hai miền. Những ngày hội hoa đăng với áo the, guốc mộc và nụ cười như mùa thu toả nắng của cô hàng xén vẫn cứ mãi là giấc mơ của Hoàng Cầm. Thi sĩ mất năm 2010, còn chúng ta sau chiến tranh non nửa thế kỷ vẫn đứng mãi bên bờ sông mà nhớ tiếc! Khi ước mơ tan vỡ, nó phải được nhận biết để khởi đầu cho một hy vọng mới. Một cuộc chiến với quá nhiều hy sinh để đổi lấy một đất nước nghèo khó, phân hoá, băng hoại về mọi mặt thì phải can đảm nhìn nhận rằng cuộc chiến đó vô nghĩa, tiêu phí xương máu dân tộc. Ngày 30 tháng 4 lại đến, thành phố lại treo đầy cờ hoa để mừng chiến thắng, nhưng có lẽ điều cần thiết phải nhớ là ước vọng của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến này. Máu xương của họ không đổ ra cho một ngày hoà bình nhưng lại đầy tiếng rên xiết của dân oan, một đất nước tham nhũng tràn lan, và một tổ quốc đang mất dần từng phần vào tay ngoại bang. Xin nhớ đến họ để những ước vọng, hoài bão của họ được tiếp tục sống nơi chúng ta, và chúng ta sẽ can đảm nhận diện mình để bắt đầu từ một điểm khởi hành mới.   Ông Võ Văn Kiệt đã phát biểu một câu phản ảnh sự hối hận cuối đời: “ngày 30 tháng 4 có triệu người vui, cũng có triệu người buồn”. Trong triệu người buồn, đâu chỉ có riêng người dân miền Nam; có nhà văn Dương Thu Hương ngỡ ngàng ngồi khóc bên lề đường khi thấy phần đất nước Miền Nam văn minh trù phú; có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đau đớn khi cánh cửa tự do của miền Nam vừa đóng sập tức tưởi. Trong triệu người vui, lại cũng có cả những người Miền Nam - trong nỗi buồn của kẻ thua cuộc, vẫn dấy lên niềm hy vọng cho quê hương: “… Dù sao cũng hết chiến tranh rồi. Chủ nghĩa nào cũng vậy miễn dân mình được sống trong hoà bình để bắt đầu dựng xây lại cuộc đời.”   Cứ mỗi năm khi ngày 30/4 đến, nó lại nhắc chúng ta cái ước mơ cháy bỏng của cả một dân tộc. Ngoài một thiểu số cố tình lợi dụng, cuộc chiến khốc liệt với tất cả những hy sinh của người dân hai miền đều phát xuất từ tấm lòng thiết tha với tiền đồ của tổ quốc. Dù bên nào thắng hay thua thì đều chẳng còn ý nghĩa gì khi mà gần 40 năm sau biến cố 30/4, rõ ràng cả dân tộc Việt Nam đã thua lớn! Ngày 30/4 phải là một mốc điểm để nhìn lại xem chúng ta đã mất những gì? Sài Gòn 1975 Chúng ta đã mất một miền Nam trù phú và phát triển. Chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1970 đã có lời kêu gọi cả 2 miền hãy ngừng chiến tranh và thi đua phát triển. Giả thử lời kêu gọi đó được đón nhận và thực hiện, có xác suất cao là Nam Việt ngày nay đã vượt trội Nam Hàn. Ngay tại thời điểm 1975, Nam Việt đã hơn hẳn Nam Hàn trong khá nhiều lãnh vực. Cụ thể trong ngành sản xuất, lắp ráp xe hơi thì xe LaDalat của ta đã đi trước Hyundai từ 5 đến 10 năm. Các ngành nuôi gia súc kỹ nghệ, sản xuất trồng cây trái kỹ nghệ, rồi kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ hàng tiêu dùng từ giấy viết cho đến kem đánh răng Perlon, bột ngọt Vị Hương Tố, bia 33, v.v … đều đang trên đà phát triển. Về hạ tầng kinh tế ta đã có các hãng xuất nhập cảng tư nhân, các hãng vận chuyển đường bộ và đường biển, rồi các ngân hàng tư nhân bên cạnh các ngân hàng quốc gia, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp… Về hệ thống chính trị, pháp luật và các quyền con người đã khá đầy đủ và vận hành đúng nghĩa trong xã hội. Từ các cuộc bầu cử đến tam quyền phân lập, các quyền tự do báo chí, tự do đi lại, tự do lập hội… được tôn trọng. Quyền công dân được quy định rõ ràng, cụ thể như cảnh sát không được quyền giữ dân quá 24 tiếng nếu không tìm được bằng cớ phạm tội, v.v... Chính quyền miền Nam tin rằng việc cải cách ruộng đất là chiến lược quan trọng để tăng cao sản xuất nông nghiệp. Chính sách Người Cày Có Ruộng được ban hành vào năm 1970, trao quyền sở hữu đất vào tay nông dân, đã giúp cải thiện đáng kể đời sống nông thôn nói riêng, và cả nước nói chung. Về giáo dục, hệ thống giảng dạy và giáo dục miền Nam đã đạt mức hữu hiệu và uy tín đủ để các đại học quốc tế công nhận các bằng cấp tương đương. Điều đáng nhấn mạnh là tất cả những thành quả trên đã đạt được, dù đất nước đang trong thời chiến tranh gay gắt. Nghĩa là một phần thành quả đáng kể đã bị chiến tranh phá nát. Cụ thể như những cây cầu xây cả năm trời nhưng chỉ dùng được vài tháng đã bị đặc công Miền Bắc đặt mìn phá hủy,... Từ góc nhìn của cả dân tộc, thật đáng tiếc nuối khi mọi thành quả đầy mồ hôi nước mắt đó đã bị đạp đổ, san bằng hoàn toàn để "xây dựng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa". Cho đến nay dù đã gần 40 năm sống trong hòa bình, cả nước vẫn chưa phục hồi lại nổi lãnh vực nào cho bằng với Miền Nam thời 1975, chứ đừng nói gì đến việc bắt kịp thế giới đã tiến ồ ạt suốt từ ấy đến nay. Nhưng cái mất đớn đau nhất vẫn là những mất mát biển đảo và những phần đất xương thịt của quê hương mà có thể là vĩnh viễn. Bên cạnh đó, cái mất nguy hiểm hơn nữa là sự biến mất gần hết niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc. Mọi người con dân Việt nay được huấn luyện thuần thục để chỉ tập trung lo cho mình và gia đình mình; còn mọi chuyện khác hãy để cho lãnh đạo muốn làm gì thì làm. Ai cũng biết nguyên nhân của tất cả các mất mát và hiểm họa nêu trên đến từ đâu, nhắc lại cũng bằng thừa. Nhưng chính sự xem là thừa đó lại làm chúng ta quen dần và xem tình trạng hiện nay là "bình thường". Chúng ta như những người đi lạc, run sợ, thoái thác trước mọi suy tư và quyết định, để mặc cho một nhóm tham quan và những biến cố bên ngoài quyết định chuyện đất nước mình. Ngày hôm qua chỉ là cái bóng, nhưng nếu không đặt thành vấn đề và tính đến chuyện đổi thay tình trạng hiện nay, liệu năm, mười năm nữa chúng ta còn quyết định được gì không? Nhiều người đã trăn trở với câu hỏi đó và đã chọn lựa. Họ phải sống vì xương máu của các thế hệ cha ông đã đổ ra để gìn giữ đất nước này, họ dấn thân để tương lai các thế hệ Việt Nam không phải sống trên "đất Tàu". Họ là những Điếu Cày, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn Quang A, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đan Quế, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Nghĩa, và nhiều nhiều người can đảm khác nữa. Và ngay lúc này giữa thủ đô Hoa Thịnh Đốn là sự lên tiếng của những luật sư Nguyễn Đình Hà, nghệ sĩ Kim Chi, ký giả Ngô Nhật Đăng, blogger Tô Oanh, phóng viên Anthony Lê, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, những người đã vượt nhiều trắc trở đến Mỹ để vận động cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam. Khi được hỏi liệu khi trở về nước, gặp khó khăn với nhà cầm quyền thì anh cảm thấy thế nào, người bạn trẻ Nguyễn Đình Hà đã trả lời: “Em không hề lo sợ, nếu lo sợ thì đã không đặt chân đến nước Mỹ. Còn khi về nước thì bất chấp mọi khó khăn, em vẫn quyết vì một VN tốt đẹp hơn”. Những ước mơ tươi đẹp đó xứng đáng là những ước vọng của tất cả chúng ta, đặc biệt trong ngày 30/4 năm nay. Xin hãy tìm tay nhau, cùng can đảm bước tới. Những dân tộc khác đã khởi hành từ lâu.
......

Căn bệnh sợ ’chính trị’ của người Việt

Người Việt lâu nay vốn sợ chính trị. Nói chuyện với bạn bè trên FB, mình vẫn hay bắt gặp những câu đại loại như: "Thôi, nói chuyện khác đi, đụng tới ba cái chính trị nhức đầu lắm" hoặc "Rảnh quá ha, để thời gian đó làm chuyện khác có ích hơn...". Các trang Web giải trí bao giờ cũng đông lượng truy cập hơn hẳn các trang chính trị. Các ngôi sao ca nhạc, hài kịch biếng ăn, cảm cúm... hoặc tậu nhà, mua xe là có hàng vạn người theo dõi, nhưng diễn biến chính trị của đất nước thì rất ít người quan tâm. Thế nhưng đây là đặc điểm của các nước có nền dân trí thấp. Ngày xưa các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn hay than vãn về sự vô tâm của dân mình. Ngày nay nhiều người vẫn hay tỏ vẻ thương hại trước sự ngu ngơ, khờ dại của dân Bắc Hàn, nhưng đâu biết rằng dân các nước phát triển nhìn mình cũng thế. Họ cũng nghĩ dân Việt Nam quá tội nghiệp, chẳng biết gì đến quyền của mình. Chính trị là một khái niệm dễ gây dị ứng. Nó được hiểu như là một lĩnh vực khô khan, gây nhức đầu, chóng mặt, bất an... Không chỉ người lao động kiêng nói chính trị mà ngay cả giới trí thức cũng tránh xa nó như tránh hủi. Nói chính trị, làm chính trị, tham vọng chính trị... luôn được dùng với hàm ý mỉa mai. Nó dường như là độc quyền của giới lãnh đạo và người dân chỉ được biết đến chính trị khi nào Đảng cần biến các nghị quyết của Đảng thành "hành động cách mạng". Thực chất chính trị gần gũi với người dân như cơm ăn nước uống hàng ngày. Chỉ có điều họ không nhận thức được điều này. "Giá xăng, giá điện,giá sữa...tăng liên tục là do đâu?" Chính là do độc quyền kinh tế. Phanh phui vấn nạn này sẽ lòi ra các nhóm lợi ích. Là một vấn đề chính trị. Cuối tháng nghe con cái xin tiền đóng học phí, bảo hiểm, quỹ lớp, sách giáo khoa, học thêm... Là vấn đề thuộc về ngân sách dành cho giáo dục. Cũng chính trị. Vào bệnh viện bị chặt chém không thương tiếc tiền khám chữa bệnh...Lỗi cơ chế. Cũng chính trị. Thế nhưng con người ta chỉ cảm thấy hơi thở của chính trị nóng rực bên tai mỗi khi có việc động chạm đến cửa quan. Chầu chực chờ đợi, bị khất hẹn lần lửa, bị lừa phỉnh, mất tiền vì nạn hối lộ tham ô... lúc đó họ mới thấy mình dại, chẳng biết gì về chính trị, về cách thức tổ chức của bộ máy nhà nước để ai nói sao nghe vậy, chẳng khác một con lừa. Nói đến "dân chủ" người Việt chỉ biết đến một khái niệm mơ hồ là người dân làm chủ đất nước mình. Người ta không biết biểu hiện cụ thể của nó như thế nào. Cũng như người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn... đâu biết đến cuộc sống tiện nghi nên chỉ một "nắm xôi" đôi khi cũng đủ để thỏa mãn. Họ đâu biết là nếu nước có dân chủ thực sự, họ sẽ tận hưởng được nhiều cái sung sướng như thế nào. Trước tiên là lá phiếu của họ có thể quyết định đến các ông tai to mặt lớn mà họ vẫn nghĩ là đang nắm quyền sinh sát vận mệnh của họ. Nếu như dân các nước phát triển bằng mọi cách phải gởi cho được lá phiếu mình đi thì người Việt lại mang tư tưởng: "Không có mợ, chợ vẫn đông", việc mình có hay không tham gia bầu cử cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sinh mệnh đất nước.   Dân chủ sẽ thúc đẩy kinh tế tạo ra thặng dư khiến phúc lợi xã hội lớn. Con cái họ đến trường sẽ được thầy cô giáo dục chu đáo. Vào bệnh viện, các bác sĩ sẽ săn đón, lễ phép chứ không đụng một chút là chửi như tát nước vào mặt. Ra đường gặp anh CA cũng được chào hỏi, thưa gửi đàng hoàng chứ không phải là thái độ hách dịch, lỗ mãng... Về già họ cũng sẽ được chăm lo đầy đủ về vật chất, sức khỏe chứ không phải bị bỏ mặc cho đến ngày ra nghĩa trang hoặc lò thiêu.   Quyền con người là một trong những quyền căn bản được phổ cập toàn thế giới nhưng rất ít người Việt hiểu và biết bảo vệ quyền của mình. Rốt cuộc thì không chỉ người lao động mà ngay cả giới trí thức vẫn bị các cơ quan công quyền chèn ép. Thế nhưng họ vẫn thờ ơ với các vụ việc vi phạm nhân quyền như CA đánh chết dân, tòa án xử oan người vô tội... Bởi họ nghĩ đơn thuần rằng những việc ấy còn lâu mới liên quan đến họ. Vậy nên có một nhà báo nữ than vãn rằng, viết về nhân quyền rất mất công nhưng lượng người đọc rất ít. Phần đông vẫn nghĩ rằng đó là một vấn đề xa xôi chẳng thiết thân chút nào. Chỉ đến khi ngay chính bản thân mình hoặc gia đình mình bị vi phạm trầm trọng họ mới kêu cứu và gặp phải sự ghẻ lạnh của dư luận lúc đó mới thấm thía sự vô tình của mình. Người Việt hải ngoại quan tâm đến các vấn đề chính trị trong nước không phải như ý kiến thô thiển của một số dư luận viên thường bôi nhọ: "mong muốn một ngày về nước cai trị trên đầu trên cổ người dân". Nó đơn thuần cũng giống như người dân Bắc Triều Tiên sống ở nước ngoài thấy cái cách của Kim Jong Un trị nước mà tức mình không thể không lên tiếng. Họ hoàn toàn không có ý định chấp chính và cũng không vì tương lai của các thế hệ mai sau của mình. Họ chỉ đơn giản là "Người trong một nước phải thương nhau cùng". Chỉ có người Việt ở nước ngoài mới thấy rõ "nhà dột từ nóc như thế nào" bởi vì họ đang sống trong những nóc nhà vững chãi. Do vậy những bài viết của họ trên FB không phải vì những tham vọng chính trị và cũng chẳng phải vì họ quá rảnh. Mỗi bài viết thường lấy đi rất nhiều thời gian quý báu của họ mà thời gian ở các nước công nghiệp luôn luôn được đong đếm bằng tiền. Thế nhưng họ vẫn viết vẫn nói, những bài viết đôi lúc thấm đẫm nước mắt. Chỉ vì họ không muốn đồng bào mình mãi mãi làm kiếp con lừa. Ấy vậy mà họ vẫn nhận được cái thái độ nghi kỵ từ chính bạn bè mình trong nước. Nhiều người vẫn luôn quan niệm "Gặp thời thế ,thế thời phải thế để biện hộ cho thái độ 'ngậm miệng ăn tiền'". Không những thế họ còn lên tiếng công kích những người có tiếng nói phản biện mạnh mẽ. Mặc dù những tiếng nói ấy có tác động rất tích cực vào chuyển biến xã hội mà ngay chính họ cũng được hưởng lợi. Dù không nói ra nhưng thâm tâm mình hơi buồn với loại người này. Bởi vì nhiều khi vì sự an toàn bản thân, một cái like trên FB cũng chẳng dám click vào tức là họ đã đẩy sự nguy hiểm cho người khác, đẩy người khác vào chốn lao tù. Trong khi với nhận thức của một kẻ có học họ không thể không biết nguồn gốc của các vấn đề xã hội phát xuất từ đâu. Như vậy, chừng nào người Việt vẫn sợ chính trị, vẫn chưa biết quyền của mình thì chừng đó họ vẫn còn bị đè đầu, cưỡi cổ, lá phiếu của họ vẫn chẳng hơn gì một tấm giấy đi vệ sinh. Họ vẫn để những ông nghị như Hoàng Hữu Phước làm đại diện cho họ, vẫn để những bà bộ trưởng như Nguyễn Thị Kim Tiến nắm trong tay vấn đề sức khỏe của họ. Cũng chỉ vì họ chưa biết rằng ngòi bút đôi khi sắc hơn lưỡi kiếm. Và mọi chính thể độc tài đều rất sợ tiếng nói chính trị của người dân. Không ai có thể cởi trói cho mình bằng chính mình. Nhưng suy cho cùng không phải ai cũng hiểu được điều này. Bởi nếu không thế nước đã chẳng phải HÈN như bây giờ. Dương Hoài Linh   nguồn: https://www.facebook.com/linh.duong.
......

Cờ đỏ lại bay, hay sự hồi sinh của Liên Xô

Tôi đã mất nhiều bạn bè người Nga. Tôi không thể chịu nổi sự phấn khích trong mắt họ khi nhắc tới vụ “gia nhập” hay “sáp nhập”, hay bọn Ukraine “sắp đói nhăn răng, rồi sẽ tự ngửa tay xin hợp nhất với Nga cho mà xem”. Ở Moskva, người ta đắc chí thuê thợ Ukraine làm những công việc hạ đẳng nhất. Một phong trào yêu nước rầm rộ bùng phát. Không nhà hàng nào còn sâm-panh Krym nữa, tất cả đã dốc cạn để ăn mừng chiến thắng. Chỗ nào cũng thấy nói rằng không gánh vác sứ mệnh đặc tuyển do Chúa, không bá đạo thì chúng ta không còn là dân tộc Nga. Trai tráng chen nhau đến các ủy ban tuyển quân xin tự nguyện nhập ngũ, để cho “bè lũ Bandera”[1] phen này biết tay. Tôi ngạc nhiên vì Gorbachev. Đến ông ấy cũng bị cuốn vào làn sóng dân tộc chủ nghĩa và phát biểu rằng lẽ ra phải đưa Krym về cố hương từ lâu. Rằng công lí của lịch sử vậy là đã được khôi phục. Cơn cuồng loạn bài phương Tây nổi lên khắp nơi, nên cả ông ấy cũng thôi không nói về con đường châu Âu, về hợp tác với châu Âu, về những giá trị phổ quát. Ai không hân hoan, đích thị là một kẻ thù của nhân dân. Là thuộc về đội quân thứ năm, là đứng trong hàng ngũ hắc ám phục vụ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vốn từ vựng thời Stalin đã hoàn toàn sống lại: bọn Nga gian, bọn phản bội, bọn nối giáo cho bè lũ phát xít. Khác duy nhất ở một điểm: bây giờ những kẻ Stalinist theo chính giáo. Trong một buổi liên hoan cơ quan ở Kaluga, một nhân viên ngân hàng đã giết một đồng nghiệp. Chỉ vì cãi nhau về Ukraine. Bị ghét nhất bây giờ là những người cổ xúy cho tự do. Những năm đáng nguyền rủa của thập niên chín mươi là lỗi tại họ, sự tiêu vong của đế chế Nga là lỗi tại họ. Bây giờ nhân dân đòi tịch thu nhà cửa của họ, tống họ vào tù, đem họ ra xử tử. Cái nhân dân của một dân tộc được Chúa Trời đặc tuyển! Truyền hình trình ra những kẻ thù của nhân dân. Chẳng hạn ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Andrey Makarevich, phải đè cổ ông này ra mà tước hết các giải thưởng và cả Huân chương Vì Tổ quốc. Nhà sử học Andrey Zubov thì phải bị đuổi khỏi Viện Quan hệ Quốc tế (quyết định đó may thay đã bị hủy). Những người đó đã bôi xấu đất nước. Ai không theo ta, đích thị là chống ta. Đã bắt đầu có những lời kêu gọi ngừng mua vũ khí từ Hoa Kỳ. Để đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một hình nộm Obama bị đem ra đốt ở thành phố Ufa. Tôi đã trò chuyện với hàng chục người. Không ai lo ngại các biện pháp đó, không ai sợ “Bức màn sắt”. Người ta nhắc nhở nhau rằng thời Xô-viết mình cũng từng sống cô lập với thế giới rồi mà. Có sao đâu? Bù vào đó, bây giờ cuộc sống có một ý nghĩa: giúp những người anh em Ukraine, cái đó quan trọng hơn là khúc xúc xích trong tủ lạnh. Cảm giác như đất nước này đang sống trong thời chiến rất rõ. Tất cả đều háo hức có thêm chiến thắng. “Bao giờ thì đến lượt Alaska?” Bật ti vi lên mà thấy ghê người. Trên truyền hình, người ta dọa biến nước Mỹ thành một nhúm tro nguyên tử và tính toán khả năng chiếm đóng toàn bộ châu Âu. Phần còn lại của nước Nga, những người có lí trí bình thường, thì nín thinh. Chỉ cần ho he một tiếng là có thể bị tố giác, thậm chí bị tống giam. Một người quen kể cho tôi nghe chuyện con gái mình vừa đến một trường đại học nhận việc. Cô ấy dạy môn toán. Đầu tiên người ta muốn biết quan điểm của cô về vấn đề Krym. Cô nói: “Tôi không ủng hộ chính sách Krym của Nga. Nga đã hiếu chiến và vi phạm luật quốc tế.” “À, tức là cô muốn Mỹ cũng kích động một cuộc cách mạng mầu ở nước ta chứ gì!” Rồi không lâu nữa, người ta sẽ vặn hỏi, vì sao ai đó không chọn Sochi mà lại đi nghỉ ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ? Sao không chọn nhạc Nga mà lại nghe nhạc ngoại quốc? Không, không phải Krym, cái chúng tôi được nhận lại là Liên bang Xô-viết. Ngôn ngữ bạo lực thấm đẫm toàn bộ cuộc sống. Mỗi sáng bật computer lên và tin tức hôm nào cũng thế: người Nga đang đến, người Nga đã vùng lên. Nơi nào cũng thế, khi bạo lực lại trở thành lí tưởng thì sẽ có một kẻ như Karadžić dễ dàng thuyết phục người ta rằng súng máy có thể làm việc thiện. Cờ đỏ lại bay, con người đỏ lại xuất hiện. Tất cả đều sống hơn hớn. Putin đã nỗ lực mười lăm năm cho công cuộc ấy. Ngày lại ngày, truyền hình thổi cho những ý tưởng Xô-viết sống lại. Thế mà chúng tôi đã tưởng những thứ ấy chết hẳn rồi. Nước Nga tỏ rõ là không có khả năng tiếp nhận những giá trị phương Tây và Thiên chúa giáo phương Tây. Nhà thờ rao giảng rằng: “Chúng áp đặt cho ta một mô hình phát triển xa lạ, khiến ta đánh mất tâm linh mình.” Tôi hỏi một linh mục, bản chất tâm linh của người Nga chúng ta là gì. Ông ta đáp: “Tập trung tất cả bọn đồng tính về một chỗ rồi đem ra bắn tuốt!” Ngoài ra, phải tập hợp mọi người Nga vào một thiết chế nhà nước quân chủ. Bây giờ chúng ta đã mạnh trở lại và đủ sức bảo vệ người của chúng ta ở Baltic hay ở Tajikistan. Nước Nga đi về đâu? Thay vì cải cách, chúng ta chọn chiến tranh. Nỗi khát thu hồi lãnh thổ xưa có thể khiến hàng triệu con người mất trí. Mà đó là những con người biết nghĩ, mới hôm qua còn mơ ước một nước Nga mang tinh thần châu Âu. Hôm nay họ đã đồng thanh tuyên bố: “Vì Krym, chúng ta tha thứ cho Putin tất cả!”. Sách báo của nhà thờ chính giáo gọi Putin là Thánh, hoàn toàn nghiêm túc. Té ra ở kiếp trước ông ta chính là Vương công Vladimir, người đã làm phép rửa tội cho nước Nga. Có tin đồn rằng dầu một dược rỏ ra từ thánh tượng Putin ở một số nhà thờ. Một vị thánh! Người ban phát phép màu! Sống khắc khổ như một nhà tu. Không vợ, bởi ông ta đã kết hôn với nước Nga. Nhà thờ, đó không chỉ là kinh, nến và thánh tượng. Nhà thờ ở Nga là một trong những lực lượng hậu bị của tổng tư lệnh quân đội. Truyền thông bị thanh lọc theo luật của thời chiến. Mọi nguồn thông tin độc lập, cho phép một cái nhìn khác, bị triệt tiêu. Mỗi phát ngôn chân thực đều bị đánh đồng với một lời kêu gọi lật đổ chế độ. Những trang mạng không vừa ý bị chặn. Mới đây, tổng biên tập của Lenta, cổng thông tin lớn nhất, bị mất chức. Bốn mươi thành viên khác trong ban biên tập cũng từ chức để phản đối. Chỗ trống ở các cơ quan truyền thông bị thanh lọc được Putin lấp đầy bằng những người lãnh đạo trung thành với Điện Kreml và bằng nền báo chí của riêng ông ta, do ông ta dựng nên. Trên mạng đầy những sáng kiến để tồn tại. Ở đó, kinh nghiệm thời Xô-viết cũng tỏ ra đắc dụng. Tôi cũng phòng trước và ghi lại sẵn vài công thức Xô-viết: làm thân với những bà già hay ngồi trước cửa nhà, hay với tài xế taxi, họ là mạng lưới thông tin hữu hiệu. In truyền đơn (mọi người đều đi mua máy quét và máy in), tham gia một câu lạc bộ – chẳng hạn một hội thể thao hay cờ vua – để mở rộng diện giao lưu. Facebook và Twitter cũng còn chưa bị chặn. Và tin nhắn đi động cũng là một cách truyền thông tin tốt.   __________ Svetlana Alexievich (1948), nhà văn Bạch Nga, hiện sống tại Minsk, nổi tiếng từ tác phẩm Chiến tranh không mang bộ mặt đàn bà (1983). Tác phẩm gần đây nhất: Thời Second-hand (2013). Tháng 10 năm ngoái, bà được trao Giải Hòa bình của Hiệp hội Sách Đức.   Nguồn: FAZ 15-4-2014 Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra -------------------------------------------------------------------------------- [1] Stepan Bandera (1909-1959): Nhà chính trị dân tộc chủ nghĩa Ukraine, bị mật vụ Xô-viết (KGB) ám sát tại Đức. Đảng dân tộc chủ nghĩa Svoboda hiện nay tại Ukraine lấy Bandara làm điểm tựa tư tưởng. http://www.procontra.asia/?p=4208  
......

„Chiến tranh là thất bại lớn nhất của nhân loại“

„Chiến tranh là thất bại lớn nhất của nhân loại“ (Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II)   * Tưởng niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 2014) *Tưởng niệm 39 năm ngày Quốc Hận Việt-Nam 30.4.1975 *Tưởng niệm 20 năm biến cố Diệt Chủng sắc dân Tutsi bởi sắc dân Hutu tại Ruanda / Châu-Phi (tháng tư 1994) *Con số nạn nhân trong Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 1918): 7.874.330 (1) Con số nạn nhân trong chiến tranh tại Việt Nam (1954 – 1975): Khoảng 950.000 lính Bắc Việt, 200.000 lính VNCH và 58.000 quân Hoa Kỳ chết trong chiến tranh, 164.000 thường dân miền Nam bị thủ tiêu bởi Cộng Sản. 100.000 lính miền Nam và viên chức bị xử tử sau 1975. 2,5 tri ệu người vào các trại tù cải tạo, trong đó có khoảng 165.000 người mất mạng và hàng ngàn người khác đã bị tổn thương sọ não lâu dài và bị các vấn đề tâm thần do hậu quả của tra tấn. Hơn 1 triệu người vượt biên bằng đường bộ và đường thủy, trong đó khoảng 200.000 đến 400.00 người chết đuối, bị hải tặc giết, bị giết trong rừng, bị hãm hiếp và bị bắt mang đi.(2)   Con số nạn nhân của biến cố Diệt Chủng sắc dân Tutsi / Phi-Châu (April 1994): 1 triệu người bị tàn sát. 100.000 phụ  nữ bị hãm hiếp. Một số lớn có thai, bị nhiễm bịnh liệt kháng và chết sau vài năm. 2 triệu người Hutu phải chạy lánh nạn tới nước Zaire (3) Một điều hiển nhiên ai cũng thấy là chiến tranh không chỉ gây thiệt hại nặng nề về nhân sự và hạ tầng cơ sở vật chất, song còn để lại hậu quả rất đỗi trầm trọng nơi thể xác và tâm hồn con người thuộc thế hệ chiến tranh và những thế hệ hậu chiến tranh nữa.   Qua những chương trình khảo cứu người ta đi đến nhận định rằng những biến cố chấn động làm tổn thương tâm linh mà chưa nói ra được của thế hệ chiến tranh sẽ được truyền tiếp cho các thế hệ sau. Tiến trình này được gọi là: “Di truyền xuyên qua các thế hệ” (transgenerationale Weitergabe). Năm 1913 nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud đã nói về hiện tượng này trong sách “Totem und Tabu”: “Chúng ta có thể tin rằng thế hệ trước không thể dấu thế hệ sau những diễn tiến tâm lý quan trọng trong họ”. („Wir dürfen annehmen, dass keine Generation imstande ist, bedeutsame seelische Vorgänge vor der nächsten zu verbergen.“). Vào thập niên 1970 và 1980 những nhà nghiên cứu về biến cố Holocaust (những nơi tiêu diệt người Do Thái trong thời gian Đức Quốc Xã thống trị ) nhận định rằng những đứa con của những người sống còn trong các trại tập trung Đức Quốc Xã cũng bị ảnh hưởng tâm thần nặng nề (mặc dù họ sinh ra sau biến cố Holocaust) bởi những chấn động làm tổn thương tâm linh nơi cha mẹ, song cha mẹ không muốn, hoặc không thể kể cho các con đ ược. Các nhà tâm lý gia cũng nhìn thấy hiện tượng này ở những người con của các cựu chiến binh Việt Nam, Đức, Mỹ…và ở những người tỵ nạn vì lý do chiến tranh chẳng hạn như từ Kosovo, Irak, Afghanistan….(4). Một trong những căn bịnh tâm thần là chứng „thần kinh phân liệt“ (Schizophenie), gồm những  ảnh hưởng đến những chức năng sau đây: „a) Sự tập trung tinh thần (Aufmerksamkeit) b) Sự  nhận thức(Wahrnehmung) c) Suy luận / phán đoán (Denken) d)  Chức năng „tôi“ bị  đình trệ (Ich-Funktionsstörung): tư  tưởng trở thành tiếng / ảo thính, (Gedankenlautwerden), tư tưởng bị mang từ ngoài vào (Gedankeneingebung), tư tưởng bị lấy mất (Gedankenentzug), tư tưởng bị bành trướng rộng ra (Gedankenausbreitung) e) Cảm xúc (Affektivität) f) Ý chí nội tâm (Antrieb) v à g) Những cử động ảnh hưởng bởi tâm thần. (Psychomotorik). Chứng bịnh này chiếm khoảng 2%  dân số“.(5) . Trong số các chứng bịnh tâm thần thì bịnh trầm cảm (Depression) chiếm tỷ lệ 40% (hiện có hơn 10 triệu người tại Đức Quốc mắc bịnh này).Theo lượng định của „Tổ chức sức khoẻ thế giới“ (World Health Organisation, WHO) thì tới năm 2020 bịnh trầm cảm sẽ là căn bịnh quần chúng đứng hàng đầu tại các quốc gia kỹ nghệ Tây Phương, và đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới.(6). Không phải chỉ có người lớn, song các thanh thiếu niên và ngay cả các em nhỏ  cũng có thể  lâm bịnh này .Những triệu chứng chính của bịnh trầm càm là: mất ngủ, biếng ăn hoặc ăn quá độ, sức tập trung tinh thần kém, luôn có cảm giác sợ hãi, không muốn tiếp xúc, giao thiệp với ai, không muốn làm gì cả, hay bị nhức đầu hoặc đau bụng, dùng rượu hay những chất kích thích khác quá độ, tự làm mình bị thương như dùng dao cắt vào thân thể, dùng thuốc lá đang cháy dí vào tay… Nặng nhất là khi người này không còn nhìn thấy ý nghĩa sống nữa và tự tử. (7). Cách đây vài năm nhà thủ môn Đức nổi tiếng Robert Enke tự tử; lần đầu tiên báo chí Đức chính thức loan tin ông ấy bị bịnh trầm cảm nặng đưa đến tự tử, và đã gây sự chú ý của đông đảo quần chúng đến căn bịnh này.   Sau chiến tranh nhân loại cố gắng xây dựng lại hạ tầng cơ sở vật chất bị đổ nát. Hầu như mọi nỗ lực đều hướng về lãnh vực này, trong khi khía cạnh cảm quan và tâm linh cũng bị tan vỡ trầm trọng với những hậu quả lâu dài hơn nhiều thường không được lưu tâm đúng mức. Những biến cố chấn động trong chiến tranh làm tổn thương tâm linh mà không được chiếu cố đến và nói ra được của thế hệ chiến tranh còn gây ra hiện tượng khủng hoảng niềm tin vào các thế hệ đi trước, vào các cơ chế của quốc gia, tôn giáo và xã hội, cũng như vào chính bản thân. Khi niềm tin bị khủng hoảng thì lòng tự tin cũng bị chao đảo ảnh hưởng lên khả năng liên kết, chịu đựng và trung thành trong cuộc sống. Theo nhà  tâm lý gia xã hội bác sĩ Horst-Eberhard Richter hiện tượng ly dị (cứ 3 cặp vợ chồng có một cặp ly dị; tại những nơi đông dân cư cứ hai cặp có một cặp ly dị) và khan hiếm con cái (demographische Fehlentwicklung) tại Đức có những nguyên do đa dạng xuất phát từ hai Thế Chiến của thế kỷ 20, còn được gọi là „Cuộc-Chiến-30-năm“ của thế kỷ 20 (der Dreizigjährige Krieg des 20. Jahrhunderts, 1914-1945). Hậu quả là giềng mối của xã hội ngày càng rạng nứt trong lúc hạ tầng cơ sở vật chất dư thừa.   „Không hồi tưởng lại quá khứ thì chúng ta sẽ không có tương lai“ („Ohne Erinnerung an unsere Vergangenheit gibt es keine Zukunft“), Dr. Rupert Neudeck (8)   „Nhìn người lại nghĩ tới ta“: Mọi người Việt Nam có lương tri đều nhận ra rằng muốn cho tương lai dân tộc và đất nước tươi sáng chúng ta cần can đảm, bình tâm nhìn lại những biến cố lịch sử, tìm con đường theo những gương sáng như Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi,… để giải quyết những vấn nạn của đất nước. Thiết nghĩ, con đường này không phải là con đường ngắn nhất, song lịch sử đã chứng minh cho ta thấy rằng, đó là con đường dẫn đến hòa bình thật sự, cho chính mỗi cá nhân chúng ta và cho quê hương. Minh Hoài Tài liệu tham khảo: 1) Wikipedia 2) a) „Duc, der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten“, Uwe Siemon-Netto, 2014, trang 289 b) „Đức“ (Tái bản lần thứ  nhất). „Vinh quang của sự phi lý. Tình yêu của một phóng viên cho dân tộc Việt-Nam bị bỏ rơi”, Uwe Siemon-Netto. Dịch giả: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền. (Đức – Triumph of the Absurd - A reporter´s love for the wounded people of Vietnam, 2014), trang 296 3) “Kinder des Krieges. Ruanda und die unbekannten Folgen des Völkermords“,  Fotografien            und Interviews von Jonathan Torgovnik, Mai 2009, trang 142 4) „Wir Kinder der Kriegskinder. Die Generation im Schatten des Zweiten Weltkriegs“.         Anne-Ev Ustorf, 2008, trang 10 – 11 5) „Schizophrenie“, Heft 50, 2010, Robert Koch Institut, Gesundheitsberichterstattung des Bundes, trang 8 6) „25 Jahre KERBE“, Forum für Sozialpsychiatrie, Themenschwerpunkt: Depression, 25. Jahrgang,   Mai 2007,  ISSN 0724-5165, trang 3 7) „Elterninfo 21: Kinderdepression“. Landeszentrale für Gesundheitsförderung in Rheinland-Pfalz e.V., 2009, trang 1-2 8) „Flucht über den Ozean des Ostens“. Der Dank der vietnamesischen Flüchtlinge an ihre deutschen Retter, Band 2 / 2009, trang 5
......

Chân lý tháng Tư

39 năm đã qua kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày chiến tranh kết thúc, ngày vui của những người thắng cuộc, ngày buồn của những người thua cuộc.   Sau 39 năm - bằng hơn một nửa đời người trung bình - đất nước vẫn trong tình trạng chậm tiến, công nghiệp hóa dang dở, nền giáo dục ở vị trí đèn đỏ giữa các nước Đông Nam Á, nền y tế kém cả một số nước Bắc Phi, tự do báo chí được xếp ở vị trí 171 trên 180 nước của thế giới. Năm 2012, nhân dịp 30/4 một cô giáo dạy văn năm thứ 2 tại Đại học Xã hội Nhân văn Sài Gòn ra đầu đề luận văn sau đây cho sinh viên khoa báo chí: ‘’Cảm nghĩ về Toàn thắng của nhân dân ta trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược ‘’. Nói chung các em đều viết luận văn của mình như giáo trình dạy, nghĩa là y như báo Nhân Dân hết lời ca ngợi đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta, ca ngợi sự lãnh đạo anh minh, sáng tạo của đảng CS, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của dân tộc, vân vân … Riêng có một em băn khoăn về đề tài vừa kể, suy nghĩ kỹ rồi mạnh dạn nói lên niềm lo lắng của mình: ‘’Thưa cô em rất muốn hiểu và nói như cô dạy, như giáo trình, nhưng em đã nghĩ kỹ, và em không thể … Em thấy Hoa kỳ không phải là đế quốc xâm lược…’’. Cô giáo giật mình. Lại một em sinh viên cứng đầu, khó bảo. Cô khuyên em hãy cẩn trọng. Em là đoàn viên Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh. Rồi em sẽ còn phấn đấu vào đảng CS. Em hãy lên thư viện đọc nhiều tài liệu hơn để nắm bắt được lẽ phải, chân lý, để viết luận văn cho hay cho đúng … Em sinh viên Lê Vũ Cát Đằng vẫn tự mình đi tìm chân lý theo cách của em, suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của mình, không để lệ thuộc vào điều gì khác, đọc nhiều sách báo, suy luận rốt ráo bằng phương pháp khoa học, khách quan, hợp lý, công bằng và ngay thẳng. Em viết nên một bài luận văn, thực tế là một bài phản biện súc tích, sinh động, đầy tính thuyết phục (được đăng trên mạng Dân Làm Báo tháng 4 năm 2013) do nhà báo Hoàng Thanh Trúc tóm tắt giới thiệu. Em nói lên nhận định, đánh giá của chính mình về cuộc chiến ở Việt Nam, rằng :   - Hoa Kỳ không phải là đế quốc, vì không có một tham vọng nào về lãnh thổ, về thuộc địa kiểu cũ hay kiểu mới, về tài nguyên ở Việt Nam;      - Hành động của Hoa Kỳ ở VN do đó không thể nào gọi là xâm lược ;    - Chứng minh nữa của em Cát Đằng là Hoa Kỳ ở châu Âu sau khi tham gia đánh bại bọn phát xít Hitler đã tận lực cùng các nước đồng minh châu Âu giúp cho Tây Đức xây dựng lại đất nước về mọi mặt sau chiến tranh, còn hỗ trợ cho công cuộc thống nhất nước Đức thành một cường quốc dân chủ ngày nay, được toàn dân Đức ca ngợi và biết ơn;    - Ở Đông Nam Á trong Thế chiến 2, quân đội Hoa Kỳ đã chiến đấu chống quân đội Nhật Bản, tham gia giải phóng các nước Indonesia, Philippines, Đài Loan, sau đó giúp 3 nước này xây dựng lại sau chiến tranh, phát triển kinh tế mạnh mẽ như ngày nay, được nhân dân 3 nước đó quý mến biết ơn;    Em Cát Đằng nêu lên sự giúp đỡ đặc biệt của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản, kẻ thù chính trong chiến tranh. Em viện dẫn tài liệu cho thấy nhân dân Nhật đã nhất trí vinh danh 12 vị anh hùng đã có công lao to lớn trong phục hồi và xây dựng lại Nhật Bản sau tàn phá kinh hoàng của chiến tranh; trong 12 vị anh hùng đó có 11 người là người Nhật, từ nhà lãnh đạo chính trị, nhà tư tưởng, nhà kinh tế - tài chính, nhà sáng chế phát minh, nhà giáo dục, nhà kinh doanh và chỉ có 1 người nước ngoài, là Đại tướng Hoa Kỳ Douglas Mac-Arthur (1880 – 1964), tư lệnh đạo quân chiếm đóng Nhật Bản. Vị tướng này và đạo quân Hoa Kỳ trên đất Nhật đã tận lực giúp cho Nhật Bản phục hồi nhanh chóng, toàn diện, tạo nên nét thần kỳ Nhật Bản, chỉ trong thời gian ngắn, duy trì và hiện đại hóa chế độ hoàng gia thành một cường quốc dân chủ và pháp quyền đứng đầu châu Á, được toàn dân Nhật Bản ca ngợi, biết ơn và mãi mãi ghi công. Tướng như thế, quân như thế không thể là đế quốc xâm lược. Nhân tháng tư năm nay, bộ máy tuyên truyền của nhà nước VNnăm nay, sau 39 năm dài, vẫn giữ nguyên não trạng cũ kỹ, giáo điều, không tưởng, huênh hoang về cái gọi là ‘’toàn thắng đế quốc Mỹ xâm lược’’, về ‘’lịch sử oai hùng ta đánh bại cả 3 đế quốc lớn thuộc 3 châu Á, Âu, Mỹ» , giăng khẩu hiệu khắp nơi, tổ chức mit tinh rầm rộ, nhưng thật ra là không có thực chất, tự lừa mình và lừa nhân dân, khi nhân dân đã thức tỉnh và phần lớn đã nhận ra lý lẽ xác đáng của em sinh viên Lê Vũ Cát Đằng. Nhân dịp này cần chỉ ra việc viếng nghĩa trang, tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh, được bày ra trong những ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm và mỗi phiên khai mạc họp Quốc hội hay đại hội đảng … cũng không có thực chất, không chân thành, còn ngày càng trở nên cay đắng mỉa mai. Vì hàng triệu chiến sỹ ngã xuống mỗi người đều mang theo niềm tin rằng ta hy sinh không hề tiếc thân mình vì đất nước sẽ hoàn toàn độc lập, toàn dân sẽ có tư do dân chủ đầy đủ và Tổ quốc sẽ phồn vinh, hạnh phúc, giàu có được chia cho toàn dân cùng hưởng. Hàng triệu thanh niên ưu tú nhất đã hy sinh đời mình trong niềm tin ‘’đánh xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay ‘’. Niềm tin thiêng liêng ấy đến nay rõ ràng đã bị bỏ quên, bị phản bội rõ ràng. Chế độ độc đảng đã suy thoái đến băng hoại, phá huỷ tài sản quốc gia, chia nhau thành quả phát triển do toàn dân tạo nên cho các phe nhóm lợi ích riêng tư, để cả một tầng lớp quan lại bất tài - trừ tài tham nhũng - chia nhau tùy tiện không có ai giám sát, thanh tra, kiểm soát, tạo nên khoản nợ khổng lồ hơn 50 tỷ US$ đè lên lưng nhân dân, để cho hàng vài chục đại án tham nhũng không sao phá án nổi như đã hứa hẹn thề thốt với nhân dân. Nếu như hàng triệu liệt sỹ của cả 2 bên bừng tỉnh dậy và chất vấn Bộ Chính trị trong dịp tháng tư này, về vì sao để cho tình hình sa sút tệ hại đến thế này, vì sao đã quên lời hứa năm xưa, ta hình dung họ sẽ ấp úng, loay hoay, cứng hàm, không còn biết thanh minh, lý giải ra sao. Nhân dịp 30 tháng 4 năm nay, tất cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đảng, Quốc hội mà 90 % là đảng viên CS, cũng như Mặt trận Tổ quốc VN do đảng CS lập ra để sai khiến, hãy lắng tai nghe cho thật rõ 2 tiếng nói ‘’Chân lý tháng Tư ‘’. Một là tiếng nói của một em sinh viên dám là mình, có tư duy độc lập, phản biện về cái gọi là ‘’toàn thắng trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược‘’ điều đến nay họ vẫn còn huênh hoang. Hai là một tiếng nói âm thầm nhưng rộng khắp, quyết liệt như vang lên từ hàng triệu ngôi mộ liệt sỹ khắp nơi, «chất vấn nghiêm khắc về lời hứa của lãnh đạo CS là sẽ xây dựng nước ta trong hòa bình to đẹp gấp mười lần hơn trước, đạt tự do và hạnh phúc cho toàn dân cùng hưởng‘’. Một lời hứa cuội đã bay theo chiều gió, thay vào đó là thu nhập của các ‘’đày tớ ‘’ thường là cao gấp 10, gấp trăm, có khi gấp ngàn lần lương ba cọc ba đồng của hàng chục triệu ‘’ông chủ’’ đã trắng tay, do đày tớ làm loạn mà nên. Xin quý vị hãy lắng nghe 2 tiếng nói ấy để nhận ra những sự thật và tình thế nhãn tiền của đất nước.
......

Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời

Gabriel García Márquez (1927-2014)   Để chỉ sự-sống-sau-cái-chết của một nhà văn, trong tiếng Việt có hai khái niệm: bất tử và bất hủ. Nhiều người bất tử nhưng không bất hủ: Đó là những cây bút có giá trị lịch sử hơn là giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật. Tác phẩm của họ còn, nhưng chỉ còn trong các thư viện đầy bụi bặm để các nhà nghiên cứu cặm cụi tìm tòi và phân tích như các nhà giải phẫu học nghiên cứu các tử thi trong phòng thí nghiệm. Chỉ riêng trong văn học Việt Nam, những người thuộc loại này nhiều vô cùng. Trong mỗi nền văn học, và mỗi thời đại, số người thực sự bất hủ rất hiếm: Đó là những người có tác phẩm, nói theo cách nói quen thuộc, “vượt thời gian và vượt không gian”, ở đâu và thời nào, đọc lại, người ta cũng thấy hay. Nhờ sự bất hủ của tác phẩm, tác giả thành bất tử.     Như vậy, trong bảng giá trị văn học, khái niệm bất hủ cao hơn khái niệm bất tử: Người bất hủ đương nhiên bất tử trong khi không phải ai bất tử cũng đều bất hủ. Điều đó cũng có nghĩa là, trong các yếu tố tạo nên giá trị văn học, tác phẩm quan trọng hơn con người. Chứ không phải ngược lại. Những người có cuộc đời lớn hơn tác phẩm (ví dụ các nhà cách mạng hay các nhà đạo đức) hiếm khi thực sự là những cây bút lớn và cũng hiếm khi còn lại với thời gian như những giá trị thẩm mỹ lúc nào cũng tươi roi rói. Ngược lại, với những nhà văn lớn thực sự, tác phẩm của họ bao giờ cũng thông minh, đẹp đẽ và cao lớn hơn hẳn con người của họ. Chính những tác phẩm như thế đã “cứu” họ khỏi trận lũ điên cuồng của sự quên lãng. Nhưng cái lớn của tác phẩm không phải chỉ lớn tự bản thân nó. Cái lớn của tác phẩm, ngoài những giá trị tự tại, còn tùy thuộc vào hai yếu tố khác nữa: một là phê bình và hai là ảnh hưởng. Theo tôi, một trong những tác dụng của phê bình là làm cho các tác phẩm lớn trở thành lớn hơn và đặc biệt, giàu có hơn. Mỗi bài phê bình hay, thực sự hay, phải là một cách diễn dịch mới. Nhiều bài phê bình hay như thế gọp lại, bức chân dung của tác giả và tác phẩm sẽ trở thành đa dạng, đa tầng, đa thanh và đa sắc hơn. Có thể nói, cái giàu của một tác phẩm hay một tác giả cũng giống cái giàu của ngân hàng: Giàu chủ yếu nhờ số tiền khách hàng ký thác. Trong văn học, sự ký thác ấy đến chủ yếu từ phê bình. Và như vậy, chúng ta có thể thấy ngay: Một nhà văn/nhà thơ sinh trưởng trong một quốc gia có nền phê bình phong phú và sâu sắc sẽ may mắn hơn một đồng nghiệp sinh trưởng trong một quốc gia như… Việt Nam, nơi phê bình không những ít mà còn yếu, không những nghèo mà còn vụng. Thứ hai là ảnh hưởng. Tầm vóc của một người cầm bút lớn giống như tầm vóc của một nhà lãnh tụ lớn: Cái gọi là sự nghiệp của họ không phải chỉ thể hiện ở những gì họ làm mà còn ở tác động của những việc làm ấy đối với lịch sử. Ví dụ trường hợp của Nguyễn Du với Truyện Kiều: Tác phẩm này không những hay mà còn góp phần làm cho tiếng Việt (thời ấy còn viết bằng chữ Nôm) trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự; làm cho truyện thơ trở thành một thể loại văn học; làm cho nhân vật nữ trở thành một hình tượng, hơn nữa, một hình tượng trung tâm của cả một thời đại; cuối cùng, làm cho chủ nghĩa nhân đạo trở thành một dòng chủ lưu trong văn học cổ điển Việt Nam. Trường hợp của Gabriel García Márquez (1927-2014) cũng vậy, dĩ nhiên ở một tầm khác, rộng hơn (ở phạm vi toàn cầu) và cao hơn (ở tầm nhận thức và phương pháp sáng tác). Ảnh hưởng của Márquez lớn và cụ thể đến độ người ta có thể thấy được, cân đo đong đếm được. Ông đã biến Colombia, quê hương của ông, thành một xứ sở văn học thay vì chỉ là nơi nổi tiếng về việc trồng và buôn bán thuốc phiện. Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào. Ông đã làm cho tiếng Tây Ban Nha trở thành một thứ ngôn ngữ văn học ở phạm vi toàn thế giới, một vai trò mà, theo nhiều nhà phê bình, chỉ có Miguel de Cervantes (1547-1616), với tác phẩm Don Quixote là có thể so sánh được.   Márquez không phải là người phát minh ra phương pháp sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism). Công lao ấy thuộc về nhà văn Argentina Jorge Luis Borges, nhà văn Cuba Alejo Carpentier và nhà văn Mễ Tây Cơ Juan Rulfo, nhưng không ai có thể phủ nhận được, chính Márquez, với cuốn Trăm năm cô đơn, câu chuyện viết về bốn thế hệ nhà Buendia, chứ không phải bất cứ ai khác, đã biến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trở thành một phương pháp sáng tác đặc sắc, một dấu ngoặt trong lịch sử văn học thế giới và một nguồn cảm hứng cho vô số các cây bút thuộc nhiều văn hóa và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có lẽ có cả Việt Nam. Riêng tại Úc, nhân ngày ông qua đời, nhiều nhà phê bình và học giả đồng thanh nhấn mạnh: Nếu không có Márquez, có lẽ diện mạo văn học Úc trong suốt mấy chục năm vừa qua sẽ khác hẳn. Nhiều nhà văn tài hoa của Úc thừa nhận: Cách viết của họ thay đổi hẳn sau khi đọc Márquez. Nhưng ảnh hưởng của Márquez còn lớn hơn tất cả những điểm vừa nêu. Ông không những thay đổi cách viết của nhiều người; ông còn thay đổi cả cách đọc của quần chúng, hơn nữa, qua đó, thay đổi cách nhìn về hiện thực của mọi người: Người ta bỗng phát hiện đằng sau những sự kiện ngỡ như rất hợp lý, được nối kết với nhau bằng một thứ quan hệ nhân quả bỗng xuất hiện vô số những làn sương mù mịt với những hình ảnh thấp thoáng: Cái gọi là hiện thực bỗng trở thành huyền ảo hẳn và ngược lại, những cái vốn được xem là huyền ảo lại trở thành như thực.   Với những người có tầm vóc lớn lao như vậy, cái gọi là chết hay qua đời chả có ý nghĩa gì cả. Có thể nói, họ có đến hai thân thể: một là xương thịt và một là giấy. Thân thể bằng xương thịt lụi tàn, trong khi cái thân thể bằng giấy, với những cuốn sách lấp lánh chữ nghĩa kia cứ tồn tại mãi. Chính vì vậy, nghe tin ông mất, tôi chả có chút cảm xúc gì cả. Không buồn. Không thấy mất mát. Nhưng tự dưng thấy… cô đơn. Tôi bèn với tay lên kệ lấy các cuốn sách của ông đọc lại. Qua các cuốn sách ấy, tôi gặp lại Márquez. Ông vẫn còn đó. Ông kể chuyện. Ông tâm tình. Ông vẫn ngây thơ đến khờ khạo khi bàn về một số vấn đề chính trị. Nhưng khi ông nói về đời sống và con người, về văn chương và chữ nghĩa, hầu như lúc nào ông cũng thâm trầm. Ông không có gì đổi khác cả.   Và có lẽ ông sẽ không bao giờ đổi khác.   Bởi vậy, tôi thấy chả cần gì phải thương tiếc ông. Nguyễn Hưng Quốc     Nguồn: voatiengviet.com
......

Những sáng kiến chống tha hóa xã hội; thăng tiến nền dân chủ

Theo tôi, vấn đề chúng ta mắc phải hôm nay không phải là câu chuyện con người tốt-con người xấu mà là vấn đề tha hóa hệ thống. Trong hệ thống tha hóa, người tốt rất khó tồn tại http://www.thanhblog.org/2014/04/tranh-au-trong-mot-xa-hoi-tha-hoa.html. Nguyên nhân gây ra tha hóa hệ thống có nhiều nhưng tôi thấy có hai nguyên nhân: thông tin thiếu minh bạch và lợi ích được phân bổ sai.   Dựa trên góc nhìn trên, tôi xin đưa ra một số sáng kiến có thể chống sự tha hóa hệ thống; tăng cường nền dân chủ. A. Sáng kiến trong nước 1. Thương hiệu cho những công trình công Chúng ta thấy những sản phẩm có nhãn mác, có thương hiệu luôn luôn có chất lượng, an toàn hơn những sản phẩm trôi nổi vô danh. Những công trình công cộng cũng vậy. Hiện nay gần như những công trình công cộng như: đường xá, bến cảng, trường lớp… đều rất khó xác định những thông tin như: ai quyết định, ai xây, ai giám sát,... Ngay cả Quốc hội cũng thừa nhận là thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn. Những thất thoát này có đích đến là túi những quan tham, những nhà thầu phe cánh,… Trong khi người chịu thiệt hại là dân. Dân là người chi tiền (qua thuế) nhưng lại thụ hưởng những sản phẩm kém chất lượng với giá thành đắt đỏ.   Những thất thoát trong xây dựng cơ bản không chỉ gây thiệt hại kinh tế, làm nghèo đất nước mà chính nó góp phần thúc đẩy sự tha hóa xã hội.   Từ những thực tế trên, tôi đưa ra sáng kiến: chúng ta cần yêu cầu quốc hội thông qua luật minh bạch các công trình xây dựng công. Tại mọi công trình sau khi hoàn thành phải gắn bản thông tin đầy đủ các thông số: ngày khởi công, ngày hoàn thành, người quyết làm, người thi công, người giám sát, số tiền đầu tư, tuổi thọ công trình,... Cần có một cổng thông tin để mọi người có thể truy cập. Tôi cho rằng nếu sáng kiến này được cộng đồng ủng hộ, thúc đẩy thực hiện thì sẽ góp phần rất lớn trong việc chống tha hóa xã hội cũng như thúc đẩy nền dân chủ trong trật tự. Sáng kiến này còn góp phần giải quyết hai vấn nạn nhức nhối hiện nay là tham nhũng và tai nạn giao thông (những con đường có thương hiệu chắc chắn sẽ có chất lượng và an toàn hơn). 2. Minh bạch thông tin trong hỗ trợ người nghèo Tôi biết, chính phủ chi một lượng tiền rất lớn để hỗ trợ người nghèo thông qua đủ loại dự án. Và tôi biết số tiền đến tay người nghèo rất ít (số tiền rơi rớt trên đường do nuôi bộ máy cồng kềnh, do tham nhũng ăn chặn,...). Có một thực tế là có nhiều người được hưởng lại không thuộc đối tượng xứng đáng mà là do quen biết nên chạy chọt hợp thức hóa giấy tờ: rất nhiều chung cư, nhà ở xã hội không đến tay người nghèo mà đến tầng lớp biết chạy.   Để giải quyết điều này, chúng ta cần vận động quốc hội ra luật minh bạch: qui định tất cả những ai được hưởng hỗ trợ từ nhà nước phải có tên tuổi, số tiền hưởng,... công khai minh bạch. Lập một cổng thông tin để mọi người có thể tiện theo dõi, giám sát. Người dân có quyền biết vì tiền dùng để cứu trợ là tiền của dân đóng góp. B. Sáng kiến có tầm quốc tế   1. Minh bạch các khoản viện trợ, vay mượn Những nước nghèo như nước ta, hàng năm nhận viện trợ cũng như vay mượn các nước một khoản tiền rất lớn. Chính người dân là người sau này phải trả những khoản nợ đó nhưng họ lại không biết gì. Đây là một nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, làm tha hóa xã hội.   Trong một thể chế mà nền dân chủ còn yếu thì tranh đấu cho sự minh bạch sẽ rất khó khăn, do vậy chúng ta cần dùng ngoại lực bên ngoài. Chúng ta cần yêu cầu những nước viện trợ, cho chúng ta vay phải minh bạch tất cả các khoản để người dân dễ dàng biết và giám sát. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được điều này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền dân chủ đất nước. 2. Chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1948, Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1982 nhưng tôi thấy rất nhiều người dân gần như không biết gì về vấn đề này. Có một thực tế là các chính phủ độc tài thường bưng bít thông tin, ngăn chặn bước tiến dân chủ. Các nước càng độc tài độc đoán thì ngoài việc ngăn chặn thông tin, họ còn tuyên truyền tẩy não khủng khiếp. Thực tế trên không chỉ làm thế giới trở nên bất ổn mà còn làm cho các nước nghèo lạc hậu chậm tiến đến văn minh, người dân hứng chịu nhiều đau khổ. Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần vận động thúc đẩy sáng kiến thiết lập một nền giáo dục nền tảng cho toàn cầu; ở đó những giá trị phổ quát như nhân quyền, kinh tế tự do… được truyền dạy bắt buộc cho mọi người.   Tôi cho rằng sáng kiến này vô cùng hữu ích không chỉ thúc đẩy nền dân ở các nước nghèo, độc tài như nước ta mà còn làm cho nền dân chủ thăng tiến trên toàn cầu. Dân chủ đồng nghĩa với sự thịnh vượng và chống sự tha hóa xã hội.   Rất mong nhận được sự quan tâm bàn luận và thúc đẩy những sáng kiến trên Trân trọng. Đà Nẵng, ngày 19.4.2014 N.V.T.  
......

Cuộc chiến mới tại Việt Nam

Điều thú vị hiện nay tại Việt Nam không phải chuyện thả một số tù nhân chính trị vì thả vài người bắt nhiều người theo đường lối ‘vũ như cẩn’! Nó chỉ là cách mai phục của kẻ cầm quyền. Cuộc chiến nổi lên ở đây là cuộc chiến nhân sự bên trong nội bộ đảng Cộng sản giữa thành phần thái tử đảng đang cố bảo vệ uy quyền vì các nhóm lợi ích nô dịch cho Trung Quốc và lực lượng toàn dân đang sục sôi có cơ hội là vùng lên cứu dân, cứu nước tất cứu chính mình cùng gia đình. "Thái Tử" Nguyễn Thanh Nghị   Một bên tranh giành nhau, đấu đá ngay trong nội bộ Đảng giữa các phe phái, đúng hơn là giữa các cá nhân lãnh tụ về vai trò người kế vị. Sự xuất hiện của các thái tử đảng như canh bạc qua sự lập lòe của các quân bài hầu chống đỡ, bảo vệ cho tài sản, địa vị mà cha mẹ chúng tước đoạt của nhân dân biến thành Tư bản đỏ: -         Võ Văn Thưởng, con người từ nội lực đi lên, dù có nhiều giềng mối, một người trị vì được với dân Quảng Ngãi, có thể nói sẽ “yên dân” nếu nắm được ngọn cờ chính nghĩa trong tay. Nguyên Bí thư Tỉnh Quảng Ngãi, hiện là Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM. -         Nguyễn Xuân Anh, thái tử Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, con của Ông Nguyễn Xuân Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. -         Nguyễn Thanh Nghị là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, thái tử đảng, con trai của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. -         Trưởng ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình Việt Nam Bạch Ngọc Chiến - con rể Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị. -         Người được cho là em trai Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang - Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm. -         Con rể Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng Ngô Văn Dụ, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Vũ Đại Thắng. -         Con trai cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Ngọc Hoàn - ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải… -         Tóm lại 44 cán bộ được luân chuyển bao gồm 25 nhân vật được giao trách nhiệm Phó bí thư tỉnh ủy hay thành ủy và 19  làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành, ngoại trừ Võ Văn Thưởng có nét tự thân phấn đấu, còn hầu hết là cơ cấu như cha mẹ ‘giao cấu’ đẻ ra như phát biểu của J.P. Sartre “Tôi được sinh ra mà không được hỏi ý kiến”.   Tất cả thái tử đảng còn có nét chung được ra nước ngoài để ăn học nhưng như các du học sinh ăn chơi thì nhiều, thậm chí đã thấm vào máu các mặt trái của chủ nghĩa tiêu thụ, thể hiện khi cẩm quyền qua hành động con trai Nguyễn Văn Chi chủ trương cho dịch vụ mãi dâm công khai… kết quả đầy hệ lụy không lâu sau du khách đã nườm mượp đến Đà Nẵng là vậy.   Quan trường tại Việt Nam trở thành thứ tài nguyên béo bở nhất trong một đất nước ‘rừng vàng biển bạc’.   Nền trị chính con ông cháu cha đang phải đối đầu với đoàn lữ hành ngày càng trỗi dậy như vũ bão, họ là sĩ phu Bắc Hà, bốn trăm ngàn trí thức trong tổng số 4,5 triệu người Việt ở hải ngoại, họ là học sinh, sinh viên và chỉ với dân oan trên đất nước này với con số chưa thể thống kê hết, nhưng qua vụ 9 công an bị vây đánh tại Hà Tĩnh, nhà trưởng công an xã bị đập và xin ‘lạy’ từ chức không dám làm công an nữa, Ủy ban nhân dân xã vội mang hồ sơ bỏ chạy, cho thấy cả làng là dân oan và càng xem các videos như biểu tình tại Ninh Thuận, khắp nơi, càng nhận ra người người là dân oan, người Việt Nam dưới sự cai trị dối trá, lừa lọc, cướp giựt của cộng sản: nhà nhà mọi người trở thành dân oan.   Tương quan lực lượng như vậy chúng ta đã thấy rõ, cho dù có lộ trình Nguyễn Tấn Dũng lên làm Tổng Bí thư, Tổng thống đi nữa cũng không thể cản được trào lưu lịch sử, đó là tất yếu phải Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam.   Ngay bây giờ chỉ còn phương cách thực hiện trong trật tự để tránh đổ máu cho  người dân do xô xát trong các cuộc biểu tình rầm rộ, nhất là trong lúc giao thời với sự trả thù man rợ do hận thù chồng chất quá lâu mà nạn nhân trước hết cho hả giận là các thái tử đảng, con ông cháu cha, cường hào ác bá… từ địa phương đến trung ương.   - Các bạn không thể chết trẻ, cuộc chiến trong thế giới phẳng ngày nay không có kẻ thắng người thua, nếu gọi là thua đó là dân tộc VN đã thua trong suốt thời kỳ cầm quyền của Cộng sản, hơn nửa thế kỷ, ngày mai kẻ thắng có lương tâm và trách nhiệm sẽ oằn vai gánh lấy việc trả nợ mà các ‘đồng chí’ đã tiêu xài phung phí làm cho đất nước này nghèo mạc, nợ công hiện nay với con số thực đến 180 tỷ Mỹ Kim…cùng bao tệ nạn trên quê hương đang tha hóa và lệ thuộc hoàn toàn Bắc triều.   Hỡi các‘con anh Sáu, cháu chị Ba’? “Tiến khó một mà rút khó mười”, hãy khôn ngoan và thông minh: “Dĩ đào vi thượng sách”!   Hỡi các bạn đấu tranh cho nhân quyền: Hãy đoàn kết bạn hữu lại! “Mọi người là anh em tôi”! “Lấy chí nhân mà thay cường bạo”! Chúng ta mới thoát được Bắc thuộc lần nữa, người dân mới có được tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng.   Ước được như vậy dân tộc Việt Nam mới Phục sinh!   N. Quang   Nguồn: diendanctm.blogspot.de
......

BÁO CÁO CỦA HỘI BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

Quý I/2014: Ít nhất có 7 trường hợp Chính phủ Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo   VRNs (18.04.2014) – Sài Gòn – Hội bào vệ quyền tự do tôn giáo vừa phổ biến Báo cáo về các trường hợp Chính phủ Việt Nam xâm phạm tự do tôn giáo của công dân trong Quý I/2014. Theo đó, từ ngày 01.01 đến 31.03.2014, có ít nhất 7 vụ, trong đó, Phật giáo Hòa Hảo đã bị tấn công một cách có hệ thống. Báo cáo về các trường hợp Chính phủ Việt Nam xâm phạm quyền tự do tôn giáo của công dân Báo cáo số 01/2014: Quý I năm 2014 Điều 24, Hiến Pháp 2013, được Quốc Hội thông qua, ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ ngày 01.01.2014 quy định: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Nhưng từ ngày 01.01.2014 đến 31.03.2014 có ít nhất 7 vụ các cơ quan thuộc hệ thống Chính phủ Việt Nam đã xâm phạm quyền tự do tôn giáo của các công dân Việt Nam với tư cách cá nhân cũng như tập thể tôn giáo.   THÁNG 01.2014 1. Ngày 1, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chuyến bay Huế – Sàigòn: Công an ngụy tạo lý do, bắt thành viên lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sáng ngày 1 tháng giêng năm 2014, trên chuyến bay từ Huế đi Saigon, Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị công an bắt rời máy bay, lấy cớ khám xét hành lý vì có ‘nguy cơ’ đặt bom nổ máy bay. Công an đã “làm việc” suốt 13 tiếng đồng hồ, tố cáo ông Cầu vi phạm luật pháp vì hoạt động với tổ chức không được thừa nhận là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Công an cho rằng ông Cầu mang trong hành lý những tài liệu bất hợp pháp cho nên họ phải tạm giữ ông để mời về cơ quan công an điều tra hầu làm rõ sự việc. Tài liệu họ nói chỉ là những văn kiện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà họ cho là những văn kiện bất hợp pháp. Ông đã bị quản chế tại nhà với sự canh gác của trên 15 công an sắc phục và thường phục (Phỏng vấn của phóng viên Ỷ Lan đài RFA với anh Lê công Cầu) 2. Ngày 10, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Tu viện Long Quang, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa thiên Huế: Hòa thượng Thích Như Đạt, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự tính tổ chức tại Tu viện Long Quang ở Huế lễ Hiệp kỵ chư Lịch đại Tổ sư, chư Tiền bối Hữu công và chư Thánh tử đạo. Dự tính mời khoảng 300 đại biểu của các Ban Đại Diện Giáo hội và Gia Đình Phật tử Việt Nam trên toàn quốc về tham dự. Nhưng nhà cầm quyền Thừa thiên Huế đã ngăn cấm kể từ ngày 1 tháng giêng, không cho các phái đoàn Tăng Ni, Gia Đình Phật tử từ các tỉnh phía Nam về Huế. Hòa thượng Thích Chơn Tâm bị trục xuất  khỏi Tu viện Long Quang hôm 9 tháng giêng đưa về Sài Gòn, 17 Huynh trưởng Gia Đình Phật tử bị bắt đi làm việc và ra lệnh quản chế từ ngày 7 tháng giêng. 3. Ngày 18, Giáo hội Công giáo VN, Thái Nguyên : Tù nhân lương tâm Paul Trần minh Nhật là một giáo dân Công giáo, hiện đang chịu án tù tại nhà tù Thái Nguyên, đã gởi một lá thơ tới  Đức tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo VN. Nội dung thơ nêu lên những hạn chế nhằm mục đích tước đoạt toàn bộ quyền con người của tù nhân trong đó có quyền tự do tín ngưỡng bao gồm: quyền tiếp cận những ấn phẩm tôn giáo, quyền thực hành những nghi thức, sinh hoạt tôn giáo. 4. Ngày 21, Giáo hội Công giáo, giáo phận Kontum – Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa, Gia Lai đề nghị thuyên chuyển linh mục Vũ Văn Bằng ra khỏi nhiệm sở: Ngày 21.01.2014, Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã gởi văn thứ số 77/UBND-VX đến Tòa giám mục Kontum đề nghị thuyên chuyển linh mục Vũ Văn Bằng ra khỏi địa bàn thị xã Ayun Pa. Với lý do Ban tôn giáo TP. Hồ Chí Minh không công nhân cha Bằng là linh mục. Trong khi đó, theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (Việt Nam, 2004), Ban tôn giáo cũng như tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, đều không được luật trao trách nhiệm công nhận hay không công nhận chức danh linh mục của đạo Công giáo. Đây là hành vi lạm quyền và vi phạm pháp luật để xen vào nội bộ, gây rối tổ chức tôn giáo. THÁNG 02 5. Ngày 20, Phât Giáo Hòa Hảo, Lấp Vò – Đồng Tháp: Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang cư ngụ tại huyện Lấp Vò -  Đồng Tháp liên tục bị sách nhiễu, đe dọa sau khi Bà Bùi Thị Minh Hằng, Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh bị bắt giam một cách tùy tiện cách đây 9 ngày tại đây. Ông Nguyễn Văn Hoa – một tín đồ Phât Giáo Hòa Hảo – đang cư ngụ tại xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong cuộc nói chuyện với phóng viên An Nhiên đài RFA cho biết bản thân Ông và gia đình thì bị chặn đường, đe dọa bắt giam, công an kéo đến nhà rất đông gây áp lực buộc Ông phải lên công an xã làm việc, nhưng Ông kiên quyết từ chối vì ông lo sợ nếu ông đến công an xã làm việc có thể bị đánh đập, bị nguy hại đến tánh mạng. Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn liên tục sách nhiễu, đe dọa một số các gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang cư ngụ tại đây Một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho biết, hiên nay số lượng Phật tử PGHH có khoảng trên 2 triệu khắp ở Việt Nam, đa số tín đồ tập trung ở Miền Tây Nam Bộ, nhiều tín đồ PGHH chân tu tại Miền Tây đã bị hành hung, giam cầm, đe doạ thường xuyên chỉ vì Đức Tin Tôn Giáo và quyết không theo Giáo Hội PGHH mà do chính quyền Việt Nam lập ra. Chính quyền Việt Nam luôn nói với dư luận quốc tế là nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên việc tiếp tục tấn công vào tín đồ PGHH tại các tỉnh Miền Tây cho thấy hành động của chính quyền địa phương đi ngược lại với những gì mà chính quyền trung ương đã nói.   THÁNG 03 6. Ngày 19 – 25, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Chợ Mới, An Giang: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Việt Nam thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại,vào ngày 25 tháng 2 âm lịch (năm 2014 nhằm ngày 25 tháng 3 dương lịch). Một số tín đồ PGHH tại Chợ Mới, An Giang dự định sẽ tổ chức lễ kỷ niệm này tại nhà ông Nguyễn Văn Vinh số 393, Tổ 10, Ấp Long Hòa, Xã Long Giang, Chợ Mới (An Giang).Tuy nhiên, trưa ngày 18.03, nhà cầm quyền tỉnh An Giang đã đến cấm tổ chức và đe dọa trừng phạt, nếu dám tổ chức. Ông Tống Văn Chính và ông Nguyễn Văn Vinh (chủ nhà) cương quyết phản đối, và hai ông cho rằng dù phải bị tù tội hay là bị bắn thì tín đồ PGHH vẫn phải tổ chức cho bằng được ngày Đại Lễ này. Cụ Lệ Quang Liêm, Hội trưởng Trung ương PGHH Thuần Túy đưa ra Lời phán đối tối hậu, từ Sài Gòn. 7. Đêm ngày 19, Giáo hội Công giáo, Dòng Chúa Cứu Thế, Thái Hà, Hà Nội: Nhà cầm quyền Hà Nội đêm 19 tháng 3 2014 đã sử dụng máy xúc và máy ủi để đổ đất lấp hồ trong tu viện DCCT Hà Nội mà họ chiếm dụng làm bệnh viện Đống Đa. Linh mục Lưu ngọc Quỳnh đại diện DCCT Hà Nội đã liên lạc với ông Lê Hưng giám đốc bệnh viện Đống Đa để yêu cầu dừng ngay việc phá hủy hiện trạng của khu đất hồ và tu viện cho nhà Dòng. Ông Lê Hưng viện lí do nạo vét, cải tạo hồ để đổ đất xuống. Tuy nhiên, theo các nguồn tin đáng tin cậy cho biết: Nhà cầm quyền Hà Nội dự định xây trên khu đất hồ một tòa nhà cao tầng và lí do nạo vét hồ chỉ là một động thái ngụy tạo mà thôi. Như thế, cảnh quan và khuôn viện tu viện và nhà thờ Thái Hà sẽ bị phá hủy một cách trầm trọng. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Phượng, phó bề trên kiêm chính xứ Thái Hà cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để giáo dân phản đối một cách ôn hòa. Tuy nhiên, nếu như nhà cầm quyền cứ ngang nhiên phá hủy tu viện thì nhà cầm quyền phải tự chịu lấy những hậu quả do sự phẫn uất của giáo dân”. Hiện tình, linh mục Phượng còn cho biết: “Giáo xứ Thái Hà đã mất mát quá nhiều do sự thiếu tôn trọng pháp luật của nhà cầm quyền. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã trở nên những linh mục oan, tu sĩ oan, và giáo dân oan.Chúng tôi chung chia thân phận dân oan với những người dân đang bị đàn áp trên khắp đất nước Việt Nam”. Bên cạnh tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đang bị cưỡng chiếm, khu Hồ Ba Giang của giáo xứ cũng đang bị xâm hại trầm trọng và có nhiều dấu hiệu của tham nhũng.   Báo cáo đầu tiên nay, chúng tôi có thể còn thiếu xót rất nhiều những hoạt động xâm phạm tự do tôn giáo của chính phủ, do thiếu thông tin. Để khắc phục thiếu xót này, chúng tôi đề nghị quý vị khi thấy có hoạt động nào vi phạm tự do tôn giáo ở đâu trong nước Việt Nam xin vui lòng gởi ngay báo cáo về cho chúng tôi, với những bằng chứng là văn bản, hình ảnh, ghi âm ghi hình, và thời gian địa điểm cụ thể. Xin vui lòng gởi đến chúng tôi qua điện thư: quyentongiao@gmail.com. HỘI BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO —–Ghi chú:   HỎI ĐÁP VỀ HỘI BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo được thành lập trên cơ sở luật pháp nào của Việt Nam? Căn cứ theo các điều 24 và 25 của Hiến Pháp 2013, được Quốc Hội thông qua, ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ ngày 01.01.2014. “Điều 24 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Điều 25 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cho đến nay, chưa có văn bản luật nào dưới Hiến pháp quy định thêm về việc Lập Hội, do đó, điều 25 của Hiến Pháp vừa là luật pháp Mẹ, vừa là văn bản luật pháp duy nhất quy định về việc lập hội để công dân thực thi quyền của mình.   Mục đích của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo là gì? Mục đích tối cao của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo là giúp mọi công dân có thể thực thi quyền tự do tôn giáo, chống lại tất cả mọi hoạt động nhằm hạn chế hay cản trở quyền này. Những ai có thể trở thành Hội viên của Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo? Những người hội đủ các tiêu chuẩn sau đây đều có thể ghi danh trở thành Hội viên: 1. Đang thực hành đức tin trong một tôn giáo. Lưu ý tôn kính ông bà tổ tiên, không phải là tôn giáo, mà là một truyền thống hiếu thảo lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đạo bác Hồ cũng không phải là tôn giáo. 2. Dám công khai danh tánh để hoạt động cho Hội. 3. Sẵn sàng dấn thân vì công ích, không cần hỗ trợ tài chánh khi hoạt động. 4. Đồng ý với mục đích và các hoạt động của Hội   Hội bảo vệ tự do tôn giáo sẽ có những ưu tiên hoạt động nào trong giai đoạn hiện nay? Hội đang ưu tiên triển khai các dự án: 1. Lập báo cáo về việc chính phủ Việt Nam xâm phạm tự do tôn giáo theo mỗi quý. 2. Đòi Chính phủ Việt Nam phải chăm sóc đời sống tín ngưỡng, tâm linh và tôn giáo cho các quân nhân (những người đang thi hành nghĩa vụ quân sự). 2. Đòi quyền tự do tôn giáo cho các tù nhân, nhất là tù nhân lương tâm. 3. Yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo hiện hành, hoặc ít ra phải soạn lại Luật tôn giáo mới theo hướng bảo đảm quyền tự do tôn giáo của công dân chứ không phải nhằm giúp chính phủ quản lý tôn giáo như hiện nay. Khi nào Hội bảo vệ tự do tôn giáo sẽ giải tán? Đó là khi mọi công dân Việt Nam công nhận quyền tự do tôn giáo đã được thực hiện dựa trên các đánh giá khách quan của các tổ chức độc lập trong nước và quốc tế.   VP. Hội bào vệ Quyền tự do tôn giáo Nguồn: chuacuuthe.com
......

Nợ ai - Ai trả - Bao giờ mới xong?

Trong một bài viết rất cảm động về cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài tại Ukraine, anh Nguyễn Việt Trung viết: “Đã qua rồi cái thời kỳ người ta làm cách mạng vì miếng cơm, manh áo. Có lẽ bây giờ là thời kỳ của những cuộc cách mạng vì phẩm giá con người”. Hàng triệu người dân Ukraine dũng cảm đã góp mặt trong cuộc cách mạng đó. Góp mặt cùng với tấm khiên chắn đạn bằng gỗ mong manh, bằng số điện thoại ghi trên cổ áo để khi ngã xuống, người chung quanh báo được cho người thân của mình. Cái chết ở đây đã cúi đầu trước quyết tâm của họ. Quyết tâm giành lại một đời sống có ý nghĩa, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người còn lại - những người may mắn không gục ngã vì súng đạn của công an - một cuộc sống mới không có tham nhũng trắng trợn ở mọi tầng lớp quan chức, một xã hội mà phẩm giá con người được tôn trọng, một chính quyền không coi dân như cỏ rác… Giữa quảng trường Maidan, trong bóng đêm, hàng triệu triệu đèn điện thoại của người biểu tình đã được bật sáng cùng tiếng hát vang dội bài Quốc ca Ukraine. Với nhân dân đó, giả sử Putin với xe tăng và quân đội Nga có chiếm được Ukraine, tôi tin rằng Putin chỉ có thể tạm chiếm được lãnh thổ chứ không thể chiến thắng một dân tộc như vậy.   Người Việt Nam chúng ta có cần một cuộc cách mạng vì phẩm giá không? Nhìn qua tình hình Việt Nam và Ukraine chúng ta thấy: Dân chúng Việt Nam cũng đau khổ, rên siết dưới chế độ độc tài; Tổ quốc Việt Nam cũng đang đối diện với nạn xâm lược từng phần của Trung Quốc. Nhưng điều khác biệt cơ bản và thật đau lòng như lời thú nhận của một nhà nghiên cứu sử đã rất lớn tuổi: “Dân khí nước ta thời nay bệ rạc nhất trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Có một dân tộc nào, mà ngày lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã chết vì nước mình đã phải huỷ bỏ vì ý muốn của một nước khác? Quan khí đã thế còn dân khí thì sao? Đa số người dân nhìn thấy lãnh đạo ươn hèn, nhìn thấy cảnh mất nước đang diễn ra ngay trước mắt nhưng vẫn chỉ... dửng dưng sống như thường ngày".   Nhận xét của bác sử gia đó đã được chứng nghiệm quá nhiều lần trong lịch sử dân tộc ta và nhiều dân tộc khác: Khi công dân đa số là người khiếp nhược, thì dân tộc đó trước sau gì cũng bị lệ thuộc. Cha ông ta không viện lý do "Địch mạnh ta yếu" để dâng nhượng chủ quyền cho ngoại bang. Chúng ta tuy nhỏ, chúng ta tuy yếu, nhưng đã từng chiến thắng những triều đại lừng lẫy nhất của Trung Hoa. Rõ ràng mưu trí và đảm lược của dân tộc không chỉ dựa vào vũ khí. Ngọn lửa sôi sục trong tim cha ông chúng ta là phải bảo vệ bằng được danh dự của đất nước và phẩm giá của dân tộc, của các thế hệ đang sống và các thế hệ con cháu mai sau. Ngày nay, dân tộc chúng ta đang nhìn phẩm giá của người Việt nói chung ở mức nào? Chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật ở Dương Nội, không phải trong bóng tối! Nó tàn nhẫn đến lạnh lùng. Trên cái khoảng đất trống đã bị quy hoạch, người phụ nữ lập bàn thờ trên những miếng lá chuối với gạo muối và những nén nhang, bà cố gắng một cách tội nghiệp để chứng tỏ quyền sở hữu mảnh đất của mình. Thế rồi đột nhiên giữa một đám công an lởn vởn chung quanh, một gã côn đồ cầm trên tay một khúc cây to, nhào đến quất mạnh vào đầu người phụ nữ đến bật máu tươi. Hắn đánh người đàn bà đáng thương đó như đánh một con vật ngay trước mặt những kẻ gọi là “đại diện cho luật pháp”.   Cảnh tượng trên đâu có bình thường, không bình thường một chút nào! Nhưng nó lại xảy ra rất thường ở hầu như mọi nơi, mọi chỗ trên đất nước Việt Nam. Có ai còn nhớ cảnh hai mẹ con khoả thân giữ đất, bị công an Cần Thơ kéo lê như kéo hai con vật giữa buổi trưa nắng gắt? Có ai còn nhớ cảnh công an dúi thuốc lá vào mặt mẹ của blogger Hoàng Vi? Và có ai còn nhớ những giọt nước mắt của Hoàng Vy khi cô bị làm nhục trong đồn công an? và biết bao những vụ tương tự. “Phản kháng là nền tảng thực sự của tự do. Những kẻ dễ bảo hẳn phải là nô lệ”.   Tôi nghĩ đến Đặng Xuân Diệu và các tù nhân lương tâm khi nhớ đến câu nói trên của triết gia người Mỹ, ông Henry David Thoreau, người đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp giải phóng người nô lệ da đen. Đặng Xuân Diệu từ lúc bị kết án 13 năm tù trong phiên toà sơ thẩm ngày 9/01/2013 chưa bao giờ coi mình là một tù nhân. Dù bị cán bộ trại giam o ép, trấn áp anh vẫn khẳng định mình vô tội và từ chối mặc áo phạm nhân. Đặng Xuân Diệu tự khẳng định mình: Không phạm tội thì không mặc áo tù. Anh vẫn cứ là chàng trai mà cả làng yêu mến quý trọng; vẫn là người anh của những học sinh nghèo; vẫn là người con của những người tàn tật già nua mà anh từng giúp đỡ; và vẫn là người trai ái quốc của một dân tộc đang chịu nhiều tai ương. Người khác nữa là ông Vi Đức Hồi vừa được thả ra tuần qua. Ngày 3/4/14 công an trại giam đến ép buộc ông ký giấy xin khoan hồng và cam kết từ bỏ đấu tranh để được đặc xá; ông Vi Đức Hồi đã khẳng định với họ rằng ông sẽ chấp nhận ngồi tù cho đến khi mãn hạn, ông không chấp nhận việc đổi chác trên sự tự do của cá nhân ông.   Kế đến là trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu, mỗi năm đến thời điểm, cán bộ trại giam đều đưa cho phạm nhân giấy để viết kiểm điểm. Hình thức này được coi như là cơ hội cho các tù nhân, nếu thành khẩn nhận tội họ có thể được giảm án. Tuy nhiên, mỗi lần nhận giấy ông Nguyễn Hữu Cầu lại dùng để viết thư cho vợ con. Khi cán bộ trại hạch hỏi, người tù Nguyễn Hữu Cầu đã trả lời lại bằng chất giọng bình dị nam bộ: “ở đây hổng có cái truyền thống ziếc xin đặc xá”. Trong mấy tuần qua, chúng ta đã được nghe bài hát “Khoẻ re như con bò kéo xe” của người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu. Ông cầm đàn nghêu ngao, hát bằng hết cả tấm lòng. Những thông điệp của người bạn tù, lúc uất ức đã quát vào mặt quản giáo; những câu đơn giản thôi, mà chợt nghe sao xúc động lạ lùng: “Nước tan, tan đảo, tan nhà, bây đà phá hết, chết thà sướng hơn”. Khí tiết của người bạn tù, đặc biệt những người đã qua đời, đã nâng đỡ tâm hồn Nguyễn Hữu Cầu. Cách sống của những người tù hôm nay: thầy Đinh Đăng Định, anh Đặng Xuân Diệu, ông Vi Đức Hồi, ông Nguyễn Hữu Cầu… mỗi ngày đã thêm sức, đã truyền cho chúng ta niềm tin và hy vọng. Đó là những nhân cách đã đưa đất nước vượt bao nguy nan sóng gió suốt năm ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy mà cuộc cách mạng vì phẩm giá ngày nay rất cấp thiết. Nó là nền tảng cho mọi nỗ lực khác, từ bảo vệ đất nước, đến chận đứng các băng hoại xã hội, và giật đứt các xích xiềng độc tài. Đó là món nợ mà thế hệ chúng ta phải trả cho cha ông và cho các thế hệ tương lai. Nguồn: viettan.org
......

Sau Cộng sản, sẽ có tự do dân chủ ?

Muốn xây dựng lại một đất nước đổ vỡ , phải chấm dứt chế độ Cộng sản. Sự tồn tại của một chế độ kỳ quái như vậy là một hiện tượng bất bình thường, trong một quốc gia bất bình thường , trong thế kỷ 21. Nhưng khi chế độ kỳ quái đó sụp đổ, có chắc chắn sẽ có tự do dân chủ ?   Theo nhà văn Nga Svetlana Alexievitch , dân chủ , tự do đã không thực hiện ở Nga sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ những năm 1990, vì ‘’chúng tôi, giới trí thức tiến bộ, đã có một thái độ lãng mạn ‘’, trong khi xây dựng dân chủ là một tiến trình lâu dài, phải chuẩn bị . Muốn có dân chủ, phải có tổ chức dân chủ, có người dân chủ ( démocrates), văn hoá dân chủ . Dân chủ không từ trên trời rơi xuống.   Svetlana Alexievitch, tác giả chiếm giải Médicis-Essai 2013, trong một cuôc phỏng vấn dành cho tập san Philosophie, số Đặc biệt (1), nói ‘’ chúng tôi tưởng tự do nằm sau cửa sổ, muốn có , chỉ việc dẹp chế độ Cộng Sản. Khi chúng tôi ngồi thảo luận với nhau trong phòng ăn, chúng tôi nhìn sự việc như vậy. Những người Cộng sản đã ra đi dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên, không hề chống cự. Chỉ sau này, chúng tôi mới hiểu họ chỉ cần hoạt động ngầm cũng đủ để trở lại nắm quyền.’’   Bà Alexievitch, một nhà văn có cái nhìn sắc bén, là tác giả của nhiều cuốn sách về xã hội hậu Cộng sản ở Nga (2)  mà những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam nên đọc , để tránh khỏi cái bi kịch dã tràng, bao nhiêu hy sinh, tù đầy mà cuối cùng dân chủ vẫn chỉ là một ảo tưởng. ‘’ Chúng tôi đã có ảo tưởng về một dân tộc chống Cộng, khao khát tự do, dân chủ. Điều đó chỉ có trong đầu chúng tôi ( giới trí thức ). Khi tự do rơi xuống đầu dân tộc đó , những năm 1990, họ không đổ xô tìm đọc Soljenitsyne hay tìm hiểu sự thực về goulag như chúng tôi tưởng tượng. Họ muốn , trước hết , sống và tiêu thụ. Một số người, mà chúng tôi không nghĩ tới, đã lợi dụng, bám vào trào lưu này đẻ leo lên cầm quyền, như Loukachenko ở Biélorussie năm 1994 hay Poutine ở Nga năm 2000. Tóm lại, chúng tôi đã hoàn toàn không chuẩn bị cho đời sống thực tế. Bởi vì dân chúng không muốn kinh tế tự do ( libéralisme). Hãng xưởng đóng cửa, tình trạng thất nghiệp khiến chúng tôi, những người trí thức tự do, đã rất sớm trở thành thiểu số. Hơn nưã, chúng tôi không có chương trình hành động gì cụ thể, ngoài chuyện đẩy Cộng Sản ra khỏi chính quyền. Chúng tôi nghĩ chỉ việc dẹp CS là một bảo đảm cho tự do. Chúng tôi không có một kinh nghiệm gì trong việc xây dựng một xã hội bình thường ; chúng tôi chỉ có kinh nghiệm bạo lực .’’ Svetlana Alexievitch giải thích tại sao ngày nay vẫn còn những người Nga tưởng nhớ chế độ Cộng sản : Khi một nhóm chính trị và kinh tài cướp đoạt , vơ vét hết tài nguyên của đất nước, dân chúng trở thành tay trắng, không nghề nghiệp, không tương lai, họ mơ tưởng trở lại chế độ bao cấp của Cộng sản. Nhất là từ những năm 1990, người ta không còn bị gởi đi goulag, không còn những vụ đàn áp đẫm máu, và đa số dân Nga sống trong xã hội tương đối bình đẳng- tất cả đều nghèo như nhau- , lối sống đó thích hợp với nhiều người Nga.   Theo Alievitch, vài năm sau khi chế độ CS bị lật đổ , người Cộng Sản có thể trở lại cầm quyền nếu họ muốn. Trong cuộc bầu cử 1996, bà tin rằng đã có thoả hiệp giưã Eltsine với những người Cộng Sản . CS có thể thắng cử nếu họ muốn, vì họ vẫn chiếm đa số cử tri. Nhưng họ không muốn công khai nắm chính quyền một lần nữa , họ lựa chọn đứng đằng sau đẻ giật dây và trên thực tế vẫn nắm vận mệnh nước Nga. Đó là một chế độ Công sản ‘’ giả dạng thường dân, ‘’ communisme de seconde main, đề tài của cuốn sách La fin de l’homme rouge (3) của Alievtch. Người Cộng sản không mặc áo đỏ nưã, nhưng vẫn nắm quyền.   Thực trạng nước Nga cho thấy những quan sát của Svetlana Alievitch không sai sự thực. Quyền lực nằm trong tay Poutine, một cựu trùm KGB. Tất cả sinh hoạt chính trị, kinh tế đều nằm trong tay những tay cưu KGB đồng loã với Poutine. Dân chủ Nga chỉ là dân chủ giả hiệu. Tham nhũng cao độ, bất công xã hội cùng cực, kinh tế thị trường man rợ. Những người lợi dụng được chế độ lao đầu vào phong trào tiêu thụ , những người bị gạt ra ngoài xã hội ngồi hối tiếc một xã hội Công sản trong đó không có thất nghiệp và những nhu cầu tối thiểu được nhà nước bao cấp. Trong bối cảnh đó, xây dựng một xã hội dân chủ, tự do là một ảo tưởng, một tiếng kêu giữa sa mạc, một trò giải trí của một thiểu số. Đó là hiện tượng chung ở những nước hậu Công Sản nghèo, dân trí thấp, như những quốc gia trước đây thuộc liên bang Xô Viết. Hiện tượng đó không có ở Đức hay Ba Lan. Hiện tương đó không xẩy ra ở Đức bởi vì Đông Đức được Tây Đức gồng mình xây dựng lại theo mô hình Tây Đức, một quốc gia tiến bộ và thịnh vượng nhất Âu Châu. Nhất là một văn hóa dân chủ cao, cao hơn nhiều nước Âu Châu khác , bởi vì họ còn ám ảnh bởi những kỷ niệm đen tối, ghê rợn của những năm độc tài Phát xít, ý thức rằng dân chủ là con đường sống duy nhất . Dân tộc Đức đã đạt một thành quả vĩ đại : đưa một nưả quốc gia từ xã hội độc tài, nghèo đói tới một xã hội dân chủ đích thực. Hiện tượng đó không xẩy ra ở Ba Lan bởi vì Ba Lan, với trợ cấp khổng lồ của Cộng Đồng Âu Châu, đã xây dựng một nền kinh tế lành mạnh và có khả năng phát triển. Người dân tin ở tương lai . Khi người ta tin ở tương lai, người ta không hối tiếc quá khứ. Adam Michnik, một trí thức đấu tranh cho dân chủ  Ba Lan viết: nếu bạn ghé thăm Ba Lan , sẽ thấy ít có chuyện hồi tưởng chế độ CS. Không có ai muốn quay lại với quá khứ ( 1 ). Chính mô hình Ba Lan hậu Cộng Sản đã khiến những người tranh đấu ở Ukraine nổi loạn. Ở những xứ khác, dân trí thấp, càng thay đổi càng giống như cũ. Đó là trường hơp những nước cựu Liên bang Xô Viết. Đó là trường hợp của những nước Cách mạng Ả Rập. Cách mạng bùng nổ nhờ những người đầy thiện chí, muốn cải tạo đất nước, nhưng khi cách mạng thành công, chính quyền đều rơi vào tay Hồi giáo ( hay Hồi giáo và quân phiệt thay nhau như ở Ai Cập ), là những giới có tiền, có người, có tổ chức.  Những nhà tranh đấu bị loại ra ngoài lề không thương tiếc, bằng bạo lực, bằng thủ đoạn gian manh , ngay cả bằng lá phiếu. Những nhóm trí thức tiến bộ thua trong tất cả những cuộc bầu cử vì họ nói một ngôn ngữ mà dân chúng không hiểu. Sau khi Moubarak bị lật đổ, những người đã thăm viếng Ai Cập đều biết tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo sẽ thắng cử , mặc dầu họ không có công trạng gì trong việc lật đổ độc tài. Chỉ cần ghé qua những khu bình dân, sẽ thấy những bệnh xá, những quán cơm bình dân rẻ tiền hay miễn phí đều do tổ chức này điều hành.Tunisie, quốc gia có hàng ngũ trung lưu đông đảo, nhờ chính sách giáo dục tiến bộ từ thời Bourguiba, sau khi dành độc lập, nhờ một giới trẻ, nhất là phụ nữ can đảm , đầy nhiệt huyết đã tránh cho Tunisie một hiến pháp sặc mùi Hồi giáo trung cổ, nhưng cuối cùng, quyền hành chính trị hay tài chánh cũng rơi vào tay những nhóm Hồi giáo. Những nhóm khác chỉ còn đôi mắt để khóc.   Những gì xẩy ra ở Nga có thể lập lại ở Việt Nam .  Chế độ CS đổ nhưng vẫn không có dân chủ và người CS vẫn nắm quyền , mặc dầu không mặc áo đỏ nưã. VN có đầy đủ những yếu tố của xã hội Nga  : một giai cấp trí thức lãng mạn, ( cộng thêm cái thói chia rẽ khủng khiếp, bệnh hoạn độc quyền của dân tộc ta ), không chuẩn bị, không tổ chức, một văn hóa dân chủ mơ hồ trong quần chúng, một hàng ngũ Cộng Sản có tổ chức, có lâu la, dư tiền bạc để lũng đoạn các sinh hoạt chính trị . Việt Nam không có Gorbachev, nhưng sẽ có những Poutine, Loukachenko, những tay cựu công an không còn vẽ sao vàng trên trán, nhưng sẽ đổi dạng, complet, cà vạt, xách Samsonite dẫn đầu một lực lượng đáng sợ là tư bản đỏ. Dân chủ là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi những điều kiện khách quan. Một trong những nguyên tắc căn bản : muốn có dân chủ ( démocratie ), phải có người dân chủ ( démocrates ). Hàng ngũ những người dân chủ phải đông đảo để bảo vệ khi dân chủ đang thành hình, để những người tranh đấu cho dân chủ không bị cô đơn, những lực lượng phản dân chủ không thể lộng hành.   Muốn có một hàng ngũ những người dân chủ, phải có một giai cấp trung lưu. Bởi vì giai cấp thượng lưu thường thường đồng loã với chính quyền đẻ bảo vệ quyền lợi. Giai cấp bình dân chỉ nghĩ đến nhu cầu thực tiễn trước mắt là lo ăn, kiếm sống. Giai cấp trung lưu có ý thức, có nhu cầu tự do dân chủ, là giường cột cho bất cứ một xã hội dân chủ nào. Huấn luyện, đào tạo một văn hoá dân chủ trong giai cấp trung lưu là chuyện cần thiết , lâu daì và cấp bách. Vừa lâu dài vưà cấp bách. Cấp bách vì nước đã đến chân, nếu không muốn nói đã tới cổ. Lâu dài vì nếu La Mã không được xây trong một ngày, xây dưng văn hóa dân chủ còn nhiều đường đất hơn nưã. Một thí dụ : những người cổ võ cho dân chủ không thể chỉ thoả mãn với những lời hô hào suông, những khẩu hiệu rỗng tuyếch đã nhắc đi nhắc lại ngàn lần. Phải có những bài, những sách mổ xẻ cụ thể dân chủ là gì, cần những điều kiện khách quan nào, phải tránh những cạm bẫy nào, tại sao không thể xây dưng lại đất nước nếu không có dân chủ… Đó là chỉ là một thí dụ nhỏ trên mặt lý thuyết, chưa nói đến vấn đề tổ chức vốn là yếu điểm của người Việt. Nhưng lý thuyết không phải là chuyện vô bổ . Trái lại , đó là nền tảng cho việc xây dựng sau này. Việt Nam, mặc dù với một nền giáo dục ngu dân, lạc hậu, giáo điều, nhờ Internet, du lịch, du học đã có một giai cấp trung lưu. Vấn đề là làm thế nào để biến hàng ngũ trung lưu càng ngày đông đảo trở thành nền móng cho một xã hội dân chủ, trước khi họ trở thành những cái máy tiêu thụ. Đó là vai trò của sách vở, báo chí, truyền thông, và một xã hội dân sự tích cực .   Những nhận xét rất thực tế của những người trong cuộc như Svetlana Alexievitch khiến người Việt phải suy nghĩ . Nếu không muốn đi vào bánh xe đổ. Công sản đổ, chưa chắc đã có ngay dân chủ nếu không chuẩn bi, không có tổ chức, không có ý thức chính trị đứng đắn. Con đường sẽ còn nhiều chông gai. Đó là một cái nhìn thực tiễn, không phải một cái nhìn bi quan. Dân chủ không ở trên trời rơi xuống, nhưng mặc dù dân chủ chưa thành hình, mặc dù những người cựu CS sẽ còn lộng hành, điều chắc chắn là chủ nghiã CS đã chết. Svetlana Alexievitch trích dẫn một câu của sử gia Nga Serguei Averintsev : chế độ Cộng Sản ‘’ đã xây dựng những cái cầu trên một con sông cuả ngu dốt, nhưng dòng sông ngày nay đã hoàn toàn là dòng sông khác. ‘’ . Bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu, dòng sông không còn là dòng sông cũ, vấn đề là phải xây những cái cầu mới.   TỪ THỨC ( Paris, tháng 4 .2014 ) ( 1 ) PHILOSOPHIE Magazine . HORS SERIE Avril 2014. Paris.  La philosophie et le communisme ( 2 ) Svetlana ALEXIEVITCH : La guerre n’a pas un visage de femme ( Ed.La Renaissance.Paris), La fin de l’homme rouge (Ed. Actes Sud, Paris ), Les Cercueils de zinc ( Ed. Christian Bourgeois),  La Supplication. Tchernobyl,chroniques du monde après  l’apocalypse ( Ed. Lattès.Paris ( 3 ) La fin de l’homme rouge ( Actes Sud. Paris )
......

Dù việc đánh tráo có hay không…

Sau bài viết ‘’Cuộc đánh tráo không thể có’’ http://www.voatiengviet.com/content/cuoc-danh-trao-khong-the-co/1885671.... trên VOA, tôi đã nhận được một số ý kiến tán đồng, một số ý kiến phản đối. Đây là chuyện bình thường. Tôi rất coi trọng những ý kiến phản đối để điều chỉnh nhận thức của mình, may ra được tiếp cận thêm chân lý. Đó là điều tôi cho là hệ trọng nhất. Tôi cám ơn bạn Mai Linh và bạn Phan Châu Thành đã phát biểu trên báo Thông Luận và mạng Dân Làm Báo (ra ngày 6/4/2014), phản biện những ý kiến của tôi, cho tôi là ‘’ấu trĩ‘’, ’’lập luận chưa chặt chẽ ‘’, thậm chí còn cho rằng tôi vẫn bị niềm tin ở ông Hồ chi phối nặng nề do cái tệ sùng bái cá nhân nhiễm phải khi còn ở trong đảng CS nên đã mất sự sáng suốt cần thiết.   Trong tranh luận tôi luôn tự nhủ phải giữ thái độ trung thực, lương thiện, không tự ái, chủ quan, phải biết phục thiện, công nhận lẽ phải. Chính do thái độ ấy mà sự đánh giá của tôi về ông Hồ đã có những bước thay đổi dần, chắc chắn, trong cả quá trình từ khi ra nước ngoài năm 1990 đến nay, nghĩa là 25 năm. Trước đó tôi còn tiếc rằng khi kết thúc chiến tranh năm 1975 thì ông Hồ đã mất nên những người lãnh đạo kế thừa không có đủ bản lãnh để thực hiện hoà giải hòa hợp dân tộc, có những chính sách sai lầm dại dột, bỏ tù hàng loạt viên chức - quân nhân của VN Cộng hòa, gây thêm thù hận, chia rẽ, làm hại cho việc xây dựng lại đất nuớc. Tôi chủ quan nghĩ rằng ông Hồ luôn tỉnh táo, thường khuyên dân ‘’thắng không kiêu, bại không nản ‘’, ông Hồ khôn ngoan, không đến nỗi tệ như Lê Duẩn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, cả phe XHCN tan vỡ, tôi có dịp trở lại các nước Nga, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, tiếp xúc với nhiều nhà báo, nhà văn các nước này, trao đổi về lý luận, về chủ nghĩa Marx – Lenin, về CHXH hiện thực … thì sự đánh giá của tôi về ông Hồ thay đổi hẳn. Trong những chuyến thăm Hoa Kỳ, tôi thường ghé qua Thư viện Quốc hội để đọc, ghi, chụp không biết bao nhiêu tài liệu hiếm quý, từ đó tôi hiểu rõ thêm về lý thuyết CS đã sai lầm tận gốc rễ, cả về nhân sinh quan và phương pháp luận. Tôi cũng nhận rõ thêm bộ mặt của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và hàng loạt lãnh đạo CS khác. Từ 1998 đến 2004, tôi có dịp gặp một số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quan tâm đến tình hình VN, viết sách về VN. Ở Paris tôi có dịp gặp, trao đổi ý kiến khá sâu với ông J. William Duiker, cô Sophie Quinn Judge, giáo sư Pierre Brocheux đều là những người viết kỹ nhất về tiểu sử của ông Hồ. Qua những cuộc thảo luận ấy tôi hiểu rõ ông Hồ hơn, nhất là thái độ của ông Hồ sùng bái mù quáng Stalin, Mao Trạch Đông ra sao, thiếu quan điểm độc lập, tự chủ, bị Trung Quốc ép nên cam chịu chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 ra sao. Ông được đào tạo là nhân viên tình báo được KGB trả lương. Tôi hiểu rằng muốn thay đổi chế độ độc đảng tai hại, chuyển đổi sang hệ thống chính trị đa nguyên – đa đảng, nhất thiết phải xóa bỏ hình tượng sùng bái ông Hồ, giải ảo - démystifier – cái ảo thuyết coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, để thuyết phục được cả xã hôị ta sớm từ bỏ sự ngộ nhận ấy. Tôi cũng hiểu việc này khó khăn lắm, cần kiên trì nhẫn nại, không thể nóng vội. Tôi đã cố gắng tham gia vào công cuộc giải ảo cực kỳ hệ trọng này. Ngay từ năm 1991 tôi đã viết bài chỉ rõ ông Hồ đã dùng ngòi bút mang tên Trần Dân Tiên để tự ca ngợi mình trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tự xếp mình ngang các anh hùng dân tộc Lê Lợi, Quang Trung, rồi tự xưng là Bác với nhân dân, trong đó có các cụ già cao tuổi hơn, là những điều không thể chấp nhận. Tôi bị ngay báo QĐND trong nước phản pháo bằng bài báo ‘’Bùi Tín đi sâu vào con đường phản bội khi xúc phạm bác Hồ ‘’. Năm 1994 tôi được anh Đỗ Nam Hải từ Úc hỏi về chuyện có thật ông Hồ được Liên Hiệp Quốc công nhận là Anh hùng dân tộc và Danh nhân Văn hóa thế giới không, tôi đã ghé qua trụ sở UNESCO ở Paris, tìm ra những tài liệu gốc để nói rõ không hề có một nghị quyết nào của LHQ như thế, rằng UNESCO chỉ thông báo là nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Hồ, phía VN có ý định tổ chức kỷ niệm nên LHQ thông báo để mọi thành viên tùy nghi tham gia, nhưng về sau do quá nhiều phản đối nên LHQ không chủ trương tham gia nữa. Đến ngày kỷ niệm, ở Paris cũng như ở Hà Nội, không có một đại diện nào của UNESCO, LHQ tham gia. Hà Nội đã xuyên tạc sự thật, nói dối không biết ngượng.Sau đó, chính quyền không còn dám ba hoa về chuyện này nữa. Tôi đã nghiên cứu lại hồ sơ Cải cách ruộng đất và thấy rõ thêm thái độ vô trách nhiệm của ông Hồ trong vụ giết bà Nguyễn Thị Năm cũng như việc sửa sai rất tùy tiện giả dối. Chính ông Hoàng Quốc Việt kể cho tôi nghe rằng ông đã vội đến gặp ông Hồ báo tin người ta sắp xử tử bà Năm, ông Hồ hứa sẽ can thiệp, nhưng rồi ông ta lờ đi. Mà chính ông ta còn viết bài ‘’Điạ chủ ác ghê‘’, kể tội ác của bà Năm. Sau hơn 20 năm nghiền ngẫm, năm 2012 trong một cuộc họp tôi đã công khai nói rõ rằng «trong lòng tôi, ông Hồ không còn là một nhân vật tích cực, có đóng góp gì cho lịch sử VN ; theo tôi, nếu như không có ông Hồ thì lịch sử VN sẽ khác, nhân dân ta có thể không bị chiến tranh tàn phá, không thành một con tốt trên bàn cờ chiến tranh lạnh, có thể không ở trong cái thế chia rẽ, rã rời, phân hóa giàu nghèo khủng khiếp như hiện nay. Cho nên nếu cho điểm, tôi sẽ cho ông Hồ điểm âm, là một nhân vật tiêu cực trong lịch sử.» Như vậy nói tôi còn quyến luyến ông Hồ là không đúng, là oan uổng cho tôi. Tôi đã nói với các bạn trẻ, cái giờ phút bi thảm của dân tộc có thể là vào một đêm nào đó ở ngõ Compoint (Pháp), người thanh niên non nớt Nguyễn Tất Thành ôm bản Luận cương Lenin vào lòng la toáng ‘’Chân lý đây rồi‘’, từ đó thành người Cộng sản và dắt toàn dân theo chủ nghĩa CS đến nay. Thưa ông Phan Châu Thành và cô Mỹ Linh, đây là điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh để đáp lại 2 bài phản biện tôi vừa nhận được. Để nói rằng tuy tôi vẫn chưa tin rằng trong lăng Hồ Chí Minh là xác một người Trung Quốc mang tên Hồ Tập Chương, nhưng điều đó không hề thay đổi về sự đánh giá của tôi đối với nhân vật từng đứng đầu đảng CS VN và chế độ VN Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1969. Đó là một nhân vật tiêu cực, có hại, với đường lối bế tắc, sai lầm, độc đoán. Với tôi, đó là một quá trình vận động trí tuệ và tình cảm gay go, thú vị đi tìm sự thật, đạt đến kết quả cuối cùng là từ chỗ coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, sáng suốt, dấn thân vì nước vì dân, sống giản dị, vào tù ra khám, được cả nước kính yêu, thế giới ngưỡng mộ … thật ra chỉ là một nhà hoạt động cơ hội, thiếu kiến thức chính trị cơ bản, mù quáng theo chủ nghĩa Lenin và Stalin, sùng bái Mao, khinh thường luật pháp và các thể chế dân chủ, dẫn dắt đất nước vào con đường độc đảng tối tăm, dấn sâu mãi không còn có đủ nghị lực để quay lại con đường sáng của thế giới dân chủ, ngay cả khi tuyệt đại đa số các nước cộng sản cũ đã phải quay lại với thế giới dân chủ thì những kẻ kế thừa ông vẫn ù lỳ vì lòng tham. Theo tôi việc chưa đạt được đồng thuận thật cao là trong lăng Hồ Chí Minh hiện tại là người Việt hay người Tàu, là Hồ Chí Minh hay Hồ Tập Chương, không ảnh hưởng gì đến việc đánh giá nhân vật lịch sử này , và việc đánh giá hiện nay đang trên quá trình vận động, thay đổi, nhất là trong lực lượng tuổi trẻ, không bị tác động bởi bộ máy tuyên truyền áp đặt của chính quyền. Riêng với một bộ phận khá đông đảng viên CS lâu năm, theo kinh nghiệm bản thân tôi, các bạn nên ra sức thuyết phục bằng lý lẽ, không nên nóng ruột vội vã chụp mũ là ‘’ngu lâu‘’, là ‘’ngoan cố ‘’, vì từ bỏ một nhận thức sâu, tình cảm đậm, nuôi dưỡng vài chục năm không dễ dàng. Con người ta có lúc kỳ lạ vậy đó; cổ xúy dân chủ, lên án độc tài, nhưng vẫn coi ông Hồ là thần tượng. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là thế. Luật sư Cù Huy Hà Vũ là thế ; ông coi Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, cũng coi đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiệt xuất. Tướng Vĩnh lên án quyết liệt chế độ tham quan ô lại hiện tại, xuống đường sát cánh cùng anh chị em dân chủ thế là đáng quý rồi. Rồi dần dà tướng Vĩnh, luật sư Hà Vũ cũng sẽ nhận ra. Kẻ trước người sau, khi đã có thiện chí, có tư duy độc lập, có lòng yêu nước thương dân mách bảo, sớm muộn sẽ nhận diện đúng ông Hồ, và khi đã nhận ra là như đinh đóng cột, như Galilê thuở xưa, trước dàn giáo hỏa thiêu vẫn dứt bỏ nhận thức cũ, nói lên chân lý: quả đất vẫn quay! Tuy đánh giá ông Hồ là một vấn đề then chốt, hệ trọng ,nhưng không nên coi đó là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một con người, sẽ tự mình làm yếu hàng ngũ đấu tranh. Nên có cách nhìn thoáng rộng, bao dung, thuyết phục và chờ đợi. Bạn mình chưa hiểu ra là do ta chưa thuyết phục nổi. Sau các bài phản biện của 2 bạn Mỹ Linh và Phan Châu Trinh, tôi vẫn chưa được thuyết phục rằng trong lăng ở Hà Nội là một người Trung Quốc được đánh tráo một cách trọn vẹn; rồi đây có thể việc khám nghiệm ADN của con cháu 2 người đó, hiện còn sống ở Đài Loan và Hà Nội, có thể cho một kết luận đáng tin cậy. Dù sao tôi rất biết ơn sự phản biện ấy, cho tôi dịp nghĩ đi rồi nghĩ lại… Công cuộc đánh giá đúng con người cầm quyền cao nhất ở VN từ 1945 đến 1969, giải ảo sự sùng bái mù quáng dai dẳng lãnh tụ vẫn là một việc làm cần thiết, bằng những chứng cứ, lập luận vững chắc , tài liệu lịch sử đáng tin cậy, với thái độ bình tĩnh bè bạn chứ không thể bằng sự công kích, chia rẽ, lên án nặng nề, chỉ gây nên phản tác dụng, khi lực lượng dân chủ VN đang cần phát triển và đoàn kết .  
......

Chúng ta đương mất nước từng phần vào tay giới cầm quyền Trung Quốc

TQ tuồn đủ mọi hàng hóa rẻ tiền vào lũng đoạn thị trường nước ta, bóp nghẹt mọi sản phẩm của ta; họ thực hiện mọi thủ đoạn thâu tóm kinh tế nước ta đồng thời phái thương nhân vào phá hoại kinh tế của ta; về chính trị, họ cũng chi phối phía ta; về quân sự, họ không ngừng lấn, cướp biển đảo của ta, bắt tàu cá, tịch thu tài sản, đánh thuyền viên, đâm hỏng tàu, bắn ngư dân, phá mọi hoạt động của ta trong thềm lục địa của mình, báo chí của họ luôn đe dọa dùng vũ lực với ta. Mọi sự việc nêu trên, những ai quan tâm theo dõi đều đã biết cả.   Tình hình còn nguy hiểm và bức xúc hơn là chúng ta đương mất nước từng phần vào tay những nhà cầm quyền TQ, và sẽ mất nữa:   Trước đây họ đã mua được hàng ngàn ha rừng biên giới, một đoạn bãi biển Đà Nẵng, người Việt Nam không ai vào được. Thế là mất chủ quyền, cũng là mất một phần đất nước vào tay TQ. Vài năm gần đây, họ đổ tiền vào đầu tư bất động sản, địa ốc, những nơi ấy họ đã xây nhà hay chưa cũng là lãnh địa của họ rồi.   Họ chi 40 triệu đôla mua hơn 6 triệu cổ phiếu của Công ty Vinacafe Biên Hòa, trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty. Họ tăng cường mua cổ phần của nhiều công ty nước ta, đến một lúc họ mua được 51% cổ phần, sẽ biến thành công ty của TQ, những mảnh đất mà các công ty này tọa lạc sẽ nghiễm nhiên trở thành đất của TQ. Tập đoàn Yulun, Giang Tô xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm tại Vụ Bản, Nam Định chiếm 80.000 m2 đất. Lấy Tập đoàn dệt may Việt Nam làm bình phong, TQ dự kiến xây dựng nhà máy dệt tại huyện Nghĩa Hưng chiếm diện tích khoảng 1.500 ha.   Theo một người dân Kỳ Anh nói: “Người TQ hầu như đã làm chủ thức tế huyện Kỳ Anh”. Họ xây dựng tường cao tốc dọc phía Đông đường quốc lộ suốt từ Kỳ Anh qua Cẩm Xuyên đến chân Đèo Ngang, phía trong bức tường ra biển, họ là gì trong đó không ai biết được. Họ thuê cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Họ được Đài Loan nhượng dự án khu kinh tế Formosa bao gồm cả cảng Vũng Áng chiếm một diện tích rất rộng, riêng cảng là 3.300 ha. Cảng Vũng Áng là điểm cực kỳ xung yếu, nó là yết hầu của miền Trung, TQ làm chủ, khi họ trở mặt, họ có thể khống chế đường giao thông của ta cả trên bộ lẫn trên biển, chia cắt nước ta làm 2 phần. Cửa Việt và Vũng Áng, họ cấm người ra vào, có thể họ đương xây dựng thành căn cứ quân sự. Tóm lại, những nơi mà TQ thuê, mua, đầu tư đã trở thành lãnh địa của TQ. Người Việt Nam, công an, chính quyền địa phương không được vào, ngay cả công trường nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do TQ thầu đương xây dựng, phó Giám đốc công an tỉnh Bình Thuận cũng không được vào. Thế là tất cả những nơi nói trên, ta mất chủ quyền, chẳng phải là mất nước từng phần là gì? Những nơi TQ thuê, mua, đầu tư họ đều đưa người của họ sang làm. TQ trúng thầu 90% công trình trọng điểm của nước ta. Bằng nhiều thủ đoạn, bất chấp luật pháp của nước ta, họ đưa ồ ạt lao động phổ thông vào. Thế là họ vừa thực hiện được mục đích di dân vừa bố trí được đội quân thứ 5 hàng vạn người rải khắp nước ta. Rất nhiều người trong số họ lấy vợ Việt Nam, sau thời hạn 50, 70 năm sẽ có hàng trăm “làng TQ” trong nước ta. Cứ đà này, sớm muộn nước ta sẽ trở thành “thuộc quốc” hoặc “thuộc địa kiểu mới” của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Đại Hán! Vì đâu nên nỗi? Phải nói thẳng ra đây là trách nhiệm của các cấp nắm quyền của ta từ dưới lên trên.   Hoặc do mê muội bởi “16 chữ, 4 tốt”, “cùng ý thức hệ”, mà không thấy được giới cầm quyền TQ miệng thì nói “hữu nghị”, nhưng hành động thì ác độc, đầu óc thì thâm hiểm, nên tạo cho họ mọi sự dễ dàng. Làm gì có “cùng chung ý thức hệ”? Từ khi Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì họ đã đi theo con đường TBCN rồi, dù vẫn nêu xây dựng CNXH đặc sắc TQ. Còn ở nước ta, tuy tên nước vẫn là XHCN, nhưng trong nội dung có gì là XHCN đâu!? Hoặc do không tiếp thụ được ý chí quật cường của cha ông, nên tự ty, tự cho mình là nước nhỏ, quân yếu, nhân nhượng họ cho yên, vẫn giữ được quyền, được ghế. Hoặc quá sợ họ đánh, nên họ đề xuất gì, yêu cầu gì đều chấp nhận; họ sai trái, vi phạm luật pháp của ta, không dám xử lý. Hoặc có vị “ăn xôi chùa ngọng miệng”, quyền ký thì ký, quyền bỏ qua thì bỏ qua, để mặc họ muốn gì cũng được. Hoặc chỉ thấy tiền, cho thuê, bán, cho đầu tư, cấp dự án, thì được tiền, tiền cho ngân sách đồng thời cho cả cá nhân, cho nhóm lợi ích, bất chấp sự nguy hại cho đất nước, đúng là “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Phải làm gì? 1. Nhân dân kêu gọi những ai trong bộ máy cầm quyền còn tâm huyết với dân tộc, với Tổ quốc hãy đấu tranh thực hiện dân chủ, quay lại với dân, dựa vào sức mạnh của dân ngăn chặn mối nguy cho đất nước. 2. Các tổ chức, các lực lượng yêu nước liên kết nhau thành sức mạnh đấu tranh quyết liệt loại bỏ những hình bóng của loại Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, ủng hộ người có thực đức, thực tài xuất hiện cùng nhau giữ độc lập, tự chủ và đưa đất nước tiến lên. Xây dựng tuyến đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội là chuốc họa.   Tôi rất tâm dắc với suy nghĩ của bạn Hoàng Mai về con đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội, cho rằng: “Mục đích trước mắt của tuyến đường này là để hàng hóa TQ xâm nhập Việt Nam một cách nhanh hơn, rẻ hơn, qua đó nhằm bóp chết nền sản xuất của Việt Nam, cũng là để vơ vết tài nguyên của Việt Nam một cách nhanh hơn…”. Tôi nghĩ, đến một thời cơ nào đó, TQ xuất quân đánh ta thì chính con đường cao tốc này cho phép bộ đội cơ giới của họ tiến rất nhanh đến Hà Nội. Từ xưa đến nay, các thế hệ cầm quyền TQ chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính nước ta và tiến xuống bá chiếm Đông Nam Á. Đồng ý với bạn Hoàng Mai, tôi cho rằng con đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội lợi cho ta thì ít, lợi cho TQ thì nhiều. Trong khi tài chính của ta đương rất khó khăn, nợ nước ngoài đã chồng chất mà vay để chi một khoản tiền khổng lồ 896 triệu đôla cho con đường cao tốc này thì thật là phi lý. Là con nợ của TQ, sau này không chỉ phải trả bằng tiền mà còn phải trả họ bằng nhiều thứ khác theo đòi hỏi của họ. N.T.V http://xuandienhannom.blogspot.de/2014/04/nguyen-trong-vinh-chung-ta-ang...
......

Long An: Phiên tòa phúc thẩm Đinh Nhật Uy xử như giỡn

Theo tin từ FB Đinh Nhật Uy, phiên toà phúc thẩm xử  Đinh Nhật Uy hôm nay 16-4-2014 tại Long An đã diễn ra lúc 8 giờ sáng và nhanh chóng kết thúc ngay  khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau đó, với kết quả "Y án 15 tháng tù treo và một năm thử thách". FB Đinh Nhật Uy cùng Mẹ Kim Liên và chị Thạch Thảo rời tòa sau vụ xử phúc thẩm Theo nhận xét của mọi người, cái gọi là "phiên tòa phúc thẩm" hôm nay, chỉ là "gọi đến để tuyên bố Y ÁN rồi bãi tòa". Tuy vậy vẫn có hơn 100 công an an ninh, dân phòng, thanh niên tình nguyện bao quanh tòa trước khi "phiên xử" khai mạc. Tại tòa, anh Đinh Nhật Uy vẫn giữ quan điểm yêu cầu tòa phúc thẩm giữ nguyên đơn kháng cáo và xét anh vô tội. Một số bạn hữu cũng đã đến hỗ trợ Đinh Nhật UY trong phiên tòa sáng nay. Ngay sau phiên xử kết thúc, FB Huỳnh Chí Trung đã tức cảnh làm bài thơ cho Đinh Nhật Uy như sau: Sáng nay ngồi hóng hớt Phúc thẩm Đinh Nhật Uy Vừa có tin kết quả Liền lấy bút ra ghi Tòa công hay tòa khai? Mẹ bị cáo đứng ngoài Nghe quan ngồi phán xét Xử con bênh em trai Bài đăng trên facebook Côn an ngồi đếm like Có bao nhiêu bình luận Tù theo đó quy ngày Nực cười là ở chổ Xử không phải răn đe Và cũng không phạm tội Chỉ không cùng đảng phe Cả đống người bảo vệ Cho công lý- trò hề Y án: tuyên hai chữ Rồi xách đít đi về Bắt vì nói khác đảng Trên facebook công khai Thì làm sao bắt hết? Và đảng đâu sống hoài. Huỳnh Chí Trung 16/4/2014
......

Quyền lực thảo dân

Tôi thấy một rào cản lớn để thúc đẩy và kiến tạo nền dân chủ là ý thức tham gia việc chung của người dân. Có rất nhiều nguyên nhân để người dân xa lánh việc chung: sợ hãi, không thấy trách nhiệm, ngụy biện,...trong đó có một nguyên nhân là người dân không ý thức được quyền lực của mình. Tôi nghe nhiều người chép miệng "khó lắm, không làm gì được đâu. Phận mình con sâu cái kiến thì làm được gì,...". Nước Tiệp Khắc trước năm 1977 cũng vậy, mọi người sống trong sợ hãi, sống trong giả dối. Vaclav Havel thấy được điều này, ông viết tiểu luận "quyền lực của không quyền lực" ông chỉ ra chính người dân nhỏ bé nếu chọn lối sống trung thực, không giả dối thì sẽ thoát khỏi được sự áp bức của chế độ toàn trị. Những người tưởng như không có quyền lực lại có thể mang lại quyền lực to lớn khi cùng nhau sống cho điều đúng.   Tương tự như vậy, tôi thấy ở nước ta, khi mọi người bi quan là không làm được gì, không ích gì rồi né tránh các vấn đề của đất nước thì đất nước còn mãi trong những khó khăn mà không giải quyết được. Việc đầu tiên để có thể thúc đẩy nền dân chủ là làm cho người dân ý thức được quyền lực và trách nhiệm của mình.   Trong bài viết trước, tôi lấy hình ảnh dòng sông, trong đó quyền lực của từng người dân như những giọt nước; sẽ không có dòng sông nếu từng giọt nước cho rằng không ích gì. Mỗi người, hãy tùy theo khả năng của mình, hãy bắt đầu quan tâm đến đất nước, đến việc chung bằng những việc nhỏ như xem tin tức, bàn luận, chia sẻ tin tức,... Tương lai chúng ta, con cháu chúng ta phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với việc chung. Nguồn: Bloger NguyễnVănThạnh
......

Thăm thằng coi cột điện

(Ngũ ngôn Xã luận kiêm Lão Nông Tức sự kiêm Phóng sự điều tra: xã hội, kinh tế, tâm lý...) Lão Nông thực hiện, · với tấm lòng ngưỡng mộ và tiếc thương vô hạn dành cho những Người như thầy Đinh Đăng Định hoặc anh Đặng Ngọc Viết! · với sự trân trọng, ngưỡng mộ những Ngoại Lệ đi tù, những Người khác mà bài viết có dùng hình ảnh để minh họa!   Cột điện ở Việt Nam Giỗ Tổ - Vua đầu tiên ( không phải Trần Dân Tiên !), ngày lễ, nghỉ, đương nhiên giữ lời, tôi đúng hẹn ra thăm Ông Bạn hiền, chơi tự thuở hoa niên, nay làm cho Sở Điện tập đoàn EVN hai đứa nhậu, đương nhiên! tôi ngồi, Y kể chuyện, liên quan đến cột điện, liên quan đến đảng viên Xin thuật lại y nguyên: “ Tớ chưa có đảng viên, vẫn chỉ nhân viên quèn, một thằng: coi cột điện! Tớ dưới quyền điều khiển của tay sếp, đảng viên chức vụ sếp, đương nhiên: Coi (thằng coi (cột điện)))) Ông Bạn hiền thân mến sếp vừa rồi nhắc đến lại có sếp Bề trên tất nhiên là đảng viên chức vụ hái ra tiền: Coi (thằng coi (thằng coi (cột điện)))) chuyện trong ngành tiếp diễn: lần này ông sếp trển cũng có sếp Bề trên tất nhiên cũng đảng viên chức vụ vẽ ra tiền: Coi (thằng coi (thằng coi (thằng coi (cột điện)))) cứ thế mà khai triển chức, ngạch trong ngành điện liên tục như dòng điện! ông bạn vàng thân mến! để hình dung thực tiễn cứ tưởng tượng nhân viên nôm na như cột điện! phòng, ban như nhánh, tuyến v.v xuyên Việt, đủ 3 miền! dài theo đường tải điện nhân lên cho nhánh, tuyến tùy theo số cột điện số quan, thầy lũy tiến... bậc thang như giá điện! ngược đời nhưng khả biện tréo ngoe mà phổ biến Sếp đẻ Sếp-Bề-trên! lên 9 tầng “khí quyển” ! nơi cuộc sống thần tiên, biệt thự có hoa viên, vợ cao tay “vun vén” con cái sành ăn diện đấy là chưa nói đến thích em nào cứ tuyển làm thơ kí, kề bên lo sớm lửa khuya đèn, tiếp tân khi khách đến, nhận công văn, fax, điện hoặc “vi vu ngoại tuyến...” v.v. nhất cử, tam tứ tiện! trên thượng tầng “khí quyển”, Bề trên các Bề trên, dứt khoát là đảng viên! bởi nắm cả dây chuyền: Coi (thằng coi (thằng coi (thằng coi (... thằng coi (cột điện)...))) tạm thời ngưng láu liến anh chàng coi cột điện xòe ngón tay, suy diễn: đấy mới riêng ngành điện vấn đề e phiến diện còn ngành khác, tất nhiên! số lượng nhiều vô biên, Sếp đều là đảng viên! đến đây, Gã mặc nhiên, ( sau mấy chầu hùng biện bài bản và điêu luyện ), rút lõi, từ câu chuyện cơ cấu trong ngành điện ( mỗi Sở ước vài nghìn, cứ khoảng 9 nhân viên lại 1 ông quan điện! ), rồi xuất bản lời khuyên: thế đấy! Ông Bạn hiền, hiền đồng nghiã với hèn, ( không hèn đã vượt biên, cách đây mấy thập niên! ) hèn thì coi cột điện! coi cậu là đảng viên! thời thế thế cho nên, để chăm bẵm đám hèn, 85 triệu cột điện, cần 4 triệu đảng viên! đông hơn cả giặc Nguyên(!) bởi vậy, chớ than phiền, rằng kéo cày như điên, công việc vẫn triền miên! chân lý này đương nhiên: càng cặm cụi, càng “hiền” “việc nước” càng dềnh lên! nhưng tháng chỉ lương quèn đủ vài phiên chợ huyện, đổ xăng và... trả điện! Ông Bạn vàng kính mến! tiền nó đâu tìm đến túi thằng coi cột điện? nó tìm túi đảng viên! chân lý này đương nhiên theo “bí quyết”... lan truyền qua ô dù thân quyến tiền tỉ tê... thuyên chuyển! mỗi mắt xích dây chuyền lượng tiền này chuyển lên, lợi quyền kia chuyển đến! trong chính thể Thần Quyền (sáng lập: Trần Dân Tiên) Nhất thể hóa “Tam Nguyên”, Quyền, Tiền và... Đê-tiện Cuộc đời là cuộc chiến !! thằng ngẩn ngơ lương thiện, chẳng “thức thời”, “cầu tiến”, “tháo vát” và “uyển chuyển”... nhà sếp không len lén... nói năng không bẽn lẽn, { hoặc e thẹn, ỏn ẻn, không trên phô, dưới vén... ('xin lỗi các O hén!') } họp hành thì tự tiện bất ngờ “quăng” ý kiến, tai tía, mặt như triện? lưng thẳng, mắt đờ..iên ? nặng, thì nâng cột điện! nhẹ, suốt đời thôi miên! nghĩa là... coi cột điện! lâu bền và vĩnh viễn! Giời không thèm ngó đến! đi mà kiện... cột điện! Cậu nên sớm tính chuyện, phấn đấu mà đảng viên! chờ Ông Bạn tạm yên tôi vội hỏi câu chen “Cậu lương tháng mấy tiền, loại bạc trần dân tiên, thưa Ngài... Coi-cột-điện”? nguồn cơn gì ẩn hiện! không hẳn như nguồn điện, tôi mập mờ, suy diễn, dằn dữ pha... lương thiện? kịch phát pha... kìm nén? trong thằng Coi-cột-điện! lầm lì, tay hùng biện tóm... chai rượu... thôi miên! tăm cuốc sủi sôi lên! tôi giả tảng ngồi yên, thực tình đương phát rén, dõi chờ tên đối diện, cảnh giác điều... toan đến? ơn giời! không có chuyện, Chai Cuốc lủi bình yên! vít cổ nó điềm nhiên ánh mắt không suy suyển Bạn rót đầy 2 chén “bàn tay vàng” lão luyện! tửu triều muốn thượng lên so đo tầm miệng chén! không giọt nào tai biến, an toàn như... giá điện! Bạn, Tôi, cùng cạn chén - “vì cuộc đời bon chen!” (2 đứa ngồi liên miên, gồm đặt xuống, nâng lên!) đi 2 nửa lít men nhưng còn nguyên Sĩ diện! của Thằng-Coi-cột-điện của Thằng-Tôi-hãnh-diện vãn chiều ngưng tửu chiến biệt trao lời quyến luyến dạ với lòng xao xuyến Bạn nôn... nao, tửu tiễn! mặc cha thằng... khí quyển! mặc giá điện còn lên! mặc mánh lới Nhà Đèn! tôi hẹn tôi còn đến thăm Thằng Coi-cột-điện... thưa mọi người yêu mến! tôi hẹn tôi còn đến tuyệt đối không vì nghiện! không! cả 2! không nghiện. xin đặt trước cột điện, thứ ăn đứt Nhà Đèn, mớ Danh Dự Thất Điền - vốn chửa từng hôi hoen, chưa mảy may suy suyển! mà bởi tình quý luyến Thằng-Người còn Sĩ-diện không cúi lụy tiền - quyền trong xã hội bon chen nhất là trong Sở Điện cuối cùng, thưa, hết chuyện. 05:23 AM 11-Apr-14, LN. Nguồn: ntuongthuy.blogspot.de
......

Bắc Kinh cuống cuồng đối phó với loại tiền giấy có ghi khẩu hiệu

Ngày 13/04/2014, một trang mạng lớn tên Thiên Sơn nằm dưới sự điều hành của nhà cầm quyền Trung quốc ở "khu tự trị Uyghur", tức Ngô Duy Nhĩ hay Tân Cương, chính thức đưa tin xác nhận hiện tượng trong thời gian gần đây dân chúng lượm được nhiều tờ giấy bạc mệnh giá 1 nguyên có in các hàng chữ "mang nội dung phản động". Trang này cũng cho biết loại tiền mang các khẩu hiệu lan tràn nhiều nhất tại thị trấn Urumqi. Nhưng không biết căn cứ vào đâu mà trang này khẳng định luôn rằng: "Đây là hành động phi pháp của nhóm tà đạo Pháp Luân Công nhắm vào sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ để xúi dục họ đứng lên chống đối chính quyền, phân hóa đất nước".   Điều làm cho các quan chức cai trị Tân Cương - một nước bị Bắc Kinh lấn chiếm từ năm 1949 - lo lắng là dân chúng chẳng ai từ chối lượm, dùng những tờ giấy bạc đó. Cả những người Hán đang sống ở thị trấn Urumqi khi được phóng viên của trang mạng Thiên Sơn và các báo đài khác phỏng vấn, họ đều trả lời rằng có đọc những câu khẩu hiệu chống cộng sản độc tài in trên tờ giấy bạc, nhưng vẫn lượm để dùng như bao người khác. Ngay sau khi tung tin trên lên trang mạng Thiên Sơn và nhiều báo đài trong toàn "vùng tự trị" Tân Cương, Ngân hàng Trung ương Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gởi một thông tri đến cho tất cả các ngân hàng trên toàn quốc với chỉ thị sau: Khi phát hiện bất cứ tờ giấy bạc nào có in hàng chữ phản động, phải thu hồi ngay. Loại giấy bạc này được coi như loại bị rách hay bị nhem, và phải nộp về ngân hàng nhà nước để đổi lại giấy bạc mới. Ngoài ra bất cứ ai đem các loại giấy bạc đó đến ngân hàng để đổi thì ngân hàng phải đổi ngay cho họ. Điều đau đầu cho các ngân hàng khi nhận được lệnh từ ngân hàng trung ương là số lượng của loại tiền giấy 1 nguyên. Đây là loại lưu hành nhiều nhất trong đời sống hàng ngày của dân chúng. Có thể nói số lượng nhiều vô số kể. Nay các ngân hàng phải cắt cử nhân viên mỗi ngày đếm từng đồng để xem tờ nào có in khẩu hiệu phản động mà thu hồi. Khối lượng nhân viên ngồi làm việc này tạo nhiều tốn kém cho từng ngân hàng dù là công hay tư. Việc kiểm để loại trừ đó chắc chắn cũng sẽ có sơ sót. Các nơi nhận tiền xuất từ ngân hàng dễ dàng đổ tội "lưu hành giấy bạc có in khẩu hiệu phản động" ngược lại cho các ngân hàng. Từ đó, các quan chức nhà nước cũng trút trách nhiệm lên các ngân hàng khi bị trung ương khiển trách. Công an Trung quốc cũng đã nhập cuộc với các thông báo hù doạ dân chúng nếu lượm hay nhận được loại giấy bạc đó thì phải đem ngay đến ngân hàng để đổi tờ khác. Ai sử dụng nó để mua bán là phạm pháp. Chưa hết, Bộ Công An Trung quốc còn gọi đây là một trong những "hành vi khủng bố" của Pháp Luân Công và các tổ chức khủng bố người Uyghur, rồi ra lệnh bắt buộc tất cả công an phải học tập một khóa chống khủng bố kéo dài 3 tháng. Đây cũng là một khoản tốn kém rất lớn cho Bắc Kinh. Trong nhiều tháng qua, nhà cầm quyền Trung Quốc luôn ráng tận dụng các biến sự mang tính bạo động trong xã hội để dán nhãn "khủng bố" lên Pháp Luân Công và các nhóm đòi nhân quyền cho Tân Cương, dù chẳng đưa ra được bằng chứng nào đáng kể. Cụ thể như vụ xe tông vào thành cầu Kim Thủy bên ngoài Tử Cấm Thành ở quảng trường Thiên An Môn vào cuối tháng 10/2013; đến vụ chém giết loạn xạ trước nhà ga Côn Minh vào đầu tháng 3/2014 và nhiều vụ khác nữa. Sau mỗi sự kiện này, công an lại lùng bắt tùy tiện rất nhiều người gốc Uyghur và những người mà công an thù ghét từ trước mà chưa có cớ để bắt. Chính vì thế mà khi chuyến bay MH370 bị mất tích, nhiều nhà quan sát đưa ngay ra nhận định: may mà chiếc máy bay này là của Malaysia và phát xuất từ Malaysia; nếu không, lại có vô số người Uyghur và học viên Pháp Luân Công chết oan. Ngay cả các dân oan kéo đến Ủy ban nhân dân tỉnh Hắc Long vào cuối tháng 3/2014 để đòi công lý vì bị quan chức cướp đất, cướp nhà, cũng bị công an kéo đi nhốt và cột cho nhãn "thành viên Pháp Luân Công". Khi 11 luật sư lên tiếng bênh vực cho các dân oan đó, họ cũng bị công an bắt luôn để điều tra về "mối quan hệ của họ với Pháp Luân Công". Nhưng dù với mọi thứ đòn phép như vậy, giới quan sát quốc tế và những nhà hoạt động xã hội tại Trung Quốc vẫn phải thừa nhận những người khởi động việc in khẩu hiệu trên tiền giấy đã thắng lớn. Chi phí in không nhiều và dân chúng trong vùng Uyghur tự động tiếp tay cất giấu và lưu hành các tờ giấy bạc mang khẩu hiệu này mà không sợ bị trừng phạt (Họ có thể đổ tội cho các ngân hàng làm việc sơ sót). Ngược lại, nhà cầm quyền tốn gấp ngàn lần để đối phó và ngăn chận trên toàn quốc qua cả hệ thống ngân hàng, hệ thống tuyên truyền, và hệ thống công an. Sự cuống cuồng đối phó cũng làm lộ sự lo âu của giới lãnh đạo Bắc Kinh, và vì thế lại càng quảng cáo cho mức hiệu nghiệm của cách làm này, đặc biệt đối với cánh Bạc Hy Lai và những phe nhóm đang thâm thù Tập Cận Bình. Rõ ràng người dân Trung Quốc đã thu thập và bắt đầu áp dụng các cách thức đấu tranh bất bạo động mà nhiều dân tộc khác đã sử dụng để hạ bệ các chế độ độc tài với đầy đủ súng ống và các phương tiện bạo hành. Nguồn: viettan.org
......

Sinh viên Ân xá quốc tế tưởng niệm thầy Đinh Đăng Định

Tổ chức Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc, Amnesty International Student Network, ở Na-Uy tưởng niệm thầy giáo Đinh Đăng Định vào hôm mùng 7/4 trong buổi họp hàng năm. Hòa Ái có cuộc trao đổi với cô Chelsea Nguyễn, thành viên người Việt duy nhất, về sự kiện này. Các sinh viên thuộc Tổ chức Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc cầm áp-phích ghi câu “Tôi là Đinh Đăng Định”. Hình do Cô Chelsea Nguyễn cung cấp.   Lên tiếng cho các nhà hoạt động Hòa Ái: Xin chào Chelsea Nguyễn. Trước hết, bạn có thể chia sẻ vì sao Tổ chức Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc ở Na-Uy lại quyết định tổ chức tưởng niệm thầy giáo Đinh Đăng Định? Chelsea Nguyễn: Ý tưởng tôn vinh thầy giáo Đinh Đăng Định đến với chúng tôi sau khi đọc được thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế về sự ra đi vĩnh viễn của nhà đấu tranh dân chủ cho VN này. Và vì tôi là thành viên người Việt duy nhất của Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc ở Na-Uy, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm nêu lên các hoạt động đấu tranh dân chủ ở VN. VN không giống như các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Miến Điện… cho phép Tổ chức Ân xá Quốc tế vào điều tra tình hình thực tế về dân chủ, nhân quyền ở đây một cách độc lập. Do đó, là người VN, tôi phải làm những việc này, lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ ở VN.   Hòa Ái: Mạng lưới Sinh viên Ân xá Quốc tế có những hoạt động nào để tưởng niệm cho nhà hoạt động dân chủ Đinh Đăng Định, thưa bạn? Chelsea Nguyễn: Các bức ảnh được chụp với những gương mặt của sinh viên cầm áp-phích ghi câu “Tôi là Đinh Đăng Định”. Có khoảng 10 người tham gia chụp những bức ảnh này trong khoảng thời gian ngắn. Chúng tôi đã đi vòng quanh khuôn viên trường Đại học Norwegian University of Science & Technology, kêu gọi các bạn sinh viên tham gia chụp hình. Dĩ nhiên chúng tôi chia sẻ với họ về tình hình nhân quyền, dân chủ ở VN và về hoạt động cho dân chủ của thầy giáo Đinh Đăng Định. Nhiều người ở Na-Uy và Tây Âu không biết gì khác về VN, ngoại trừ kinh tế VN phát triển, chỉ như vậy thôi. Hòa Ái: Như bạn vừa nói thì hầu hết các bạn trẻ ở Na-Uy không biết nhiều về VN. Vậy sau khi nghe chia sẻ của bạn, họ có biểu hiện như thế nào?   Chelsea Nguyễn: Họ tỏ ra thật sự ngạc nhiên về những thông tin này. Như tôi đã nói, họ không biết nhiều về những gì thật sự đang xảy ra ở VN mà bị che giấu, đặc biệt về tiến trình dân chủ hóa xã hội. Sau khi tôi chia sẻ ngắn gọn về thầy giáo Đinh Đăng Định và các nhà hoạt động dân chủ khác đã khiến họ vô cùng ngạc nhiên. Hòa Ái: Và các bức ảnh của những gương mặt với lời khẳng định trên áp-phích “Tôi là Đinh Đăng Định” nói lên điều gì? Chelsea Nguyễn: Những bức ảnh nhằm mục đích lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ đang còn sống và cả những người đang bị cầm tù. Đặc biệt là để tưởng nhớ đến thầy giáo Đinh Đăng Định, 1 nhà đấu tranh dân chủ vừa qua đời. Hòa Ái: Là thành viên người Việt duy nhất của Mạng lưới Sinh viên Ân xá Quốc tế ở Na-Uy, bạn sẽ làm gì để thanh niên cũng như người dân ở xứ sở Bắc Âu này biết sự thật những gì đang diễn ra ở VN?   Chelsea Nguyễn: Hiện tại, tôi cố gắng lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ ở VN với vai trò là thanh viên của Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc. Ở Trung Quốc cũng không cho phép Tổ chức Ân xá Quốc tế hoạt động bên trong lãnh thổ của họ nhưng đó là 1 quốc gia lớn nên thế giới chú ý đến nhiều khía cạnh của quốc gia này, kể cả kinh tế lẫn vi phạm nhân quyền. Còn VN thì khác, là một quốc gia nhỏ bé và thông tin bị bưng bít nên tôi sẽ từng bước cố gắng lên tiếng cho VN.   Hòa Ái: Qua cuộc trao đổi này, Hòa Ái được biết có nhiều bạn trẻ gốc Việt ở Na-Uy cũng không biết nhiều về VN. Bạn Chelsea có thể chia sẻ với thính giả vì sao bạn lại quan tâm đến VN và lại tham gia cất lên tiếng nói cho cố hương của bạn? Chelsea Nguyễn: Trước khi vào đại học, giống như nhiều bạn trẻ gốc Việt khác, tôi không mấy quan tâm đến VN vì Na-Uy mới là đất nước của tôi. Trong thời gian học đại học, tôi chọn học một số môn học cũng như tham gia các sinh hoạt liên quan VN. Tôi học tiếng Việt, đọc báo tiếng Việt và từ đó tôi biết nhiều hơn về VN, về những việc đang xảy ra mà bị bưng bít thông tin. Nếu đọc báo chí phương Tây thì chỉ biết chung chúng về những thay đổi ở VN ra sao. Tuy nhiên, đọc báo tiếng Việt và những trang blog tiếng Việt thì có rất nhiều câu chuyện hoàn toàn khác. Hòa Ái: Cảm ơn Chelsea Nguyễn dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Nguồn: RFA
......

Hội PNNQVN viếng thăm gia đình các tù nhân lương tâm miền Tây

Sát cánh cùng những người đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền, đặc biệt là những người đang phải chịu khốn khổ nhất vì sự bách hại chính trị nhưng ít hoặc không có khả năng tiếp cận với truyền thông tự do, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã thực hiện chuyến đi về miền Tây Nam bộ từ sáng ngày 10 đến chiều ngày 13 tháng 4 năm 2014.                                                           Viếng thăm gia đình chị Tuyền và chị Nguyệt Với sự giúp đỡ của những người bạn Phật giáo Hòa Hảo, chị em chúng tôi đã đi qua bốn tỉnh miền Tây, đến những góc xa xôi nhất để tìm gặp và tặng quà cho những gia đình dân oan và tù nhận lương tâm – những người đã đấu tranh vì quyền tự do tôn giáo và quyền tư hữu đất đai chính đáng của mình. Chuyến đi đã bắt đầu thuận lợi và kết thúc trong niềm vui trọn vẹn khi chúng tôi đã có duyên hạnh ngộ và chia sẻ với nhiều con người hiền lành nhưng dũng cảm, dũng cảm ngay trong điều kiện khắc nghiệt nhất của sự thiếu thốn vật chất và sự cô lập về truyền thông. Chắc chắn là còn rất nhiều gia đình tù nhân lương tâm đang bị trù dập tồi tệ hơn cả những trường hợp chúng tôi vừa mới viếng thăm. Vậy nên, chị em chúng tôi hy vọng được là cầu nối công tâm và thân thiết tới những trường hợp như thế trong tương lai để tiếp sức cho những con người quả cảm này trong cuộc đấu tranh chung của chúng ta vì một Việt Nam tự do. Xin gởi lời tri ân chân thành của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đến quý ân nhân và thân hữu đã giúp đỡ cho chuyến đi được hoàn thành tốt đẹp. Sau đây là danh sách 14 gia đình chúng tôi đã viếng thăm và tặng quà: 1/Gia đình dân oan-tù nhân Nguyễn Thị Tuyền: Địa chỉ: Ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, tp Cần Thơ Bị bắt ngày  10/9/2013, án sơ thẩm 2 năm 6 tháng về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, sẽ bị  xử phúc thẩm 22/4/2014 Số đt chồng – anh Trương Văn Thạnh : 01202 871342 2/Gia đình dân oan và tù nhân Nguyễn Thị Ánh Nguyệt Địa chỉ :231/8 Khu vực Thới An 1, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, tp Cần Thơ Bị bắt: 10/9/2013 án sơ thẩm 3 năm về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, phúc thẩm 22/4/2014 Số đt chồng – anh Phạm  Văn Cờ 0123 4508563   3/ Gia đình TNLT Bùi Văn Thâm: Địa chỉ : 273 ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang Bị bắt : 26/7/2012 kết án 30 tháng tù về tội “chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 điều 257,  hiện bị giam giữ  tại trại giam Xuân Phước,  tỉnh Phú Yên, là con trai ông Bùi Văn Trung Số đt người thân: chị  Thúy 0169 4882200 4/Gia đình TNLT Bùi Văn Trung : Địa chỉ : 273 ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang Bị bắt : 30/10/2012 kết án 4 năm  tù về tội “chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 điều 257, hiện  bị giam giữ  tại trại giam Xuân Lôc-  tỉnh Đồng Nai Số đt con trai – anh Thẩm  0987 070970 5/Gia đình TNLT Nguyễn Văn Minh (con rể ông Bùi Văn Trung): Địa chỉ :273 ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang Bị bắt: 12/2/2014, đang bị tạm giam tại tỉnh Đồng Tháp Số đt  vợ – chị Thúy 0169 4882200 6/ Gia đình TNLT Nguyễn Văn Lía Địa chỉ: 101 ấp Kiến Quới 2, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, An Giang Bị bắt : 22/4/2011 kết án 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”, theo điều 258, đang ở trại giam Xuân Lôc -  tỉnh Đồng Nai Số đt con gái – Nguyễn Ngọc  Lụa 0987117104 7/Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm Địa chỉ: Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang Bị bắt 5/8/2005 kết án 6 năm 6 tháng về tội “Chống người thi hành công vụ, ở trại giam Xuân Lôc -  tỉnh Đồng Nai, đã ra tù. Số đt 01659656798 8/Gia đình cựu TNLT Nguyễn Thanh Phong và vợ Nguyễn Ngoc Hà: Địa chỉ: ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang Hai vợ chồng bị bắt 5/8/2005, Thanh Phong  bị  kết  án 6 năm, Ngọc Hà 4 năm về tội “gây rối trật tự công cộng” bị giam ở trại giam Xuân Lôc-  tỉnh Đồng Nai; hai vợ  chồng đã ra tù Số đt: 0939911017   9/ Gia đình cựu TNLT  Võ Văn Bửu Địa chỉ: ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang Bị bắt 5/8/2005 kết án 7 năm về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị giam ở trại giam Xuân Lôc-  tỉnh Đồng Nai, ra tù  5/8/2012; anh Bửu  có  vợ là Mai Thị Dung, bị bắt 5/8/2005 kết án 11 năm về tội “gây rối trật tự công cộng”, hiện bị giam giữ tại Xuân Lộc , Đồng Nai Số đt: 01689469978 10/ Gia đình TNLT Nguyễn Văn Răng Địa chỉ: 211 ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp Bị bắt 5/1/2011 án  4 năm 3 tháng về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, đang ở trại giam Xuân L ộc, tỉnh Đồng Nai Số đt con gái : Nguyễn Thị  Huỳnh Nhi 0122 282 0954 11/ Gia đình cựu TNLT Nguyễn Văn Điền Địa chỉ: ấp Tân Thuận, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp Bị bắt: 5/8/2005 kết án 7 năm về tội “gây rối trật tự công cộng”, ở trại giam Xuân Lôc- tỉnh Đồng Nai, đã ra tù Số đt: 01644912456 12/ Gia đình cựu TNLT Nguyễn Văn Thơ Địa chỉ : 523/2 ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa,huyện Lai Vung, Đồng Tháp Bị  bắt 2/10/2006 kết án 6 năm về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị  giam giữ ở trại giam Xuân Lôc-  tỉnh Đồng Nai, đã ra tù  2/10/2012. Ông Thơ có vợ Dương Thị Tròn bị  bắt 2/10/2006, bị kết án 9 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng” đang ở trại giam Xuân Lôc-  tỉnh Đồng Nai Số đt: 01654725687   13/ Gia đình cựu TNLT Nguyễn Văn Sóc Đia chỉ : ấp Đông Thạnh A, Xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long Bị bắt 4/11/2006 kết án 6 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”, bị giam giữ ở trại giam Xuân Lôc- tỉnh Đồng Nai, đã ra tù 4/5/2013 Số đt: 0964199039 14/ Gia đình cựu TNLT Trần Hoài Ân Địa chỉ : ấp 2, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp Bị bắt 2/7/2011 kết án 3 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà  nước”, theo điều 258; ra tù 26/1/2014 Số đt: 0166 3607841   ”Vì lý do không tiện nêu lên, chúng tôi chỉ gởi quà chứ không đến viếng thăm gia đình ông Trần Hoài Ân được” Ban Điều hành Hội PNNQVN nguồn: vnwhr.net/2014/04/14
......

Tỵ nạn để đấu tranh dân chủ: con đường gian truân (Phần 1)

Do hoàn cảnh thực tế, một số nhà đấu tranh dân chủ ở Việt nam đã phải đi tị nạn chính trị ở quốc gia khác. Điều đó đã khiến cho họ bị mang tiếng là thoái lui, đầu hàng. Các tù nhân lương tâm ở Việt nam có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hành khách lên máy bay...Mỗi lần đi, một lần nhớ Files photos   Tỵ nạn và Đấu tranh Tỵ nạn chính trị là hành động của những người phải chạy trốn,  đến một nơi khác để thoát sự nguy hiểm, tránh bị ngược đãi, hoặc bắt bớ bởi quyền lực của một nhà nước độc tài, khi những người đó có bất đồng quan điểm chính trị với chế độ.   Ở Việt nam, với một thể chế chính trị độc đảng thì các hoạt động chính trị đều bị coi là vấn đề nhạy cảm và bất hợp pháp. Do đó hiện tượng các nhà đấu tranh dân chủ, các tù nhân lương tâm sau khi mãn án tù và gia đình họ đã bị đe dọa, truy bức hoặc bị sức ép trong mọi mặt của cuộc sống là vấn đề trầm trọng và phổ biến.      " Gia đình tôi bị đàn áp khốc liệt, các con tôi không dám đến trường vì bị bạn bè đánh, vợ tôi buôn bán kinh doanh ở chợ thì không có người mua, không được thu xếp chỗ ngồi, ruộng của tôi không cấy được vì họ không cho lấy nước. Rồi bố mẹ tôi già yếu bị họ chửi và nhổ..."     Mục sư Nguyễn Trung Tôn Cuộc sống của họ luôn bị sự quản lý chặt chẽ đến gắt gao của chính quyền trong việc cư trú, đi lại… đặc biệt là vấn đề làm ăn và sinh nhai. Không những thế họ còn chịu sự bức bách, bao vây nhằm triệt hạ cuộc sống của họ hòng đẩy họ vào bước đường cùng. Trước áp lực nặng nề đó, một số người đã buộc phải lựa chọn con đường bỏ tổ quốc để đi tỵ nạn chính trị ở những quốc gia khác, để hy vọng có một cuộc sống dễ chịu và an toàn hơn. Đồng thời cũng là để có cơ hội tiếp tục tiến hành tranh đấu. Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết bản thân ông đã có lúc đã nghĩ đến chuyện sẽ đi tỵ nạn chính trị, vì ông và gia đình thường xuyên bị chính quyền phong tỏa về kinh tế, bị gây khó dễ, gây áp lực thậm chí họ còn bị công an hù dọa những khách hàng làm ăn buôn bán với gia đình để triệt hạ con đường sống. Còn con cái của những nhà tranh đấu khác như ông khi bị tù đày thì không được đăng ký hộ khẩu, nên khi vào viện thì không có bảo hiểm hoặc phải đóng học phí cao hơn các trẻ em khác khi đến trường. Từ Thanh Hóa, Mục sư Nguyễn Trung Tôn nói: “Vào năm 2006 gia đình tôi bị họ kéo vào đập phá nhà cửa, lúc đó là lúc tăm tối nhất. Gia đình tôi bị đàn áp khốc liệt, các con tôi không dám đến trường vì bị bạn bè đánh, vợ tôi buôn bán kinh doanh ở chợ thì không có người mua, không được thu xếp chỗ ngồi, ruộng của tôi không cấy được vì họ không cho lấy nước. Rồi bố mẹ tôi già yếu bị họ chửi và nhổ nước miếng vào mặt”.   TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà, cùng cô Jenifer L Neidhart de Ortiz, đặc trách nhân quyền của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014.   Với đa số những người bất đồng chính kiến đã bị bắt và ở tù nhiều năm khi được thả ra sau một thời gian đã quyết định đi khỏi đất nước do sự bức bách của chính quyền, đe dọa tới mạng sống và những người trong gia đình của họ trong thời gian sau khi ra tù, chứ hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm cho bản thân và gia đình họ một cuộc sống tốt đẹp hơn vê kinh tế như nhiều người ngộ nhận       "Theo tôi việc những người đấu tranh cho dân chủ phải rời bỏ quê hương để đến một nơi khác sống thì tôi coi đó không hẳn là bi kịch, hay một sự việc đáng tiếc và càng không phải là một việc không tốt. Mà đó là nhân quyền cơ bản của con người, con người có quyền đi lại và cư trú"  LS. Lê Thị Công Nhân   Với LS. Lê Thị Công Nhân, trên thực tế cuộc sống của những người đấu tranh khi sống trong chế độ cộng sản hết sức khó khăn, điều mà mọi người không thể tưởng tượng nổi. Những nhà đấu tranh dân chủ đã chịu sức ép rất lớn trong mọi mặt của cuộc sống, điều mà bà gọi là kiếp sống của những kẻ nô lệ. Họ phải sống trong tình trạng bất an, luôn bị gây khó khăn trong việc làm ăn sinh sống, thậm chí cả trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình cũng bị cản trở và quấy phá.   LS. Lê Thị Công Nhân đánh giá về việc các nhà đấu tranh cho Dân chủ đi tỵ nạn chính trị ở nước ngoài: “Theo tôi việc những người đấu tranh cho dân chủ phải rời bỏ quê hương để đến một nơi khác sống thì tôi coi đó không hẳn là bi kịch, hay một sự việc đáng tiếc và càng không phải là một việc không tốt. Mà đó là nhân quyền cơ bản của con người, con người có quyền đi lại và cư trú. Cho nên họ không ở Việt nam mà đi đến các nước khác thì không có gì là sai trái, thậm chí nó là điều hết sức bình thường.”     A42 vào thẩm vấn tôi trong suốt 02 ngày với nội dung tôi có muốn đi tỵ nạn ở Hoa kỳ hay không thì họ sẽ hết sức tạo điều kiện cho tôi đi. Thậm chí anh ta nói nếu tôi đi thì họ sẽ đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội bài. Khi nghe điều đó tôi rất đau đớn, đó là về vấn đề tình cảm LS. Lê Thị Công Nhân LS. Nguyễn Văn Đài kể lại bản thân ông khi đang ở tù, an ninh nhiều lần hỏi, gợi ý thả tự do cho được đi nước ngoài, nhưng ông không chấp nhận. Ngay cả hiện tại, mỗi lần làm việc, họ đều bảo ông sao không đi định cư để đỡ làm phiền họ. Theo ông các nhà đấu tranh cho dân chủ nên tiếp tục ở Việt nam để đấu tranh nhằm đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Việc đi tỵ nạn chính trị theo ông đây là một thành công của chính quyền Cộng sản, vì chính quyền Cộng sản luôn luôn muốn những người bất đồng chính kiến với họ đi khỏi Việt Nam. LS. Lê Thị Công Nhân cho biết khi còn ở trong tù, bà đã bị chính quyền đặt vấn đề trả tự do cho bà nếu chấp nhận đi tỵ nạn chính trị tại Hoa kỳ, với điều kiện đi thẳng từ nhà tù ra sân bay. Bà coi đó là một sự xúc phạm, vì chưa bao giờ kể cả là vào lúc này cuộc sống của bà và gia đình đang ở thời điểm khó khăn nhất nếu không muốn nói là rất tồi tệ, nhưng chưa bao giờ bà có ý định đi tỵ nạn chính trị.     "Đầu tiên tôi cũng rất vui mừng vì anh Cù Huy Hà Vũ đã thoát ra khỏi cái nhà tù rất khắc nghiệt ở VN, nhưng khi biết anh phải sang Mỹ thì nó cũng là một nỗi buồn. Vì theo quan điểm của tôi những người đấu tranh rất dũng cảm như anh Cù Huy Hà Vũ thì nên ở lại VN" LS. Nguyễn Văn Đài Từ Hà nội, LS. Lê Thị Công Nhân nói: “A42 vào thẩm vấn tôi trong suốt 02 ngày (4 buổi) với nội dung tôi có muốn đi tỵ nạn ở Hoa kỳ hay không thì họ sẽ hết sức tạo điều kiện cho tôi đi. Thậm chí anh ta nói nếu tôi đi thì họ sẽ đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội bài. Khi nghe điều đó tôi rất đau đớn, đó là về vấn đề tình cảm. Còn về lý trí thì tôi không bao giờ nghĩ, chính xác là chưa bao giờ nghĩ là tôi sẽ đi tỵ nạn”.   Nói về quan điểm của mình trong vấn đề TS. luật Cù Huy Hà Vũ đã được trả tự do để đi chữa bệnh ở Hoa kỳ, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết suy nghĩ của ông: “Đầu tiên tôi cũng rất vui mừng vì anh Cù Huy Hà Vũ đã thoát ra khỏi cái nhà tù rất khắc nghiệt ở Việt nam, nhưng khi biết anh phải sang Mỹ thì nó cũng là một nỗi buồn. Vì theo quan điểm của tôi những người đấu tranh rất dũng cảm như anh Cù Huy Hà Vũ thì nên ở lại Việt nam, để cùng với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đấu tranh chống độc tài để đem lại tự do cho 90 triệu người dân Việt nam.” Trường hợp của TS. luật Cù Huy Hà Vũ đang dấy lên tranh cãi giữa những người quan tâm. Đa số đều chúc mừng ông và gia đình đã thoát khỏi sự hành hạ của nhà cầm quyền nhưng không ít người cho rằng ông nên ở lại để tiếp tục khẳng định ý chí của mình cho những nhà tranh đấu khác. Vừa rồi là tâm tư của những nhà đấu tranh dân chủ về việc nên hay không nên lìa bỏ đất nước sang định cư tìm tự do ở nước khác. Trong bài tới Anh Vũ sẽ tiếp tục chia sẻ thêm về vấn đề này từ chính những người đã định cư tại nước ngoài như trường hợp của TS luật Cù Huy Hà Vũ. Nguồn: rfa.org/vietnamese
......

PT CĐVN: về việc chính quyền VN thả các nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM Thông cáo báo chí của Con Đường Việt Nam về việc chính quyền Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi   Hà Nội, 12/4/2014 - Phong trào Con đường Việt Nam nhận được tin các nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi vừa được trả tự do ngày 12-4 theo lệnh đặc xá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chúng tôi cho rằng đây là một chuyển biến tích cực về quyền con người ở Việt Nam, vốn là mục tiêu hoạt động của PT CĐVN kể từ khi được thành lập đến nay. Hình ảnh mới nhất của Nguyễn Tiến Trung tại nhà riêng, ngày 12/04/2014. Chúng tôi hoan nghênh động thái này của chính quyền Việt Nam và cho rằng, việc trả tự do cho các nhà hoạt động này là kết quả của những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi vì quyền con người của đồng bào trong nước và nước ngoài, trong đó có các nhà hoạt động và các tổ chức đấu tranh. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, hiện nay vẫn còn hàng trăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam và các hồ sơ của các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng cùng nhiều nhà hoạt động khác vẫn đang là tâm điểm thu hút các nỗ lực đấu tranh và các sức ép trong, ngoài nước. PT CĐVN sẽ tiếp tục đấu tranh không chỉ cho sự tự do của các nhà hoạt động này mà còn cho sự tôn trọng tuyệt đối các quyền con người của mọi người dân Việt Nam.   Động thái trả tự do cho một số tù nhân lương tâm gần đây của chính quyền chứng tỏ tính hiệu quả của các hoạt động đấu tranh dân sự, ôn hòa và bất bạo động. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hoạt động và các tổ chức dân sự đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ quyền con người của mình để cải thiện tình hình nhân quyền vốn vẫn đang ở mức nghiêm trọng của Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành vi sách nhiễu và kiểm soát trái pháp luật đối với các nhà hoạt động dân sự, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để xã hội dân sự ở Việt Nam hình thành và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.    Ngày 12 tháng Tư, năm 2014 TM. Phong trào Con Đường Việt Nam Nguyễn Xuân Ngãi ----------- oOo ----------- THE VIETNAM PATH MOVEMENT Press Release regarding the Vietnamese government’s release of activists Nguyen Tien Trung and Vi Duc Hoi   Hanoi, 4/12/2014 - The Vietnam Path Movement has received news of activists Nguyen Tien Trung  and Vi Duc Hoi being released from prison today following an order signed by Vietnam President Truong Tan Sang.  We believe the release of these two activists is a positive change toward human rights in Vietnam, which is the main operational objective of the Vietnam Path Movement ever since the movement is founded. We welcome this decision by the government of Vietnam and believe that recent release of activists is the result of the relentless struggle for human rights by people from within the country and abroad, which includes the activists themselves and many other organizations.  We also want to note that there are hundreds of prisoners of conscience who are still imprisoned in Vietnam. Profiles of activists Tran Huynh Duy Thuc, Le Quoc Quan, Dinh Nguyen Kha, Nguyen Van Hai (Dieu Cay), Ta Phong Tan, Bui Thi Minh Hang, and many others are still the main focus for struggles and pressures both domestically and abroad.  The Vietnam Path Movement will not only continue to fight for the freedom of activists but also for the absolute respect for human rights of all citizens of Vietnam. The recent release of some prisoners of conscience by Vietnam government proved are proofs for the efficient of peaceful and non-violent struggle.  We encourage activists and civil groups to further promote activities aiming for the protection and improvement of human rights, which is still a serious concern in Vietnam.  Meanwhile, we urge the government of Vietnam to terminate all acts of harassment and unlawful control/monitor toward civil activists, create a legal and broader corridor for civil society in Vietnam to form and contribute toward the overall development of the country. April 12, 2014 On behalf of the Vietnam Path Movement Nguyen Xuan Ngai
......

Các nhà trí thức, giáo dục, khoa học cùng lên tiếng phản đối vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan

LỜI DẪN: Những tưởng vụ án văn học Nhân Văn Giai Phẩm đã xảy ra cách đây những 60 năm sẽ không tái diễn với những thiện chí sửa sai trong giai đoạn đổi mới và hội nhập! Nhưng không, một vụ tương tự lại xảy ra mới đây tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một sự cố lạ lùng vì có đan chen can thiệp chính trị vào sinh hoạt học thuật, có sự cộng tác đồng tình của một bộ phận của giới khoa bảng hàng đầu trong sinh hoạt học thuật. Và sự việc xảy ra trong thời điểm nhà cầm quyền Việt Nam đang ra sức đổi mới toàn diện nền giao dục quốc dân, ra tuyên bố thành khẩn tôn trọng tự do học thuật và nhất là đang bố trí giao lại quyền tự chủ cho các đại học… Những ai quan tâm đến tương lai của nền giao dục và học thuật Việt Nam không thể không lên tiếng. Sau đây là bản nháp của thư phản đối đã có trên 30 chữ ký của các giáo sư, giảng viên, nhà khoa học gốc Việt đang sinh sống và tác nghiệp tại hải ngoại.   Để ký tên vào lá thư, xin bạn vui lòng gửi thông tin tới địa chỉ sau đây: academicfreedomvn@gmail.com ___________   Thư ngỏ: Vi phạm Tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan Kính gửi: - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Chúng tôi, những người quan tâm về giáo dục Việt Nam ký tên dưới đây, cực lực phản đối việc thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của bà Đỗ Thị Thoan và ủng hộ các đồng nghiệp trong cộng đồng giáo dục và nghiên cứu Việt Nam trong việc đòi hỏi hủy bỏ quyết định này. Luận văn của bà Đỗ Thị Thoan, “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, đã được hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho điểm 10/10 vào năm 2010, nhưng bốn năm sau bỗng bị thẩm định lại bởi một hội đồng khác một cách thiếu minh bạch. Bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan bị thu hồi theo Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11/03/2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14/03/2014. Tác giả luận văn và người hướng dẫn không được cho cơ hội để phản biện. Lý do dẫn đến các quyết định này không được công bố, và nhất là không có bằng cớ nào chứng tỏ luận văn đã có sai phạm đáng kể về học thuật. Có bằng chứng là đã có sự can thiệp với động cơ chính trị, phi học thuật, nhằm tạo áp lực để Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thu hồi văn bằng. Những hành động trên đã   - trực tiếp vi phạm qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (điều 22, Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT), theo đó thì văn bằng chỉ có thể thu hồi nếu phát hiện hành vi gian lận, cấp cho người không đủ điều kiện, do người không có thẩm quyền cấp, đã tẩy xóa sửa chữa, hoặc đã để người khác sử dụng. - đi ngược lại những nguyên tắc công lý căn bản, không cho tác giả luận văn và người hướng dẫn có cơ hội để phản biện, không công bố rõ ràng các lý do, luận cứ, bằng chứng, hồ sơ liên hệ đến việc tái xét và thu hồi   - vi phạm nghiêm trọng quyền tự do học thuật. Các đại học chỉ có thể đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển của đất nước nếu các giảng viên và sinh viên có quyền nghiên cứu bất cứ đề tài nào. Công trình của họ phải được đánh giá trên các tiêu chuẩn học thuật, bởi những nhà chuyên môn có thẩm quyền. Bằng cấp chỉ có thể bị thu hồi trong trường hợp ứng viên đã phạm những lỗi nghiêm trọng về học thuật như đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, nhờ người viết giùm.   Vì những lý do trên, chúng tôi yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hủy bỏ quyết định thu hồi bằng Thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan và công bố các hồ sơ liên quan đến việc này. Ngoài ra, để tiến tới một nền giáo dục Việt Nam lành mạnh và tân tiến, chúng tôi yêu cầu nhà nước mở cuộc điều tra về những lý do đã dẫn đến vụ tái thẩm định, và thiết lập những biện pháp để ngăn ngừa sự tái diễn trong tương lai việc can thiệp một cách lén lút, bất hợp pháp vào các quy định có hiệu lực pháp lý.   Ký Tên Danh Sách Những Người Ký Tên (Ngày cập nhật 13/4/2014, để ký tên vào lá thư, bạn vui lòng gửi thông tin tới academicfreedomvn@gmail.com) 1. Ngô Vĩnh Long, Tiến sĩ Sử học và Ngôn ngữ phương Đông, Giáo sư Đại học Maine, Maine, Hoa Kỳ. 2. Vũ Quang Việt, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ. 3. Trần Hữu Dũng, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Giáo sư Đại học Wright State, Dayton, Ohio, Hoa Kỳ. 4. Lê Xuân Khoa, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đại học Sài gòn, nguyên Giáo sư thỉnh giảng trường SAIS, Đại học Johns Hopkins, Washington DC., Hoa Kỳ. 5. Trần Văn Thọ, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. 6. Phạm Quang Tuấn, Tiến sĩ Hóa học, Phó Giáo sư Đại học New South Wales, Sydney, Úc. 7. Đỗ Đăng Giu, Tiến sĩ Vật lý, nguyên Giám đốc Nghiên cứu của CNRS, Đại học Paris-Sud, Cộng hòa Pháp. 8. Phạm Duy Thoại, Tiến sĩ Y khoa, Giáo sư Đại học Humboldt, Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. 9. Nguyễn Đăng Hưng, Tiến sĩ Khoa học ngành Cơ học Tính toán, Giáo sư danh dự Đại học Liege, Vương quốc Bỉ. 10. Hà Dương Tường, Tiến sĩ Toán học, nguyên Giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne, Cộng hòa Pháp. 11. Nguyễn Ngọc Giao, nguyên Giảng viên toán, Đại học Denis Diderot (Paris VII). 12. Phạm Minh Châu, Tiến sĩ Hóa học, Giáo sư Đại học Denis Diderot, Paris, Cộng hòa Pháp và Đại học Khoa học và Công nghệ Pháp-Việt (USTH), Hà nội, Việt Nam. 13. Phạm Xuân Huyên, Tiến sĩ Toán học, Giáo sư Đại học Denis Diderot, Paris, Cộng hòa Pháp và Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. 14. Phạm Xuân Yêm, Tiến sĩ Vật lý, nguyên Giám đốc Nghiên cứu của CNRS, Đại học Pierre et Marie Curie, Paris, Cộng hòa Pháp. 15. Trần Nam Bình, Tiến sĩ Kinh tế, Phó Giáo sư Đại học New South Wales, Sydney, Úc. 16. Nguyễn Đức Hiệp, Tiến sĩ Công nghệ Y sinh, Chuyên gia nghiên cứu khoa học khí quyển, Bộ Môi trường và Bảo tồn, New South Wales, Úc. 17. Hoàng Kháng, Tiến sĩ Vật lý, Nhà nghiên cứu khoa học, Đại học North Dakota State, North Dakota, Hoa Kỳ. 18. Dương Văn Tú, Nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Dược phẩm, Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ. 19. Ngô Đức Thế, Tiến sĩ Vật lý, Nghiên cứu viên, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, Vương quốc Đan Mạch. 20. Hồ Tú Bảo, Tiến sĩ Công nghệ Thông tin, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Ishikawa, Nhật Bản và Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. 21. Nguyễn Đức Tường , Tiến sĩ Vật lý, nguyên Giáo sư Đại học Ottawa, Canada. 22. Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales, Sydney, Úc. 23. Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Illinois, Hoa Kỳ; Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Hà Nội, Việt Nam. 24. Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Cộng hòa Pháp. 25. Đặng Xuân Thảo, Tiến sĩ Điều khiển học, Laboratoire VERIMAG (CNRS), Grenoble, Cộng hòa Pháp. 26. Trần Hải Hạc, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Phó Giáo sư Đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp. 27. Nguyễn Mạnh Hùng, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Giáo sư Đại học Laval, Quebec, Canada. 28. Phạm Đỗ Chí, Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Phó Giáo sư thỉnh giảng chương trình MBA, American University, Washington, DC., Hoa Kỳ. 29. Giáp Văn Dương, Tiến sĩ Vật lý, Hà Nội, Việt Nam. 30. Nguyễn Trọng Hiền, Phòng Thí nghiệm Phản lực, Viện Công nghệ California, Pasadena, CA 91109, Hoa kỳ. 31. Nguyễn Thùy Phương, Tiến sĩ Giáo dục học, Đại học Paris Descartes, Paris, Pháp. * * * Open letter: Violation of academic freedom in the revocation of Ms Do Thi Thoan’s Master’s degree To: - Hanoi National University of Education - The Ministry of Education and Training, Socialist Republic of Viet Nam We, the undersigned, who are concerned about the Vietnamese education system, wish to register our strongest possible protest over the revoking of Ms Đỗ Thị Thoan’s Master’s degree in Language and Literature. We totally support the efforts by members of the Vietnamese education and research community to get this revocation reversed. Đỗ Thị Thoan’s dissertation “The Marginalized’s position: Open-Mouth Group’s poetic experiments from a cultural perspective” (Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa) was awarded the maximum mark by an assessment committee of Hanoi National University of Education in 2010. However, inexplicably, in 2014 her Master’s degree was secretly reviewed by another committee, then revoked through Decisions 667/QĐ-ĐHSPHN (11 March 2014) and 708/QĐ-ĐHSPHN (14 March 2014). The author and her thesis supervisor were not allowed to present their case. The reasons for the decisions were not disclosed, in particular no evidence was presented to show that any serious academic mistake or misdemeanour has been committed. There wax evidence of outside interventions of a political, non-academic nature, aimed at pressuring the university into revoking Ms Thoan’s Master’s degree. These actions directly violate regulations of the Ministry of Education and Training (Article 22, Decision 33/2007/QĐ-BGDĐT) according to which an academic degree can only be revoked if fraud has been committed, if the candidate is not qualified to receive the degree, if the degree has been awarded by a person unqualified to do so, or if the certificate has been illegally altered or used by another person. The manner in which the re-assessment of the thesis was carried out contravene fundamental principles of justice, as its author and her supervisor were not given any opportunity to present their case, and no reason, argument, evidence or other supporting document concerning the decision has been disclosed. The revocation of Ms Đỗ Thị Thoan’s degree represents a grave violation of basic principles of academic freedom. Universities can contribute effectively to national development only if lecturers and students are free to research any topic they choose. The assessment of their work must be based solely on academic criteria and carried out by qualified experts. Degrees can be revoked only in cases of serious academic misconduct, such as plagiarism, data fabrication or “ghost authorship”. In view of the above, we call on Hanoi National University of Education to annul the revocation of Ms Đỗ Thị Thoan’s Master’s degree and to disclose all documentation related to this matter. In addition, with the aim of building a healthy and modern education system for Viet Nam, we urge the Vietnamese government to investigate the circumstances leading to the re-assessment and revocation, and to institute measures for preventing future similar occurrences of covert, illegal interference with due process. LIST OF SIGNATORIES (Updated on 13 April 2014. How to sign this open letter? please send us an email with your information to academicfreedomvn@gmail.com) 1. Ngô Vĩnh Long, Professor, Department of History, University of Maine, Maine, USA. 2. Vũ Quang Việt, Ph.D., former Chief of National Accounts Section, United Nations Statistics Division, United Nations, New York, USA. 3. Trần Hữu Dũng, Professor (ret.), Department of Economics, Wright State University, Ohio, USA. 4. Lê Xuân Khoa, former Vice-Rector of Saigon University, former Adjunct Professor, School of Advanced International Studies (SAIS), Johns Hopkins University, Washington DC, USA. 5. Trần Văn Thọ, Professor, Faculty of Social Sciences, Waseda University, Tokyo, Japan. 6. Phạm Quang Tuấn, Associate Professor, School of Chemical Engineering, University of New South Wales, Sydney, Australia. 7. Đỗ Đăng Giu, Professor (ret.) and former Research Director of CNRS, University of Paris-Sud, France. 8. Phạm Duy Thoại, Professor, Vivantes Klinikum Neukoelln, Humboldt University of Berlin, Germany. 9. Nguyễn Đăng Hưng, Professor Emeritus, Department of Aerospace and Mechanical Engineering, University of Liege, Liege, Belgium. 10. Hà Dương Tường, Professor (ret.), Université de Technologie de Compiègne, Compiègne, France. 11. Nguyễn Ngọc Giao, Lecturer (ret.), Université Denis Diderot (Paris VII), editor Dien Dan Forum, France. 12. Phạm Minh Châu, Professor, Université Denis Diderot (Paris VII), France; and University of Science and Technology of Hanoi (USTH), Hanoi, Vietnam. 13. Phạm Xuân Huyên, Professor, Université Denis Diderot (Paris VII), France; and John Von Neumann Institute (JVN), VNUHCM, HoChiMinh City,Vietnam. 14. Phạm Xuân Yêm, Professor (ret.) and former Research Director of CNRS, Université Pierre et Marie Curie (Paris VI), Paris, France. 15. Trần Nam Bình, Associate Professor, Australian School of Business, University of New South Wales, Sydney, Australia. 16. Nguyễn Đức Hiệp, Ph.D., Senior Atmospheric Scientist, Office of Environment & Heritages, New South Wales, Australia. 17. Hoàng Kháng, Research Scientist, North Dakota State University, North Dakota, USA. 18. Dương Văn Tú, Ph.D student in Pharmaceutical Technology, KU Leuven, Leuven, Belgium. 19. Ngô Đức Thế, Ph.D., Scientist, Department of Micro-and Nanotechnology, Technical University of Denmark, Denmark. 20. Hồ Tú Bảo, Professor, School of Knowledge Science, Japan Advanced Institute of Science and Technology (JAIST), Ishikawa, Japan; and John Von Neumann Institute (JVN), VNUHCM, HoChiMinh City, Vietnam. 21. Nguyễn Đức Tường, Professor (ret.), University of Ottawa, Canada. 22. Nguyễn Văn Tuấn, Professor, Faculty of Medicine, University of New South Wales, Sydney, Australia. 23. Ngô Bảo Châu, Professor, University of Chicago, Illinois, USA; Scientific Director of Vietnam Institute for Advanced Study in Mathematics (VIASM), Hanoi, Vietnam. 24. Cao Huy Thuần, Professor (ret.), University of Picardie, Amiens, France. 25. Đặng Xuân Thảo, Ph.D., VERIMAG (CNRS) Laboratory, Grenoble, France. 26. Trần Hải Hạc, Associate Professor (ret.), University of Paris Nord (Paris XIII), Paris, France. 27. Nguyễn Mạnh Hùng, Professor (ret.), Department of Economic Science, Université Laval Québec, Canada. 28. Phạm Đỗ Chí, Ph.D., former visiting Associate Professor of economics and finance, MBA program, American University, Washington, DC., USA. 29. Giáp Văn Dương, Ph.D., founder of GiapSchool, Hanoi, Vietnam. 30. Nguyễn Trọng Hiền, Jet Propulsion Laboratory, California Institute of Technology, Pasadena, CA 91109, USA. 31. Nguyễn Thùy Phương, Ph.D., Paris Descartes University, Paris, France. nguồn: http://www.ndanghung.com
......

Nhà cầm quyền cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang, VRNs

An ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã chặn, cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam, lúc 21:30, ngày 13.04.2014. Những viên an ninh làm việc đã cấm xuất cảnh và đòi thu hộ chiếu, nhưng không đưa ra được văn bản có hiệu lực nào cho biết nhà hữu trách cấm phóng viên Huyền Trang xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu.   Huyền Trang, VRNs Phản ứng với việc làm sai luật này, phóng viên Huyền Trang đã không chấp nhận biên bản, và đòi các nhân viên thừa hành phải trưng ra văn bản cấm xuất cảnh. Lúc ấy họ bảo Huyền Trang liên lạc với công an thành phố. Cô Trang không đồng ý, vì đó là trách nhiệm nội bộ của họ. Họ đã liên lạc một thời gian dài. Sau đó, họ bắt giam cô Trang vào một căn phòng khác, có hai nữ an ninh canh. Đến lúc 23:30, ba nam an ninh đã vào đánh, kẹp cổ phóng viên Huyền Trang, và lôi ra ngoài trước sự chứng kiến của rất đông dân chúng,và bạn hữu của phóng viên này. Như vậy, không hề có biên bản và quyết định hay bất kỳ văn bản hợp luật nào đã được thực hiện trong việc cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu của phóng viên Huyền Trang. Hành động này đi ngược lại với quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến định. Đây là việc làm đã diễn ra thường xuyên, gần đây, đối với một nước là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đang vận động 11 nước khác chấp nhật thông qua thỏa thuận để trở thành thành viên chính thức của Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhân đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị một chút chia sẻ của Huyền Trang về lý do “Tại sao tôi lại chọn con đường hoạt động truyền thông” PV. VRNs — Mục đích tôi làm truyền thông để loan báo Tin mừng và dấn thân cho người nghèo, người bị bỏ rơi, người không có tiếng nói… vì tôi là một người Kitô hữu, con cái của Chúa. Tôi tham gia các hoạt động truyền thông vào cuối năm 2011. Trong những năm đầu, tôi còn bỡ ngỡ, chưa có khái niệm thế nào là dân oan, tù nhân lương tâm chính trị, chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa của VN… Lúc đó, đối với tôi đất nước VN chỉ có một đảng cs và ông Hồ. Sau những trải nghiệm trong các chuyến tác nghiệp của VRNs cùng với niềm tin tưởng của các Cha trong Ban quản trị VRNs, các ngài đã giao cho tôi phụ trách chương trình VNTQ, là một chương trình chuyên bình luận về các sự kiện VN. Từ đó, tôi đã tiếp cận được nhiều nguồn thông tin trái chiều khác nhau, tiếp xúc được nhiều người yêu chuộng Công lý và Hòa Bình trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện và lắng nghe những nỗi oan khuất của những người nghèo bị bỏ rơi và không có tiếng nói như Dân oan, thân nhân gia đình và các tù nhân lương tâm,… Hoặc cảm nghiệm được sự ý chí, tính khí phách kiên cường của các cựu tù nhân lương tâm mà tôi may mắn có dịp tiếp xúc. Nơi những con người ấy, tôi cảm nghiệm được nguồn sức sống mới trong sự khốn cùng và bĩ cực của chính cuộc sống của họ. Điều này, đã đánh động, thúc đẩy tôi chọn người nghèo, tù nhân lương tâm, dân oan… trong hành trình Đức tin của tôi, để sẵn sàng và khiêm nhường đón nhận Chúa trong thử thách mới. Tôi thiết nghĩ, những gì tôi đã nói ở trên mang tính lý luận vả cảm tính của con người, không mang lại nguồn sức mạnh nội tâm cho tôi dấn thân trên con đường dài. Nỗi lo sợ bị trả thù, bị đánh đập, sách nhiễu, bỏ tù vẫn đeo bám tôi mỗi ngày. Nhưng sau biến cố, tôi bị câu lưu trong thời gian ngắn ngủi hồi cuối tháng 10.2012, tại phường Cầu Kho – Q1- Sài Gòn, tôi thực sự được biến đổi vì chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đã cứu thoát tôi khỏi sự dữ. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên tôi. Ngay sau đó, tôi được một người bạn tặng cho tôi cuốn sách “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Một vị Hồng y bị nhà cầm quyền cs biệt giam trong suốt 13 năm trời không thông qua một phiên tòa xét xử và sau khi ra khỏi nhà tù, ngài đã bị trục xuất ra khỏi đất nước VN. Trong suốt thời gian bị biệt giam, ngài đã sống trọn con đường mới Chúa trao và ngài đã làm con đường ấy tràn đầy hy vọng, đầy sự yêu thương nơi ngục tù tưởng như vô vọng. Chính năm tháng đó, ngài đã biến đổi được nhiều loại người và giúp họ nhận biết Chúa. Ngài mất vào ngày 16.09.2002. Và, hiện nay, ngài đang trong quá trình được phong thánh. Đó là nguồn nội lực thôi thúc tôi dấn thân trong sứ mạng truyền thông cho người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội và không có tiếng nói. Huyền Trang, VRNs
......

Việt Nam: Mẹ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh điều trần tại Quốc hội Đức

Số phận ba tù nhân lương tâm Việt Nam Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương được trình bày trước Quốc hội và chính phủ Đức. Qua cuộc vận động của tổ chức VETO, Mạng Lưới Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền, cơ sở tại Đức, bà Trần Ngọc Minh đã có cơ hội kêu cứu cho con gái mình, là Đỗ Thị Minh Hạnh, bị giam trong điều kiện cay nghiệt ở nhà tù Thanh Xuân, Hà Nội với bản án 7 năm tù vào năm 2010 vì tổ chức đình công bảo vệ công nhân công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh.   Từ Berlin, bà Trần Thị Ngọc Minh tóm lược hai buổi gặp gỡ với Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Đức ngày 08/04 và Đặc Ủy viên Nhân Quyền Liên Bang Đức ngày 09/04/2014: Bà Trần Thị Ngọc Minh : Tôi được Veto đưa vào Quốc hội Đức qua sự hướng dẫn của anh Vũ Quốc Dụng. Khi đến nơi, tôi đã thấy bầu không khí trang trọng tại phòng họp. Đã có bốn vị dân biểu cao cấp ngồi tại bàn chính, xung quanh là rất nhiều nhân viên các văn phòng dân biểu. (…) Khi vào họp, đầu tiên, vị chủ tọa – tức là người dân biểu cao cấp nhất của Ủy ban Nhân quyền – đã đặt vấn đề về sức khỏe của Đỗ Thị Minh Hạnh hiện tại, cũng như các điều kiện giam giữ tại Việt Nam, nơi Minh Hạnh đang bị giam giữ. Tôi cũng tóm tắt sơ lược về sức khỏe Minh Hạnh, hiện đang mang một căn bệnh hiểm nghèo mà tôi không biết được rõ ràng. Họ đề nghị tôi trình bày chi tiết về các vấn đề Minh Hạnh hoạt động, cũng như là lý do Minh Hạnh bị tù tội và bị tù tội như thế nào.Họ rất là xót xa và đau lòng, và họ không ngờ rằng ở Việt Nam lại có những trường hợp như vậy. Tôi cũng trình bày hết cho họ nghe, và nguyện vọng của Đỗ Thị Minh Hạnh là muốn có công đoàn độc lập ở Việt Nam, để mà bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Vì nghiệp đoàn lao động hiện nay ở Việt Nam là của đảng Cộng sản, chỉ có phục vụ lợi ích cho đảng Cộng sản nhiều hơn là bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Họ rất là ân cần và họ hứa sẽ tổ chức một cuộc họp để tìm ra một phương pháp giúp cho Hạnh và các người bạn được tự do. Sau đó tôi được gặp các vị dân biểu bảo trợ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, rồi ngài đặc ủy về Nhân quyền Liên bang Đức. Quốc hội cũng hứa sẽ hết sức quan tâm đến Minh Hạnh và tìm ra giải pháp giúp Hạnh được tự do, được chăm sóc về y tế. (…) Những điều mà Quốc hội Đức đã làm vừa qua, khi tôi được gặp gỡ họ thì tôi cảm thấy rằng tôi rất hạnh phúc và vinh dự, rất là may mắn . Tôi tin rằng khi ở trong tù Minh Hạnh biết được điều này, thì Minh Hạnh rất hạnh phúc và an tâm, mạnh mẽ hơn trong nhà tù của Nhà nước Việt Nam. Đồng thời tôi cảm thấy đất nước của họ tôn trọng nhân quyền rất lớn, đặt vấn đề nhân quyền lên trên hết. Tôi cũng tin tưởng rằng, qua cuộc gặp gỡ này, Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Đoàn Huy Chương, và các tù nhân lương tâm ở Việt Nam có các diễn biến khả quan hơn. Tôi rất tin tưởng và hy vọng. Về phía Quốc hội và chính phủ Đức, các dân biểu và những nhân vật trách nhiệm hồ sơ nhân quyền đã có thái độ ra sao trước nỗ lực vận động công luận quốc tế của một bà mẹ Việt Nam, ông Vũ Quốc Dụng, điều hành tổ chức nhân quyền VETO cho biết như sau.   Ông Vũ Quốc Dụng : Chúng tôi rất là mừng, khi thấy ở Đức, họ đặt giá trị nhân quyền lên cao hơn hết, như là các giá trị chung. Tại sao tôi lại nói như vậy ? Khi chúng tôi đi vận động, chúng tôi thấy tất cả các khối đảng trong Quốc hội đều rất quan tâm, từ tả sang hữu, từ đảng ngày xưa là đảng Cộng sản của Đông Đức, cho đến các đảng tham chính hiện nay. Khi chúng tôi làm việc với các đảng tham chính và các đảng đối lập , chúng tôi có những người thực hiện những cam kết, và những người giám sát việc thực hiện những điều đã hứa. Nhận xét thứ hai của tôi là, trong trường hợp này, bà Trần Thị Ngọc Minh đã được hai cơ chế cao cấp nhất của lập pháp và hành pháp Đức đón tiếp. Đó là Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức và viên Đặc ủy Liên bang phụ trách Nhân quyền và Cứu trợ nhân đạo. Điều này cho thấy, đây là một vinh hạnh cho người Việt Nam đầu tiên, được hai cơ chế cao nhất về nhân quyền của nước Đức tiếp đón. Nhận xét thứ ba của tôi là trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh, chỉ là một trường hợp tiêu biểu cho việc giam giữ tùy tiện, việc xét xử bất công và vấn đề tra tấn, hành hạ, đánh đập trong tù, vấn đề cưỡng bách lao động, tiêu biểu cho rất, rất nhiều những người tù chính trị và tù nhân lương tâm hiện còn bị giam giữ một cách bất công. Trường hợp tiêu biểu này sẽ giúp, không chỉ cho việc quan tâm đến hai người khác trong vụ cô Hạnh, là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và anh Đoàn Huy Chương, mà sẽ giúp cho thế giới quan tâm đến số phận của các tù nhân chính trị và lương tâm tại Việt Nam. Nguồn: .rfi.fr
......

Lúp xúp đi vào phòng hơi ngạt

“Hãy tha lỗi cho anh, hãy tha lỗi cho anh!”   Đó là câu nói thầm trong đau đớn, được lập đi lập lại của nhà văn Dreyman với người bạn gái Christa khi ôm cô trong tay lần cuối. Một cảnh gây nhiều xúc động cho tôi trong phim The Lives of Others. Christa đã lao đầu vào một xe tải vì hối hận, khi đám mật vụ Stasi còn đang lục tìm máy đánh chữ của Dreyman dưới nền nhà do chính Christa điềm chỉ. Đối với tôi câu nói thương cảm đó cũng nên dành cho tất cả những con người đáng thương dưới chế độ cộng sản; những con người vì sợ hãi, vì bị ép buộc đã phải chịu trực tiếp hay gián tiếp liên hệ vào mạng lưới chỉ điểm của công an. Những nông dân hiền lành bị khích động trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, những nhà văn, những nghệ sĩ phải muối mặt điềm chỉ bạn mình trong cái không khí khủng bố, đe doạ của thời Nhân Văn Giai Phẩm. Đây là bi kịch của con người, của cả một thời đại đã qua và của mọi chế độ cộng sản.   Dreyman và Christa là hai nhân vật trong bộ phim của đạo diễn người Đức Donnesmarck “Những Mảnh Đời Kẻ Khác” (The Lives of Others). Cuốn phim được đánh giá là một trong những phim xuất sắc nhất của năm 2006. Phim nói về những con người lương thiện trở thành nạn nhân, đã cố sức vùng vẫy như thế nào với bản thân dưới một hệ thống do chính con người tạo ra. “Mảnh Đời Kẻ Khác” thuật lại tình cảnh tại Đông Đức dưới thời cộng sản, thời mà mật vụ Stasi thực hành chính sách Zersetzung - một thủ đoạn gây ly gián, một dạng khủng bố tinh thần người dân gồm theo dõi, dụ dỗ, gài bẫy, ức chế, ... bóp chết cuộc đời của những đối tượng không chịu hợp tác. Điều thú vị được Donnesmarck tiết lộ là ông đã nảy ra ý định thực hiện cuốn phim này từ một câu nói của Lênin khi nghe bản sonat Appassionata của Beethoven: “Tôi không thể nghe bản nhạc này quá nhiều, nếu không tôi sẽ không thể hoàn thành cuộc cách mạng được”. Trong truyện phim, nhân vật chính Wisler, một viên công an có nhiệm vụ theo dõi Dreyman, bỗng hồi tâm, chuyển ý sau khi nghe lén Dreyman đàn bản nhạc này. Có lẽ vì những chi tiết trên, mà có người đã gọi tấu khúc sonat Appassionata bằng cái tên Khúc Tình Ca Cho Những Người Lương Thiện. Sống dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, chúng ta thường nghe câu "không có gì qua được tai mắt nhân dân" hoặc "tai mắt nhân dân cái kim không lọt", v.v... Thực ra đây là bài bản và công thức "chia rẽ và khủng bố liên tục toàn dân để cai trị" do Lênin sáng chế, và sau đó được Stalin, Mao Trạch Đông nâng cao gấp nhiều lần về cả mức độ ác độc lẫn ưu tiên áp dụng. Công thức này được tất cả các nước cộng sản đàn em, kể cả cộng sản Việt Nam, sao chép lại.   Vì thế hệ thống cai trị, kiểm soát quần chúng ở mỗi nước cộng sản đều mang đặc tính chung là dựa vào 3 bộ phận chính. Bộ phận thứ nhất là một hệ thống trại tù tập trung cấp tỉnh, cấp vùng, và cấp trung ương; với những tên gọi hiền lành như "trại cải tạo", "trại lao cải", "trại giáo dục lao động". Bộ phận thứ nhì là hệ thống công an - an ninh - mật vụ, cũng dưới những tên gọi hiền lành không kém và luôn đính kèm với chữ "nhân dân" hay chữ "quốc gia". Và bộ phận thứ ba là mạng lưới "ăng ten" bao trùm cả nước do chính người dân đảm trách - tức những người đang bị theo dõi và kiểm soát, theo sự điều hành của công an. Theo định nghĩa của hệ thống này, mỗi người dân có trách nhiệm phải làm "ăng ten" cho công an. Những ai từ chối làm ăng-ten thì chính thái độ đó đủ là bằng chứng của tư tưởng phản động và đáng trừng phạt rồi. Thế là nhà nhà làm ăng ten, người người làm ăng ten. Tại những nước có ngày đổi đời tương đối êm thắm như tại Đông Đức và công an không có nhu cầu đốt hồ sơ, người ta tìm thấy cả núi những báo cáo của người dân với an ninh mật vụ về hành vi của bạn bè, đồng nghiệp, hoặc của cả vợ hoặc chồng của mình. Có cả báo cáo của nhiều vị chức sắc tôn giáo. Đặc biệt việc báo cáo về người khác còn là một biện pháp phòng thủ để thêm an toàn cho bản thân. Khi một người có lý do nào đó để sợ rằng đồng nghiệp, hàng xóm "có thể" báo cáo xấu về mình, thì người đó báo cáo đại một điều xấu về đồng nghiệp hay hàng xóm để họ bị bắt trước. Hệ quả là sống trong xã hội này, mọi người đều phải cảnh giác với người chung quanh. Mọi người đều sống trong sự phập phồng thường xuyên. Và mọi người đều tự kiểm duyệt ngay cả suy nghĩ của chính mình để đề phòng lỡ buột miệng nói ra khi nằm mơ, khi uống bia rượu, hay khi quá mệt mỏi. Con người sống như một đàn vịt luôn nơm nớp sợ hãi, không biết bị làm thịt lúc nào, và chỉ biết đùn đẩy nhau để "người bên cạnh bị làm thịt trước mình". Không còn ai dám tin ai, dù ngay cả trong gia đình, họ hàng, lối xóm vì ai cũng có thể đang là kẻ điềm chỉ. Vì vậy, mạng lưới "ăng ten" không chỉ nhằm cung cấp tin tức cho công an, mà quan trọng hơn nữa, nó giữ người dân không nối kết lại được với nhau. Và đó là cốt lõi của một xã hội ỔN ĐỊNH dưới các chế độ cộng sản. Hiện nay, trong số các chế độ cộng sản còn sót lại trên thế giới, mức độ tồn tại của hệ thống kiểm soát quần chúng có khác nhau. Tại Bắc Triều Tiên và Cuba, mức độ sắt máu và khủng bố hoàn toàn không thay đổi. Tại Trung Quốc và Việt Nam, vì phải làm ăn buôn bán với thế giới tự do, hệ thống cai trị với 3 bộ phận nêu trên được sơn phết những lớp vỏ "pháp luật", "pháp quyền" kỹ lưỡng. Cụ thể như vào tháng 2/2014, công an Quận 4 Sài Gòn phân phối đến từng hộ dân những “phiếu tố giác tội phạm” mà thực chất là hăm dọa dân phải làm "ăng ten" cho họ. Hiển nhiên công an cấp quận không dám tự nghĩ ra kiểu làm này nhưng đây chỉ là thí điểm cho kế hoạch của cấp trung ương. Liệu cảnh người dân nơm nớp sợ đảng và sợ nhau như dân làng thời Cải Cách Ruộng Đất có trở lại trên đất nước Việt Nam của chúng ta không? Liệu với hơn nửa thế kỷ sống dưới hệ thống cai trị của Lênin-Stalin-Mao, quán tính vô cảm trong xã hội chúng ta còn phải mất bao lâu nữa mới phai lạt? Và liệu dân tộc chúng ta còn tiếp tục chấp nhận ỔN ĐỊNH TRONG TÀN LỤI VÀ LẠC HẬU đến bao giờ? Thay vì chấp nhận làm “ăng ten” cho công an, một số người Việt can đảm đã chuyển hướng. Tai mắt nhân dân ngày nay đang dần thuộc về lẽ phải. Những bà con này đã chụp hình những cảnh công an và côn đồ bạo hành dân chúng để đưa ra trước thế giới qua mạng Internet. Đây là những người đã ý thức được qui luật: chuyện hôm nay xảy ra cho hàng xóm, ngày mai sẽ xảy ra cho nhà mình. Có những trường hợp còn đáng nể phục hơn nữa, như câu chuyện của một facebooker kể lại. Sau khi tham dự một buổi biểu tình đòi nhân quyền, người bạn trẻ này và vài người bạn gọi xe taxi để về nhà. Ngồi trong xe họ phát hiện ra một số công an mặc thường phục rượt theo sau xe họ. Những người bạn này đành nói thật với người tài xế taxi, và chấp nhận xuống xe tự lo liệu để tránh liên lụy cho người khác. Nhưng người tài xế đã nói với họ rằng: "Các em là khách hàng của tôi. Tôi sẽ không để họ muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ bảo vệ các em". Thế rồi ông tài xế đặc biệt này đã tìm cách chạy len lỏi qua nhiều đường phố để đưa các bạn trẻ về nhà an toàn. Tuy nhiên số người này vẫn còn là thiểu số, câu hỏi phũ phàng của thực tế vẫn còn nguyên đó, nó dành cho tất cả mọi người VN, bao gồm cả người viết bài này: Hiện có được bao nhiêu người trong chúng ta bỏ công đứng lại hỗ trợ những bà con đi xe bị công an chận lại để đòi hối lộ; bỏ công góp tiếng phản đối công an đến xách nhiễu lối xóm; bỏ công thu hình cảnh công an bạo hành bà con dân oan; bỏ công chở che và chỉ cho người biểu tình đường thoát công an; .... Những quốc gia thoát được các ách độc tài - công an trị đều bắt đầu bằng những hành động như thế.   Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến bài học mà dân tộc Do Thái (Israel) ngày nay quyết không để cho nhau quên và đặc biệt nhắc các thế hệ sinh viên học sinh về câu nhận xét chính xác và đau đớn được lan truyền trong giới sĩ quan Đức Quốc Xã về các tù nhân Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến: "Lũ Do Thái hèn nhát bị tẩy xóa khỏi lịch sử loài người là đáng lắm. Để kiểm soát vài ngàn tù nhân Do Thái chúng ta chỉ cần dùng vài chục lính Đức là đủ. Thật ra, ở mỗi trại nếu chỉ vài trăm đứa dám đối đầu thì đã khó cho chúng ta lắm rồi. Nhưng đứa nào cũng chỉ chờ đứa khác đứng lên giùm mình. Và thế là từng đám lúp xúp đi vào phòng hơi ngạt." Nguồn: viettan.org
......

Từ Từ Mà Chết

Ngày 7/4/2014   Nhật ký mở lần 84: BA TIẾNG ĐỒNG HỒ ĐỂ CẮT ĐỨT HẲN CUỘC ĐỜI MỘT TRÍ THỨC YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH Cả đêm qua, trở về nhà sau khi đi khóc bên quan tài một con người bình dị trở thành “anh hùng dân tộc” của hàng-triệu-con-người là thầy giáo Đinh Đăng Định... mình không sao ngủ được ….vì, đã lâu lắm rồi, chưa có một tội ác ghê gớm nào của cái “tà giáo gọi là cộng sản”, lại ảnh hưởng đến tâm hồn mình đến thế, sau những vụ đã phải bị chứng kiến tận mắt bao nhiêu đồng bào, người thân quen của mình bị giết hại vô luật pháp một cách lạnh tanh, dã man, và tàn khốc trong cải cách ruộng đất…. Mình lại nổi giận thầm những kẻ gọi là trí thức nhưng luôn ngậm miệng trước những cảnh con người bị chà đạp, bị giết hại, không hề xảy ra tại một đất nước văn minh nào ở thế kỷ XXI này: KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI CHÍNH QUYỀN TỨC LÀ PHẢI …CHẾT!   Không chết ngay thì cũng.. “từ từ mà chết”…Mình lại nhớ tới những tù nhân đã bị đưa vào nơi để chết gọi là “trại giam”, ”trại cải tạo”sau những phiên tòa gọi là “xử án hình sự”, nhanh hơn các vụ xử ăn cắp mấy con gà! Đó là những vụ Điếu Cầy, Lê Quốc Quân, Đinh Đăng Định….với những “án tử….chờ” Hãy xem các hình của 2 người “tù hình sự” sau đây để thấy, cái nơi giam giữ con người đã nhẫn tâm biến họ thành “thân tàn ma dại” thế nào  chỉ trong một thời gian chủ tâm “giết dần” họ…       Và hôm nay đây, khi anh Định đã hòa mình vào tro bụi của Mẹ Tổ Quốc, mình không thể không nói lên những ý nghĩ làm mình phải tiêu hao sức lực suốt một đêm trời! Mong mọi người hãy thứ lỗi cho mình nếu có ý kiến nào coi như …quá “cực đoan”….   1-KHÔNG THỂ NÀO MỚI CÓ HƠN HAI NĂM ĐƯỢC CẢI TẠO GIÁO DỤC TRONG TRẠI GIAM CỘNG SẢN mà một người mạnh khỏe như anh Định có thể chết vì “ung thư giai đoạn cuối” đến nỗi vỡ hết các mạch máu, cấm khẩu và di căn nát bấy hết các bộ phận khác trong người??? Mình đã đưa ý kiến rất sớm lên facebook sau khi nghe tin thầy Định đã trong cơn hấp hối rằng: Phải yêu cầu mổ xác (autopsie) và phải có một ban giám định vô tư gồm cả những người có những thắc mắc về cái chết này và đã từng viết trên facebook đưa ra những chứng minh khoa học, mà mình có thể kể về chuyện có một anh bạn thân, kể từ khi phát hiện ra ung thư đến khi mổ rồi chỉ qua đời sau…. 8 năm trời. Thậm chí ngay khi đưa thi hài anh Định về Sài Gòn rồi, vẫn có người còn có ý tưởng cần “lấy lại” mấy sợi tóc để xét nghiệm xem có bị đầu độc (nghi là bằng ammonium sulfate) hay không …Tiếc rằng mọi sự đã “xong hết” mà theo mình thì: Rất đúng với mong đợi của nhà cầm quyền! Nghĩa là : -Đã được chủ tịch nước ân xá lúc còn sống đấy nhé! -“Chết là chết tại gia” chứ chúng tao không có trách nhiệm gì nhé! -Hỏa táng cũng là chủ trương của “mấy anh mấy chị”chứ chúng tôi chẳng có phi tang phi táng gì đâu đấy! -Tang lễ của công dân Đinh Đăng Định bọn tao cũng chẳng có gây khó khăn, ngăn cản, phá phách thậm chí còn có cả lực lượng dẹp đường cho mọi người… “đi đến nơi về đến chốn” rất nhanh chóng, gọn gàng, tự do, thoải mái rõ ràng!Thấy chưa? Ba cái anh ở các thứ tổ chức thù địch Nhân Quyền Hu-mân-rai Hu-mân Lép- phờ- tờ đừng có “không đầy đủ thông tin mà cứ dèm pha nói xấu cái nước hạnh phúc thứ…2 thế giới” này.   Sở dĩ mình có những suy nghĩ “cực đoan” này vì mình đã nghe chính cái clip mà trước khi chết, anh Định đã nói ra là anh đã ngửi thấy mùi một thứ hóa chất mà anh là thầy dạy hóa không thể nhầm khi bị cho uống nước và ăn rau có độc tố chết người này! Có điều với bản chất nhân hậu, độ lượng của mình, anh cũng có nói thêm là “Tôi không biết là họ cố ý hay vô tình” !Nhưng con gái anh, bạn bè, thậm chí cả trên các phương tiện thông tin nước ngoài cái yếu tố “bị đầu độc” này đã hơn một lần được nhắc đến. Nhưng cuối cùng, thì cái dấu hỏi to đùng này vẫn còn nguyên trong đầu óc mình cũng như trăm ngàn dấu hỏi khác khi những người bạn, thân quen, những nhà trí thức bị giam giữ, bị cắt hộ khẩu, bị cắt sổ gạo, bị đuổi ra khỏi biên chế ….. đã ít nhiều bị xử “chết chờ”!thay vì chết ngay tức khắc?   2- Bản thân mình, do được thầy Định (dù còn kém con cả mình đúng 10 tuổi) đã mở mắt cho mình nhiều điều về tư cách của một trí thức yêu nước đích thực bằng những hành động và lời nói mà không mấy người gọi là trí thức nước ta dám làm, dám nói .Chẳng phải là một người hoạt động chính trị, một “nhà dân chủ”, một blogger chuyên phản biện, vạch ra những sai lầm của nhà nước một cách ồn ào, thầy Định, trước tình hình nơi mình dạy hóa, thấy cái nguy cơ về trái bom bô-xít đang được tiến hành bất kể tai họa về mọi mặt sẽ nhỡn tiền nổ trên đầu cái mảnh đất Dak Nông mà thầy đang đứng lớp. Thầy đã lặng lẽ lấy được 3.000 chữ ký yêu cầu đình chỉ ngay cái “chủ trương lớn của Đảng” lại, để gửi lên cấp trên ….Chưa làm được gì mấy, thì người ta đã thẳng tay “đập chết” ngay từ trong trứng nước cái ý tưởng “vì nước- vì dân” này để làm gương cho những ai dám “phạm thượng” bằng cách phản đối chủ trương của cả 2 vương triều Trung-Việt. Thế là, chỉ một cú lô phôn, một tờ giấy có lệnh đã ban trong túi, một cái gọi là “tòa án”, chỉ chưa đầy 3 tiếng đồng hồ đã “đánh nhanh, diệt gọn” một con người lo cho tương lai con cháu, cho Tổ Quốc, cho bản thân mình, đã bị buộc “tội” “chống phá chính phủ, chống phá nhà nước XHCN” để phải ….”chết …chờ” trong 6 năm trời trong lao tù cộng sản kinh khủng nhất trần gian!!   Mình đã đọc hàng trăm ý kiến về thầy Định để thêm tin tưởng là Cái chết của thầy Định rõ ràng đã là một cuộc trưng cầu ý dân không tiền khoáng hậu nhất của cuộc chiến đấu giải cộng từ xưa đến nay… -Cái chết của anh đã dựng dậy, cậy mồm không biết bao nhiêu người xưa nay chỉ… “im lặng ăn tiền” ... Thử lướt qua vài ý kiến …..   “Chỉ vì đi vận động 3000 chữ ký của người dân để phản đối một dự án được coi là "chủ trương lớn của đảng" - dự án khai thác bôxit Tây Nguyên mà một thầy giáo bị khép tội "tuyên truyền chống nhà nước" bị giam cầm cho đến chết . Sau hơn 4 năm "chủ trương lớn của đảng" đã gây lỗ hàng nghìn tỷ cho ngân sách nhà nước - tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân.” - http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bo-xit-tay-nguyen-du...       “Tôi biết Anh qua một bài báo của trang Công An TPHCM, khi anh bị tuyên xử 6 năm tù giam vì tội phạm vào luật hình 88, đăng ngày 21/11/2012. Chưa đầy 2 năm ngồi tù, thì hôm nay Anh đã ra đi, để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng dân Việt.”     ”Chỉ vì đi vận động 3000 chữ ký của người dân để phản đối một dự án được coi là "chủ trương lớn của đảng" - dự án khai thác bôxit Tây Nguyên - mà một thầy giáo, trí thức bị khép tội "tuyên truyền chống nhà nước" bị giam cầm. Sau hơn 4 năm "chủ trương lớn của đảng" đã gây lỗ hàng nghìn tỷ cho tiền đóng thuế của dân và bao nhiêu gia đình bị màn trời chiếu đất sau khi tái định cư. Giờ thì dự án này đã nói lên Anh đúng và đảng cầm quyền đã sai.”…     Tôi vẫn dõi theo Anh một cách thầm lặng, và kính phục. Tôi xin làm một bài phóng sự góp nhặt ảnh về Anh xem như là, lòng thành kính dâng Anh một nén hương của một kẻ có học dành cho Người Trí Thức đúng nghĩa trong thời buổi đảo điên này.”     (B/s Hồ Hải) Và đây nữa chỉ kể những cái đầu bài trên các trang mạng trong và ngoài nước sau đây:   Lễ tang thầy giáo Đinh Đăng Định (RFA). – Vài hình ảnh lễ viếng thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định (Boxitvn). – Những nén hương tiễn thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định (Boxitvn). – JB Nguyễn Hữu Vinh: Thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô Đinh Đăng Định (Blog RFA). - Người Việt khắp nơi tưởng nhớ thầy Phêrô Đinh Đăng Định (DCCT). – Tập thể, cá nhân đến viếng thầy giáo Đinh Đăng Định (DCCT). – Vài hình ảnh về lễ viếng thầy Đinh Đăng Định (Dân News). – Tâm tình của một số người đến viếng thầy giáo Đinh Đăng Định (FB Hành Nhân). – Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm: Vĩnh biệt cựu tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định (DCCT). – Ảnh: Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây đến viếng thăm linh cửu Thầy giáo Đinh Đăng Định tại DCCT Sài Gòn (FB Nguyễn Bắc Truyển). Đôi dép ở giữa bức hình mang ý nghĩa: hãy tiếp bước con đường thầy Định đã đi => - Một số điều đặc biệt trong Lễ viếng thày giáo yêu nước Đinh Đăng Định tại Dòng Chúa Cứu Thế (FB Bang Tran). – Người như rứa không viếng sao được? (FB Lưu Gia Lạc). – Cám ơn Thầy giáo Đinh Đăng Định đã cho chúng ta thấy thế nào là sống cho đáng sống (FB Ngọc Nhi Nguyễn). - THẦY GIÁO ĐINH ĐĂNG ĐỊNH ĐÃ RA ĐI – PHẦN VIỆC CÒN LẠI CỦA CHÚNG TA (FB Nhất Nam). “Kẻ thù của ông không phải là các cá nhân đã đưa ông vào tù tội, không phải là những người trực tiếp, gián tiếp đưa đến cuộc chiến sinh tử mà ông phải đón nhận. Di ngôn của ông để lại đã nói rõ điều đó ! Kẻ thù mà ông tranh đấu chính là cái nguy hại, cái thiệt thòi cho dân, cho nước thể hiện ở cái Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên mà giờ đây đã thể hiện quá rõ cuộc chiến của ông là đúng!“ - Lấy ngày thầy Đinh Đăng Định qua đời (3 tháng 4) làm NGÀY NÓI KHÔNG VỚI BAUXITE? (FB Thanh Nghiên). Thì đủ thấy, lòng dân đã hướng về anh, về cái Đúng không thể chối cãi đã lớn mạnh đến chừng nào Và mình có thể khẳng định rằng Chưa bao giờ mà cái chết của một thầy giáo tỉnh lẻ lại được hàng vạn người viết bài thương tiếc, gửi vòng hoa viếng thăm đông đảo đến như thế kể cả những người mà khi chết phải treo cờ rũ. Một thái độ “bỏ phiếu ngầm cho ai, cho cái gì thì đã quá rõ!!!   Tuy nhiên, dù yêu mến, kính trọng anh vô bờ bến, tôi cũng xin phép hương hồn anh để phản biện anh trong cái quan điểm quá ư nhân ái của anh dặn lại cho đời:“KHÔNG ĐƯỢC GIỮ LÒNG THÙ HẬN /CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ KẺ THÙ CỦA NHAU” ??? Thưa anh Định vô cùng quí mến và tiếc thương của tôi! Cái gì chứ cái “không coi bọn đã coi mình là kẻ thù thì tôi xin…không thể nghe theo lời anh được! Lý do: Họ không bao giờ muốn dân ta được sống làm Người đâu! Chỉ có “đấu tranh này là trận cuối cùng” mà thôi! Hoặc họ, hoặc chúng ta, con cháu chúng ta tồn tại. Không có chuyện “chúng ta không phải là kẻ thù của nhau đâu! Ngay chuyện chúng ta và cùng họ song song tồn tại cũng là điều phải tránh bằng được!Không có con đường nào khác! Chẳng biết viết gì hơn bao nhiêu người khắp trong nước và thế giới đã viết về anh, tôi chỉ xin phép hương hồn anh và gia đình anh thứ lỗi cho tôi về những gì “có ý khác” tôi đã viết trên trang nhật ký này! Nguồn: to-hai.blogspot.de
......

Phạm Chí Dũng : Hãy để yên cho ông Cù Huy Hà Vũ sống như một người bình thường

Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã được bất ngờ trả tự do hôm 06/04/2014, đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay và đến Hoa Kỳ hôm 7/4. Nếu báo chí nhà nước không hề loan một dòng tin nào về sự kiện này, thì trên các mạng xã hội việc ông Cù Huy Hà Vũ được phóng thích và đi Mỹ ngay sau đó đã làm dấy lên nhiều bình luận sôi nổi. RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.   RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, việc thả tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tất nhiên là một tin vui nhưng nhiều người cho là các nhà bất đồng chính kiến một khi đã ra hải ngoại sẽ khó thể tiếp tục tranh đấu cho dân chủ được nữa ? Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi thấy tình hình dư luận càng ngày càng phức tạp và đa chiều, thậm chí là hỗn mang, và có nét dị biệt không thể tránh khỏi trong quan điểm của cộng đồng. Gọi là cộng đồng, nhưng thực ra có rất nhiều nhóm, phái. Và điều này đã xảy ra không phải chỉ với ông Cù Huy Hà Vũ – đối với ông thì đây không phải là lần đầu tiên, mà cả với những người khác nữa. Thí dụ như ông Đoàn Viết Hoạt, bà Trần Khải Thanh Thủy – cũng từ trong nước mà đi ra, cũng từ nhà tù mà đi ra – nhưng cũng đã phải chịu những lời dị nghị khá nhiều. Ông Cù Huy Hà Vũ cũng vậy. Và tôi xin nhắc lại, cho tới giờ vẫn có dư luận đánh giá ông Đoàn Viết Hoạt là một loại « gà » của chính quyền cộng sản đưa ra hải ngoại để hoạt động, quấy phá « phong trào dân chủ ». Tôi cho đó là quan điểm khá cực đoan. Bà Trần Khải Thanh Thủy cũng thế, một số người cho rằng bà là tay sai của Nhà nước, và cũng được gài vào trong các nhóm, các phong trào dân chủ để hoạt động.   Thì ngay lập tức khi ông Cù Huy Hà Vũ mới đáp xuống phi trường Washington DC có một ngày thôi, lại đã xuất hiện dư luận tương tự như đối với bà Trần Khải Thanh Thủy và ông Đoàn Viết Hoạt. Điều đó làm cho tôi cảm thấy ngạc nhiên vì tại sao mới chỉ có một ngày, trên người đang mang một số thứ bệnh - và đúng là có lý do để đi chữa bệnh thật sự - ông Cù Huy Hà Vũ lại bị lôi ra trước công luận để mổ xẻ, với một thái độ không mấy thiện cảm như thế. Còn có luồng dư luận đánh giá là ông sẽ phải chịu những điều tiếng khá nặng nề nếu ông không hòa nhập được với cộng đồng. Và có thể bản thân ông Cù Huy Hà Vũ, vốn là một người xuất thân từ chế độ, mang những đặc tính tâm lý truyền thống khó tránh khỏi, sẽ khó thể hòa nhập được cộng đồng người Việt hải ngoại, ở Mỹ hoặc ở một số nước khác trên thế giới. Đó là một thách thức mà ông Cù Huy Hà Vũ phải đối mặt, phải giải quyết trong thời gian tới. Và người ta cho rằng có thể ông Cù Huy Hà Vũ sẽ không vượt qua được thử thách đó. Mà khi không vượt qua được thì làm thế nào ? Hoặc là ông sẽ phải im lặng, hoặc là ông từ bỏ con đường tranh đấu. Vì nói gì thì nói, để tạo dựng nên một uy tín, năng lực và chân đứng ở hải ngoại, điều đó khó hơn nhiều so với ở trong nước. Khi ở trong nước, người ta đương nhiên là có uy tín, đặc biệt là những nhân vật mới ở tù ra, và còn có thể tập hợp được một số quần chúng nào đó. Nhưng mà ở hải ngoại, với đặc tính có quá nhiều các nhóm thậm chí là phe phái, thì việc có thể đứng vững được trên đôi chân của mình, với uy tín của mình dù là có năng lực, cũng là một điều khá khó khăn. Điều đó đã được chứng thực là hiện nay cho tới giờ, ở hải ngoại vẫn ít có gương mặt nào được coi là trở thành thủ lĩnh có thể thống nhất được các lực lượng tranh đấu hải ngoại. Thậm chí chỉ có một ít thủ lĩnh nhỏ thôi, và những người thủ lĩnh đó cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là đặc thù mà người ta gọi là tính chia rẽ, trong các phong trào đấu tranh dân chủ hải ngoại nói riêng, và trong đặc tính tâm lý của người Việt nói chung. Đây là vấn đề mà chúng ta phải bàn tới ngày hôm nay. Tôi cho đó cũng là một thử thách mà trong những ngày tới, ông Cù Huy Hà Vũ dù có muốn đấu tranh trở lại hay là không vẫn phải đối mặt với nó, vẫn phải tìm cách vượt qua nó. RFI : Thưa anh, như vậy khi trả tự do ông Cù Huy Hà Vũ, Việt Nam có được lợi thế nhiều hơn là bất lợi phải không ạ ? Tôi có cảm giác là kỳ này Nhà nước Việt Nam đã giành một lợi thế nho nhỏ trong việc thả ông Cù Huy Hà Vũ. Bởi vì trước mắt họ đáp ứng được điều kiện của phía Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ dường như cũng hài lòng về chuyện đó – lên tiếng hoan nghênh, thậm chí từ phía dân biểu Ed Royce. Đó là người đã cùng một số nghị sĩ khác vào tháng 7/2013, trước khi ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Tổng thống Barack Obama, thì ông Ed Royce và một nhóm nghị sĩ đã gửi thư riêng cho ông Trương Tấn Sang, đề nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng một vấn đề, có thể nói là một điều kiện nhỏ của phía Hoa Kỳ - một điều kiện nhỏ thôi. Thứ hai nữa, có thể là một bước tiến nhỏ trên con đường đạt tới mục tiêu tối thượng mà tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam đang muốn tiến tới, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Và sau đó nữa, có thể cả một lời hứa của Tổng thống Barack Obama – hoặc vào cuối năm nay, hoặc sang năm tới - nhưng gần như chắc chắn là vào một lúc nào đó, phía Hoa Kỳ sẽ xác định là Tổng thống Obama đến Việt Nam. Lúc đó sẽ là một hình ảnh tái lập chuyến đi của Barack Obama đến Miến Điện vào cuối năm 2012, khi tình hình dân chủ Miến Điện được cởi mở, Tổng thống Thein Sein đã thả khoảng hơn 100 nhân vật được coi là bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị. Đó là mối lợi của Việt Nam. Đồng thời về mặt trong nước, nếu Nhà nước Việt Nam chịu khó tuyên truyền thì tôi nghĩ rằng họ cũng đạt thêm được một mối lợi nhỏ. Rằng họ đã bắt đầu mở cửa, bắt đầu có dân chủ hơn, và đã bắt đầu chiếm được một chút lòng tin của dân chúng. Nhưng khách quan mà nói, sau cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Nhân quyền vào tháng 2/2014 tại Thụy Sĩ, Nhà nước Việt Nam đã bắt buộc phải thể hiện sự tôn trọng hơn chút đỉnh đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về chống tra tấn. Trong đó liên quan tới những điều kiện thả tù nhân chính trị, cải thiện chế độ lao tù một chút. Điều đó cho thấy, có những tín hiệu đang phát ra về một lối mở thỏa hiệp - nhẹ nhàng hơn, mềm dẻo hơn, và có triển vọng hơn một chút, giữa Nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ, trong mối quan hệ thương thảo giữa hai bên về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Đó là một tương lai mà tôi cho là cũng không đến nỗi quá tồi đối với nền dân chủ Việt Nam nói chung, và đối với ông Cù Huy Hà Vũ nói riêng. RFI : Nhưng tại sao lại là ông Cù Huy Hà Vũ, trong lúc nhà tù Việt Nam hãy còn nhiều tù nhân lương tâm khác.  Còn bản thân ông Cù Huy Hà Vũ tại sao lại được chọn để thả ? Trong trường hợp này, nói « thả » vì thực chất là Nhà nước Việt Nam cho ông đi luôn, chứ không phải là sau khi chữa bệnh, ông Cù Huy Hà Vũ phải trở lại thụ án nữa. Theo đánh giá của tôi, ông Cù Huy Hà Vũ không phải là một nhân vật quá nguy hiểm đối với Nhà nước Việt Nam. Ông có tiếng nói, nhưng có thể về mặt tập hợp quần chúng và vị thế trong phong trào dân chủ ở Việt Nam, ông khó mà bằng được những nhân vật khác đang nằm trong chốn lao tù như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay ông Lê Quốc Quân, ông Trần Huỳnh Duy Thức, hoặc linh mục Nguyễn Văn Lý. Khi xác định chọn thả nhân vật nào đó, Nhà nước Việt Nam phải tính toán rất kỹ về ảnh hưởng của nhân vật đó sau khi được thả, tác động của của người đó trên trường quốc tế và cả với chính trị đối nội trong nước như thế nào. Chúng ta nhớ rằng vào tháng 8/2013, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Barack Obama, thì nghe nói phía Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách có năm người, đề nghị phía Việt Nam trả tự do. Đứng cuối danh sách đó là cô Phương Uyên – bị bắt năm 2012 trong một vụ rải truyền đơn. Và phía Việt Nam đã chọn nhân vật nhẹ nhàng nhất, trẻ tuổi nhất, ít ảnh hưởng nhất, chỉ mang tính biểu tượng nho nhỏ mà thôi. Đó chính là cô Phương Uyên, và họ đã trả tự do cho cô. Sau đó vào tháng 11/2013, họ tiếp tục trả tự do tại tòa cho một blogger là Đinh Nhật Uy. Đối với những trường hợp như thầy giáo Đinh Đăng Định, hay cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu, mà Nhà nước Việt Nam đưa ra lệnh đặc xá cho họ vào đầu năm 2014, cũng là những bước đi có tính toán. Vì đó là những người có thể nói là không còn sức khỏe để hoạt động nữa, hay nói cách khác đó là những người « sắp chết ». Đó là cách tính toán của Nhà nước Việt Nam, làm sao vừa tạo ra một điều gọi là « nhân hòa » đối với tình hình chung, mà vẫn không làm cho các tù nhân chính trị được thả có điều kiện để hoạt động mạnh. Riêng với ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề sức khỏe của ông có thể khả quan hơn nhiều so với thầy giáo Đinh Đăng Định (đã mất) và ông Nguyễn Hữu Cầu. Nhưng việc quyết định đưa ông đi nước ngoài, tôi cho đó là một tính toán khôn ngoan, vì đó là một cách – theo Nhà nước Việt Nam - là « tống khứ » được nhân vật bất đồng chính kiến nào ra hải ngoại thì càng tốt chừng đó. Ở hải ngoại, họ sẽ khó có điều kiện như ở trong nước để tập hợp quần chúng, để nói lên tiếng nói và tạo được phản ứng của dư luận. Đặc biệt là ở nước ngoài, họ khó có độ cảm nhận, độ rủi ro thường trực len lỏi, theo đuổi như là người ở trong nước. Vì vậy họ sẽ khó thể phân tích, đánh giá tình hình một cách thuyết phục như là những người trong nước. Đó là lý do mà tôi nghĩ Việt Nam đã chọn lựa khi thả ông Cù Huy Hà Vũ, phù hợp tương đối theo cách nhìn của Nhà nước. RFI : Dư luận cũng đang cho là việc thả những tù nhân lương tâm nổi tiếng là một cách vô hiệu hóa họ. Người ta mong muốn họ được trả tự do nhưng vẫn ở lại trong nước. Tình trạng chung hiện nay là nhiều tù nhân lương tâm còn trong tù chỉ muốn ở Việt Nam khi được tự do, không muốn đi nước ngoài. Những người thể hiện quan điểm kiên định nhất theo tôi biết là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, linh mục Nguyễn Văn Lý, kể cả một số người khác. Nghe nói họ đã được gợi ý đi định cư ở nước ngoài, nhưng họ kiên quyết không chịu, và cũng kiên quyết không ký kết bất kỳ một cam kết nào đối với giám thị hay cơ quan công an, an ninh điều tra về việc đi nước ngoài và phải chấp nhận im lặng. Thế thì vấn đề đối với ông Cù Huy Hà Vũ là như thế nào ? Ngay lập tức đã xuất hiện những dư luận có vẻ bất lợi cho ông. Dường như là những người nóng ruột đang muốn ông ngay sau khi đến Hoa Kỳ phải lập tức lao vào dòng thác đấu tranh, và làm tất cả những gì theo họ là có lợi cho phong trào dân chủ. Họ không hài lòng về việc tại sao ông Cù Huy Hà Vũ đến Washington DC một cách lặng lẽ như thế. Không có bạn bè tiếp đón ở phi trường, thậm chí đài VOA muốn phỏng vấn cũng không nhận được hồi âm ngay của ông. Theo một số dư luận, điều đó cho thấy dường như đã có một sự thỏa hiệp nào đó giữa cá nhân ông Cù Huy Hà Vũ, giữa gia đình của ông với ngành công an, với Nhà nước Việt Nam. Thậm chí có sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong việc đưa đón ông Cù Huy Hà Vũ - từ nhà tù không phải ghé qua nhà ông ở đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội mà ra thẳng sân bay để đi Mỹ. Vấn đề đặt ra là ông Cù Huy Hà Vũ sẽ suy nghĩ như thế nào, và sẽ phải đối mặt ra sao trước vấn đề này. Nhưng theo quan điểm của tôi, thì tôi xin nói luôn là những người ở ngoài, chưa từng bao giờ chịu cảnh tù đày, nên có một chút chia sẻ và thông cảm đối với những người đã từng trải qua tình trạng mà người ta gọi là một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài.   Nhà tù không phải là môi trường lãng mạn một chút nào hết. Đó là một môi trường mà người ta đói ăn, nóng bức, chịu những áp lực về tâm lý, kể cả sự xúc phạm về thân thể thường xuyên, thậm chí là có thể dẫn tới những căn bệnh nan y như đối với thầy giáo Đinh Đăng Định mà chúng ta vừa chứng kiến. Vì vậy cần có một sự cảm thông nhất định đối với những người mới ở tù ra. Đừng quá đặt nặng việc họ phải là một nhân vật này, nhân vật kia ; đừng quá coi trọng sự nổi tiếng của họ, để rồi tạo ra áp lực là họ cần phải đấu tranh ngay lập tức. Hãy xem họ là một người bình thường thôi, và một người bình thường thì cũng có tâm sinh lý hết sức bình thường. Đối với ông Cù Huy Hà Vũ, trước mắt ông cần đi chữa bệnh, thì hãy để cho ông đi chữa bệnh. Còn những điều ông làm trong quá khứ - ông là một trong những người đầu tiên trong phong trào phản biện đối với dự án bauxite ở Việt Nam, thì chúng ta hãy ghi công ông. Còn đối với hiện tại và tương lai thì hãy để cho ông bình yên chữa bệnh.   Đừng tạo áp lực quá lớn đối với ông rằng trong tương lai gần ông phải làm một điều gì đó, còn nếu ông không làm sẽ trở thành một nhân vật thừa thãi, ở trong cái xã hội hết sức công nghiệp. Một xã hội mà nếu người ta không làm việc thì sẽ phải nhận trợ cấp, sẽ phải nhờ vả tới mọi người, và có thể sẽ trở thành một ngoại lệ không đáng có. RFI : Về phía người được thả là ông Cù Huy Hà Vũ đã tỏ ra hết sức lặng lẽ. Nhưng về phía chính quyền - như lúc nãy anh có nói, nếu chịu khó tuyên truyền thì sẽ có được uy tín. Nhưng Việt Nam cũng không thông tin gì về việc trả tự do cho tù nhân lương tâm nổi tiếng này? Tôi hơi ngạc nhiên về điều đó. Và chẳng lẽ điều mà tôi muốn nói lại là mách nước cho Nhà nước Việt Nam rằng, nếu đúng họ đang có những lợi thế nho nhỏ về chuyện thả Cù Huy Hà Vũ, thì tại sao họ không tuyên truyền về chuyện đó ? Đúng ra bộ máy Nhà nước Việt Nam có thể làm điều này, trong khi nhiều trường hợp khác không đáng có mà họ vẫn tuyên truyền. Nhưng lần này tôi cho rằng họ rơi vào thế bị động. Và đó là thế bị động truyền thống vốn có, tức là không ai dám quyết định về một vấn đề, một trường hợp quan trọng. Họ luôn e ngại rằng tuyên truyền vấn đề này ra thì dân biết, và có thể « lợi bất cập hại ». Có thể sẽ phản tác dụng cho chế độ - rằng Nhà nước Việt Nam đã phải yếu thế trước đòi hỏi của Hoa Kỳ và phương Tây, phải nhượng bộ trước các vấn đề nhân quyền, và phải thả tù chính trị.   Thực ra đối với vấn đề Cù Huy Hà Vũ thì tôi cho rằng Việt Nam nên làm điều đó. Và một khi đã tuyên truyền, thì tính minh bạch chỉ gây hiệu quả tốt đối với họ thôi. Không chỉ minh bạch đối với trường hợp này, cứ nói thẳng ra tất cả những trường hợp khác. Kể cả về thầy giáo Đinh Đăng Định, về ông Nguyễn Hữu Cầu, về tất cả những trường hợp họ thả người, và viết một cách khách quan, tôi cho đó không chỉ là tính minh bạch mà còn là tính chính danh của chế độ nữa. Họ cứ nói thẳng ra điều đó đi, đừng có ngại ngần gì cả. Càng nói ra thì tôi nghĩ phương Tây và người Mỹ sẽ yêu mến họ hơn, và càng dễ vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương hơn. RFI : Thưa anh, có ý kiến cho là đối với phong trào dân chủ bây giờ, không chỉ cần đấu tranh đòi thả các tù nhân lương tâm, nhưng còn phải đòi hỏi chính quyền không buộc họ phải ra nước ngoài sau khi được trả tự do. À, tất nhiên ! Đó là một vấn đề mà tôi nghĩ phong trào dân chủ và những người bất đồng chính kiến Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới. Và không chỉ làm đơn độc trong tập thể, cá nhân, mà sẽ vận động quốc tế - đặc biệt là áp lực của quốc tế. Các báo cáo viên, thanh sát viên quốc tế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề Việt Nam để làm sao trong xu hướng mở dần sắp tới, thì những tù nhân chính trị được thả - và tôi cho là trong năm 2014 này sẽ còn thả thêm một số nhân vật nữa - sẽ được ở lại Việt Nam, không bị áp lực đi định cư ở nước ngoài. Và một trong những lý do mà tôi cho rằng nên nêu ra là gia đình họ ở đây, khi họ ra tù và ở Việt Nam sẽ có điều kiện để đóng góp hơn nhiều hơn là ở nước ngoài. Vì Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi sự phản biện mà, và những người tù bất đồng chính kiến thực ra trước đó họ cũng chỉ thể hiện sự phản biện, tự do biểu đạt mà thôi. Nếu sắp tới họ ra tù thì họ cũng sẽ thể hiện tự do quan điểm, tự do chính kiến, đóng góp phản biện với Nhà nước Việt Nam, thì tại sao phải đưa họ ra nước ngoài ? Ở đây họ sẽ đóng góp tốt hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn ; và nếu Nhà nước chịu thỏa hiệp với họ, thì tôi cho đó là một điều kiện tốt để cùng phát triển. RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Nguồn: RFI
......

Bàn cờ mới: Trung Quốc được lợi

Tôi định không viết về vụ Crimea ở Ukraine nữa nhưng không cách nào gạt vấn đề này ra khỏi đầu óc. Mà hình như không phải chỉ có một mình tôi. Chỉ cần rảo quanh trên các tờ báo lớn trên thế giới, chúng ta cũng sẽ thấy có vô số bình luận gia vẫn thường xuyên trăn trở về vấn đề này. Chuyện Nga chiếm Crimea có thể coi như đã ngã ngũ; trước mắt, hầu như không ai có thể giành lại được.   Bàn về nó kể cũng vô ích. Nhưng vấn đề là ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài và có khả năng làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới trong ít nhất vài thập niên sắp tới. Đó mới là những chuyện đáng thảo luận. Sự thay đổi đầu tiên là qua sự kiện ấy, Nga lại trở thành một tâm điểm cuốn hút sự chú ý của thế giới. Kể từ khi chế độ Cộng sản và Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, hầu như trên thế giới, người ta quên bẵng Nga; hoặc nếu nhớ, chỉ nhớ những sự bất hợp tác, thậm chí, quấy rối của Nga trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, liên quan đến một số điểm nóng nào đó, ví dụ, gần đây nhất, Iran và Syria. Tầm quan trọng duy nhất của Nga trên bàn cờ chính trị thế giới hầu như chỉ nằm ở cái ghế thành viên cố định trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc); với cái ghế đó, Nga có quyền phủ quyết tất cả các nghị quyết không hợp ý họ. Hết.  Ngay cả khi, vào năm 2008, Nga xua quân tấn công Georgia, không ai cảm thấy lo lắng thái quá. Nói theo ngôn ngữ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nga chỉ còn là một cường quốc trong khu vực. Có tham vọng hay không tham vọng; tham vọng ấy, nếu có, dù lành hay dữ, chúng cũng không có tác động nào đến bàn cờ thế giới vốn nghiêng hẳn về Tây phương.   Bây giờ thì khác. Việc Nga trắng trợn cưỡng đoạt Crimea của Ukraine và hiện đang hăm he đòi lấn chiếm thêm ít nhất một số vùng khác thuộc lãnh thổ của Ukraine khiến mọi người giật mình. Đã đành Nga không còn là một siêu cường quốc lớn trên thế giới, nhưng Nga thừa sức xâm lấn nhiều nước bên cạnh, đặc biệt các nước trước đây vốn thuộc Liên bang Xô Viết, vốn nhỏ và yếu, hơn nữa, từng nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga trong cả gần một thế kỷ. Nếu chiếm hết các nước ấy, với vũ khí hạt nhân trong tay, Nga có thể đe dọa cả các nước cựu cộng sản nay đã thuộc Liên hiệp Âu châu như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Hungary, Bulgary và Romania, vốn hoặc giáp biên giới với Nga hoặc với Ukraine. Đe dọa với các nước vừa kể cũng có nghĩa là đe dọa châu Âu nói chung. Trước đây, mọi người đều biết phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều lệ thuộc vào nguồn dầu khí do Nga cung cấp. Biết, nhưng người ta không lo lắng quá. Lý do: Người ta không tin là Nga có thể sử dụng nguồn dầu khí ấy như một thứ vũ khí vì làm thế, kinh tế Nga, vốn dựa chủ yếu trên việc xuất cảng dầu khí, sẽ bị sụp đổ, hoặc ít nhất, chao đảo.   Một đầu óc tỉnh táo sẽ không bao giờ chấp nhận cái giá quá đắt như vậy. Bây giờ, sau các hành động lấn chiếm Crimea thô bạo của Nga, người ta thấy Vladimir Putin có thể làm bất cứ điều gì, kể cả việc làm cho kinh tế Nga suy sụp. Tham vọng và dã tâm của ông lớn hơn tất cả những toan tính lợi hại bình thường. Bởi vậy, người ta nhận ra: Với Tây phương, tuy Nga chưa phải là một đe dọa; nhưng Putin lại là một đe dọa. Chừng nào ông còn cầm quyền, những hành động khiêu khích và gây hấn của ông đối với các nước láng giềng, với Tây phương nói chung, và với Mỹ nói riêng, vẫn còn tiếp tục. Vấn đề là, hiện nay Putin mới có 61 tuổi, ông còn cầm quyền đến cả chục năm nữa. Sự thay đổi thứ hai, như là hệ quả của sự thay đổi thứ nhất vừa kể, là Mỹ chưa thể trút được gánh nặng ở châu Âu được. Trước, kể từ sau Đệ nhị thế chiến, Mỹ bỏ công sức để xây dựng và phát triển khối NATO để đương đầu với Liên bang Xô Viết và khối Warsaw (bao gồm Liên bang Xô Viết, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Czechoslovakia và Đông Đức). Sau năm 1991, Liên bang Xô Viết tan rã, khối Warsaw cũng tan rã nốt. NATO không những không còn bị ai đe dọa mà còn có thể phát triển thêm với nhiều thành viên mới từ khối Cộng sản trước đây, nâng tổng số thành viên của NATO lên 28 nước. Ngỡ với khối thành viên đông đảo như vậy, cùng với việc giảm nhiệt tại Iraq và Afghanistan, Mỹ có thể phần nào rút ra khỏi châu Âu. Nay thì khác. Bàn cờ đã đổi. Dù muốn hay không, Mỹ cũng phải ở lại châu Âu, nơi nguy cơ bất ổn vẫn còn rất cao. Cao đến độ không hiếm chính khách ví Putin với Hitler ở giai đoạn mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thứ ba, như là hệ quả của điểm thứ hai vừa nêu, chiến lược quay lại châu Á của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở Mỹ, kinh tế vẫn chưa hồi phục sau cơn khủng hoảng kéo dài. Ngân sách quân sự bị cắt giảm trầm trọng. Sau mười mấy năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, dân chúng Mỹ cũng đã bắt đầu thấm mệt. Trong hoàn cảnh như thế, thật khó mà tưởng tượng được là Mỹ có thể an tâm chuyển 60% lực lượng trên biển sang vùng châu Á Thái Bình Dương như họ trù tính. Trong trường hợp xảy ra xung đột lớn ở châu Á, khả năng can thiệp của Mỹ, do đó, sẽ bị hạn chế rất nhiều. Cuối cùng, như là hệ quả của điểm trên, nước có lợi lớn nhất trong cuộc xâm lấn Crimea của Nga vừa rồi chắc chắn là Trung Quốc. Lợi ở hai điểm chính: Một, kế hoạch bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại và yếu hơn; như vậy, Trung Quốc sẽ có đủ thời gian để phát triển quân sự ở châu Á; hai, việc Nga lấn chiếm Crimea một cách dễ dàng như vậy cũng tạo nên một tiền đề pháp lý và chiến lược để một ngày nào đó, Trung Quốc nhân danh một lý do lịch sử cũng như việc bảo vệ Hoa Kiều ở đâu đó có thể xua quân lấn chiếm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của các nước khác. Đối tượng đáng lo nhất trước mắt là nhóm đảo Điếu Ngư / Senkaku hiện đang tranh chấp với Nhật, đảo Hoàng Nham / Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines; Trường Sa và rộng hơn, Biển Đông hiện đang tranh chấp với Việt Nam. Chuyện liên quan đến Nhật và Philippines thì đã có hai nước ấy lo; còn chuyện liên quan đến Việt Nam thì sao? Ai lo? Nguồn: voatiengviet.com
......

Chúng ta cần nhớ đến họ, dù họ là những người bé nhỏ

Chúng ta nhắc nhiều đến các nhà đấu tranh cho nền dân chủ, những tù nhân lương tâm đã và đang bị tù đày. Thế nhưng hình như cũng vẫn một căn bệnh là chúng ta thường nhắc đến những người "tai to, mặt lớn" và nổi tiếng là chính. Còn có những người đang âm thầm chịu những bản án bất công, đau khổ và hi sinh không chỉ một người, thì chúng ta lại ít nhắc đến họ. Mà thậm chí nhiều khi những cống hiến, hi sinh của họ còn lớn lao hơn những người được điển hình hóa, được nhắc nhở đến thường xuyên và được đấu tranh đình đám. Chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn Khác với những người vừa bị bắt, thậm chí là chưa bị bắt đã có cả những phong trào đấu tranh và lên tiếng, thì ngược lại nhiều trường hợp hình như bị bỏ quên? Tôi thấy chẳng hạn như mấy trường hợp sau. Những năm qua, trường hợp chị Võ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐMV Tam Tòa, người đang chịu bản án 5 năm tù giam vì "rải truyền đơn chống nhà nước" hầu như ít khi được nhắc đến. Chị là người hết sức kiên cường đấu tranh và chịu đựng nhiều gian nan.   Hai mẹ con là Đặng Ngọc Minh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị kết án với 17 Thanh niên Công giáo ở Vinh. Ngày 9/1/2013, Tòa án tại TP Vinh đã tuyên hai người như sau: - Nguyễn Đặng Minh Mẫn 8 năm tù giam và 5 năm quản chế. - Đặng Ngọc Minh 3 năm tù giam, 2 năm quản chế. Và từ đó đến nay, chúng ta ít nghe đến họ. Bà Đặng Ngọc Minh   Bà Võ Thị Thu Thủy Nguồn: https://www.facebook.com/azznexin?hc_location=timeline
......

Đế Quốc Lánh Mặt

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" Sau khi vụ khủng bố 9-11 xảy ra năm 2001, người viết này đã cảnh báo, rằng thế giới sẽ thấy một Hoa Kỳ đậm mùi đế quốc. Lời tiên đoán đã thần tình! Mà chỉ đúng được có mươi năm.... * Đế quốc co vòi vì bị Obama cưa vòi - Hý họa của Michael Ramirez, báo IBD  * Đậm mùi đế quốc vì khi ấy Tổng thống George W. Bush dõng dạc nói đến "Thập tự chinh" mà bất chấp phản ứng nhạy cảm của dân Hồi giáo. Rồi ông vạch lằn ranh cho thiên hạ: một là cùng Mỹ chống khủng bố, hai là thành đối thủ của Mỹ. Khi ấy, an ninh Hoa Kỳ là tối thượng, hòn đá thử vàng về lẽ bạn/thù. Và cuộc chiến chống khủng bổ trở thành cuộc chiến toàn cầu do nước Mỹ lãnh đạo, với hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq.... Mươi năm sau, Đế quốc Mỹ có chiều mệt mỏi. Dưới sự lãnh đạo của Barack Obama, tay "sen đầm quốc tế", hay chàng sheriff của phim High Noon, trở thành "người vái tứ phương", khi tứ phương lại nghi ngút khói và cần một tay trừ gian. Cứ hỏi dân Ba Lan, Ukraine, Georgia, Phi Luật Tân, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật, hay Úc thì rõ...   *** Thời lập quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ khuyên hậu thế là tránh dây vào thiên hạ sự mà cố lo chuyện ở nhà. Thời ấy, không gian của bậc Quốc phụ chỉ có hai chiều Âu-Mỹ, "Thiên hạ sự" là chiến cuộc Âu Châu, Napoleonic Wars. Ưu tiên của nước Mỹ khi đó là phát triển vào trong để có một lãnh thổ vuông vức, đầy sông ngòi và đất đai canh tác bên cạnh hai láng giềng yếu thế là Canada và Mexico. Một thế kỷ sau thì Mỹ làm chủ được Tây bán cầu, từ vùng biển Trung Mỹ qua Đại Tây Dương, và nói tới "Chủ thuyết Monroe". Mỹ châu của người Mỹ, chủ yếu là để gạt các cường quốc Âu Châu ra ngoài. Sau đó, Hoa Kỳ mới kiểm soát được Thái Bình Dương, rồi mọi mặt biển tiếp cận với lãnh thổ. Và lên ngôi siêu cường với khả năng can thiệp toàn cầu. Hoàn thành được việc dựng nước và canh tân xứ sở, qua thế kỷ 20, Hoa Kỳ giữ nước theo kiểu đáng yêu mà khó chơi. Hoa Kỳ đáng yêu vì đề cao các giá trị tinh thần như tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của con người dưới sự độ trì của Thượng đế. Không chỉ đề cao, Mỹ còn đưa tiền và người đi quảng bá và thực hiện những giá trị phổ cập đó. Và với khả năng kiểm thính hay thám báo toàn cầu, nước Mỹ cũng mau mắn tham dự việc cứu trợ mọi nơi bị thiên tai. Đấy là phần lý tưởng của một Đế quốc có từ tâm và thực thi chế độ dân chủ ở trong nước. Nhưng cũng nước Mỹ đáng yêu lại tích cực ngăn ngừa mọi cường quốc nào có thể đe dọa quyền lợi hay sức mạnh của mình. Đấy là phần gian trong cái hùng của Đế quốc.   Bước vào thực tế thì dù có thể can thiệp toàn cầu, lãnh đạo Hoa Kỳ cố tránh tiêu hao sức lực đi giải quyết tranh chấp của thiên hạ. Hai trận Thế chiến của Thế kỷ 20 là kinh nghiệm quá đắt đỏ chẳng nên tái diễn. Vì vậy, Hoa Kỳ thường vận dụng xứ khác, kể cả chế độ hung đồ, nhằm tạo ra những tương quan lực lượng bấp bênh trên thế giới: các nước phải canh chừng nhau và khi hữu sự thì xứ nào cũng muốn sát cánh với Hoa Kỳ, hoặc tránh làm kẻ thù trực diện của Mỹ.   Nơi được ưu tiên chiếu cố vì duy nhất có loại cường quốc với khả năng thách đố quyền lợi Hoa Kỳ là đại lục địa Âu Á. Đức, Nga, Tầu, Nhật là những cường quốc từng đụng độ với nước Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ có thể hợp tác với cộng sản Liên Xô để chống Đức quốc xã, hợp tác với Trung Hoa Dân Quốc để chống Đế quốc Nhật, rồi yểm trợ Nhật Bản ngăn ngừa Trung Quốc Cộng sản và sau cùng là mở cửa giải vây xứ Trung Quốc này để giải trừ mối nguy Xô viết. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ có thể hoán đổi kẻ thù và buông rơi đồng minh. Các nước Đông Âu từ 1945, Trung Hoa Dân Quốc năm 1946-47, Việt Nam 1973-75, hay Đài Loan năm 1979 đều từng gặp sự bẽ bàng đó khi là đồng minh của Mỹ. Kiểm lại thành tích trong thế kỷ 20, các Tổng thống Mỹ được coi là xuất chúng đều kết hợp được giá trị lý tưởng với quyền lợi thiết thực. Cả hai ông Roosevelt, rồi Richard Nixon và Ronald Reagan là loại Tổng thống đáng yêu mà đáng sợ vì tinh thần lưỡng diện - thiện ác khó phân. Qua thế kỷ 21, trong cuộc chiến chống khủng bố, ta lại thấy Mỹ tái diễn bài bản cũ mà chưa mấy thành công, đó là khai thác mâu thuẫn giữa Iraq với Iran, xung đột giữa hai hệ phái Sunni và Shia của đạo Hồi, hoặc cuộc tranh phong giữa Saudi Arabia và Iran. Thất bại lớn nhất của Tổng thống Bush 43 là làm tiêu hao ý chí của người dân, dọn đường cho một Tổng thống cuốn cờ lên lãnh đạo, là Obama. Nhìn từ bên ngoài, với kinh tế chưa ra khỏi suy trầm sau hơn năm năm vật vã trong sự nghiệp cải tạo xã hội của Obama, thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường độc bá. Dù ngân sách quốc phòng bị cắt, Mỹ vẫn có thể can thiệp toàn cầu, vượt xa ba cường quốc đứng sau về quân sự là Trung Quốc, Nhật Bản và Liên bang Nga. Hôm 11 Tháng Hai, khi giải trình trước Thượng viện về "mối nguy trong năm" (Annual Threat Assessment), Thiếu tướng Cục trưởng Defense Intelligence Agency, có nhắc tới Trung Quốc và Nga (trang 27 và 30), nhưng không đánh giá hai xứ này là mối đe dọa. Còn việc tăng cường hai khu trục hạm có khả năng chống hỏa tiễn đạn đạo cho Nhật, cường quốc hải dương đáng nể tại Đông Bắc Á, thì hãy đợi đến 2017. Thật ra, Hoa Kỳ là siêu cường mệt mỏi và gặp mối nguy trầm trọng nhất là quay mặt vào trong. Khi ấy, chúng ta mới nhìn lại đại lục Âu-Á.... Hoa Kỳ là đế quốc lánh mặt, quyết chí tháo chạy khỏi Iraq và Afghanistan, trao vụ Syria cho Putin, tìm cách hòa giải với Iran và nói "chuyển trục" về Đông Á mà tranh cãi và cắt giảm ngân sách quốc phòng. Khi ấy, hai cường quốc Âu Á thấy ra cơ hội không thể lỡ. Đó là Liên bang Nga và Trung Quốc. Lãnh đạo hai xứ đều biết rõ chuyện "thế" và "lực". Về lực, họ không thể mà cũng chẳng muốn tấn công Hoa Kỳ. Họ chỉ cần là sau khi mắc bận về hồ sơ Hồi giáo tại Trung Đông và Trung Á rồi ráo riết bỏ chạy, Hoa Kỳ đang cho họ có cái thế bành trướng để củng cố ảnh hưởng tại khu vực biên địa của các lân bang nhỏ yếu hơn. Với Nga, khu vực đó là các nước Đông Âu xưa kia thuộc quỹ đạo Xô viết. Với Trung Quốc, khu vực đó là Đông Á, mềm và trống nhất là Đông hải của Việt Nam, biển Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN. Thật ra, cả hai cường quốc đó đều có nhược điểm nội tại, còn nguy kịch hơn Hoa Kỳ. Nhưng cho tới ngày Nga-Hoa cùng bể thì khu vực biên địa tại Đông Âu và Đông Á có thể đã thành vùng trái độn. Sau này, khi nước Mỹ bước ra để dựng lại một tương quan lực lượng khác, thì nhiều xứ đã bị hy sinh. Và dân Mỹ sẽ tốn kém gấp bội. Phải chi nước Mỹ gian hùng hơn một chút với hai gã hung đồ này! ________________________ Chuyện chỉ có tại nước Mỹ   Hôm mùng một vừa qua, một bà bước vào tiệm Lamb's Grill nổi tiếng tại Salt Lake City của tiểu bang Utah với sứ mệnh trả nợ. Năm 1941, một cậu bé lên mười cùng bạn vào tiệm này thưởng thức món ngon mà sau đó bỏ chạy vì không đủ tiền trả, dù chỉ là một đô cho hai thực khách nhóc tì. Ngày nay, cậu bé đã là cụ cao niên quá bát tuần mà không quên tội xưa. Cụ xấu hổ ngồi ngoài xe, nhờ con gái vào trả một tờ giấy năm đồng cùng lời xin lỗi. Chủ tiệm cũng là tay sòng phẳng: "Tiền này thuộc về chủ cũ, không phải của tôi. Xin nhắn cụ cứ ghé ăn mà đừng bỏ chạy!" Phải chi các lãnh tụ Mỹ đã từng bỏ chạy học được tấm gương xấu hổ của cụ già này.... Nguồn: dainamaxtribune.blogspot.de/
......

Viết về một người bạn vừa ra đi

Ngày 3/4/2014, thầy giáo Đinh Đăng Định đã trút hơi thở cuối cùng.   Mặc dù biết rằng hình ảnh u buồn này sẽ phải tới nhưng có lẽ tất cả đều đau khổ vì sự ra đi của thầy. Tôi chỉ biết thầy Định vào đầu năm 2012 vì khi thầy bị bắt (10/2011) tôi cũng đang nằm trong trại B34. Đến khi xử phúc thẩm y án 6 năm (tháng 11/2012) thì tôi nghĩ sẽ phải đợi thêm một quãng thời gian nữa để có dịp gặp thầy. Vào cuối năm 2013 tôi có may mắn làm quen với em Thảo, con gái lớn của thầy để biết được tình trạng sức khỏe cực kỳ bi quan của thầy. Thảo có chuyền cho tôi lời nhắn của bố Định: ”nhắn thầy Hoàng đi dạy tư đi, chúng nó không cho thầy trở lại giảng đường đâu”. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì đang lúc thập tử nhất sinh vậy mà thầy Định còn nghĩ đến bạn bè, đến những người cùng chí hướng. Thảo nói thêm: - Thầy mà gặp bố con chắc có nhiều chuyện để nói lắm. Và cái ngày ấy đã đến khi thầy Định được đặc xá vào tháng 3/2014 nhưng trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác với những gì tôi dự tính. Tôi đến gặp thầy trong một khách sạn, và cho dù đã chuẩn bị mọi tình huống để gặp một người ung thư giai đoạn 4 nhưng tôi cũng không tránh khỏi bối rối. Cầm lấy bàn tay yếu đuối, chúng tôi chỉ trao đổi được đúng ba câu thì thầy thổ ra hai chén máu. Và đó là những lời sau cùng tôi còn nghe được ở thầy Định. Hai ngày sau gia đình chuyền thầy về Dak-nông và hơn tuần sau thì thầy ra đi. “Thầy mà gặp bố con chắc có nhiều chuyện để nói lắm”. Cái câu ấy còn mãi ám ảnh trong đầu. Tôi sẽ chẳng còn dịp để nói với thầy. Đó là điều chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn khác là chúng tôi còn nhiều dịp để nói về thầy, vì ngoài việc đều là tù nhân lương tâm, chúng tôi còn là những đồng nghiệp. Tôi thiết nghĩ, đã là nhà giáo thì ít nhiều gì ai cũng có những suy nghĩ nhất định về đất nước, có thể bênh vực hoặc chỉ trích chế độ. Nhưng điều quan trọng là phải ít nhiều biểu lộ cảm nhận ấy ra cho người chung quanh và đặc biệt là cho học trò, cho sinh viên của mình. Tôi cẩn thận thêm chữ “ít nhiều” vì biết rằng chuyện này không phải dễ, đôi khi còn ảnh hưởng đến bản thân và gia đình như thầy Định. Đứng trên bục giảng, một người thầy không nhất thiết phải hô hào chém giết hận thù hoặc nịnh hót lố bịch kiểu Tố Hữu nhưng có thể lồng ghép nhiều thông điệp nói về lòng yêu nước, nói về những khó khăn của người dân, về sự tụt hậu của mình để nhắc nhở cho các em biết bổn phận của mình, là những rường cột tương lai của đất nước. Việc này ai cũng có thể làm được mà chẳng sợ bị chụp mũ là chống phá.   Tôi còn nhớ có một dạo, trong giờ học môn Toán hình thức, tôi đặt cho các em một câu hỏi về GDP của Việt Nam và các nước trong vùng. Bài toán này là ứng dụng trực tiếp và kinh điển của phương trình vi phân bậc nhất – và có lẽ là bài học mang nặng “mầu sắc chính trị” nhất trong suốt những năm đứng lớp. Bài toán này lấy từ các dữ liệu báo chí trong nước để cho kết luận rằng với những nhịp độ phát triển hiện tại (2005), chúng ta sẽ đuổi kịp Thái Lan trong vòng 56 năm nữa! Tôi ngưng giảng và quan sát nét mặt của từng em. Dĩ nhiên chỉ trong vài phút tôi không thể đánh giá được những gì hơn 60 em đang có trong đầu, nhưng cho dù cười nói, đăm chiêu hay dửng dưng, tôi nghĩ là các em cũng ít nhiều ngạc nhiên về con số này, vì 56 năm nữa, rất ít trong số những người có mặt trong lớp còn sống để kiểm chứng bài toán này. Mục đích của bài toán thuần túy khoa học này là cho các em một suy nghĩ về vị trí của đất nước so với cộng đồng nhân loại trong giai đoạn hiện tại và tôi kết luận:”Nhiệm vụ của các em là rút ngắn cái thời gian đó lại”. Tôi nghĩ thầy Định cũng thế, chúng tôi chỉ là những nhà giáo có ưu tư về đất nước và ra sức trình bày trong điều kiện cho phép để đánh động những tầng lớp kế thừa. Thầy Định còn tích cực hơn tôi ở điểm thầy đã đi thu thập hơn 3000 chữ ký để phản đối dự án bô-xít Tây nguyên cũng như phản đối điều 4 Hiến Pháp. Chính vì những dấn thân đó thầy và biết bao người khác phải chấp nhận tù đày và sau đó là mất việc. Tuy nhiên, trong nghề giáo, anh em chúng tôi còn phải chịu nhiều áp lực khác. Nét đặc thù của nghề giáo là tiếp xúc với nhiều người trong đó dĩ nhiên phải kể đến số đông là học trò, sinh viên. Theo em Thảo kể thì từ khi thầy bị bắt, chưa hề có em nào hoặc phụ huynh nào đến thăm hỏi. Chỉ vào những phút cuối đời, có một đồng nghiệp điện thoại tới hỏi thăm. Trường hợp đó cũng xảy ra đến với tôi. Suốt hơn hai năm quản chế, số sinh viên “dám” đến thăm thầy cũ không quá số ngón tay trên một bàn tay. Đồng nghiệp thì có ít hơn. Hỏi: có buồn không? Cũng hơi hơi. Nhưng tôi hoàn toàn thông cảm cho bạn bè. Cả cái đất nước 90 triệu người này đều tê liệt vì sợ chứ chẳng riêng ai. Tuy nhiên niềm an ủi là thầy Định cũng như chúng tôi đã được sự yêu thương và đồng cảm của hàng ngàn người khác. Và đó là những người dám ít nhiều công khai danh tính, chứ nếu kể đến “đa số thầm lặng” thì còn nhiều hơn nhiều lắm. Và nếu ai có hỏi: nếu biết trước được những mất mát này thì liệu anh có tiếp tục không? Thì tôi xin được trích lại lời của người quá cố là “tôi không hề hối tiếc việc đã làm”. Tôi còn nhớ trong một lần tình cờ gặp một đồng nghiệp ngoài phố, người ấy đã nói vào tai tôi: ”Cả trường đều đồng ý với thầy”. Tôi thì không lạc quan đến cỡ ấy nhưng với những gì mắt thấy tai nghe thì tôi tin đây không hẳn là lời xua nịnh hoặc nói để lấy lòng. Tóm lại, cho dù bị cô lập nhưng tôi vẫn giữ một niềm lạc quan ngay cả với những người đang (bắt buộc) phải xa lánh chúng tôi. Và tôi vẫn nghĩ rằng đó là những đóng góp trong khả năng của mình. Mà đã gọi là đóng góp thì kẻ ít người nhiều. Riêng đối với thầy Định thì đó là tính mạng. Thầy đã bỏ mình vì những ưu tư về đất nước, đặc biệt là vấn đề khai thác bô xít Tây nguyên.   Đến ngày nay trắng đen đã rõ. Việc khai thác bô xít lỗ chỏng gọng, chưa kể đến những hậu quả trước mắt vè môi trường và xa hơn về an ninh. Tôi nghĩ nếu mình là thẩm phán của các phiên tòa xử thầy Định, có lẽ từ lâu tôi đã viết thư xin lỗi gia đình và cá nhân thầy. Báo chí trong những năm tháng gần đây đã liên tục nhắc nhở đến những sai sót của tòa án và đã có lần lên tiếng xin lỗi, nhưng chưa thấy ai xin lỗi thầy Định. Nhưng tôi hy vọng – đúng ra là tôi tin tưởng ngày ấy sớm muộn cũng sẽ phải tới.   Bây giờ, trên Miền Yên Vui, xin thầy cầu nguyện cho chúng tôi, đặc biệt là các đồng nghiệp của mình vượt qua sợ hãi để tiếp tục và hoàn tất ý nguyện của thầy – và cũng là ước vọng của tất cả chúng ta. Phạm Minh Hoàng (4/04/2014)
......

Khi những chiếc đũa trở thành một bó

Đám tang thầy giáo Đinh Đăng Định đã hoàn tất vào ngày hôm nay tuy nhiên hình ảnh của những ngày qua cho thấy người thầy giáo này đã chiếm được lòng tin yêu của bạn bè, đồng đội thậm chí ngay cả những người chỉ biết ông qua mạng xã hội cũng tỏ lòng tiếc thương. Điều gì đã tạo ra một đám tang trang nghiêm và không bị sách nhiễu ấy? Mức ảnh hưởng khó tưởng tượng   Khi quan tài của thầy giáo Đinh Đăng Định được chuyển từ Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng đến Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Kỳ Đồng thì người trong cuộc nghĩ rằng đám tang thầy Định sẽ gặp rất nhiều phiền phức. Thế nhưng khi các linh mục DCCT mạnh mẽ khẳng định rằng sẵn sàng đối đầu với bất kỳ việc phá rối nào, thậm chí đã có tuyên bố nếu bắt được công an viên nào đến phá rối, cộng đồng Công giáo ở đây sẽ bắt giữ, và chỉ thả ra sau khi tang lễ hoàn tất thì hình như mọi việc đã trở nên khá bình thường. Thánh lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (Hà Nội) tối 6/4/2014 được dành để tưởng nhớ thầy Đinh Đăng Định Người tới viếng thăm bất kể là ai không bị chất vấn, ngăn cản hay theo dõi, hù dọa. Trước cửa nhà thờ không thấy côn đồ lảng vảng và tất cả mọi vòng hoa phúng điếu đều không bị xé bỏ tên người gửi như từng xảy ra tại nhiều tang lễ của những nhà bất đồng chính kiến khác trong quá khứ. Những vòng hoa ấy nói lên rất nhiều điều vì nó đại diện cho hàng chục tổ chức, hội đoàn mà đa số đều là những tổ chức không được nhà nước cho phép. Chỉ duy nhất một vòng hoa nằm ngoài sự khó chịu của nhà nước được gửi đến rất sớm là của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.     Anh ra đi rất thanh thản. Vâng anh đã thứ tha cho tất cả những kẻ đã gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho anh và cho gia đình anh.     -HT Thích Không Tánh   Đám tang của một thầy giáo nhưng mức ảnh hưởng của nó khó tưởng tượng ra được khi có ít nhất một ngàn người viếng thăm và hàng trăm người đã theo chân quan tài tới nơi hỏa táng. Thân nhân ruột thịt của thầy Đinh Đăng Định vỏn vẹn chỉ có 6 người đàn bà gồm vợ, ba con gái, một chị, một người em gái từ Bắc vào chịu tang. Sáu người đàn bà dắt díu nhau, xiêu vẹo chung quanh quan tài nhưng họ cảm thấy ấm áp lạ lùng vì bao vây họ là sự cảm thông sâu đậm của người tới thăm. Họ là những dân oan, những bạn tù, những người ý thức sự suy sụp của một nền chính trị độc tôn. Họ là tín đồ các tôn giáo bị áp bức từ miền bắc như người H’Mông, từ miền Nam như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, từ Tây nguyên như Tin Lành Mennonite… họ như những chiếc đũa rời rạc khắp nơi đổ về tang lễ và tại đây trước di ngôn của người thầy giáo hiền lành này đã biến tất cả thành một bó đũa. Có lẽ điều làm cho mọi người xúc động nhất là di ngôn của người từng bị tù đày, đàn áp, đối xử bất công đến chết được trịnh trọng đặt trước quan tài, đó là: “Không được giữ lòng thù hận, chúng ta không phải là kẻ thù của nhau”.   Nhìn những vòng hoa vây kín chung quanh quan tài với những cái tên như Phụ Nữ Vì Nhân Quyền, CLB No-U, CLB Hoa Mai, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin lành Mennonite, Con Đường Việt Nam, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Bauxite Việt Nam, Dân Làm Báo, Radio Chân Trời Mới, hội Dân Chủ Miền Trung. . .người ta khó thể tin rằng nơi đây đang tập trung hầu hết các tổ chức, thành viên tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ nổi tiếng khắp nước và cả hải ngoại đã xuất hiện ngay tại trung tâm của thành phố.   Hòa thượng Thích Không Tánh của chùa Liên Trì đại diện cho Hội Cựu tù nhân lương tâm đã đọc một bài điếu văn cảm động và đầy lửa đấu tranh. Khó thể tin được những lời lẽ như thế có thể công khai tại thành phố mang tên bác: “Anh ra đi rất thanh thản. Vâng anh đã thứ tha cho tất cả những kẻ đã gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho anh và cho gia đình anh. Trong thời gian nằm chữa trị tại bệnh viện sức đã suy nhiều nhưng anh đã nhanh chóng tình nguyện góp sức cùng góp phần sáng lập hội Cựu tù nhân lương tâm. Một sáng lập viên đặc biệt của hội, chúng tôi xin kính cẩn nghiêm mình bái phục trước vong linh của anh, người chiến sĩ bất khuất can trường đấu tranh cho tự do dân chủ của đồng bào, cho công lý và an sinh của đất nước. Anh, không bao giờ khuất phục trước tà quyền. Anh, là biểu tượng của sự dứt khoát đoạn tuyệt nhất với chủ nghĩa, chế độ cộng sản. Anh, là một tấm gương sáng trong sự nghiệp đấu tranh cho tổ quốc Việt Nam ngày hôm nay. Anh đã làm xong bổn phận trọn hiếu với người con Mẹ Việt Nam. Trước khi ra đi anh vẫn còn cố thu chút hơi tàn nhắc nhở chúng tôi hãy quan tâm đến cương vị chung đó là cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản. Vâng, thưa anh chúng tôi sẽ ghi lòng tạc dạ.” Đồng cảm và đoàn kết Ông Lưu Trọng Kiệt người có mặt từ đầu nhận xét về đám tang của thầy Đinh Đăng Định: “Theo nhận xét của tôi thì đám ma của thầy Đinh Đăng Định được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Tất cả những người đấu tranh dân chủ, sinh viên học sinh trẻ họ ý thức được, thứ hai nữa giáo dân ở Sài Gòn họ nghe thông tin của thầy trên mạng nên họ tới thăm rất nhiều. Chúng tôi rất hãnh diện khi có một anh em đấu tranh cho dân chủ mà được rất nhiều công dân Việt Nam họ quan tâm tới.   Đạo Hòa Hảo, Cao Đài, anh em H’Mông tại miền Bắc, một số anh em đấu tranh dân chủ miền Bắc họ đã đồng cảm với nhau và thấy rằng nều đoàn kết lại thì đây là một sức mạnh.” Từ Hà Nội blogger Nguyễn Lân Thắng cũng vào tận Sài gòn để thăm người tù này, anh cho biết: “Thầy Đinh Đăng Định là một nhà giáo rất nghèo ở vùng thôn quê. Sự hy sinh của thầy rất to lớn. Em là một trong những người ký vào bản tuyên bố bauxite và 14 ngàn người đã ký vào bản tuyên bố đó cho nên khi thầy bị nạn như thế thì lương tâm và trách nhiệm mình cảm thấy rằng phải có mặt trong đám tang của thầy để chia sẻ, động viên gia đình và cũng khẳng định uy tín của mình trong vấn đề bauxite.”   Giảng viên Phạm Minh Hoàng, đảng viên đảng Việt Tân một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ:     Cái đám tang này nó đặc biệt là bởi nó tập trung rất nhiều hội đoàn tổ chức hoạt động chính trị cả trong và ngoài nước. Rất nhiều nhóm xã hội dân sự tham gia vào đám tang này.       -Blogger Nguyễn Lân Thắng “Trước tiên tôi nghĩ tôi tới thăm thầy Định với tư cách là một con người, thứ hai là một đồng nghiệp mặc dù chúng tôi không làm việc chung với nhau, thứ ba nữa là một người từng ở tù thì tôi nghĩ ba yếu tố đó cũng đủ cho tôi đến thăm thầy Định đó là chưa kể tình cảm thầy Định đã dành cho tôi lúc thầy còn sống. Tôi rất xúc động lúc nhìn di ảnh của thầy vẽ ra trước mặt tôi một người đã nằm xuống bởi vì những suy nghĩ những đóng góp của thầy mà cho đến ngày hôm nay ai cũng phải công nhận điều thầy nói là đúng. Báo chí trong tuần qua họ đã khẳng định chuyện bauxite lỗ hằng trăm triệu đô và không biết cái lỗ này nó sẽ chấm dứt vào lúc nào nữa. Khi tôi đốt nén nhang tôi thấy trước mặt mình một người đã nằm xuống vì suy nghĩ của họ thì tôi cảm thấy phải tiếp tục làm cái chuyện mà thầy đã làm không trọn vẹn.” Không như các đám tang trước đây của những người đấu tranh, đám tang của thầy giáo Đinh Đăng Định hoàn toàn yên ắng và sự bình an này được anh Nguyễn Lân Thắng lý giải: “Cái đám tang này nó đặc biệt là bởi nó tập trung rất nhiều hội đoàn tổ chức hoạt động chính trị cả trong và ngoài nước. Rất nhiều nhóm xã hội dân sự tham gia vào đám tang này. Vấn đề ở đây khiến họ không dám đàn áp đám tang này vì chính nghĩa, việc thầy Đinh Đăng Định đã làm. Rồi hậu quả của dự án Bauxite nó đã sờ sờ ra và tất cả mọi người đều biết nên có lẽ họ e ngại họ không tích cực đàn áp.” Ông Lưu Trọng Kiệt bổ túc thêm những ghi nhận của mình về cách mà công an và an ninh thành phố âm thầm theo dõi nhưng không có động tác đối phó nào: “Đúng ra đám ma thầy Đinh Đăng Định có rất nhiều an ninh mặc thường phục chứ không phải là không có, rất là nhiều, nhưng họ chỉ đứng quay phim và nhìn thôi vì họ thấy dân chúng, giáo dân rất đông, từ trong nhà thờ đi ra với máy quay phim, chụp hình của anh em đều đặt vào đám ma của thầy Định. Công an giao thông cũng kè theo hai ba chiếc xe mô tô. Mỗi một ngã tư đều có từ 4 tới 6 cảnh sát giao thông hết. Tới ngay lò thiêu thì cỡ chừng trên 100 nhưng họ không có động thái gì hết. Mình vẫn ôn hòa chứ không làm điều gì cho người ta phiền phức. Đây là một điều rất tốt khi không gây khó khăn trong một đám tang như vậy.” Sự yên ắng ấy còn một cách lý giải khác, khi những chiếc đũa đã gom thành bó thì muốn hay không muốn người ta cũng khó mà bẻ gãy. Nguồn: .rfa.org/vietnamese Toàn thể anh chị em RadioCTM - FB/CTM - DienDanCTM Chân thành kính gởi lời phân ưu đến Gia Đình Thầy Đinh Đăng Định Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh và quý cha Dòng Chúa Cứu Thế thắp hương trước linh cữu thầy Phêrô Đinh Đăng Định Thầy Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và các thành viên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam. Giáo sư Hoàng bị chính quyền cộng sản kết án 3 năm tù giam, 3 năm quản thúc vào năm 2010 với tội danh “ âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền” Người tù chính trị 37 năm lao tù Nguyễn Hữu Cầu thắp nhang trước linh cữu Các tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy Một nhóm người dân oan mất đất đến kinh viếng thầy Định và phân ưu cùng gia đình. Các em Xứ Đoàn Chúa Kitô Vua của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn viếng thầy Đinh Đăng Định, trước giờ lễ lúc 15 giờ 30 dành cho các em tại nhà thờ Giáo xứ.
......

Lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm Cải xí nghiệp - Đình ô nhiễm

Trong phiên họp Quốc hội Trung quốc khóa 12 diễn ra vào tháng 3/2014, Thủ tướng của nước này là ông Lý Khắc Cường đã lên đọc một bản báo cáo dài lê thê trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách các xí nghiệp quốc doanh và cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm. Thủ tướng của nước TQ: ông Lý Khắc Cường Trước hết về khu vực kinh tế quốc doanh, ông Cường khẳng định ngay cả nếu có làm đình trệ nền kinh tế, nhà nước sẽ vẫn cải cách triệt để các xí nghiệp quốc doanh đang độc chiếm thị trường chẳng hạn như các công ty khai thác tài nguyên, điện lực, dầu hỏa, đường sắt, bưu điện, ngân hàng…   Tuyên bố đanh thép này làm bật lên ngay sự hồ nghi trong đầu giới phân tích. Khi hầu hết giới lãnh đạo các xí nghiệp quốc doanh lớn nhỏ đều là gia đình, thân nhân, đệ tử của các quan chức lớn ở thượng tầng, ai cũng đồng ý họ là mảng cán bộ khổng lồ sống bằng tham nhũng, lãng phí, đục khoét tài nguyên quốc gia, nhưng ông Cường có dám hay có thực sự muốn dẹp hết mảng cán bộ này không? Đó là chưa kể trong số thân nhân, đệ tử của ông Cường có bao nhiều người đang nắm các xí nghiệp quốc doanh và nộp "lệ phí" ngược lại cho ông. Các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc cũng nhắc lại các tuyên bố đanh thép từ mấy chục năm trước của Thủ tướng Chu Dung Cơ khi ông đập bàn gào thét phải cải cách, chứ không thì chết. Rồi đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đi xa hơn đòi phải cải cách chính trị nữa chứ không thì thành quả kinh tế đạt được từ trước đến nay sẽ tiêu tan. Nhưng hết đời thủ tướng này đến đời thủ tướng khác, khu vực quốc doanh vẫn sống mạnh, sống bền. Tệ hơn nữa, báo chí tây phương còn khám phá ra được số tài sản lên đến mấy tỉ mỹ kim của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được giấu ở nhiều nơi và giao cho thân nhân đứng tên. Trong đó có mấy công ty do bà mẹ trên 90 tuổi của ông đang nắm giữ. Đặc biệt bà cụ đã bị lẫn trí và không còn đi lại được từ nhiều năm nay. Đến khi Thủ tướng Lý Khắc Cưòng, cũng trong bài diễn văn nêu trên, liệt kê một trường hợp điển hình là ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên ban Thường vụ bộ Chính trị đảng, đã lạm dụng qua công ty khaì thác dầu hỏa, thì giới phân tích hiểu ngay và giới lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh thở phào nhẹ nhõm. Mọi người ngầm hiểu thông điệp cải tạo quốc doanh chỉ là vũ khí mà Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường dùng để tận diệt phe cánh đối thủ chính trị của họ là Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai mà thôi. Đòn đánh mạnh tay này cũng nhằm hăm dọa những cán bộ và sĩ quan cao cấp còn ủng hộ ngầm cánh Chu - Bạc tại Trùng Khánh và trong hàng ngũ quân đội. Còn mọi xí nghiệp quốc doanh "vô can" khác thì ai về nhà nấy. Mọi chuyện vẫn "ổn định". Kế đến, vẫn với tông điệu đanh thép, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tuyên chiến luôn với môi trường ô nhiễm, đặc biệt là khói bụi PM2.5 đang bao mù trời cả toàn vùng Bắc Kinh trong nhiều tháng. Ông lên án nạn ô nhiễm môi sinh và khói bụi PM2.5 là mối đe dọa đời sống của người dân; nó nguy hại ngang tầm với nạn quan liêu, nhũng lạm, và khoảng cách giàu nghèo quá xa; nên nó cũng rất dễ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Rồi ông xin nhân dân hãy cùng nhà nước tuyên chiến để tận diệt nó. Tưởng cần nhắc lại, tình trạng ô nhiễm không khí đã tệ hại đến mức chính báo đài lề đảng đã "xé rào" phê phán nhiều lần tình trạng này. Thí dụ như phóng viên đài truyền hình trung ương Trung quốc có bài bình luận với tựa đề ‘’Không biết xấu hổ’’ với câu kết như sau: "Xã hội Trung quốc vẫn còn đầy dẫy bất công, nhưng có một điều thật sự bình đẳng không ai chối cãi được. Đó là mọi người đều bình đẳng hít thở không khí độc hại như nhau". Các phóng viên này còn dám kêu gọi sở Thiên văn khí tượng hãy chấm dứt việc công bố các chỉ số ô nhiễm môi trường và nồng độ  khói bụi PM2.5 không đúng với thực tế để trấn an người dân. Cả giới phân tích quốc tế và giới hoạt động xã hội tại Trung Quốc đều đồng ý rằng nhà cầm quyền có thừa uy lực để ra lệnh cho các công ty thay đổi cách thức sản xuất và ngưng ngay nạn ô nhiễm, đặc biệt là xả bụi, nhưng chắc chắn là họ sẽ không làm. Vì đây là chủ trương nền tảng và nhất quán suốt từ thời ông Đặng Tiểu Bình, đó là phát triển kinh tế bằng mọi giá dù phải chấp nhận phá hoại môi sinh. Hiện nay, chủ trương đó lại càng cần được thế hệ lãnh đạo Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường duy trì vì uy thế của 2 ông đã suy giảm nhiều và rất sợ dân chúng sẽ nổi lên nếu nền kinh tế bị khựng lại. Chính vì thế mà lãnh đạo đảng thường đóng luôn vai trò khoa học gia. Chẳng hạn như họ ra lệnh cấm ngay việc quảng bá bản kết quả thu thập và phân tích của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Các kết luận của bản nghiên cứu này làm kinh ngạc nhiều người, như tại vùng miền Bắc Trung Quốc, nơi có nạn ô nhiễm và bụi PM2.5 nặng nề nhất, tuổi thọ của mỗi người dân bị giảm 5 năm hoặc nhiều hơn; hoặc như kết luận bầu không khí và tình trạng ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm tại Bắc Kinh và hàng loạt các đô thị lớn ở vùng phía Bắc nước này không còn an toàn hay thích hợp cho con người và hầu hết động vật sinh sống nữa. Thế là lãnh đạo đảng lại ra lệnh không chỉ bịt mũi mà bịt luôn cả mắt toàn dân lại để tiếp tục "ổn định xã hội". Và đến nay, hầu như giới quan sát trong và ngoài Trung Quốc đều đồng ý: nguyên bài diễn văn dài lê thê của Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ là một ứng dụng của công thức "Khuấy nồi canh đang sôi cho khỏi trào" mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chính thức và trực tiếp huấn thị các lớp cán bộ cao cấp mà thôi. Tức là chỉ cần nói sao cho dân đừng bức xúc tới độ phản đối bằng hành động là đủ ... và là xong.
......

Liệu Trung Quốc có noi gương Nga?

Hôm nay, thứ tư, 2 tháng 4, 2014, hãng thông tấn AFP ghi một phóng sự vừa dí dỏm vừa cảm động, về 9 binh si thuỷ quân lục chiến Philippines trên chiếc tàu cũ trấn thủ bải Cỏ Mây, nơi bị Trung Quốc giành chủ quyền. Tàu tuần duyên của Trung Quốc chặn tàu Phillippines tiếp tế cho bãi Cỏ Mây AFP photo Bài báo kể chuyện các binh sĩ này đã phải chuẩn bị lưới và thả lưới bắt cá ăn để chống đói, khi hai tàu dân sự của Manila tiếp tế cho họ bị Trung Quốc chặn và đuổi đi hồi khoảng ngày 21 tháng trước. May sao sau đó máy bay thả hàng tiếp tế, họ vui mừng thấy sẽ no bụng được vài tuần nữa. Rồi đến 29 tháng 3, tàu tuần duyên Trung Quốc cũng ngăn chặn, cắt đường hải hành của tàu hải quân Philippines, nhưng tàu Philippines đã lách qua khỏi tàu Trung Quốc, đem hàng tiếp vận và một tiểu đội thuỷ quân lục chiến ra thay quân.   Công luận thế giới có nơi đặt câu hỏi vì sao trước đây Trung Quốc không cản trở gì công tác tiếp vận của quân đội Philippines cho vị trí này, mà bây giờ lại cương quyết như vậy?   Câu chuyện cũng dễ hiểu, là vì Trung Quốc vẫn giành chủ quyền bãi Cỏ Mây từ nhiều năm nay, nhưng đến nay Philippines nhất quyết đưa sự việc ra Tòa án Luật biển của Liên Hiệp Quốc nên Bắc Kinh mới cương quyết giành chiếm chủ quyền nơi này. Và Philippines đã làm một việc rất hay, là đưa cả một phái đoàn đông đảo phóng viên quốc tế đi theo tàu tiếp liệu, nên sự kiện được ghi nhận và phổ biến rất rộng rãi. Rồi hôm qua Hoa Kỳ đã lên tiếng trách cứ Trung Quốc có hành động khiêu khích khi cho tàu tuần duyên ngăn cản việc tiếp liệu đó.   Nhưng tại sao đến khi sự việc được đưa ra tòa quốc tế thì Bắc Kinh mới tỏ thái độ quyết đoán như vậy? Bãi Cỏ Mây cách Đá Vành Khăn 35km phía đông nam. Đá Vành Khăn cách Palawan của Philippines 230 km, nhưng khu vực này là nơi tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1995 Trung Quốc xây cất kiến trúc kiên cố ở Vành Khăn, nhất quyết giành chủ quyền nơi này mặc dù Philippines và Việt Nam phản đối. Vì vậy Trung Quốc dựa vào Vành Khăn, cũng giành chủ quyền ở bãi Cỏ Mây. Ai cũng thấy đó là hành động cướp biển trắng trợn, không cách nào có thể chứng minh  bằng lịch sử và pháp lý quốc tế. Và ai cũng biết tất cả các đảo ở Trường Sa đều đã được Việt Nam xác lập chủ quyền từ thời nhà Nguyễn, có thể nói từ thời chúa Nguyễn ở miền Nam, và các quốc gia châu Á không nói gì đến chủ quyền đó cho đến thời kỳ quốc gia Việt Nam bị chia cắt thành hai miền nam bắc Việt Nam. Lúc ấy Đài Loan và Đông Nam Á mới thừa nước đục thả câu tranh nhau nhảy vào Trường Sa, khi mà Trung Quốc còn chưa dám léo hánh tới nơi đó vì hạm đội 7 Hoa Kỳ đang tung hoành khắp biển Đông. Vì không thể tranh thắng về pháp lý trước tòa Luật biển Liên Hiệp Quốc theo Công ước LHQ, là văn kiện mà Trung Quốc có ký kết, nên Trung Quốc phải ỷ thế mạnh, giữ chặt chủ quyền bất hợp pháp đó và nhất quyết ngăn chống hoạt động duy trì chủ quyền của các nước khác. Theo tin không chính thức của hãng thông tấn Inter Press Service thì đầu năm nay Trung Quốc đã xoa dịu Manila, đề nghị hai bên cùng rút khỏi Scarborough và Cỏ Mây, thì Trung Quốc sẽ mở rộng giao thương và đầu tư và hoãn áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Nếu điều này đúng sự thật thì nó chứng tỏ Bắc Kinh rất ngại việc bị kiện ra tòa Luật biển. Hành động kiện Trung Quốc ra tòa Luật biển Liên Hiệp Quốc có đem lại lợi ích gì cho chủ quyền của Philippines và các nước khác ở những vùng tranh chấp với Trung Quốc không? Các nước thành viên Công ước Luật biển đều có quyền không tham dự phiên tòa và không chấp nhận phán quyết của Tòa án Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Như vậy có nghĩa là mọi pháp nhân đều có quyền không chấp nhận cả tính cách bị can trước tòa quốc tế đó, cho nên không có gì ràng buộc họ được về mặt pháp lý.   Nếu vậy vì sao Trung Quốc phải làm ầm ĩ về việc Philippines đưa họ ra tòa quốc tế? Không bị ràng buộc pháp lý không có nghĩa là không bị ảnh hưởng gì do động thái bị đưa ra tòa quốc tế. Ngay hành vi phản đối nguyên đơn khi bị đưa ra tòa Luật biển cũng đã khiến quốc tế trông thấy tính cách phi chính nghĩa của bị đơn trong trường hợp này. Trung Quốc cũng thấy rõ phán quyết của tòa sẽ hoàn toàn bất lợi cho họ; đến lúc đó họ sẽ phải phản đối, càng làm lộ rõ thế phi chính nghĩa. Vì vậy họ phải làm mọi cách để chứng tỏ chủ quyền mà họ tự coi là đương nhiên ở những vùng tranh chấp ở biển Đông. Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị việc này từ khi thành lập huyện Tam Sa, chọn thủ phủ là Hoàng Sa, bao gồm tất cả biển đảo từ Hải Nam tới cuối Trường Sa, theo cái đường chín đoạn Lưỡi Bò mà họ tự ý vạch ra. Philippines từng mời gọi Việt Nam tham gia vụ kiện Trung Quốc về chủ quyền ở Trường Sa, tại sao Việt Nam không đáp ứng, trong khi Manila có những hành động rất quyết liệt về vấn đề này? Trước hết Việt Nam đã xác lập chủ quyền ở toàn thể quần đảo Trường Sa bao gồm đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, nghĩa là cũng mâu thuẫn cả với Philippines, nên không thể đứng cùng Philippines kiện Trung Quốc. Thêm vào đó, Việt Nam không giành chủ quyền ở Scarborough, nên không có tư cách gì đứng đơn cùng với Philippines. Ta cũng biết Việt Nam từng nói với người dân trong nước là chính quyền ở váo thế khó lòng mà đứng thẳng lên để phản đối hay chống đối quyết liệt đối với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trong phạm vi biển Đông, lý do vì sao thì tưởng không phải nhắc lại ở đây. Có luồng dư luận cho rằng Trung Quốc đã quan sát, theo dõi vụ Liên Bang Nga chiếm Crimea, và sẽ lượng sức để thực hiện kế sách gọi là "bảo vệ người Hoa" giống như người Nga "bảo vệ người Nga", để thôn tính lãnh thổ quanh châu Á. Liệu điều đó có thể xảy ra không? Hầu như sẽ không xảy ra với toàn thể Đông Nam Á. Theo báo The Straits Times của Singapore, trước hết Trung Quốc lo ngại Nga sẽ lấn đất ở Trung Á, khiến khu vực năng lượng đó sẽ mất ảnh hưởng do Bắc Kinh dày công tạo dựng, và sau đó sẽ đe dọa cả biên cương phía bắc Trung Quốc. Luận điểm thứ nhì nói rằng người Hoa ở rải rác khá đông trên thế giới, nhất là ở Đông Nam Á, và sau tấm gương chiếm đất ở Georgia và Crimea do Moscow thực hiện, Đông Nam Á đang hết sức cảnh giác với những kiều dân Trung Hoa đó. Một động thái đáng nghi ngờ nào của Bắc Kinh cũng sẽ đem lại bất lợi cho khối Hoa kiều hải ngoại. Tuy nhiên trong vùng Đông Nam Á nơi đáng lo nhất là Việt Nam. Xứ sở này hiện đã có rất đông người Hoa sinh sống hợp pháp và bất hợp pháp, và có những khu vực gần như lãnh địa của Trung Quốc, nhân viên an ninh của chính quyền Việt Nam cũng khó lòng ra vào tự do, nhất là ở những khu vực trọng điểm chiến lược như Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, và trung du, thượng du miền Bắc. Một khi Trung Quốc thấy có đủ thời cơ để thực hiện kế sách như ở Crimea, chính quyền Việt Nam, trong xu thế hiện nay, khó lòng có thể phản ứng thích đáng và hữu hiệu. Nguồn: rfa.org
......

Đất nước được gì khi đảng CSVN luân chuyển cán bộ?

Luân Chuyển Cán Bộ và Nhân Sự Cho Đại Hội Sau một quyết định luân chuyển, 44 vụ trưởng, thứ trưởng... bỗng trở thành phó tỉnh [1]. Nhiều người trong đó sau Đại hội sẽ lại ra Hà Nội làm Bộ trưởng, vào Trung ương. "Luân chuyển cán bộ" là một giải pháp được Hội nghị Trung ương Ba, khóa VIII (6-1997), đặt ra. Nhưng phải tới Hội nghị Trung ương Sáu (lần 2), khóa VIII (1998), mới bắt đầu được Tổng bí thư Lê Khả Phiêu áp dụng. Chỗ Trống Nếu những nỗ lực đưa tuổi về hưu lên 65 không thành công, Đại hội sắp tới hứa hẹn sẽ có rất nhiều "chỗ trống". Tuổi để không "tái ứng cử" của ủy viên Trung ương hiện là 60, tức là những người sinh từ năm 1956 trở về trước sẽ phải ra đi. Có tới 81/154 ủy viên trung ương (không tính Ban bí thư, Bộ chính trị) có năm sinh từ 1951-1956. Trong số này có 11 bộ trưởng, 15 bí thư tỉnh ủy và hai vị chủ tịch 2 thành phố Hà Nội, Sài Gòn.   Hy vọng không phải hoàn toàn tắt hết cho 15 vị ủy viên Trung ương sinh năm 1956. Nhưng cũng phải nhớ là ở Đại hội XI chỉ có 4 vị sinh năm 1951 (tương đương 1956 ở đại hội XII) lọt vào Trung ương: Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Thường vụ Quốc hội Đào Trọng Thi, Bộ trưởng Giàng Seo Phử. Năm 2011, cũng có ba vị bộ trưởng khác "cố đấm" nhưng không "ăn được xôi": Lê Doãn Hợp (1951), Trần Đình Đàn (1951), Phạm Khôi Nguyên (1950). Tuổi về hưu của ủy viên Bộ chính trị là 65. Có ít nhất 4 ủy viên Bộ chính trị chắc chắn sẽ bị vấn đề tuổi tác loại ra khỏi danh sách nhân sự Đại hội 12: Nguyễn Phú Trọng (1944), Nguyễn Sinh Hùng (1946), Ngô Văn Dụ và Tô Huy Rứa (cùng sinh năm 1947). Cũng có không nhiều cơ hội cho: Lê Hồng Anh (12-11-1949), Phùng Quang Thanh (2-2-1949), Phạm Quang Nghị (2-9-1949) và Lê Thanh Hải (20-2-1950). Hai ủy viên Bộ chính trị, Phạm Gia Khiêm (6-8-1944) và Hồ Đức Việt (13-8-1947) đã bị đánh rớt tại Đại hội XI. Chỉ có một tiền lệ là trường hợp của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ông được tái cử để đưa lên ghế Chủ tịch Quốc hội khi chỉ còn vài ngày là 65 tuổi (18-1-1946). Quy định tuổi tác và giới hạn hai nhiệm kỳ cũng có tác dụng tích cực trong một nền chính trị cả nể như Việt Nam. Ông Phạm Văn Đồng từng làm Thủ tướng từ năm 1955 đến 1987. Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn đều giữ chức cho đến "hơi thở cuối cùng". Trước Đại hội VIII, Đỗ Mười đã 79 tuổi nhưng vẫn còn "bám trụ". Bộ Tứ Từ sau Đại hội IX, tuổi không tái ứng cử của "bộ tứ" được quy định là 67. Đại hội XI diễn ra vào tháng Giêng 2011, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vẫn còn 3 tháng... để trở thành Tổng bí thư (ông Trọng sinh ngày 14-4-1944). Nếu Đại hội XII tổ chức vào đầu năm 2016, Ông Trương Tấn Sang có thể chạm vào giới hạn tuổi tác (ông sinh ngày 21-1-1949) nhưng lại có lợi thế là mới giữ chức Chủ tịch Nước một nhiệm kỳ. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang còn mấy tháng tuổi (ông sinh 17-11-1949) nhưng chỉ có một con đường "đi lên" vì đã có hai nhiệm kỳ Thủ tướng [2]. Rất nhiều "hồng y" muốn trở thành "giáo hoàng" nhưng ai cũng phải giữ bề ngoài đạo mạo. Ai cũng cần người thay họ nói ra "tham vọng" đó (bằng cách đề cử trong những hội nghị trung ương cuối nhiệm kỳ). Trước Đại hội XI, cho dù uy tín của Nông Đức Mạnh thế nào, lời giới thiệu người kế vị của ông vẫn vô cùng quan trọng. Năm 2011, nếu không được Nông Đức Mạnh giới thiệu, Nguyễn Phú Trọng có thể chỉ là một ông già 67 tuổi về hưu. Đề cử người kế vị của ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn vẫn có trọng lượng nhưng cách vận hành Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương giờ đây đã phức tạp hơn. Nó chịu chi phối rất nhiều của vấn đề "thế - lực". Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên dự khuyết từ tháng 12-1986. Trong khi tháng 1-1994 Nguyễn Phú Trọng mới được đặc cách vào Trung ương. Tuy vào Bộ chính trị gần như trong cùng một thời gian, mãi tới năm 2006 Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng mới có một ví trí có quyền lực ở tầm quốc gia. Trong khi từ năm 1996, Nguyễn Tấn Dũng đã được đưa vào nhóm năm người quyền lực nhất (Thường vụ Bộ chính trị) và lần lượt giữ những chức vụ mà các quyết định có thể "quy ra thóc", chi phối tới mọi ngóc ngách của hệ thống chính trị: Phó thủ tướng thường trực (1997); Thủ tướng (2006). Người thắng cuộc là người có nhiều phiếu hơn. Người có nhiều phiếu hơn không hẳn vì uy tín lớn hơn mà còn có thể là người có nhiều "gót chân A-Sin" để sau khi bầu lên "đàn em" dễ dàng trục lợi. Thành phần bỏ phiếu trong Đại hội không bị chi phối một cách trực tiếp bởi nguyên tắc lợi ích như trong Bộ chính trị, Trung ương, nhưng đại biểu lại thường là những người "phục tùng". Cho dù xác suất rất thấp, Đại hội vẫn có thể tạo ra bất ngờ nếu như các đại biểu hiểu là lá phiếu của họ có thể chỉ tập trung đặc quyền, đặc lợi cho một số người nhân danh "tập trung dân chủ". Tại Sao Luân Chuyển "Luân chuyển", theo Nghị quyết Trung ương Ba, là để "giúp cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn". Nhưng, tại sao một ông phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lại phải "rèn luyện" bằng cách về tỉnh làm phó bí thư; một ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi lại phải cần "thực tiễn" ở ủy ban nhân dân một tỉnh..   Ban Tổ chức Trung ương có bao giờ hỏi ông Nguyễn Văn Giàu, hai năm cách ly với chuyên môn ở Ninh Thuận (2004-2006) có giúp được gì cho ông khi làm Thống đốc. Bí thư tỉnh ủy là một nhà chính trị địa phương trong khi Thống đốc ngân hàng làm công việc của một nhà kỹ trị. Ban Tổ chức cũng có bao giờ hỏi ông Nguyễn Hòa Bình (luân chuyển về Quảng Ngãi 2010-2011), kinh nghiệm làm Bí thư có giúp gì để một ông tướng công an trở thành Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đứng đầu "viện công tố" mà học được cái lắt léo của "chính trị gia" thì liệu có còn "độc lập, chỉ tuân theo pháp luật".   Cũng có những cán bộ được quy hoạch để làm chính trị khi về địa phương, bị đặt trước thách thức phải tự "tìm chỗ trống có cơ cấu" như Thứ trưởng Trần Thế Ngọc (trước đương kim Bí thư Trần Thị Kim Cúc ở Tiền Giang hồi năm 2010); Phải phản công tự vệ như phó ban Tư tưởng Văn hóa Phạm Quang Nghị khi về làm Bí thư Hà Nam (1997-2001). "Đấu đá nội bộ" cũng có tác dụng trui rèn bản lĩnh nhưng không phải là con đường nhất định để trở thành chính trị gia. Không thể coi luân chuyển là "thử thách" khi đó chỉ là quy trình một cán bộ được Ban bí thư xếp sẵn ghế rồi "ẵm" về địa phương. Chỉ có rất ít trường hợp thất bại như Vũ Trọng Kim (Quảng Trị 2001-2005). Luân chuyển chỉ là cơ hội để các bên cài đặt nhân sự của mình vào những vị trí có cơ cấu. Cả khách lẫn chủ đều biết chịu đựng nhau. Xuôi chèo mát mái thì đến hẹn họ mới đi cho. Đó là thời gian "nín thở qua sông" chứ không phải là "rèn luyện". Cho dù Đảng kiểm soát tuyệt đối về công tác cán bộ nhưng không có nghĩa là cán bộ của Đảng thì có thể ngồi bất cứ chỗ nào. Có những bí thư tỉnh ủy có thể làm bộ trưởng. Nhưng không có nghĩa ai có "hàm bộ trưởng" là có thể phiên ngang. Chính trị địa phương không giống như chính trị quốc gia và điều quan trọng hơn, viên chức hành chánh, viên chức chính trị và chính khách là những vị trí không thể luân qua, chuyển lại. Hành Chánh Chuyên Nghiệp Cho dù độc đảng hay đa đảng một quốc gia muốn ổn định đều cần phải thiết lập được một nền hành chánh công vụ chuyên nghiệp và độc lập. Các viên chức hành chánh, nếu muốn vẫn có thể "học tập đạo đức Hồ Chí Minh" và chính trị Marx - Lenin, nhưng điều họ bắt buộc phải học là chỉ được làm những gì pháp luật cho làm, tuân thủ các chuẩn mực hành chánh một cách chính xác và không cần sáng kiến. Bộ máy hành chánh có thể hình thành từ trong các bộ, ngành, từ tỉnh, quận, huyện và phường xã. Đứng đầu các bộ máy hành chánh ở tất cả các cơ quan này là những người được đào tạo trong trường hành chánh. Họ là các chủ sự, các đốc sự và tham sự hành chánh. Họ có thể có hàm tương đương với thứ trưởng, phó tỉnh trưởng hay phó quận trưởng... Các bộ trưởng, tỉnh trưởng có thể bị thay thế sau mỗi nhiệm kỳ, nhưng người đứng đầu bộ máy hành chánh thì chuyên nghiệp. Khi nào có bộ trưởng, tỉnh trưởng mới tới, họ lại giúp tập huấn để các chính trị gia biết giới hạn, thủ tục khi ứng xử các quyền hành chánh. Viên chức hành chánh là một "ngạch" có thể chọn qua thi tuyển. Viên chức chính trị bổ nhiệm (political appointee) Đây là một lực lượng hết sức hùng hậu, trung ương có các bộ trưởng, các thẩm phán (bao gồm cả chánh án), công tố viên (kiểm sát viên - bao gồm cả viện trưởng viên kiểm sát)...; địa phương có các giám đốc sở... Họ được bổ nhiệm bởi những chính trị gia được quốc hội hoặc các cuộc tổng tuyển cử bầu lên như thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh... và thường phải được phê chuẩn của quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp. Quyền lựa chọn nhân sự cho các vị trí này thuộc về các chính trị gia. Nếu họ đưa "em út" hay đưa những kẻ "chạy chức, chạy quyền" vào thì có thể sẽ bị phát hiện trong quá trình điều trần. Nếu người mà họ bổ nhiệm không được phê chuẩn thì họ sẽ rất có thể mất uy tín, phải từ chức hoặc chịu thất cử trong nhiệm kỳ kế tiếp. Tuy quyền lựa chọn là của cá nhân nhưng để có sự hậu thuẫn chính trị các chính trị gia buộc phải lựa chọn nhân sự từ nhiều nguồn khác nhau. Thay vì dựa vào "kho dự trữ cán bộ" của Bộ chính trị, Ban bí thư, Thủ tướng sẽ lựa chọn các bộ trưởng trong hàng các chính trị gia hoặc trong các nhà kỹ trị, các nhà văn hóa lớn; Chủ tịch nước sẽ chọn các thẩm phán không phải từ những người được quy hoạch mà có thể từ các luật sư nổi tiếng, giỏi nghề nghiệp và liêm chính.   Chính Trị Gia Công tác cán bộ như hiện nay không thể làm xuất hiện chính trị gia cho dù vẫn có những chức danh được đặt vào thông qua bầu cử. Chính trị gia thực thụ phải là những người trưởng thành từ các hoạt động chính trị, xã hội... được công chúng biết đến và chọn lựa. Không phải tự nhiên, cho dù có học vấn cao hơn, phẩm chất chính trị gia của lãnh đạo càng ngày càng tụt xuống. Trước đây, các lãnh đạo địa phương được điều ra Trung ương thường nhờ thành tích "đổi mới" (như Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn Chính - Chín Cần...). Ngày nay, không ai biết thành tích ở địa phương của các bí thư tỉnh ủy được đưa lên là gì. Không có môi trường chính trị để những người trở thành lãnh đạo thực sự cao hơn các đồng chí của họ "một cái đầu", các nhà lãnh đạo đã chọn những kẻ kém mình "một cái đầu" cho dễ bảo. Hiện tượng xuất hiện các nhà lãnh đạo dưới 40 tuổi có học vấn cao, được đào tạo ở Mỹ, ở Canada như Nguyễn Thanh Nghị (phó bí thư Kiên Giang), Nguyễn Xuân Anh (phó bí thư Đà Nẵng) lẽ ra phải được coi là tích cực. Nhưng họ lại đang trở thành đối tượng để dư luận "xì xào". Vấn đề là tại sao lại chỉ có hai vị ấy mà không phải là những người xuất sắc khác trong số hàng chục ngàn bạn trẻ vừa du học trở về. Nếu không có một môi trường chính trị minh bạch thì những người tử tế rất khó có chỗ đứng trong giới cầm quyền. Nếu không có một môi trường tranh cử công khai thì người tài không thể xuất hiện và được thử thách. Nếu đội ngũ kế cận chỉ gồm những người được cha chú "lôi từ trong túi áo ra" thì cho dù họ lên tới cấp nào cũng chỉ có thể hành xử như hàng thuộc hạ.   - - - [1] Trong 44 cán bộ được luân chuyển đợt này, có 2 ủy viên dự khuyết Trung ương, 19 thứ trưởng và tương đương; 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương; 3 cán bộ nữ. Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 người giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 người giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. [2] Theo Nghị quyết Trung ương Ba, Khóa VIII: “Cán bộ đứng đầu từ cấp huyện, quận trở lên không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ”. Nguồn: FB Osin HuyDuc
......

Địa chính trị và thân phận các nước nhược tiểu

Cho đến nay, phần lớn các bài tường thuật hoặc phân tích về việc Nga cưỡng đoạt bán đảo Crimea từ trong tay của Ukraine đều tập trung vào hai đối tượng chính: Nga và các phản ứng của Mỹ và Liên Hiệp Âu châu. Về phía Nga, người ta tập trung nhiều nhất vào các tham vọng quyền lực của Vladimir Putin, người xem sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Nga vào đầu thập niên 1990 như một tai họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 thay vì là một may mắn vì thoát khỏi ách chuyên chế và sự bần cùng; và cũng là người, theo cách nói rất hình tượng của một nhà báo nào đó, “tối nằm mơ mình là Đại đế, sáng thức dậy, hành xử như Stalin”. Người ta cũng phân tích các mặt mạnh và mặt yếu của Nga trong tham vọng biến thành một đế quốc, trong đó hai mặt mạnh nhất là, một, nguồn tài nguyên dồi dào đủ để gây sức ép lên châu Âu, nếu cần; và hai, quyền lực tập trung hẳn vào một người: Putin (trên nguyên tắc, có thể tại vị cho đến 2024!). Nhưng hai mặt yếu lớn nhất của Nga là: Một, kinh tế yếu và khá què quặt, chủ yếu chỉ dựa vào nguồn dầu khí; và hai, qua cách hành xử của Nga tại Ukraine vừa qua, bộ mặt đế quốc của Nga hiện lên rất rõ nên một mặt, gây sợ hãi đối với các nước láng giềng, và vì sự sợ hãi ấy, họ sẽ ngả theo Tây phương; mặt khác, khiến Tây phương phải cảnh giác, đoàn kết và cứng rắn hơn: Nếu việc lấn chiếm Crimea của Nga là một bất ngờ đối với Tây phương thì, thật ra, nó cũng là một “bất ngờ” đối với chính Nga lúc họ chưa sẵn sàng đủ để hiện thực hóa tham vọng đế quốc của mình.   Về phía Mỹ và Tây phương, người ta tập trung nhiều nhất vào các phản ứng và những hạn chế trong các phản ứng chống lại Nga. Nói chung, cả Mỹ lẫn châu Âu đều đồng ý với nhau ở một điểm: tất cả đều xem việc Nga cưỡng chiếm Crimea của Ukraine là một điều phi pháp, hơn nữa, một hiểm họa. Hiểm họa ấy không nằm ở bản thân Crimea, thậm chí, ngay cả nước Ukraine. Hiểm họa ấy nằm ở hai điểm chính: Một, việc chiếm Crimea chỉ là bước đầu trong âm mưu xâm lược các nước láng giềng của Nga; và hai, nó tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế: nhân danh một lý do vu vơ nào đó, một nước lớn sử dụng bạo lực để lấn chiếm lãnh thổ của một nước khác nhỏ hơn. Xin lưu ý là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tuy ở Âu châu có nhiều cuộc chiến tranh, nhưng đây là lần đầu tiên có cuộc chiến xâm lược và cưỡng đoạt lãnh thổ của nhau. Biết đó là hiểm họa, tuy nhiên, phản ứng của Mỹ và châu Âu lại bị hai giới hạn lớn: Một, tất cả đều đang gặp nhiều khó khăn cả về chính trị, quân sự lẫn về kinh tế và nhân tâm, không có ai có thể cứng rắn đủ để đối đầu với Nga một cách quyết liệt; và hai, do xu hướng toàn cầu hóa, hầu như tất cả đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga trên rất nhiều lãnh vực, do đó, ngay biện pháp cấm vận cũng chỉ được thi hành một cách dè dặt. Có điều, hầu hết các nhà bình luận chính trị đều né tránh một khía cạnh khác của cuộc xâm chiếm Crimea của Nga: các phản ứng của chính quyền Ukraine. Điều dễ nhận thấy nhất là hầu như chính phủ Ukraine hoàn toàn chấp nhận số phận. Lính Nga tràn ngập vào Crimea, lính Ukraine vẫn án binh bất động. Một số khá lớn không đầu hàng nhưng cũng không kháng cự. Đến lúc Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập Crimea vào Nga, họ vẫn không kháng cự. Ở các nơi đóng quân, lính Ukraine nếu không rút về nước (?) thì cũng tự động giải tán. Ở Tây phương, hầu như mọi người cũng đều chấp nhận việc Ukraine mất Crimea là một việc đã rồi. Không cách gì chống lại hay đòi lại được. Ở Ukraine, chính phủ mới có lẽ cũng nghĩ như vậy. Họ cũng xem như đã mất hẳn Crimea. Tất cả những nỗ lực của họ là lo giữ những phần đất còn lại. Nhưng vấn đề là: tại sao họ lại chấp nhận một cách dễ dàng như vậy? Lý do đầu tiên là tương quan lực lượng. Nước Nga, về ngân sách dành cho quốc phòng lớn gần 50 lần Ukraine (78 tỉ so với 1.6 tỉ); về quân số, nhiều gấp bốn lần; về xe tăng, gấp hai lần; về chiến đấu cơ, gấp sáu lần. Dĩ nhiên, Nga không thể kéo hết số quân và vũ khí này vào Ukraine. Họ còn phải để quân phòng hờ ở biên giới vùng Bắc Caucasus, vùng biên giới với Trung Quốc và vùng Thái Bình Dương. Nhiều nhất Nga chỉ có thể huy động một quân số gấp đôi Ukraine. Nhưng ở đây lại có vấn đề: Không những quân số đông hơn, lính Nga còn tinh nhuệ hơn và vũ khí cũng tối tân hơn hẳn. Sau cuộc chiến với Georgia, Nga tăng ngân sách quốc phòng lên 30%, chủ yếu để hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, suốt cả mấy chục năm qua, đặc biệt trong mấy năm gần đây, các chính phủ thối nát ở Ukraine chỉ làm mục ruỗng không những quân đội mà còn cả đất nước của họ. Lính đã ít, vũ khí vừa ít vừa lạc hậu, cả quân trang quân dụng cũng thiếu thốn. Nhiều chiếc xe tăng không chạy được vì hết bình điện nên đề máy không nổ. Lính, ngay cả đồng phục, cũng không có. Trong số 41.000 đơn vị quân đội của họ, chỉ có khoảng 6000 là có khả năng chiến đấu. Dưới đây là bảng so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên: Nguồn: Theatlantic.com Đó là chưa kể một yếu tố khác: Trong số quân lính của Ukraine, có nhiều người gốc Nga; hầu hết tướng lãnh cao cấp lại được Nga đào tạo thời còn chế độ Xô viết. Liệu những người ấy có sẵn sàng cầm súng đánh nhau với Nga? Sự nghi ngờ này có thể thấy rõ khi quân Nga tràn vào Crimea, một vị tướng hải quân của Ukraine đã nhanh nhảu đầu hàng Nga ngay tức khắc. Bởi vậy, không có gì lạ khi Ukraine thua và chấp nhận thua một cách dễ dàng ở Crimea. Điều duy nhất nhiều người làm được là giữ được tinh thần: ngay cả khi lính Nga đến chiếm đồn trại của họ, dù không phản công, họ vẫn nghiêm trang cầm quốc kỳ và hát quốc ca. Lý do thứ hai là vì chính trị. Quốc Hội Ukraine thông qua nghị quyết truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych ngày 22 tháng 2. Hơn một tuần sau, quân Nga tràn qua biên giới vào lấn chiếm Crimea. Ukraine, lúc ấy chỉ có chính phủ tạm thời, lại mới cầm quyền, còn ngơ ngác và bối rối đủ chuyện, không thể đề ra một chiến lược hay chiến thuật nào có thể thực hiện được. Lý do thứ ba, quan trọng nhất, vì giới cầm quyền Ukraine thiển cận và bất cẩn. Khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, trên đất Ukraine có hơn 1200 đầu đạn hạt nhân và trên 2500 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Năm 1994, Mỹ, Anh và Nga thuyết phục Ukraine bỏ hết các thứ vũ khí ấy, bù lại, họ hứa hẹn sẽ hạn chế việc sử dụng vũ lực hoặc kinh tế để đe dọa Ukraine. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn ấy, Ukraine rất ỷ y: Họ cắt giảm quân số, ngưng việc mua sắm vũ khí và hoàn toàn chễnh mãng trong việc tập luyện binh sĩ. Đó là chưa kể phần lớn những người cầm quyền đều chỉ  chăm lo vơ vét tài sản quốc gia hầu làm giàu cho bản thân. Thấy rõ nhất điều này là qua số tài sản của Yanukovych sau khi ông chạy trốn: nhà ông ở không khác gì cung điện của vua chúa ngày xưa. Cũng sơn son thếp vàng. Cũng có cả sở thú riêng. Trong một đất nước còn khá nghèo mà đời sống của giới lãnh đạo vương giả đến độ như vậy thì còn tiền bạc đâu lo chuyện quốc phòng? Tất cả những sự ích kỷ và bất cẩn như vậy đều xuất phát từ tầm nhìn thiển cận về địa chính trị.   Một số học giả về chính trị học nhấn mạnh: Một, tất cả chính trị đều là địa chính trị (geopolitics); và hai, tất cả các chiến lược đều là địa chiến lược (geostrategy). Không có quốc gia nào có thể thoát được các điều kiện tự nhiên vốn là điều kiện cho sự tồn tại của mình trên mặt đất. Mỗi địa lý có những ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng dù ưu hay là khuyết, các yếu tố căn bản liên quan đến địa lý cần phải được lưu tâm trong mọi hoạch định chiến lược lâu dài của quốc gia. Giới lãnh đạo Ukraine dường như quên hẳn những bài học căn bản ấy.   Với diện tích trên 600.000 cây số vuông (gần gấp đôi Việt Nam), Ukraine giáp giới, về phía nam, với Hắc Hải; phía đông nam, với Biển Azov; về phía tây nam, với Romania và Maldova; về phía tây, với Ba Lan, Slovakia và Hungary; về phía tây bắc, với Belarus; và đặc biệt, về phía đông và đông bắc, với Nga. Hiện nay, cả Ba Lan, Skovalia, Hungary và Romania đều thuộc khối Liên Hiệp Âu châu cho nên có thể nói, Ukraine là vùng trái độn giữa châu Âu và Nga. Bất cứ âm mưu phát triển của bên nào cũng đều trở thành một đe dọa cho Ukraine: đó sẽ là bãi chiến trường để hai bên đối đầu nhau. Mà chuyện ấy đã xảy ra từ lâu. Trong thế chiến thứ nhất, Ukraine từng bị xâu xé giữa hai thế lực: phe trục (chủ yếu là Áo) và phe đồng minh (gồm Anh, Pháp và Nga). Khi cuộc cách mạng vô sản bùng nổ ở Nga, Ukraine cũng bị xâu xé làm hai: một bên theo Nga và một bên theo Áo-Hung. Năm 1919, chấm dứt nội chiến, Ukraine lại bị xẻ làm hai: phía tây theo Ba Lan và phía đông theo Nga. Khi Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, Ukraine cũng bị xẻ làm hai: phía đông Galicia thuộc Ba Lan, còn lại thuộc về Liên Xô. Trong đệ nhị thế chiến, Ukraine cũng trở thành bãi chiến trường chính của Liên Xô và Đức quốc xã: chỉ riêng tại trận địa Kiev (thủ đô của Ukraine) đã có 600.000 lính Nga bị giết chết hoặc bị bắt (chiếm một phần tư quân số của Liên Xô ở mặt trận phía tây). Trong cả hai cuộc thế chiến, lần nào dân Ukraine cũng chết nhiều. Riêng trong đệ nhị thế chiến, người ta ước tính có khoảng từ 5 đến 8 triệu người Ukraine bị giết chết. Chỉ giới hạn trong quân đội, trong số khoảng 8.7 triệu người lính Xô viết bị tử vong, có khoảng 1.4 triệu là người Ukraine. Không có gì lạ khi sau thời chiến tranh lạnh, Ukraine lại trở thành nơi tranh chấp giữa Tây phương và Nga. Nhằm mục đích phát triển sức mạnh, nhân tiện, bao vây Nga, Liên hiệp Âu châu phát triển mạnh mẽ về hướng đông. Ukraine trở thành địa điểm cuối cùng của đà phát triển ấy. Trước viễn cảnh ấy, dĩ nhiên Nga không thể không lo lắng. Để tránh bị bao vây, Nga chỉ còn một cách duy nhất: hoặc chiếm hoặc ngăn chận Ukraine lọt vào tay Liên hiệp Âu châu. Việc Putin xua lính Nga qua chiếm Crimea và không chừng, một số vùng phía đông Ukraine, là một một chuyện dường như tất yếu. Không sớm thì muộn nó cũng sẽ xảy ra. Lý do dễ hiểu: vì vị trí của Ukraine. Nghĩa là vì địa chính trị. Trong cái vị trí trái độn ấy, điều bất hạnh khác của Ukraine: Nga cần Ukraine hơn là Mỹ và Tây phương cần Ukraine. Cả bài này, tôi viết về Ukraine, nhưng thật ra, trong đầu, tôi chỉ nghĩ đến Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, giữa hai nước có rất nhiều điểm giống nhau, phải không? Nguyễn Hưng Quốc
......

“Đừng cho nó chơi!”

Trong khi chính phủ lâm thời ở Ukraine cũng như Mỹ và các quốc gia Tây phương chưa biết cách nào để đối xử với âm mưu bành trướng thô bạo của Nga, giới phụ nữ Ukraine hình như đã biết ngay là mình sẽ và nên làm gì: Tuyên bố cấm vận về tình dục đối với bọn đàn ông Nga.   Theo báo chí Tây phương mấy ngày vừa qua, một số phụ nữ Ukraine đã và đang vận động một chiến dịch có quy mô lớn trên internet với nội dung bãi công tình dục (sex strike) đối với đàn ông Nga. Khẩu hiệu của họ là “Đừng cho nó cho bọn Nga” (Don’t give it to a Russian). Khẩu hiệu ấy được phổ biến dưới nhiều hình thức: trên mạng (website, blog và, nhiều nhất là trên facebook) cũng như trên áo thun người ta mặc ngoài đường. Nhưng “nó” ở đây là gì? Người ta sẽ hiểu ngay tức khắc khi nhìn vào cái logo họ vẽ: hai bàn tay bụm lại có hình một cái âm hộ! Nói một cách nôm na (nhớ chữ của Tản Đà: “văn chương thời nôm na”), nghĩa của nó là: “Đừng cho bọn Nga chơi!” Thật ra, truyền thống bãi công tình dục như vậy đã có từ lâu, không chừng ngay thời cổ đại Hy Lạp. Trong vở kịch Lysistratacủa Aristophane, vốn được diễn lần đầu tiên vào năm 411 trước công nguyên, có một chi tiết thú vị: Lysistrata thuyết phục các phụ nữ Hy Lạp không cho chồng làm tình để buộc họ phải ngưng việc đánh giết nhau. Thời hiện đại, biện pháp này càng ngày càng được sử dụng rộng rãi.   Tại Colombia vào tháng 10 năm 1997, tướng Manuel Bonnetkêu gọi các bà vợ và bạn gái của các du kích quân cánh tả không cho chồng hoặc bồ làm tình để họ chấp nhận đình chiến. Tháng 9 năm 2006, tại Pereira thuộc Colombia, mấy chục phụ nữ cấm cho không chồng hoặc bồ làm tình để ép họ ngưng các hành vi bạo động vốn dẫn đến cái chết của 480 người trong vùng. Cuộc “đình công” này mang một cái tên rất hay: Cuộc đình công của những cặp chân gác chéo” (the strike of crossed legs / La huelga de las piernas cruzadas). Theo một số nhà bình luận, cuộc đình công này khá hiệu quả. Hầu hết những tên đàn ông thích đánh nhau vì có ảo tưởng là việc sử dụng bạo lực ấy chứng tỏ là mình có nam tính cao, và vì vậy, sẽ trở thành quyến rũ hơn dưới mắt phụ nữ. Khi phụ nữ công khai tuyên bố họ không thích những hành vi bạo động như vậy, chúng phải nghĩ lại. Bốn năm sau, vào năm 2010, số các vụ đánh giết nhau tại Pereira giảm bớt 26.5%. Thừa thắng xông lên, giữa năm 2011, một số phụ nữ tại Barbacoas, cũng thuộc Colombia, lại tuyên bố khép đùi đình công để đòi chính quyền địa phương phải xây đường từ Barbacoa sang các thành phố lân cận. Sau 112 ngày “đình công” như vậy, chính quyền địa phương nhượng bộ: một con đường mới được khởi công.   Tại Liberia, vào năm 2003, hộiWomen of Liberia Mass Action for Peace đã tổ chức một cuộc phản chiến bất bạo động, bao gồm cả việc kêu gọi phụ nữ đình công… trên giường. Kết quả? Cuộc nội chiến kéo dài 14 năm trên đất nước này chấm dứt và sau cuộc bầu cử, người được nhiều phiếu nhất lên làm tổng thống là một phụ nữ, bà Ellen Johnson Sirleaf. Đó cũng là vị nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Vào đầu năm nay, tại Nhật, một số phụ nữ tung ra chiến dịch tẩy chay Yoichi Mazuzoe trong cuộc bầu cử Quốc Hội với lý do là Mazuzoe thường có những phát biểu mang tính kỳ thị đối với phái nữ. Chiến dịch này chủ yếu được phổ biến qua mạng lưới internet. Riêng cái tên của tổ chức này đã nói lên đủ ý nghĩa của nó: “Hội của những người phụ nữ không làm tình với bất cứ tên đàn ông nào bỏ phiếu bầu Mazuaoe” (The association of women who will not have sex with men who vote for Mazuzoe). Chỉ trong tuần đầu tiên, hội này đã có khoảng 3000 người ủng hộ!   Nếu ứng dụng sách lược khép đùi ở trên vào Việt Nam thì hẳn cuộc đấu tranh chống Trung Quốc và bọn độc tài sẽ đa dạng lắm, chẳng hạn, “không cho Tàu chơi” hay “Không cho công an chơi”, “không cho đảng viên chơi”. Lúc ấy Bác Trọng Lú sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Chả lẽ lại họp Trung ương đảng để ra nghị quyết bắt mọi người phải… giạng chân? Ối giời! Nguồn: facebooknguyenhungquoc.com
......

Putin thắng một thua ba

Ngày hôm qua, cả Tòa Bạch Ốc lẫn Ðiện Kremlin đều nhanh chóng loan tin Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã điện thoại cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama và hai bên đồng ý sẽ cho ngoại trưởng hai nước gặp nhau thảo luận chuyện Ukraine. Ðây là một chuyện bất ngờ, vì gọi điện thoại cho ông Putin rất khó. Trước ngày dân Crimea đi bỏ phiếu ly khai Ukraine để nhập vào Nga trở lại, Ngoại Trưởng Mỹ Kerry gặp Ngoại Trưởng Nga Lavrov suốt mấy giờ ở Bruxelles để can ngăn lần chót. Có lúc bị thúc giục quá, ông Lavrov rút qua phòng khác gọi cho ông Putin xin ý kiến. Một lát, ông trở lại, cho biết ông không muốn nói chuyện điện thoại với mình!   Nay ông Putin đích thân gọi cho ông Obama vào buổi tối, trong lúc ông này đang ở khách sạn Ritz Carlton tại Riyadh, thủ đô Á Rập Saudi, sau hai giờ dự quốc yến với Quốc Vương Abdullah để xoa dịu cho ông hoàng dầu lửa bớt giận Mỹ vì đã họp với Iran (theo Hồi Giáo Shi Ai, đối thủ của Saudi) và bỏ rơi phe nổi dậy ở Syria (cùng phái Sun Ni với Saudi, nhưng quá nhiều cán bộ al-Qaeda). Riêng hành động tự ý gọi điện thoại của Putin đã cho thấy Putin muốn cầu hòa. Ðiện Kremlin cần giữ thể diện cho ông chủ, đã nêu lý do là ông Putin nêu lý do các nước cần tái lập trật tự ở thủ đô Kiev, trong lúc nhiều người thuộc một đảng chống Nga ở Ukraine đang biểu tình, đeo mặt nạ, bao vây trụ sở Quốc Hội ở Kiev, đòi bộ trưởng Nội Vụ từ chức. Ðiện Kremlin nói rằng phe cực hữu này đang đe dọa thường dân (ý nói dân gốc Nga), đe dọa các cơ quan chính quyền và cảnh sát ở thủ đô Kiev cũng như các nơi khác. Ông Putin cũng than phiền chính phủ Ukraine đang phong tỏa vùng Transnistria, đã ly khai khỏi xứ Moldova.   Ðây là một cách gỡ thể diện, cho dân Nga khỏi nghĩ là Tổng Thống Vladimir Putin đang lùi một bước. Khi hai ông Kerry và Lavrov gặp nhau, ít nhất Nga có hai điều trao đổi: Nga sẽ công nhận chính phủ Ukraine mới, ngược lại Kiev sẽ hứa bảo vệ an ninh cho người gốc Nga, và để cho Transnistria dễ dàng nhập cảng hàng hóa từ Nga, trong lúc 1,200 quân Nga trú đóng tại đó cũng đang cần thêm rượu vodka! Ngoài ra, những nhượng bộ khác để Mỹ và các nước Châu Âu không phong tỏa kinh tế Nga nhiều hơn, sẽ được điện Kremlin mô tả là chuyện phụ! Ông Putin chắc có ý trao đổi, để tránh một cuộc phong tỏa kinh tế có thể leo thang từng bước một trong thời gian tới. Ông có thời giờ để kéo dài cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng bao lâu cũng được, vì đằng nào ông cũng đã nắm vùng Crimea trong tay, và đang chuyển quân quanh biên giới Ukraine. Riêng việc ngưng chuyển quân cũng có thể đưa ra như một lá bài trao đổi, mà Nga không mất gì cả. Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ đòi hỏi các nước Châu Âu cũng phải tham dự cuộc đàm phán, để khỏi mắc kế ly gián. Nhưng kết cục, tình hình có thể êm dịu hơn, về Crimea Nga vẫn coi như ván đã đóng thuyền, còn các nước khác sẽ không bao giờ công nhận sự kiện đó. Tình trạng đó có thể kéo dài không biết đến bao giờ.   Vladimir Putin phải mở cuộc tấn công ngoại giao, chắc vì đã thấy rõ hơn những hậu quả bất ngờ của hành động chiếm Crimea. Thứ nhất, dân Ukraine và các nước thuộc khối Liên Xô cũ ghê sợ hành động chính phủ Nga, họ đang nghiêng về phía Tây phương nhiều hơn. Thứ hai, Liên Hiệp Âu Châu (EU) thu hút được nhiều nước mới ở phía Ðông hơn, sẽ tạo thành một khối lớn có quyền lợi đối lập ngay bên cạnh Nga. Thứ ba, ông Putin đã đẩy Âu Châu và Mỹ gần nhau hơn. Từ năm 2008, khi xua quân vào Georgia, ông Putin muốn ngăn cản không cho các nước cộng sản cũ đến gần khối EU và NATO. Nhưng bây giờ kết quả ngược lại. Dân Ukraine thù ghét Nga hơn, và dân các nước khác thì lo ngại phòng thủ. Dân Ukraine đồng lòng với vị tổng thống lâm thời Arseny Yatseniuk khi ông nói: “Chúng tôi ít quân hơn, chúng tôi không có bom nguyên tử. Nhưng chúng tôi có tinh thần của cuộc Cách mạng Ukraine; chúng tôi có lý tưởng tự do! Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước đến cùng.” Các nước miền Baltic, nơi có rất nhiều người gốc Nga sống, cũng như Ba Lan đã yêu cầu Mỹ đưa không lực tới biểu diễn để cho dân chúng yên lòng. Các nước EU đã cam kết ký một phần thỏa ước về chính trị với Ukraine, trong khi còn thảo luận về thỏa ước kinh tế. Không những Châu Âu đang sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa của Ukraine, mà còn chuẩn bị ký các thỏa ước thương mại với hai nước thuộc Liên Xô cũ, Georgia và Moldova. Ðó là những điều mà ông Putin đã tìm cách ngăn cản từ mấy năm nay.   Qua việc chiếm Crimea, ông Putin đã giúp Mỹ và Âu Châu gần nhau hơn. Từ khi bất đồng ý kiến về việc Mỹ tấn công Iraq, khối Âu Châu lục địa đã tách xa Mỹ dần, có lúc chỉ nghĩ đến cạnh tranh hơn là hợp tác. Khi chính phủ Obama tuyên bố “chuyển trục” về phía Châu Á và Thái Bình Dương, dân Châu Âu càng thấy họ xa Mỹ. Dân Mỹ cũng chán Châu Âu, coi đó là một thế giới cổ lỗ, không thân thiện. Bây giờ dân Châu Âu không lo ngại về thế lấn lướt của nước Mỹ, mà lại lo chính phủ Mỹ bỏ mặc họ muốn làm gì thì làm. Còn dân Mỹ cũng sẽ hướng về Châu Âu hơn, như khi cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton so sánh hành động của Putin tại Crimea không khác gì Hitler đã lấy cớ bảo vệ người dân gốc Ðức ở các nước Tiệp Khắc, Ba Lan và Romani để khởi đầu các cuộc xâm lăng. Người Mỹ sẽ nhớ lại năm 1942 họ đã phải đem quân sang Châu Âu để bảo vệ các nguyên lý tự do dân chủ mà hai lục địa cùng chia sẻ. Ông Obama đã gợi lại kinh nghiệm đó trong ký ức dân Mỹ khi đến viếng nghĩa trang các tử sĩ Mỹ trong tuần qua khi đến Bruxelles: “Nếu chúng ta nhắm mắt để cho một nước dùng vũ lực vẽ lại bản đồ biên giới tức là chúng ta lãng quên những bài học đã được ghi lại trong các nghĩa trang ở lục địa này.” Sau biến cố Crimea, các nước Châu Âu bây giờ đã chấp nhận vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, ngay trong một cuộc khủng hoảng ở Châu Âu. Mỹ đã đóng vai thúc đẩy các nước Châu Âu phải đoàn kết hơn, và khuyến cáo cả dân Anh quốc đừng nghĩ đến việc tách ra khỏi EU. Cuộc thảo luận Thỏa ước Ðầu tư và Mậu dịch Xuyên Ðại Tây Dương (TTIP, Transatlantic Trade and Investment Partnership) đã “giậm chân tại chỗ” từ nhiều năm, bây giờ sẽ được thúc đẩy tiến tới nhanh hơn. Các chính phủ Châu Âu muốn hạn chế các khoản trao đổi, như chính phủ Pháp muốn bảo vệ văn hóa, nay sẽ nhượng bộ dễ dàng hơn mà không lo dân chúng phản đối. Quốc Hội Mỹ cũng nêu lên nhiều trở ngại về hiệp định TTIP vì không tha thiết, nay thái độ cũng sẽ thay đổi. Một lý do là với TTIP, việc xuất cảng dầu, hơi đốt của Mỹ sang Châu Âu sẽ dễ dàng hơn. Chính ông Putin đã gây ra biến chuyển tâm lý này. Ông Putin còn vô tình giúp cho khối EU bành trướng nhanh hơn tốc độ họ trông đợi; và giúp khối sử dụng đồng Euro củng cố với các biện pháp “kham khổ” dễ dàng hơn. Trong 28 nước của Liên Hiệp EU chỉ có 18 nước đồng ý dùng chung tiền tệ. Nhưng đây là một cuộc kết hợp kinh tế tài chánh bất bình thường. Mặc dù có chung một ngân hàng trung ương để quyết định chính sách tiền tệ, mỗi nước vẫn giữ quyền quyết định về chi tiêu và thuế khóa; mà hai thứ đó có khi đi ngược chiều nhau. Một biện pháp để giảm bớt mâu thuẫn là các nước cam kết một số tiêu chuẩn về ngân sách. Hậu quả là một số nước đã chi tiêu quá trớn, vay nợ cũng quá trớn để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu; trong khi kinh tế trì trệ vì khả năng sản xuất không tăng lên kịp. Phải đợi đến khi mấy nước “phía Nam” như Hy Lạp, Tây Ban Nha lâm vào cảnh vỡ nợ, các nước vẫn “tài trợ” họ như nước Ðức mới có dịp thúc đẩy họ cải tổ cơ cấu, tiết kiệm để cân bằng ngân sách. Trong ba năm qua, khối sử dụng đồng euro đã bị khủng hoảng, nhiều người lo ngại có thể sẽ giải tán. Nay ông Putin đã tạo cơ hội cho họ thấy phải nương tựa vào nhau nhiều hơn, cùng một lúc cơn khủng hoảng cũng đang dần dần chấm dứt. Bài học mà các nước trong khối Euro, và những nước đang nghĩ đến việc gia nhập khối này nhận được, là trường hợp Ukraine. Ðể được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) giúp đỡ, Ukraine sẽ phải thi hành chính sách tiết giảm chi tiêu, cân bằng ngân sách, và cải tổ cơ cấu nền kinh tế, mà di lụy thời cộng sản đến nay vẫn chưa xóa hết. Có như vậy, Ukraine mới có thể tiến đến việc trao đổi thương mại tự do với các nước Tây Âu. Sau bài học của Ukraine, các nước sẽ thấy việc “thắt lưng buộc bụng” trong năm ba năm để cải tổ cơ cấu kinh tế là chuyện đáng làm! Hơn nữa, các nước cựu cộng sản khác có thể thấy họ có ngày sẽ gia nhập sử dụng khối đồng Euro. Trong các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) có 15 nước với tỷ lệ thất nghiệp trên 9%, thì một nửa là những nước nằm bên cạnh Nga và Ukraine. Trong 13 nước còn lại, thất nghiệp dưới 9%, chỉ có một nước Romania nằm ở địa thế như vậy.Việc gia nhập khối đồng Euro khó khăn cho các nước còn nghèo, vì chính phủ họ sẽ phải tiết giảm chi tiêu, cải tổ cơ cấu; đừng để lâm vào cảnh như Hy Lạp. Các nước Bulgaria, Lithuania, Poland, Latvia, Hungary, Romania, và Cộng Hòa Czech đang chuẩn bị vào khối đồng Euro. Trước đây họ không tha thiết lắm, nhất là khi thấy chính hối Euro đang gặp khủng hoảng. Nhưng sau khi chứng kiến ông Putin bắt nạt Ukraine, người dân các nước này sẽ sẵn sàng hy sinh chịu kham khổ như dân Hy Lạp mới trải qua, để được gia nhập một khối kinh tế lớn, ngang hàng với nước Nga. Chính phủ Ba Lan mới quyết định nối lại các cuộc thương thuyết gia nhập khối Euro, sau nhiều năm ngần ngại. Tóm lại, ông Putin thắng một mặt, thua trên ba mặt. Ông thắng, vì đã chiếm lại được Crimea, sửa chữa một sai lầm lịch sử khi Krutchev đã gán vùng này cho Ukraine vào năm 1954. Nhưng ông thua, vì đã giúp cho các đối thủ của nước Nga đoàn kết với nhau hơn. Dân các nước cựu Xô Viết và cựu cộng sản thấy cần nương tựa vào Châu Âu hơn. Khối các nước Châu Âu sẽ bành trướng mạnh hơn về phía Ðông. Và mối giao thiệp giữa Mỹ với các nước Tây Âu sẽ cải thiện, vì họ thấy cần lẫn nhau. Nếu ông Putin muốn tỏ ra hòa hoãn trong những ngày sắp tới, có thể không phải vì ông ta lo Nga bị phong tỏa kinh tế, mà vì lo cứ đà này nước Nga sẽ càng ngày càng bị cô lập hơn. Mở lại những cuộc hòa đàm là một cách “ru ngủ” các đối thủ, để họ thấy tình trạng bớt căng thẳng. Nhưng chắc người dân các nước Châu Âu, các nước cựu cộng sản, và chính phủ của họ không dễ ru ngủ. Vì họ cũng biết, “Ðừng nghe những gì ông Putin nói, mà hãy nhìn kỹ những gì ông ta làm!”   Nguồn: nguoi-viet.com
......

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài?

Vừa qua vào ngày 14/03/2014, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mang số hiệu HR 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này dự kiến trừng phạt những quan chức Việt Nam « đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam ». Biện pháp trừng phạt gồm những hạn chế về du hành và tài chính. Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam @royce.house.gov RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở TPHCM về vấn đề này. RFI : Xin chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam do dân biểu Ed Royce đệ trình khác với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ như thế nào ? Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Chắc chắn là có một sự khác biệt rất lớn. Một dự luật đề cập đến vấn đề thể chế và những vi phạm nhân quyền của thể chế đó, mang tính chất lên án : đó là dự luật nhân quyền Việt Nam. Dự luật này được đưa ra từ đầu năm 2013 – theo tôi nhớ là như vậy, và được Hạ viện thông qua vào tháng 8/2013 với một tỉ lệ phiếu tuyệt đối áp đảo. Nếu tôi nhớ không lầm là lên tới 98%, bằng đúng tỉ lệ mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đồng thuận bấm nút thông qua bản Hiến pháp không có một điều gì được sửa đổi, bổ sung, trái ngược với lòng dân ở Việt Nam vào cuối năm 2013. Đó là tinh thần của dự luật nhân quyền Việt Nam mang mã số HR 1897. Nhưng còn dự luật HR 4254 là một dự luật nhắm vào các vấn đề khác. Đây là một dự luật đã từng có những bước đi đầu tiên ở đất nước Miến Điện vào năm 2011. Vào thời gian đó, những bản dự luật như HR 4254 đã có tác dụng khá lớn, vì lúc đó người Mỹ và phương Tây đã trừng phạt các quan chức công an, quân đội, cảnh sát Miến Điện với số lượng lên tới 5.000 người. Điều đó đã giúp cho Tổng thống Thein Sein chuyển từ chế độ quân phiệt độc tài sang một chế độ dân sự dân chủ, do đó thả tù chính trị. Điều này bây giờ hình như cũng đang tái hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2014 với sự khởi xướng của dân biểu Mỹ Ed Royce. Ông Ed Royce cũng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và đầu năm 2013 thì một số tinh thần của dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam đã được đưa ra tại Hạ nghị viện Mỹ. Nhưng đến đầu năm 2014 tình hình có vẻ kiên quyết hơn, với sự lên giọng của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cũng đã thấy trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2013 được đưa ra vào tháng 3/2014, một số đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, chẳng hạn bà quyền trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã nói khá căng thẳng. Thậm chí họ đã phải dùng từ « toàn trị », « độc trị » - đây là từ ngữ lần đầu tiên họ dùng đối với Việt Nam. Tiếp theo tinh thần đó tôi nghĩ không có gì ngạc nhiên khi dân biểu Ed Royce đệ trình dự luật HR 4254, nhắm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền. Sự trừng phạt sẽ đến với các cá nhân này thông qua hai hình thức. Một là ngăn cản và cấm hoàn toàn đối với việc đi lại của họ - có khi còn dùng từ « du hành ». Nói trắng ra, đơn giản là sẽ không cho các quan chức này nhập cảnh vào Mỹ nữa. Vấn đề thứ hai tôi cho là đắt giá hơn. Đó là tài sản của các quan chức nằm trong danh sách vi phạm nhân quyền sẽ bị phong tỏa tại bất kỳ nơi nào mà phương Tây và người Mỹ có quyền lực áp đặt ở đó, có thể nhúng tay vào đó. Có nghĩa là tất cả các quan chức trong tất cả những chế độ độc tài ở châu Á hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới đều rất lo sợ.   Vì một chế độ tham nhũng, độc đoán, độc tài đối với họ không đáng sợ bằng việc những cá nhân tham nhũng, chuyên quyền, vi phạm nhân quyền nhưng lại không có bất kỳ một lối thoát nào ra khỏi đất nước của họ. Một khi thể chế thay đổi như Mùa xuân Ả Rập, ở Tunisie, ở Ai Cập, lúc đó tình hình sẽ như thế nào ? Chúng ta đã thấy số phận Kadhafi, với khối lượng tài sản tôi nghe nói lên tới 10 tỉ đô la chứ không phải là ít, nhưng không ra thoát được một đồng nào cả. Và số phận của Kadhafi cuối cùng là nằm dưới cống, như một xác chuột. Đó là một điều khủng khiếp, và tôi nghĩ là HR 4254 – dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam đang nhắm tới điều khủng khiếp trong tương lai ấy. Và đây là sự khác biệt rất lớn giữa dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được thông qua trước đây. Theo những thông tin ngoài hành lang tôi được biết cho tới giờ này, khả năng Hạ viện Mỹ sẽ thông qua dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam là rất cao ! RFI : Anh vừa nhắc tới Miến Điện, như vậy anh tin là dự luật này nếu được thông qua sẽ có hiệu quả răn đe thực sự ? Đây là hiệu quả răn đe thực sự đối với cá nhân. Vì như tôi đã nói, về mặt tâm lý của các quan chức trong chế độ độc tài và tham nhũng, thì việc mất thể chế đối với họ không quan trọng bằng việc mất tài sản cá nhân và ảnh hưởng tới sinh mạng của họ. Đó là tâm lý ích kỷ vốn có của các quan chức vốn ở trong một chế độ độc trị. Cho nên họ nhìn vào bài học Miến Điện – và rất may là đã có bài học này rồi, nếu không có lẽ họ còn kéo dài nữa, và cái chết đối với họ gần như là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ có bài học nhãn tiền của Miến Điện, tôi nghĩ sẽ có một số quan chức ngộ ra.   Họ nhận ra, thấy được con đường là dù sao cũng nên thỏa hiệp phần nào đó với nhân dân và làm cho bầu không khí có vẻ như là dân chủ hơn, đỡ căng thẳng hơn. Do đó có thể họ sẽ nhận thức được một điều cực kỳ quan trọng, là nếu chia sẻ quyền lực với nhân dân thì dù sao đó là lối thoát khả dĩ nhất của họ. Có thể họ sẽ không phải lưu vong nữa, nếu chế độ thay đổi. Có thể họ vẫn giữ được tài sản, thậm chí họ chỉ cần chia sẻ một ít quyền lực với nhân dân như chế độ Thein Sein hiện nay mà thôi. Và như chúng ta thấy ở tình hình Miến Điện, chế độ Thein Sein đang tồn tại một cách khá vững chắc, cho tới năm 2015 là năm tổng tuyển cử, bầu lại tổng thống. Thậm chí hiện nay uy tín của ông Thein Sein và của ông Than Shwe nữa - mặc dù trước đây cả hai người này đều ít nhiều dính dáng tới vụ đàn áp cuộc cách mạng áo cà sa ở Miến Điện - đã được phục hồi phần nào đó trong mắt dân chúng, và thuyết phục phần nào tại những nghị trường châu Âu, nơi mà họ đặt chân đến. RFI : Nhưng những đối tượng đó có lẽ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, như cho con cái đi du học, chuyển tài sản ra các nước khác ? Chúng ta đã thấy bài học cách đây hai mươi năm của ông Marcos, Tổng thống Philippines. Tài sản của gia đình Marcos lúc đó lên tới 20 tỉ đô la, nếu tôi nhớ không lầm, và bà vợ của Marcos riêng về giày dép thôi đã có tới 3.000 đôi giày rất « xịn », trong hoàn cảnh đất nước Philippines lúc đó nợ nước ngoài lên tới 122 tỉ đô la ! Tức là còn hơn cả GDP một năm của đất nước. Một chế độ gia đình trị, độc tài và tham nhũng kinh khủng. Khi ông Marcos bị lật đổ, những người lên nắm quyền đã phải làm động tác truy tố, và tìm mọi cách xem những tài sản của ông ta, những nguồn tiền còn cất giấu nằm ở những ngóc ngách nào trên thế giới. Thực ra thế giới này không phải là quá rộng, đủ để cất giấu tiền. Nghe nói người Philippines đã thu giữ lại được một phần tiền của những kẻ tham nhũng như Tổng thống Marcos. Đối với trường hợp Miến Điện hay với Việt Nam, tôi nghĩ nếu có một sự thay đổi về mặt chính trị, thì chắc chắn sẽ có một làn sóng xem xét lại. Việc này ở đây khác với châu Âu, khác với các nước ở Đông Âu, hay trường hợp Ukraina vừa rồi. Người châu Á có thể kiên định hơn, dứt khoát hơn, thậm chí là sắt máu hơn trong việc xét lại các vấn đề, như chủ nghĩa xét lại mà người Việt Nam đã quá thấm nhuần từ người Trung Quốc. Điều đó có thể dẫn tới một làn sóng hồi tố, thậm chí một cách cực đoan từ phía một bộ phận dân chúng, đối với các quan chức tham nhũng. Chúng ta thấy những hình ảnh ở Ukraina, những người cảnh sát trong lực lượng chống bạo động quỳ xuống xin lỗi nhân dân, và người dân tiếp tục chửi rủa. Nhưng ở Việt Nam hay một số nước gần Việt Nam như Campuchia thì tôi không nghĩ là tình hình sẽ êm ả và xuôi chèo mát mái như vậy. Mà mọi chuyện có thể sẽ diễn ra theo hình thức đấu tố, và sau đấu tố sẽ là xét xử, sau xét xử có thể có máu đổ. Đó là những kịch bản luôn luôn tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Và nếu không cẩn thận thì những quan chức tham nhũng, vi phạm nhân quyền của Việt Nam sẽ phải lãnh chịu bài học đó trong một tương lai không còn xa nữa. RFI : Dư luận trong nước hiện nay về dự luật HR 4254 ra sao ? Đối với dư luận trong nước, tôi cho rằng không đặc biệt sôi nổi về dự luật này. Vì đây chỉ mới là một dự luật, chưa phải là luật. Thứ hai, người Việt Nam chưa quen với những dự luật loại này. Ngay cả các quan chức vi phạm nhân quyền, ngay cả những người đã ký kết tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Công ước chống tra tấn, họ vẫn chưa quen đối với những dự luật chế tài như thế này, và càng chưa quen được với tính hiệu dụng của nó. Họ chưa nắm rõ, thậm chí chưa hề biết được những gì đã diễn ra ở Miến Điện. Nhưng đối với khối dân chủ, nhân quyền và một số người dân, trí thức quan tâm tới vấn đề chính trị, thì họ đặc biệt chú ý tới vấn đề này. Họ hy vọng. Thậm chí là đang diễn ra một cuộc bỏ phiếu trên mạng ủng hộ dự luật 4254 của dân biểu Ed Royce. Với tâm lý của người Việt Nam, họ cho rằng có lẽ cũng phải làm chuyện đó thôi. Tại vì đòn roi phải song hành với củ cà rốt, không thể chỉ có ngọt ngào, mà phải luôn luôn có roi vọt. Và phải làm cho những ai đó quen thống trị biết sợ, lúc đó họ mới bớt đi thói cai trị độc đoán, vi phạm nhân quyền của họ. Có quá nhiều chuyện đang diễn ra ở Việt Nam, không chỉ vi phạm nhân quyền đối với giới bất đồng chính kiến, dân chủ nhân quyền, mà còn đặc biệt liên quan tới đời sống của người dân và các đối tượng dân chúng. Chúng ta có thể thấy dân oan đất đai là một trong những biểu hiện của những người bị hành hạ, trấn áp nhiều nhất, bị vi phạm nhân quyền nhiều nhất. Ngay mới trong ngày hôm nay thôi, đọc tin trên báo trong nước thấy người dân ở tỉnh Ninh Thuận – một địa phương nghèo rớt mùng tơi, nghèo nhất quốc gia, nơi mà người ta nói là chó ăn đá gà ăn muối - chỉ phản đối dự án titan tàn phá môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến dân sinh, mà sáu người bị khởi tố, trong đó ít nhất hai người bị bắt giam. Điều đó cho thấy công an vẫn hành xử theo một thứ luật rừng. Họ chà đạp lên pháp luật, họ coi thường pháp luật. Một khi diễn ra làn sóng hồi tố từ phía người dân, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người dân, đặc biệt là người dân phía Bắc có thói quen ghi nhận lại những hình ảnh, danh sách, tên tuổi, thậm chí địa chỉ của những người đã hành hạ họ. Và khi điều kiện thời thế thay đổi, lúc đó họ sẽ thẳng tay trả thù. Đó là đặc tính về mặt tâm lý của người dân Việt Nam nhất là phía Bắc, nơi có nhiều cái nôi được gọi là truyền thống cách mạng. Tôi không dám bảo đảm nếu xảy ra những cuộc bạo động, bạo loạn ở Hà Nội hoặc ở các tỉnh phía Bắc thì những gì sẽ diễn ra. Chúng ta thấy gần đây đã có một số việc nhà bí thư xã, nhà trưởng công an xã bị ném mìn, gài bom, ném bom xăng vân vân. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu mà thôi. Còn khi nào động loạn thực sự, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy đến. RFI : Theo anh nếu dự luật này trở thành luật, thì sẽ nhắm đến những vi phạm của chính quyền đối với giới bất đồng chính kiến, hay còn với những đối tượng khác nữa ? Như tôi vừa đề cập, là sẽ nhắm tới cả những đối tượng khác nữa, mà đây mới chiếm số đông. Trong cuộc kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) hồi tháng Hai tại Thụy Sĩ, các nước đã đặt ra khá nhiều vấn đề, khá nhiều câu hỏi – trên 200 câu hỏi đối với Việt Nam. Trong số 227 câu hỏi đó, có đến phân nửa liên quan tới vấn đề dân kế, dân sinh, dân quyền. Chẳng hạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, vấn đề ma túy, dân oan đất đai, môi trường…Ngoài ra còn lại là những vấn đề về tôn giáo, nhân quyền, tự do dân chủ. Nhưng dự luật chế tài nhân quyền đề cập không chỉ đối với các hoạt động bất đồng chính kiến ở Việt Nam, mà còn với các đối tượng khác. Gần đây có hiện tượng như thế này. Do sức ép của phương Tây và dư luận tiến bộ quốc tế, Nhà nước Việt Nam và các địa phương đang bớt dần hoạt động bắt bớ đối với giới bất đồng chính kiến. Thay vào đó, họ chuyển sang áp dụng một số điều luật hình sự liên quan tới các tội danh như cản trở giao thông như trường hợp chị Bùi Thị Minh Hằng, hay là gây rối trật tự đối với những người dân oan đất đai. Họ không áp dụng điều 258 hay điều 79, điều 88, 87 nữa, mà dùng những điều luật nhẹ hơn nhưng vẫn đủ để đưa những người đó vào tù. Những người dân bình thường mới là những đối tượng chính mà theo tôi, dự luật nhân quyền Việt Nam, và dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam nên chú ý vào. Vì đó là những người chịu khổ nạn nhiều nhất ở Việt Nam, có thể nói đó là giai tầng dưới đáy. Như đài RFI vừa rồi đã có thông tin trong tạp chí về đất đai rất hay, trong đó có một bà dân oan đất đai tên là Kim Lương đã nói rất thuyết phục, rất cảm động về hoàn cảnh của họ. Bây giờ họ không còn gì cả. Khi những người cộng sản vào Saigon, chỉ có cái ba lô và đôi dép râu mà thôi, trong khi người dân lúc đó có tất cả. Nhưng sau gần bốn chục năm, từ năm 1975 cho tới nay, những người dân như bà Kim Lương không còn gì hết. Trong khi đó những người được coi là cộng sản thì lại có tất cả - nhà lầu xe hơi, kể cả những tài khoản ở ngoại quốc. Những tài khoản mà nếu đưa vào áp dụng dự luật HR 4254 chắc chắn sẽ phải chú ý vào. Đó là những tài khoản có thể nằm ở Thụy Sĩ, Canada, Úc, Anh, Pháp và Mỹ ; những tài sản kinh khủng mà các quan chức Việt Nam có thể đã tuồn tán ra nước ngoài. Tôi cũng muốn nói thêm là so với tình hình ở Trung Quốc, các số liệu ở Việt Nam kém minh bạch hơn, thậm chí không có. Dù sao ở Trung Quốc, trong một chế độ khép kín như vậy, vào năm 2011 người ta vẫn có thông tin là trong 15 năm, từ năm 1997 đến 2011, đã có từ 17 đến 18.000 quan chức Trung Quốc tẩu tán khoảng 20 tỉ đô la ra nước ngoài. Đó là tài sản tham nhũng. Người dân và giới quan sát độc lập ở Trung Quốc thì cho rằng con số thực tế có thể gấp đén bốn, năm lần, tức là lên đến hàng trăm tỉ đô la. Nhưng lạ một điều là ở Việt Nam hoàn toàn chưa hề có một số liệu nào về chuyện này, mặc dù vấn đề đã được bàn tán rất nhiều trong dư luận. Tất cả các giới đều biết, trong giới quan chức thì càng biết rõ, thậm chí họ nói về những người X, Y, Z nào đó đã tuồn tài sản ra nước ngoài và có bao nhiêu tài khoản ở ngân hàng ngoại quốc, con cái đi du học… Chỉ có điều phía Việt Nam chưa bao giờ có một thống kê. Tất nhiên phía Nhà nước thì không có thống kê rồi, còn phía giới quan sát độc lập cũng chưa hê có nổi một con số nào về chuyện này. Cho nên tôi nghĩ nếu trong trường hợp Việt Nam rơi vào tình trạng như Philippines hai mươi năm trước đây, thì sẽ khá cực cho một chính quyền mới khi họ sẽ phải tìm cách thu hồi lại những tài sản tham nhũng, chảy máu ngoại tệ quốc gia. RFI : Theo anh, dự luật này có sẽ sớm trở thành luật, và áp dụng được trong năm nay hay không ? Nếu vào năm 2013 thì tôi không dám chắc là HR 4254 có thể hiệu dụng và mang tính khả thi. Nhưng vào đầu năm 2014, có vẻ như tình hình đang chuyển biến, bắt đầu chính từ Bộ Ngoại giao Mỹ, và từ sự thay đổi thái độ khá nhiều của Tổng thống Barack Obama. Chúng ta vừa thấy một chuyện trước đây chưa từng có là việc phương Tây và người Mỹ đã cấm các công dân ở bán đảo Crimée mang hộ chiếu Nga nhập cảnh vào châu Âu. Chuyện thứ hai nữa là ngay chính người Mỹ cũng chấp nhận luôn cả khả năng có thể diễn ra một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai trên thế giới với người Nga, mà không quá quan ngại. Điều đó cho thấy người Mỹ đang xem lại thái độ, quan điểm và điều được coi là bản lĩnh, uy tín của họ trên trường quốc tế. Trong vài năm vừa qua, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyên quyền, và việc xảy ra ở bán đảo Crimée gần như là một sự cưỡng đoạt lãnh thổ, uy tín của ông Vladimir Putin lại tăng lên đột ngột chưa từng thấy, gần 80% - theo con số của những hãng điều tra độc lập ở Nga. Trong khi đó uy tín của Tổng thống Mỹ lại giảm đi đáng kể, sa sút một cách đáng quan ngại, trong khi kỳ bầu cử đang tới gần và đảng Dân chủ chắc chắn phải lo chuyện này. Người ta cho là thế này. Mặc dù rất quan tâm và đã thành công khá nhiều về đối nội, đặc biệt là an sinh, phúc lợi y tế, lao động ; nhưng ông Barack Obama dường như không thành công lắm trong vấn đề đối ngoại. Dù gần đây có đưa ra được chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chưa thể hiện được nhiều. Và thực ra nhiều nước trên thế giới đang vi phạm nhân quyền trầm trọng, trong đó có Việt Nam là một quốc gia bị đánh giá là thụt lùi sâu sắc về mặt nhân quyền, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, cho dù vào tháng 7/2013 giữa hai quốc gia Việt – Mỹ đã có gặp thượng đỉnh tại Washington. Chỉ đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, trước sức ép, sự vận động liên tục của khối các nghị sĩ Cộng hòa và kể cả một số nghị sĩ Dân chủ về vấn đề nhân quyền, đặc biệt nhấn mạnh những vi phạm ở Việt Nam, lúc đó hình như ông John Kerry mới bắt đầu thay đổi một chút sắc thái. Và chúng ta thấy trong bản phúc trình nhân quyền về Việt Nam năm 2013, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã sắt đá hơn, cứng rắn hơn. Họ dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn. Có hy vọng cho thấy HR 4254 là một dự luật không đến nỗi vô vọng. Và cứ theo đà này, tiếp tục với sự vận động của ông Ed Royce và những đồng nghiệp, đồng sự của ông - mà tôi nghe nói những nghị sĩ này có một nhóm lên tới 18 người, thì cho dù 2014 không thông qua được dự luật HR 4254 ở Quốc hội, nhưng về phía Hạ viện chắc chắn sẽ thông qua. Thậm chí thông qua với một tỉ lệ áp đảo không kém gì đối với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 8/2013.   Đó là cơ sở, nền tảng để cho những người như ông Ed Royce đặt vấn đề, nếu như Việt Nam không cải thiện về nhân quyền, thì chắc chắn là trong tương lai dự luật này sẽ được áp dụng. Thượng viện Mỹ sẽ được thuyết phục để thông qua, và một khi đã thông qua lưỡng viện rồi, thì Tổng thống chỉ còn việc ký mà thôi. Và 90 ngày sau khi Tổng thống ký dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, thì toàn bộ danh sách các quan chức, công an, cảnh sát ở Việt Nam vi phạm nhân quyền, sẽ được công bố lên mạng của Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Mỹ. Vừa rồi 21 quan chức Nga đã bị người Mỹ trừng phạt. Với một cường quốc như Nga mà còn như vậy, thì Việt Nam có là cái gì đâu ? Tôi nghĩ là vấn đề Việt Nam đối với người Mỹ và phương Tây nói chung đơn giản hơn rất nhiều. Nếu như ở Miến Điện, khoảng 5.000 quan chức đã bị lên danh sách trừng phạt, thì con số đó ở Việt Nam có thể tương đương hoặc hơn. Thậm chí nếu để cho xã hội dân sự Việt Nam lên danh sách về những quan chức vi phạm nhân quyền, thì danh sách này còn dài hơn nữa.   Và tôi cũng nghe một thông tin là, không nhất thiết phải đến khi dự luật HR 4254 được thông qua tại Thượng viện hoặc Hạ viện Mỹ thì lúc đó mới lên danh sách. Mà ngay từ bây giờ một số tổ chức dân sự trong nước và ngoài nước cùng phối hợp với những tổ chức phi chính phủ và nhân quyền quốc tế đã bắt đầu lập hồ sơ những quan chức, công an Việt Nam vi phạm nhân quyền. Họ đang làm điều đó, và sẽ đưa ra Quốc hội Mỹ trong thời gian không xa nữa. RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.   Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn 27/03/2014 Nghe (08:17)http://www.viet.rfi.fr/aef_player_popup/rfi_player# Nguồn: rfi.fr/viet-nam
......

Người dân Ninh Thuận biểu tình phản đối công an bắt người vô cớ

Dân Luận: Theo tin chúng tôi nhận được vào lúc khoảng 12h trưa ngày hôm nay 27/3/2014. Người dân Sơn Hải (Ninh Thuận) đã biểu tình phản đối công an bắt bớ người vô cớ. Được biết ngày hôm qua, 26/3/2014 cơ quan công an tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu vực tận thu quặng titan của Công ty TNHH MTV Quang Thuận (gọi tắt Công ty Quang Thuận) ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, H.Phước Nam. Theo người dân Sơn Hải kể thì công ty Quang Thuận này là của một chủ người Trung Quốc liên kết với một số quan chức Ninh Thuận, khai thác quặng titan ở Sơn Hải, làm sụt mất mạch nước ngầm, ô nhiễm và ảnh hưởng trầm trọng cuộc sống của dân địa phương. Họ phản đối mấy năm nay nhưng công ty này vẫn lén lút khai thác ban đêm. Kiện lên xã vẫn không được giải quyết, vụ việc kéo dài môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc đập phá, đốt nhà bà chủ người Trung Quốc. Những người dẫn đầu bị bắt và bị khởi tố với tội danh chống người thi hành công vụ (tất cả đều là cựu chiến binh), bà con họ hàng họ kéo lên ủy ban tỉnh đòi thả người. Bà con dân Sơn Hải đã tập trung trước ủy ban vào ngày hôm qua để phản đối vụ việc này. Được biết hôm qua, Có 2 người già vào ủy ban đưa đơn kiện thì bị bắt giam không rõ lý do đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Hiện nay lực lượng công an được huy động trấn áp bà con dân oan rất đông, mọi đoạn đường phía trước ủy ban tỉnh đều bị chốt chặn. Bấm vào đây để xem clip bà con biểu tình phản đối công an Ninh Thuận bắt người https://www.youtube.com/watch?v=FqhYS8rDS60 Đoạn clip tâm sự của 1 người dân ở thôn Sơn Hải. Vui lòng bấm vào đây nếu không xem được clip trên Dân Luận https://www.youtube.com/watch?v=3ny-h3eKHGI Dân Luận sẽ cập nhật thêm tin tức mới trong thời gian sớm nhất Nguồn: danluan.org  
......

Hội CTNLT: Tuyên bố phản đối việc bắt giam người dân Thuận Nam, Ninh Thuận

Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành vi bắt người vừa xảy ra ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận – một hành động trái ngược với quyền làm người của nhân dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982. Tuyên bố phản đối việc bắt giam người dân Thuận Nam, Ninh Thuận   Theo báo chí nhà nước và một số nguồn tin khả tín, chiều 26/3/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can bao gồm ông Dương Văn Phước (52t), Đỗ Văn Đức(62t), Nguyễn Văn Song (66t), Dương Thủ Đức (26t), Dương Thủ Hiền (24t) vàDương Thủ Dũng (23t), cùng ngụ xã Phước Dinh, về tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Phước và Đức bị tam giam 3 tháng, 4 bị cáo kia thì bị cấm ra khỏi nơi cư trú, tại ngoại điều tra.   Phía công an cáo buộc: lúc 6g sáng 20-3, ông Dương Văn Phước dùng xe máy chở ông Đỗ Văn Đức cầm loa tay chạy khắp hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vận động hơn 300 người dân lên công trường khai thác titan-zircon của Công ty TNHH MTV Quang Thuận - Ninh Thuận để ngăn cản hoạt động khai thác và đập phá tài sản, nhà xưởng, thiết bị đãi quặng. Khi lực lượng công an huyện Thuận Nam, công an xã Phước Dinh vào vận động, ngăn cản hành động đập phá thì 6 bị can đã chống trả lại lực lượng thi hành công vụ. Nhưng theo thông tin trung thực từ báo giới, sau khi UBND xã Phước Dinh họp dân thông báo Công ty Quang Thuận tái khai thác titan-zircon vào ngày 19-3 thì liên tiếp các ngày sau đó, hơn 700 người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 đã kéo đến trụ sở xã để phản đối vì việc khai thác gây ảnh hưởng môi trường, làm sụt giảm mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân. Theo quan điểm của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, tương tự việc khai thác quặng Bauxite từ nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên, dân kế và dân sinh của người dân, một số nơi vùng duyên hải như Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác titan gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường sinh hoạt của nhân dân. Đáng bức xúc và phẫn nộ hơn là hoạt động khai thác titan đã kéo dài từ nhiều năm qua, người dân khiếu nại nại rất nhiều lần đến các cấp thẩm quyền, nhưng đã không được hồi âm hoặc trả lời chưa thỏa đáng. Bức xúc tích tụ luôn dẫn đến những phản ứng tự phát và bùng nổ. Người dân có quyền khiếu nại và có quyền phản ứng chính đáng, ôn hòa về tất cả những gì mà phía chính quyền và doanh nghiệp đi ngược lại quyền lợi của mình. Hành vi Công an Thuận Nam, Bình Thuận khởi tố và bắt giam người dân khiếu nại ở địa phương này nằm trong một chuỗi tiếp nối những hành vi xem thường pháp luật và chà đạp lên quyền con người, càng kích phát chất men sôi sục phẫn uất trong tâm can dân chúng khi ngày càng xảy ra nhiều cái chết rất đáng nghi ngờ của người dân trong đồn công an. Một số trong những cái chết đó đã được xác định là do nạn bạo hành của công an gây ra. Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành vi bắt người vừa xảy ra ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận – một hành động trái ngược với quyền làm người của nhân dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982. Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam lên tiếng kêu gọi đồng bào vùng Thuận Nam – những người chịu thiệt hại trực tiếp và đồng bào ở những vùng khác có thể chia sẻ cảnh ngộ của người chịu thiệt thòi, cùng các tổ chức quốc tế về nhân quyền, tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo vệ môi trường hãy đoàn kết và đấu tranh làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn hành động bắt giam vô lý và ẩn chứa dấu hiệu bảo vệ nhóm lợi ích doanh nghiệp tàn phá môi trường của cơ quan công an tỉnh Ninh Thuận. Lệnh khởi tố phải bị hủy bỏ và những người bị bắt giam phải được trả tự do ngay lập tức! Ngày 27 tháng 3 năm 2014 Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam
......

Dù là đàn ông hay đàn bà

Tôi vừa đọc bài « Nhục » của Dạ Thảo Phương. Cảm ơn Thảo Phương. Tôi thực sự rất vui mừng khi đọc bài này. Bạn không đồng ý với tôi là đúng. Chúng ta, những người phụ nữ, trong tư cách là con người, và trong tư cách công dân, không thể đẩy hết trách nhiệm lên vai những người đàn ông, cũng như không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.   Vậy tôi có mâu thuẫn với chính mình không ? Tôi nghĩ là không. Tôi viết bài « Bao giờ anh thôi sống hèn ? » trong bối cảnh ngày 8/3, ngày quốc tế phụ nữ. Chừng nào thế giới dẹp bỏ hẳn ngày này, chừng đó mới có bình đẳng giới thực sự. Chúng ta hướng tới sự bình đẳng giới, nhiều người đấu tranh cho điều này. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là :  bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, thậm chí ngay cả ở những nước văn minh nhất (ở Pháp chẳng hạn, vẫn có tình trạng lương của phụ nữ thấp hơn lương đàn ông, dù bằng cấp, chức vụ và năng lực thực tế có ngang nhau chăng nữa). Ở một nước như Việt Nam chúng ta, bất bình đẳng giới, trên nhiều phương diện, vẫn còn rất nặng nề. Chúng ta về nông thôn sẽ thấy một cách rõ rệt. Vẫn còn những nơi, vào dịp lễ tết, các mẹ, các chị, sau khi nấu nướng phục vụ xong, lặng lẽ ăn cơm dưới bếp. Cách đây vài chục năm, gia phả dòng họ tôi không ghi tên con gái. Tôi rất nhớ cái hôm xa xưa đó, lên thắp hương nhà thờ họ, tìm mãi không thấy tên mình trong gia phả, tôi đã hỏi tộc trưởng, cái câu hỏi rất trẻ con của tôi : « Sao không có tên con trong gia phả ? »   May mắn thay, sau đó đàn ông của dòng họ tôi đã thay đổi cách ghi gia phả, và đưa tên của  tất cả những người con gái vào cuốn sổ của dòng họ. Chúng ta không thể chối bỏ thực tế là đàn ông vẫn đang là lực lượng chủ chốt quyết định gần như mọi hoạt động của xã hội này. Chúng ta cứ nhìn danh sách của những người lãnh đạo hàng đầu đất nước, những chức vụ quan trọng nhất : Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, sẽ thấy. Đã bao giờ có người phụ nữ Việt Nam nào đứng ở cương vị đó chưa ? Chúng ta chưa có ai ở vị trí của bà Angela Merken (thủ tướng Đức), của Margaret Thatcher (thủ tướng Anh), của Yingluck Shinawatra (thủ tướng Thái Lan) ? Có phải là vì phụ nữ Việt Nam bất tài hơn đàn ông ? Hay vì cơ chế và tâm lý xã hội không cho phép phụ nữ đứng ở những vị trí đó ? Dĩ nhiên để trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải có những nghiên cứu xác thực, là điều mà tôi không thể làm được trong những bài viết dạng này, những bài viết ngắn gọn chỉ nhằm đưa ra một vài ý tưởng chủ đạo. Phụ nữ Việt Nam, trong đa số trường hợp, còn là nạn nhân của bạo lực đàn ông. Theo một nghiên cứu, gần 60% phụ nữ Việt Nam từng bị chồng bạo hành. (Xem ở đây : http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gia-dinh/gan-60-phu-nu-viet-nam-tun... ) Vậy, theo tôi, trong bối cảnh quyền lực về cơ bản còn nằm trong tay đàn ông như hiện nay, trong bối cảnh quyền quyết định đối với các vấn đề xã hội và gia đình vẫn còn chủ yếu nằm trong tay đàn ông, người đàn ông phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn nạn xã hội ở Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là phụ nữ được miễn trừ trách nhiệm. Dù nhìn vấn đề ở góc nào, tôi cũng đồng ý với Dạ Thảo Phương ở điểm này : với tất cả khác biệt về giới tính, phụ nữ cũng là công dân trong xã hội và vì thế phải đảm nhận các trách nhiệm công dân của mình, đồng thời cũng phải được hưởng các quyền lợi công dân của mình, như mọi công dân khác. Và vì không thể đổ trách nhiệm cho một mình đàn ông, nên cũng không thể đổ trách nhiệm cho một mình giới lãnh đạo được. Nếu nhà nước có thể lãnh đạo theo cách hiện nay, thì bởi vì hầu như tất cả mọi người chấp nhận cách lãnh đạo đó, không bộc lộ ý kiến, không bộc lộ thái độ, mà trái lại, nhiều trường hợp còn khai thác sự yếu kém (tự nhiên và cố tình) của bộ máy lãnh đạo để thủ lợi cho bản thân   Tóm lại, để công bằng thì phải nói : nếu để mất nước, nếu để xã hội hỗn loạn, mất nhân tính, mất tình người, thì không chỉ Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm, và tất cả các công dân trên đất nước này đều phải chịu trách nhiệm, dù là nam giới hay nữ giới.   Sài Gòn, 26/3/2014 Nguyễn Thị Từ Huy Nguồn: bolapquechoa.blogspot.de
......

Nhục

Mỗi lần nhìn bức ảnh này, có lẽ phần lớn chúng ta đều chảy nước mắt (nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được). Ngay cả khi ta không nhìn nó nữa, nó vẫn tiếp tục ở trong đầu ta và làm ta đau. Những con người, (và là phụ nữ!) phải kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21! Tại sao?   Tiến sĩ Từ Huy viết: "sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn". Với tất cả lòng trân trọng dành cho ý thức xã hội và thái độ dấn thân mà tiến sĩ Từ Huy thể hiện từ trước đến nay, tôi không đồng ý với ý kiến này của chị. Trong trường hợp này, việc đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai của một giới đã làm sai lệch đi bản chất của hiện tượng. Dù là đàn ông hay phụ nữ, tất cả chúng ta đều sống trong xã hội này, góp phần tạo nên nó, tác động vào nó và chịu tác động từ nó. Không thể nói chỉ riêng đàn ông phải chịu trách nhiệm vì "sự suy thoái toàn diện" của xã hội ấy.   Đây không phải vấn đề bình đẳng giới. Nỗi nhục không phụ thuộc giới tính Vậy ai nên thấy nhục? Trước hết, là những người lãnh đạo đất nước này ở mọi cấp, mà đứng đầu là ngài thủ tướng chính phủ và các vị bộ trưởng (cả nam và nữ). Các vị ăn đồng lương từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, nhận quyền lực cao nhất để điều hành đất nước, trách nhiệm hàng đầu và lớn nhất thuộc về các vị. Để cảnh này xảy ra, các vị nên tự thấy nhục mới là phải lẽ. Thôi đừng đổ lỗi cho chiến tranh nữa. Chiến tranh qua lâu rồi. Chiêu bài quá khứ chiến tranh là cái mũ bảo hiểm đã quá cũ kỹ. Không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Nhưng dù vậy, cũng không thể phủ nhận được rằng: Nếu các vị có trình độ quản lý tốt hơn thì đất nước này chắc chắn đã đến gần "công bằng, dân chủ, văn minh" hơn chứ không đến nỗi giữa thế kỷ 21 dân còn phải kéo cày thay trâu (là cái cảnh thời đạn bom thế kỷ trước cũng không thấy có).   Một đất nước các vị vẫn tự nhận là "rừng vàng biển bạc", "nhân dân cần cù, thông minh,  có lòng yêu nước nồng nàn" mà từ giáo dục, y tế đến giao thông, môi trường, kinh tế, an toàn thực phẩm… lĩnh vực nào cũng luật thì đầy rẫy phi lý, thực tế thì yếu kém, hỗn loạn, cả nước nhìn đâu cũng thấy nạn nhân… Các vị liệu có dám nhận hiệu quả công việc điều hành đất nước của mình đã đạt đến mức trung bình? Cũng đừng đổ lỗi cho "các thế lực thù địch" nữa. Những người đồng cấp của các vị ở khắp nơi trên thế giới cũng đều phải đối mặt với "các thế lực thù địch" cả. Còn nếu các vị thấy "thế lực thù địch" của mình nhiều hơn bình thường và ở khắp nơi, (nhất là?) ngay cả trong dân, thì có nên hỏi mình làm ăn thế nào mà gây ra nhiều thù oán thế?   Và nếu công khai minh bạch tài sản, các vị có chứng minh được mọi tài sản các vị đang có ở trong nước và nước ngoài đều có từ đồng lương và thừa kế của các vị? Thứ đến, những người có học (cả nam và nữ) cũng nên thấy nhục. Càng học cao, càng thành đạt thì càng nên thấy nhục nhiều hơn. Cũng đừng tự mãn cho rằng mọi thành quả các vị đang có được là chỉ do nỗ lực của bản thân. Trong một xã hội dân trí thấp, mọi giá trị đều nhá nhem và nhom nhem, bất công nhan nhản, thì rất hiếm trường hợp kiếm được danh tiếng và lợi lộc mà không trực tiếp hoặc gián tiếp dựa trên chính hoàn cảnh dân trí thấp và đầy bất công ấy. Tất cả chúng ta, bất kể giới tính, có bạn, và chắc chắn là có tôi, đều nên thấy nhục. Chẳng phải mỗi hành động thiếu văn minh của chúng ta đều góp thêm sức ì, góp thêm tổn thương và bất công cho xã hội hay sao? Nếu mỗi chúng ta có bản lĩnh phát triển được bản thân mình ở mức tốt nhất, hẳn đã có thể có ích nhiều hơn.   Và không được phép đổ cho giới tính Ý kiến của tiến sĩ Từ Huy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cả phụ nữ và nam giới, trong đó không ít nam giới không những không tự ái mà còn tự nguyện nói nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình (với tư cách đàn ông chứ không phải với tư cách công dân). Thoạt nghe, đó có vẻ là sự tự truy vấn đầy trách nhiệm và có lợi cho xã hội. Nhưng thực chất, đó là một biểu hiện đáng lo ngại của việc thiếu ý thức thực sự về bình đẳng. Chúng ta có thực ý gì khi đồng ý rằng CHỈ đàn ông mới phải chịu trách nhiệm về "sự suy thoái toàn diện của xã hội", "sự mất độc lập quốc gia"? Phải chăng, đó là những vấn đề thuộc trách nhiệm của riêng đàn ông, còn việc của phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái, nấu nướng, làm đẹp và đợi chờ sự bảo bọc của đàn ông? Cho rằng trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, của đất nước CHỈ thuộc về một nhóm người nào đó (Đảng, nhà nước, hay ở đây là đàn ông) là một thái độ không nên có nếu mong muốn xã hội tiến lên công bằng, dân chủ, văn minh.  Những con người kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21! Những người phụ nữ kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21! Và, khủng khiếp thay, họ chưa phải là những người bần cùng nhất của xã hội chúng ta. Tổng hợp ngẫu nhiên một số trong rất nhiều trường hợp báo chí đã đưa tin: Ngày 4.10.2011, anh P.C.T (23 tuổi, Nam Định) treo cổ tự tử bằng dây cáp internet do không có tiền chữa bệnh. http://www.baomoi.com/Treo-co-tu-tu-vi-benh-nan-y/141/7109478.epi Ngày 26.4. 2012, chị L.T.N.N (Cà Mau) uống thuốc độc tử tử, bỏ lại 6 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi vì "thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn cứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng". http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tu-tu-de-thoat-ngheo-20130504105159... Ngày 24.4.2013, chị N. (48 tuổi, Cà Mau) treo cổ tự tử để vì nhà "hết tiền, hết gạo", "cuộc sống khổ mãi, không lối thoát", chị lấy cái chết của mình để xin xã cấp cho gia đình chị sổ nghèo, con có thể vay tiền đi học. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/545565/dau-don-thu-tuyet-menh-cua-ngu... Ngày 6.12.2013, em L.H.O (19 tuổi, Bắc Kạn) định nhảy cầu tự tử vì không tìm được việc làm. http://www.tin247.com/9x_treo_cau_vuot_tu_tu_vi_khong_tim_duoc_viec_lam-... Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, bạn có thể đồng ý, có thể không, đó là việc của bạn. Nhục hay không là do ý thức của mỗi người, chẳng ai bắt ai được cả. Tôi thì có nhục.   Nguồn: bolapquechoa.blogspot.de
......

Kinh tế Nga đang xuống dốc

Lúc đầu chỉ có năm “cường quốc kinh tế” G-5 họp với nhau: Anh, Pháp, Tây Ðức, Hoa Kỳ và Nhật. Các nước Âu châu muốn mời Ý tham dự, Hoa Kỳ đòi phải thêm Canada, nước bạn Bắc Mỹ, cho nên thành Nhóm Bảy Nước G-7. Công chuyện họ thường bàn nhau là làm sao điều hợp chính sách tiền tệ và ngoại thương để không làm thiệt hại lẫn nhau. Năm 1998, họ mời thêm nước Nga, không phải vì kinh tế Nga lớn, mà vì Nga có bom nguyên tử, lại đang cần được khích lệ trên đường tư bản hóa. Từ đó Nhóm Tám Nước G-8 bàn thêm chuyện an ninh thế giới. Năm nay, bảy nước G-7 họp khẩn cấp do tổng thống Mỹ yêu cầu, và họ đồng thanh tuyên bố sẽ không tham dự kỳ họp G-8 sắp tới ở Sochi, nước Nga, nơi mới diễn ra Thế Vận Hội Mùa Ðông. Thay vào đó, họ sẽ họp lại nhóm G-7 tại Bruxelles cũng vào Tháng Năm, và không mời Nga dự. Họ còn tuyên bố sẽ không bao giờ mời Nga họp, cho tới khi Nga “xuống thang” trong cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine.   Báo chí thế giới loan tin: Nga bị đuổi khỏi G-8. Nhưng trong thực tế, G-8 không phải là một tổ chức, cũng chẳng có điều lệ về tư cách thành viên. Năm ngoái, Nhóm G-7 cũng từng họp riêng với nhau vào Tháng Năm ở Aylesbury bên nước Anh, mà chẳng mời Nga dự. Bảy nước G-7 hiện nay bao gồm 63% tài sản kinh tế thế giới, tổng cộng 241,000 tỷ mỹ kim; chắc chắn những quyết định chính sách chung của họ sẽ ảnh hưởng trên kinh tế toàn cầu. Ðược tham dự, tức là được góp ý kiến trên các quyết định đó, và còn tăng thêm cho uy tín quốc gia. Tính trên tổng sản lượng thì kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga, lâu nay vẫn muốn góp mặt để thành một Nhóm G-9. Nhưng bây giờ sau khi Nga “bị đuổi” thì Trung Quốc khó có hy vọng được mời trong nhiều năm tới. Quyết định của G-7 hoàn toàn vì chính trị. Họ lên án Nga đã không tôn trọng những “giá trị và nguyên lý” về bang giao quốc tế khi đem Crimea trở lại lãnh thổ Nga. Các nước Pháp, Ðức, Anh, Ý đã phong tỏa tài sản một số người thân cận với ông Vladimir Putin, Mỹ phong tỏa thêm một số công ty và ngân hàng. Nay bảy nước dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế khác nếu Nga leo thang đe dọa thế quân bình vùng chung quanh Nga và Ukraine. Nga đang đe dọa thật. Ông Putin có thể sách động dân gốc Nga ở mấy tỉnh miền Ðông Ukraine nổi lên, đòi theo gót Crimea. Và ngay sát bên còn một vùng đất tình trạng rất giống Crimea; là Transnistria, một dải đất dài nằm theo biên giới giữa Ukraine và Moldova. Transnistria đã ly khai khỏi Moldova vào năm 1992, sau khi xứ này tuyên bố độc lập lúc Liên Bang Xô Viết tan rã. Hiện có 1,200 quân Nga đóng ở đây, sau khi đã tới đóng vai “bảo vệ hòa bình” vì cuộc xung đột giữa Moldova và Transnistria; và đến nay vẫn không chịu rút về dù đã ký kết với Moldova, và được Liên Hiệp Quốc thúc giục! Trong số dân Transnistria gần 600,000 người có 90% mang hai hoặc ba quốc tịch; 300 ngàn nhận quốc tịch Moldova; 150 ngàn quốc tịch Nga và 100 ngàn quốc tịch Ukraine. Trong khi cả thế giới chưa nước nào công nhận Transnistria là một quốc gia cả, người gốc Nga ở đây cũng đang đòi trở về với “Nước Mẹ!” Chính phủ Nga tỏ ra cứng rắn, coi được tham dự vào G-8 hay không chẳng có gì quan trọng. Ngoại trưởng SergeLavrov nói, “Ðể coi, một năm hay năm rưỡi sau, chúng tôi sẽ ra sao khi không còn tham dự nữa.” Ông biết rằng chỉ có Mỹ sẵn sàng tạo thêm áp lực phong tỏa kinh tế, còn các nước Âu Châu rất khó. Ðồng minh thân nhất của Mỹ là Anh quốc. Nhưng London hiện nay là nơi các đại gia giàu nhất nước Nga gửi tiền, mua nhà, và đầu tư. Trị giá 28 công ty Nga ghi danh ở thị trường chứng khoán London lên tới gần 400 tỷ Mỹ kim. Mỗi năm các công ty Nga trả cho các ngân hàng cố vấn London 300 triệu. Các luật sư cố vấn London đòi các công ty Nga trả mỗi giờ 1,500 bảng Anh (2,500 Mỹ kim). Ðức nhập cảng hơi đốt của Nga cho 40% nhu cầu, và cung cấp máy móc, xe đắt tiền cho Nga. Bà Thủ Tướng Angela Merkel nói rằng muốn phong tỏa kinh tế Nga cần phải tham khảo ý kiến của 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Cho nên trong thời gian tới, các nước G-7 sẽ chỉ làm áp lực từng bước nhỏ, tấn công trên từng phần trong các ngành nhiên liệu, dịch vụ tài chánh, ngân hàng, và xuất cảng vũ khí. Nhưng trong thực tế, khối G-7 không cần làm nhiều, vì trước khi ra khỏi G-8, kinh tế Nga đã đang trên đà xuống dốc rồi. Trong mười năm từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, năm 2000, kinh tế Nga mạnh nhờ giá dầu lửa trên thế giới lên cao; trung bình mỗi năm lợi tức quốc gia (GDP) tăng 7%. Năm ngoái, GDP chỉ tăng được 1.3%, và ông Andrei Klepach, thứ trưởng kinh tế mới nói với báo chí rằng trong quý đầu năm 2014 chắc tỷ lệ tăng trưởng sẽ xuống số không. Tình trạng kinh tế ngưng trệ diễn ra trong khi giá dầu thô trên thế giới vẫn giữ mức khoảng 110 đô la một thùng, là mức cao nhất xưa nay. Ðiều đó cho thấy kinh tế Nga gặp khó khăn vì những nguyên do lớn trong cơ cấu kinh tế. Vladimir Putin không tin tưởng ở sức mạnh của thị trường; ông tập trung quyết định kinh tế quốc gia vào trong tay, trao cho một số cận thần, nhiều người là cựu sĩ quan công an KGB như ông. Ông cũng theo thói quen như các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chú trọng đến đầu tư, nhưng đem tiền cho những xí nghiệp vay dùng vào dự án không có hiệu quả. Mặc dù tiền đầu tư chiếm 26% của GDP, nhưng khả năng sản xuất của các xí nghiệp giảm dần, đường sá và đường xe lửa đang hư hỏng. Chính phủ Nga khuyến khích các đại gia, các đại công ty, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Các nhà kinh doanh và ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh với guồng máy quốc doanh. Nạn tham nhũng lan tràn từ trên xuống dưới khiến kinh tế càng khó phát triển. Nhờ có nhiều dầu khí để bán, Nga không phát triển những ngành công nghiệp nhẹ nhắm vào xuất cảng như ở Trung Quốc. Vì vậy, sản xuất công nghiệp ở Nga không tiến lên theo đúng nhu cầu của một nước đang phát triển. Tại những nước đang hưng thịnh, như Nam Hàn, Cộng Hòa Tiệp, sản xuất công nghiệp đóng góp vào 20% tổng sản lượng nội địa. Công nghiệp Nga hiện nay chỉ chiếm 15% GDP, giảm xuống từ tỷ lệ 18% vào năm 2005. Trong cuộc họp báo vào Thứ Hai, 24 Tháng Ba, 2014, Thứ Trưởng Kinh Tế Andrei Klepach nói rằng các hành động phong tỏa của Mỹ và Tây Âu không ảnh hưởng đến kinh tế Nga bao nhiêu, nhưng ông công nhận nhiều người Nga đã chuyển tiền ra nước ngoài. Trong mấy năm qua, mỗi năm số vốn chạy khỏi nước Nga trị giá khoảng 60 tỷ đô la; nhưng nay đến lượt các nhà đầu tư ngoại quốc cũng rút tiền đem về. Riêng trong ba tháng đầu năm 2014, ông Klepach cho biết số tiền vốn “vượt biên” khoảng từ 65 đến 70 tỷ, cao hơn tổng số của cả năm ngoái. Mà một nửa số tiền đó mới được chuyển đi trong Tháng Ba này. Tiền rút khỏi nước Nga sẽ được đổi lấy ngoại tệ, nhất là mua đô la Mỹ. Từ năm 2011 đến nay, đồng rúp của Nga đã mất giá 22% so với đồng đô la; và hối suất xuống mạnh nhất trong tháng qua, từ khi vụ khủng hoảng Ukraine và Crimea bùng nổ. Ngân hàng trung ương Nga đã bỏ đô la dự trữ ra mua đồng rúp, và tăng lãi suất để giữ giá. Nhưng trong tình trạng kinh tế đang xuống việc tăng lãi suất sẽ chỉ khiến việc tiêu thụ và đầu tư giảm sút. Ông Klepach cho biết ngân hàng trung ương Nga sẽ hạ thấp lãi suất, và trong Tháng Ba giá sinh hoạt sẽ chỉ tăng từ 0.9 đến 1%; ước đoán này cho thấy tỷ lệ lạm phát trong năm 2014 sẽ lên tới gần 7% cao hơn tỷ lệ lạm phát trung bình 3.8% của các nước đang phát triển cùng trình độ với Nga. Với tình trạng kinh tế suy yếu như vậy, ông Vladimir Putin sẽ chịu hai thứ áp lực kinh tế từ Mỹ và các nước Châu Âu. Thứ nhất, phong tỏa tài sản các cận thần của ông Putin; thứ hai, chính phủ Mỹ đổi chính sách, sống xa hoa xuất cảng dầu lửa và khí đốt. Ông Alexey Navalnymarch là người đã ra tranh cử thị trưởng thủ đô Matskva vào Tháng Chín năm ngoái, ông được một phần ba phiếu bầu mặc dù không được các báo đài nhắc tới. Ông mới bị quản thúc tại gia sau khi tham dự các cuộc biểu tình phản đối ông Putin. Trong một bài gửi ra nước ngoài vào tuần trước, ông đã nêu đích danh những nhân vật mà các nước Tây phương nên phong tỏa tài sản, vì họ đã kiếm được tiền nhờ tham nhũng, lạm quyền. Nhóm cận thần này không những cung cấp tiền cho đảng của ông Putin mà còn điều khiển cả bộ máy tuyên truyền gồm báo, đài chuyên đi xuyên tạc các đảng chính trị đối lập. Những cận thần của ông Putin đều có tài sản lớn nằm ở các nước Tây phương, kể cả ở Mỹ. Nếu bị phong tỏa, cuộc sống xa hoa của họ sẽ chịu ảnh hưởng và họ sẽ lo lắng về tương lai. Áp lực đó sẽ khiến chính đám này khuyên ông Putin phải dè dặt. Ðòn kinh tế thứ hai nước Mỹ có thể thi hành, là thay đổi chính sách năng lượng, khuyến khích việc xuất cảng dầu, khí; vì Mỹ đang trở thành nước sản xuất nhiều nhất thế giới, nhờ áp dụng những phát minh trong kỹ thuật khai thác mới. Mục này đã trình bày vấn đề đó trong một bài trước. Cả nước Nga đang sống khá giả nhờ xuất cảng dầu khí. Mỗi năm Nga thu về 220 tỷ đô la nhờ xuất cảng dầu khí, 160 tỷ bán cho các nước Âu Châu. Ngoài món đó ra, số khiếm hụt trong cán cân thương mại về các món hàng khác sẽ lên tới 10% tổng sản lượng nội địa. Cho tới nay, ông Putin không bao giờ muốn Iran với Mỹ hòa hoãn; vì nếu không bị cấm vận, Iran sẽ là nước xuất cảng dầu lửa và khí đốt đứng hàng thứ tư trên thế giới. Chỉ cần Mỹ tuyên bố xuất cảng dầu khí, giá thị trường thế giới sẽ xuống, ngân sách chính phủ Nga lập tức bị ảnh hưởng. Chắc hẳn ông Vladimir Putin cũng biết nhược điểm kinh tế của mình, cho nên đã thấy dấu hiệu ông bắt đầu nhường nhịn. Cho đến nay, chính phủ Nga nhất định không coi chính phủ mới ở Ukraine là hợp pháp; vẫn chỉ công nhận Cựu Tổng Thống Yanukovych, tay chân của họ. Nhưng trong ngày Thứ Hai vừa qua, trong khi các nước G-7 họp ở Den Haag, Hòa Lan công khai phản đối Nga, ngoại trưởng Sergei Lavrov đã chịu gặp gỡ ngoại trưởng của chính phủ Ukraine mới, cũng tại thành phố này. Trước đó, ông Lavrov đã nhiều lần từ chối không gặp ở những nơi khác, dù hai người ở cùng một khách sạn! Nguồn: nguoi-viet.com
......

Chủ trương lớn của Đảng – Tai họa khủng cho dân

Thông tin về việc dự án Bôxit Tây Nguyên lỗ hàng ngàn tỷ đồng đến với người dân Việt Nam đã là chuyện hiển nhiên không cần bàn cãi. Người ta đón nhận tin đó không chút nào ngạc nhiên. Trước đó, nhà nước đã phải dừng công trình Cảng Kê Gà đã đầu tư cả ngàn tỷ, việc phá nát đường sá, đe dọa đời sống người dân, đặc biệt là nếp văn hóa vùng Tây Nguyên. Thậm chí việc báo chí kêo gào rằng Bôxit lỗ nặng, lỗ hàng ngàn tỷ đồng, lỗ nhiều mặt, lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm… nhưng tận cho đến khi có con số rất cụ thể rằng: “Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ dự kiến năm 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỉ đồng...” thì ông Tổng bí thư Đảng CS Trọng Lú vẫn nhơn nhơn phát biểu: “Nói bô xít lỗ là chưa có cơ sở – thật “khách quan, biện chứng” và hài hước. Chủ trương lớn – sai lầm càng lớn Người ta không ngạc nhiên khi nghe tin Bôxit Tây Nguyên lỗ nặng, bởi lời ông Thủ tướng vẫn còn đó: “Bôxit là chủ trương lớn của Đảng, phản đối vẫn làm”. Và đã là chủ trương lớn của Đảng, hẳn nhiên là sai lầm và thất bại. Biết bao chủ trương của Đảng đã thất bại thảm hại. Chủ trương càng lớn, sai lầm càng nặng. Lẽ ra, với một đảng tự xưng là “trí tuệ nhân loại” là “khoa học của mọi khoa học” thì không được để xảy ra sai lầm, hoặc chỉ là hãn hữu. Thử xem lại các chủ trương lớn xưa nay của đảng, được mấy cái thắng lợi và bao cái thất bại? Cứ đụng đâu, sai đó. Ngay từ khi mới cướp được chính quyền ít năm, cuộc Cải cách ruộng đất với những sai lầm kinh hoàng để lại biết bao hậu quả cho dân tộc đến bao đời mới sửa được? Sai lầm này được đổ cho là vì Trung Quốc bắt ta nhập khẩu cách mạng của họ. Điều buồn cười cho những giải thích này, là lúc bấy giờ Việt Nam được tuyên bố là một nước độc lập. Thế rồi chủ trương lớn của Đảng, đưa tất cả vào HTX Nông Nghiệp, cả đất nước, hàng chục triệu người dân biến thành đàn chuột bạch thí nghiệm cho những chủ trương lớn chẳng ai giống ai, để cuối cùng thì muốn trở về điểm xuất phát đã là hết sức khó khăn và nhiều khi là không thể. Liên tiếp các chủ trương khác như mô hình pháo đài cấp huyện, chủ trương cả nước là một chiến trường, chủ trương 16 chữ vàng và 4 tốt… cứ cái sau đạp cái trước. Gần đây, các chủ trương lớn của Đảng liên tiếp được đưa ra, và liên tiếp đất nước hứng chịu hậu quả. Từ "nắm đấm thép" là các tập đoàn mạnh của ty nhà nước, cho đến Vinashin, Vinaline rồi Điện lực, Khoáng sản... Về mặt văn hóa, đời sống tinh thần, chủ trương Cách mạng văn hóa tư tưởng… đã phá hủy biết bao nhiêu đền đài, chùa chiền, miếu mạo nhà thờ… là những sản phẩm văn hóa ngàn năm của dân tộc để “tiêu diệt tàn dư phong kiến, đế quốc” và “bài trừ mê tín dị đoan”. Để rồi nay lại trở lại “phục hồi” mà nhiều cái thành những thứ hổ lốn râu ông sãi cắm cằm bà sư cho đám qua chức cộng sản suốt ngày dẫm đạp xin ấn, hối lộ thần, phật.   Mua ấn đền Trần Và cướp ấn đền Trần Kết quả là sau những chủ trương đấu tố, con đấu cha, vợ tố chồng, con chửi bới vu cáo bố mẹ… thì văn hóa đất Việt nát như tương bần. Những hiện tượng bất luân, bất nghĩa, nghịch tử và phản trắc du qua nhiều mô hình xã hội không xuất hiện, thì lại nhan nhản trong chế độ Cộng sản. Chỉ có điều, thường thì sau những thất bại to lớn dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và sáng suốt của đảng, thì thỉnh thoảng có người nhận trách nhiệm. Sau thất bại bởi những tội ác gây ra với dân tộc trong Cải cách ruộng đất, không rõ ông Hồ Chí Minh có nhỏ giọt nước mắt nào không, nhưng động tác ông rút khăn mùi soa châm chấm khóe mắt để thay cho những lời tạ tội với hàng ngàn người mất mạng và hàng vạn người đã chịu hệ lụy bởi một chiến dịch do Đảng của ông tiến hành lại được ca ngợi như một hành động anh hùng. Sau những thất bại thảm hại của chiến dịch “Chống tham nhũng” của những chủ trương và đường lối gần đây, có kết quả là tham nhũng từ nguy cơ, thành “Quốc nạn” từ cá nhân thành tổ chức, thành “lợi ích nhóm” thì ông Trọng Lú – TBT Đảng CS – đã “nghẹn ngào nhận lỗi” sau hội nghị Trung ương Đảng. Chúng tôi đã có bài viết “Khi người cộng sản nhận lỗi” để nêu lên hiện tượng này, ở đó nói rõ: “Khi những người cộng sản nhận lỗi, khi đó đất nước và dân tộc đã đi qua một thảm họa và đang ở trong trạng thái kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất. Khi những người cộng sản nhận lỗi là khi cả đất nước phải chuẩn bị gồng mình, nghiến răng đau đớn để khắc phục những sai lầm của họ gây ra. Khi những người cộng sản nhận lỗi, cũng là khi mà đất nước, dân tộc chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới và sẵn sàng để chấp nhận những sai lầm mới của họ.”   Nhưng, thất bại này chưa thấy ai “chịu trách nhiệm”. Bởi đơn giản là trách nhiệm nằm chủ trương của Đảng và bởi Đảng mà ra. Chủ trương của Đảng bất chấp ý nguyện người dân? Nhiều chứng cứ cụ thể, sờ sờ ra đó, nhiều bài báo, luận cứ khoa học vạch rõ tương lai của Bôxit ngay từ khi nó mới hình thành, mới manh nha. Rồi bằng những kiến nghị của hàng ngàn nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học… thậm chí cả tiếng kêu của ông Võ Nguyên Giáp, một “công thần chế độ” - người có hàng vạn fan hâm mộ sau khi chết - đòi ngưng ngay Dự án Bôxit Tây Nguyên vì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn là vận mệnh quốc gia, là an nguy của xã tắc… Để bỏ ngoài tai tất cả mọi lời khuyên ngăn, kiến nghị và những tiếng nói tâm huyết với tiền đồ đất nước, của những nhà khoa học, quản lý và mọi tầng lớp nhân dân, người đứng đầu Chính phủ chỉ cần buông một câu “Bôxit là chủ trương lớn của Đảng”. Thế là, tất cả đều như tiếng kêu thất thanh trước cái gọi là “Chủ trương lớn của Đảng” hết sức quái gở kia. Ngay cả cái gọi là Quốc Hội, một cơ quan được miêu tả là của dân, thể hiện ý nguyện của dân và quyết định các vấn đề của dân cũng bó tay trước chủ trương này và cứ răm rắp cúi đầu vâng lệnh. Thậm chí, ngay khi Quốc Hội còn chưa họp, người ta đã biết tỏng vụ cá độ là “Quốc hội sẽ ủng hộ Bôxit” – Xem lại “Đã có bán độ trước diễn đàn Quốc hội”. Câu trả lời này vừa thể hiện sự trịch thượng, hỗn láo trước những ý kiến của người dân, vừa thể hiện bản chất của Cộng sản bất chấp tất cả sự thật, ý kiến và những quyền của người dân trong khi thực hiện những việc hại nước hại dân. Thử hỏi, trên thế giới này, việc lỗ lãi do buôn bán, làm ăn, cá cược, thương mại là chuyện bình thường. Nhưng, đào cả gia sản đi để bán, ăn luôn cả phần con cháu vẫn lỗ mà vẫn cắm đầu cắm cổ làm bằng được, bất chấp mọi lời khuyên can thì đó là bệnh khùng hay hành vi của những kẻ tâm thần? Thấy gì qua vụ Bôxit?   Qua những hậu quả nhãn tiền của “Chủ trương lớn của Đảng” nhân vụ Bôxit, điều người ta rút ra, cảm nhận không chỉ là vấn đề kinh tế, lỗ, lãi hay là sự phá hoại nền kinh tế, phá hoại non sông, đất nước và tài nguyên của Tổ Quốc, mà qua đó, người ta rút ra nhiều vấn đề khác nhau.   Thầy giáo Đinh Đăng Định đi tù vì đã phản ứng Bôxit Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đang ở tù vì đã phản đối khai thác Bôxit Trước hết, đó là chủ trương của đảng, đi ngược ý nguyện của người dân gây bao thảm họa nhưng không ai chịu trách nhiệm. Điều này lặp đi lặp lại hết thời kỳ này qua thời kỳ khác và tất cả là ở “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và sáng suốt” của Đảng. Vậy Đảng đang là tổ chức nào, họ làm gì cho đất nước và chịu trách nhiệm gì với đất nước này? Liệu cái câu trong cái gọi là Hiến pháp rằng “Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” có ý nghĩa gì trong thực tế? Tiếp theo, đó là những tội ác gây ra ngay sau khi chủ trương lớn được phát ra. Những tiếng nói trung kiên, thẳng thắn và đầy trách nhiệm, đầy tinh thần yêu nước qua việc ngăn cản dự án đáng xấu hổ này đã phải vào tù oan ức và trái pháp luật. Những Cù Huy Hà Vũ, Đinh Đăng Định… là những nhân chứng về tội ác đối với nhân dân của “Chủ trương lớn” này. Ai chịu trách nhiệm trước những đau khổ mà họ đã và phải chịu đựng khi rõ ràng tiếng nói của họ đã được chứng minh là đúng đắn qua thực tế? Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, tại sao không phản đối được những chủ trương hại nước, hại dân lại hùa theo và vâng lệnh vô điều kiện khi đã có nhiều người can ngăn việc khai thác bôxit? Cơ quan này có tác dụng gì cho nhân dân ngoài việc tiêu tiền dân không biết xót? Hệ thống báo chí cộng sản cũng “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và sáng suốt” này đã có tác dụng gì cho nhân dân. Hay chỉ nhằm để phục vụ “chủ trương” của Đảng mà bất chấp lợi ích của quốc gia, của dân tộc và nhân dân? Hó có trách nhiệm gì trước những thất bại này? Nên xét xử họ như thế nào? Các cơ quan lập dự án, xét duyệt đề nghị, ủng hộ và bảo kê cho dự án này, họ có trách nhiệm gì khi càng khai thác tài nguyên để bán thì càng lỗ? Chừng đó câu hỏi cần được trả lời. Những điều rút ra qua vụ Bôxit để trả lời câu hỏi đó, đã thể hiện bản chất của những chủ trương lớn và cái Đảng đã đẻ ra những chủ trương lớn kia đang phục vụ ai? Khi mà các chủ trương lớn của đảng là tai họa khủng khiếp cho nhân dân mà không ai phải chịu trách nhiệm? Và câu trả lời vắn tắt nhất, gọn gàng nhất là hãy trả quyền tự quyết về cho nhân dân. Hà Nội, ngày 24/3/2014 J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: rfavietnam.com
......

Crimea chưa ly thân đã vội cưới chồng

Tôi thật cảm động khi nhìn cảnh những người dân Nga khóc khi Crimea ‘trở về’ với đất mẹ, Liên bang Nga to lớn. Lính Nga bịt mặt vào Crimea để 'bảo vệ nhân quyền'   Ngoài những người trẻ hồ hởi với tinh thần dân tộc Nga, các cụ già cầm cờ cộng sản, ôm ảnh Lenin và Stalin cũng nức nở như được sống lại thời Liên Xô vĩ đại.   Nhưng đó là chuyện tình cảm, vì theo dõi chính những gì xảy ra tại bán đảo này, ta dễ cảm thấy một sự bất an. Đầu tiên là sự khác biệt giữa phát biểu của Tổng thống Putin ở Moscow hôm 18/3 và hành xử của những chính trị gia nóng máu ở địa phương. Ông Putin cam kết coi trọng cả ba ngôn ngữ Nga, Ukraine và Tatar, và tôn trọng quyền lợi của cả ba nhóm sắc tộc Crimea. Nhưng chính quyền thân Nga sở tại đã bắt đầu bắn vào những quân nhân Ukraine tại Simferopol.   Có nơi người Tatar đã bỏ nhà bỏ cửa vì sợ các nhóm ‘dân quân’ người Nga. Mà quả thật, nhìn các ‘chiến sỹ bảo vệ nhân quyền’ bịt mặt như băng đảng, áo quần không phù hiệu, tay lăm lăm tiểu liên, ai mà không sợ. Chính quyền Crimea cũng có vẻ chưa ý thức được các vấn đề thực tiễn không dễ giải quyết không cuộc ly hôn tách khỏi Ukraine. Mà trên thực tế, Crimea thậm chí còn chưa ly thân với Ukraine. Vẫn cùng mâm cơm     "Và điều gì sẽ xảy ra với tài sản những quân nhân không muốn gia nhập quân đội Nga, họ sẽ bị buộc phải ra đi và mất tài sản?"Olexiy Solohubenko Kiev vẫn coi Crimea là của mình theo hiến pháp và tiếp tục cung cấp điện nước cho dân tại đây. Quốc hội sở tại vẫn ra luật để giữ tiền Ukraine, đồng hryvnia trong lưu thông tới tận năm 2016. Chừng 25% dân số 2 triệu ở Crimea là người Ukraine, gồm nhiều quân nhân, cán bộ nhà nước do Kiev trả lương bằng tiền Ukraine. Có vẻ như chính quyền Crimea không hề có một kế hoạch, một lộ trình gì cho chuyện ly khai nhanh chóng khỏi Ukraine và về với Nga. Theo biên tập viên Olexiy Solohubenko của BBC, bản thân là người Ukraine, thì "hiện cũng không rõ Crimea có giữ tiền Ukraine hay không?" "Và điều gì sẽ xảy ra với tài sản những quân nhân không muốn gia nhập quân đội Nga, họ sẽ bị buộc phải ra đi và mất tài sản? Điều gì sẽ xảy ra với công dân Ukraine và nhà cửa của họ?" Ngoài ra, theo ông thì ngay cả quyết định 'quốc hữu hóa' tài sản của nhà nước và các công ty Ukraine mà chính quyền Nga ở Crimea làm cũng không rõ có hợp pháp không, kể cả theo luật Nga. Ngoài đồng tiền, các đài như CNN và Russia Today đang chỉ ra những vấn đề cụ thể: điện nước, giao thông và dầu khí mà Crimea phải giải quyết. Nếu cắt giao thông với Ukraine, Crimaa cần xây cây cầu dài 4,5 km ở biển Azov nối với Nga, công trình sẽ mất nhiều năm mới xong. Nếu không chính quyền địa phương phải vận chuyển mọi thứ bằng phà, gây ra chi phí lớn cho sinh hoạt, giá cả. Còn nếu muốn dùng đường tiếp liệu qua đất Ukraine, chính quyền Crimea không thể giữ thái độ thù địch lâu dài với Kiev. Người dân Nga tại Crimea vui mừng trở về với đất mẹ   Crimea là nơi nghỉ mát của Liên Xô ngày xưa, và hiện vẫn nhận hàng năm 6 triệu du khách. Vấn đề là, theo như chính đài Russia Today của Nga cho hay, 70% du khách tới bán đảo này hàng năm là người Ukraine, và năm nay, số du khách nói chung có thể sụt giảm 30% vì bất ổn chính trị. Nếu muốn kinh tế không phá sản, các lãnh đạo Nga ở Crimea sau cơn say dân tộc chủ nghĩa, chắc sẽ phải nghĩ lại và làm lành với Kiev, và bỏ dần thái độ bài bác, công kích người Ukraine. Du khách Nga có thể sẽ quay lại Crimea nhưng với giới có tiền, Crimea với kinh tế sa sút, dịch vụ lạc hậu đã thua dần các điểm đến xa hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp, Bắc Phi và Đông Nam Á. Sau khi lấy Crimea, Nga sẽ không trả khoản tiền thuê quân cảng Sebastopol chừng 98 triệu USD một năm cho Ukraine nhưng sẽ phải gánh lấy khoảng 1,1 tỷ USD trợ cấp mỗi năm cho bán đảo này. Trước mắt Crimea cần gấp 5 tỷ USD đầu tư nếu muốn phát triển các mảng kinh doanh, gồm cả dầu khí mà Crimea chiếm đoạt của Ukraine chỉ bằng văn bản hành chính và dự định chuyển cho Gazprom. Trước mắt vì tình hình chưa rõ và các quan chức Crimea bị Mỹ và EU cấm vận, hãng Exxon Mobil của Hoa Kỳ tạm ngưng kế hoạch khai thác tại vùng này. Nhưng mọi vướng mắc dù to hay nhỏ cũng sẽ giải quyết được nếu ba bên Nga, Ukraine và Crimea điềm tĩnh ngồi lại với nhau để đàm phán như bất cứ cuộc ly hôn và làm đám cưới nào cũng cần khi người ta còn tỏ ra văn minh được với nhau. Hiện đồng hryvnia vẫn được lưu hành ở Crimea Ví dụ ở Anh, giả sử tháng 9 năm nay xứ Scotland tuyên bố độc lập thì đảng Dân tộc Scotland và chính quyền London sẽ đàm phán, bàn bạc với nhau về ‘cuộc chia tay’ tới tận tháng 3/2016 mới xong. Báo chí Phương Tây tuy phê phán cách hành xử ‘côn đồ’ của ông Vladimir Putin nhưng cũng bắt đầu coi như việc Ukraine ‘mất đứt’ bán đảo Crimea là sự đặng chẳng đành. Nếu khéo làm, thậm chí việc đổi chủ của Crimea có cơ hội được quốc tế công nhận. Nhưng trong bối cảnh thù địch hiện nay vì Moscow không công nhận chính quyền Kiev và phe theo Nga ở Crimea thì dùng bạo lực để mong muốn nhanh chóng tạo sự đã rồi, việc đàm phán ôn hòa về Crimea là rất khó. Giấc mơ bên bờ Hắc Hải       "Tôi nghĩ rằng chúng tôi thừa khả năng thành Singapore, và tự mình giải quyết nhiều vấn đề, ít ra là tăng nhân sách lên ba bốn lần"Sergey Aksyonov Điều đáng lo ngại cho tương lai Crimea hơn cả chính là tư duy và kiến thức của một số nhân vật đang nổi lên nhờ thời cuộc ở đây. Trả lời đài NTV hôm 9/3 vừa qua, lãnh đạo người Nga ở Crimea, ông Sergey Aksyonov vẽ ra viễn cảnh biến Crimea thành một Singapore trên bờ Hắc Hải. Ông Aksyonov, năm nay 41 tuổi, từng kiếm tiền bằng buôn thuốc lá qua biên giới, nói: “Với tôi, Singapore là một biểu tượng. Thành phố đó có hai triệu dân, diện tích chỉ có 52 km2 và có ngân sách 46 tỷ USD một năm. Ngày nay, Crimea có diện tích 26 nghìn km2, hai triệu người, và ngân sách chỉ 500 triệu USD. Tôi nghĩ rằng chúng tôi thừa khả năng thành Singapore, và tự mình giải quyết nhiều vấn đề, ít ra là tăng nhân sách lên ba bốn lần.” Ai chú ý một chút sẽ thấy ngay ông Aksynov nêu ra các con số hoàn toàn vớ vẩn về Singapore. Ông Sergey Aksyonov có tham vọng biến Crimea thành Singapore Hiện có 5,3 triệu người, diện tích 710 km2 và GDP 273 tỷ USD năm 2012, Singapore còn thừa hưởng nền tư pháp theo mô hình Anh và một nền giáo dục tốt vào loại nhất thế giới. Với một vị ‘thủ tướng’ như thế, chả trách đài báo Nga cũng không tin rằng Crima có thể đi theo con đường Singapore. Chính quyền của ông Aksynov vừa nhanh chóng quyết định rằng từ 30 tháng 3 năm nay, Crimea sẽ theo giờ Moscow, chậm hơn giờ Kiev 2 tiếng. Ngày mới sẽ đến với Crimea rất muộn, vào lúc 9 giờ 22 phút sáng, thay vì 7 giờ 22 như hiện nay, theo mô tả rất hình tượng trên trang CNN.   Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/
......

Công an Hà Nội đàn áp cuộc biểu tình đòi trả tự do cho Bùi Minh Hằng, Nguyễn Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh

Sáng hôm nay Chủ nhật 23/3/2014, tại khu tượng đài Cảm tử cho Tô quốc quyết sinh bên bờ hồ Hoàn Kiêm, Hà Nội có cuộc biểu tình kêu gọi trả tự cho Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh bị công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp băt giam trái phép và đang vội vã tạo chứng cư để khởi tố cái gọi là tội "gây rối trật tự nơi công cộng" Cuộc biểu tình đòi trả tự do vô điều kiện cho  Bùi Thi Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh diễn ra rất ôn hòa, mọi người xuống đường chỉ mong sao chính quyền thấu hiểu nhưng ngược lại là những thủ đoạn tàn bạo của công an CS Việt Nam, chẳng khác gì những tên côn đồ xã hội đen.   Ngay khi vừa mới bắt đầu, cuộc biểu tình đã bị CA càn quét và dập tắt nhanh chóng, nhiều người bị bắt giữ và đánh đập hết sức thô bạo. Theo lời tường thuật của anh Nguyễn Đức Quốc,vào hồi 9 giờ sáng một đoàn khoảng năm chục người gồm dân oan, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, người sắc tộc H'Mông... xuất phát từ nhà thờ Thái Hà để đến nơi tổ chức biểu tình là bên hồ Hoàn Kiếm. Nhưng đoàn người vừa tới trước nhà số 79 phố Nguyễn Lương Băng, cách nhà thờ khoảng vài trăm mét thì đã bị một lực lượng công an chìm, nổi và dân phòng xông vào chặn lại và xô xát đã xảy ra. Có 3 người trong đoàn đã bị công an bắt đưa đi đâu không biết gồm chị Trần Thị Nga dân oan tỉnh Hà Nam, hai anh Lý Văn Lênh, Hầu Văn Thành, dân oan người H'Mông.   Việc hành hung, đánh đập dã man của công an chìm, nổi không chỉ diễn ra vào sáng nay Chủ nhật 23/3 mà đã xảy ra từ chiều tối hôm qua thứ Bảy 22/3. Trên đường đến nhà thờ Nam Đồng dự thánh lễ của giáo xứ Thái Hà cầu nguyện cho 3 người bị bắt, khi dừng xe đổ xăng tại cây xăng ngã ba Nguyễn Lương Băng - Hồ Đắc Di, anh Trương Văn Dũng đã bị 4 kẻ lạ măt đi 2 xe máy ấp tới hành hung băng ống săt, gây thương tích nặng ở đầu phải đi cấp cứu. Vào nửa đêm 22 rạng sáng 23/3, ngoài lực lượng hàng trăm người bao vây, công an còn mang theo 2 người phụ nữ đến đập cửa nhà thờ Thái Hà, xưng là bác của Trần Bùi Trung.   Lúc đầu Trung ở trong khu vực nội vi nhà thờ không thể tưởng tượng được công an lại chơi trò hèn này, lợi dụng người thân phá rối nhà thờ lúc nửa đêm, nên Trung nói là không phải . Sau này khi Trung xem lại hình ảnh facebook, thì Trung xác nhận đây là chị cả và em út của mẹ mình.   Nhắc lại việc này, trên FB, chị Ngọc Nhi viết : "Nếu ai từng theo dõi chặng đường đấu tranh của chị Bùi Thị Minh Hằng thì sẽ biết chị từng có nhiều xô xát với người thân trong gia đình, vì không cùng chính kiến. Trường hợp này thật ra rất thông thường, chả có gì quái lạ hay đáng ngạc nhiên, vì khi đất nước có 2 luồng ý thức hệ hoàn toàn đối lập với nhau, thì việc người cùng 1 nhà lại ủng hộ 2 phía khác là chuyện hết sức bình thường ". Cái điều không bình thường ở đây là một chính quyền độc tài nắm trọn mọi quyền hành, luôn vỗ ngực xưng mình là quang vinh muôn năm, đỉnh cao trí tuệ, bách chiến bách thắng lại phải bó tay trước 1 người phụ nữ chân yếu tay mềm và 1 cậu bé mới ngoài 20 tuổi, đến nỗi phải huy động cả người thân đêm hôm đến đập cửa nhà thờ, gây rối, tạo áp lực. Vượt qua mọi rảo cản, cháu Trần Bùi Trung, con trai chị Bùi Minh Hăng cùng một số thân hữu đã đến được điểm hẹn bên hồ Hoàn Kiếm tuần hành kêu gọi trả tự do cho Bùi Minh Hăng, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh đang bị công an Đông Tháp giam giữ trái phép. Cuộc biểu tình chỉ diễn ra được ít phút bởi sự đàn áp, đánh đạp thô bạo của môt lưc lượng công an đông gấp nhiều lần những người biểu tình. Trên FB chị Lê Thị Phương Anh cho biết, mỗi người biểu tình bị gần hai chục công an áp sát. Thậm chí, một gã công an mật vụ còn ngang ngược đến mức đột nhập vào nhà vệ sinh nữ để quay phim, chụp ảnh chị Phương Anh. Chị Lê Thị Phương Anh viết : "Mọi người xem cái bản mặt thằng côn an chìm này, nó vào tận nhà vệ sinh quay phim chụp ảnh tôi khi tôi đang trong nhà vệ sinh công cộng của Bờ Hồ. Tôi la lên và chụp ảnh nó thì nó giơ tay định cướp máy điện thoại của tôi" Hiện giờ mọi người đang tìm kiếm tin tức chi Trần Thị Nga và 2 người dân tộc thiếu số H'Mông bị bắt giữ sáng nay trên đường đển điểm hẹn biểu tình ở hồ Hoàn Kiếm. Tin mới nhân được: Trên FB, vào khoảng 22 giờ 30 đêm 23.3 chị Trần Thị Nga viết :   "Tôi đã về đến nhà, hiện tại bé Tài đang trên đường từ Hà Nội về với mẹ. Tôi và hai thanh niên người H Mông bị đánh rất đau, chúng giam chúng tôi ở công an Quang Trung, 4h10 (chiều) công an Hà Nam lên đưa tôi về Hà Nam, còn hai người bạn kia vẫn đang ở đó. Về công an TP Phủ Lý chúng tra tấn tinh thần tôi bằng cách đưa những đứa đã đánh vào bụng khi tôi mang thai bé tài (Vũ Hồng Phương phó an ninh Thành Phố), Lê Thanh Nghị thằng côn đồ thường xuyên đánh đập mẹ con tôi, và hai đứa an ninh nữ đánh mẹ con tôi ngày 21/10/2013 tại công an phường Lê Hồng Phong. Công an yêu cầu tôi làm việc, khi nhìn thấy mặt họ tôi đã không thể nào kiềm chế được sự uất hận khi họ lấy con tôi ra để dậy tôi về ĐẠO ĐỨC LÀM MẸ. tôi không còn khả năng nào để kiềm chế nỗi uất hận đó chỉ còn cách ngồi nhắm mắt cầu nguyện để mình không bị tăng xông nhưng vẫn không thể kiềm chế được nước mắt tuôn rơi khi ngực căng đau có nghĩa là bé Tài đang khóc. Sau 2 tiếng đồng hồ ở công an tp phủ lý tôi bất hợp tác ngồi nhắm mắt thì 4 -5 an ninh thường phục (những kẻ thường xuyên đánh mẹ con tôi ) giữ tay tôi rồi chúng lăn dấu vân tay. 7h30 (tối) chúng thả tôi ra, ra tới ngoài đường tôi không còn khả năng kiềm chế nỗi uất hận và không biết tình hình bé Tài ra sao khóc thật to để có thể có tinh thần tìm con. Mượn điện thoại của người bên đường gọi biết bé Tài khóc đòi mẹ và bé đã được chăm sóc tốt tôi đã yên tâm. Cảm ơn những người bạn đã giúp đỡ chăm sóc bé Tài khi vắng mẹ. Sẽ có bản tường trình về việc này sau." Chị Trần Thị Nga sai khi bị CA đánh đập và cưỡng bức lấy dấu lăn tay Nguồn: RadioCTM
......

Ai trong chúng ta, những gã đàn ông cảm thấy bị chạm nọc?

Chỉ trong mấy ngày của tháng, đã có tới hai bài viết nói về đàn ông. Một bài của Nguyễn Thị Từ Huy, một của Vũ Thị Phương Anh. Tất nhiên cả hai bài không có từ nào thốt lên “…và anh sẽ là người đàn ông của đời em…”, dù cuộc đời của hai người phụ nữ này đã và đang và sẽ ở bên những người đàn ông của đời họ…   Tôi cố tìm cũng không thể thấy một từ nào, một lời nào trong cả hai bài viết của hai người phụ nữ đáng phải “xét lại”, ngay cả khi Vũ thị phương Anh phải thốt lên cách cay đắng “…Và ghê sợ đàn ông Việt Nam nói chung…”!   Ai? Ai trong chúng ta, những gã đàn ông cảm thấy bị chạm nọc khi Phương Anh thẳng thừng như vậy? Đó mới chỉ là “Những nghĩ vụn” về đàn ông VN.; Còn nghĩ cho KỸ, cho có BÀI BẢN, chắc hết thảy chúng ta- những gã đàn ông VN đáng phải nguyền rủa chứ không chỉ là trách cứ…   Nguyễn thị từ Huy giận giữ và chua chát thẳng thừng “Bao giờ các anh thôi sống hèn?”. Dù trong bài viết này, tôi có nói dài, nói hay đến mấy, cũng chỉ là một thằng hèn. Bởi vì cho dù tôi không phải là Nguyễn văn Lưu, Vũ Hạnh, hay Đông La, cũng không có nghĩa tôi không phải là người hèn. Những thằng đàn ông hèn đâu chỉ là bọn thích rượu ngon gái đẹp, thích thăng quan tiến chức, thích làm ra nghị quyết, thích đè đầu cưỡi cổ thiên hạ…   Những thằng đàn ông hèn không chỉ là những thằng lấy bia rượu làm bạn, lấy đề đóm cờ bạc làm thú vui. Bởi vì có cái hèn nhìn cái thấy liền. Cũng có cái nhìn mãi mới ra. Suy cho cùng cái sự hèn chỉ ở cấp độ nào, còn tất thảy chúng ta đều hèn. Chúng ta, hết thảy “Lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích sống”, như Từ Huy đã “Điểm huyệt”. Nếu đàn ông chúng ta không hèn, sao VN chưa phải là Mỹ là Pháp là Anh? Nếu chúng ta không hèn, sao chúng ta chưa phải là Nhật, là Hàn, là Sing…? Chúng ta không hèn sao Đất Nước chưa văn minh, thăng tiến? Chúng ta không kém cạnh gì bọn đàn ông ở các xứ sở đó. Nhưng có cái mà chúng ta kém họ. Đó là vì chúng ta quá hèn. Hèn rồi thì sức dài vai rộng cũng chẳng làm gì. Thông minh cũng chẳng mần chi… Chúng ta hèn từ quan chức xuống đến dân thường. Phụ nữ VN của chúng ta thật tuyệt vời và đáng thương. Chúng ta chưa xứng là bờ vai cho họ dựa! Cho dù chúng ta có học hành đỗ đạt giỏi giang đến mấy mà vẫn còn “Lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích sống” thì chúng ta vẫn còn là người hèn; Đàn ông hèn thì Đất Nước yếu. Đất Nước yếu thì Dân Tộc lụn bại suy vi...   Biết bao nhiêu cảnh ngộ đáng để đàn ông “nhảy vào”. Nhưng đàn ông đứng im. Biết bao cảnh ngộ đáng lên tiếng. Nhưng đàn ông lặng im. Chúng ta chỉ biết hô và hô rất to “hai ba dzô, hai ba dzô…” trong tiệc tùng, trong các quán nhậu Trong khi đi qua đám biểu tình, lại lặng dừng dỏng tai nghe những tiếng hô đến khản giọng của những người tham gia “Hoàng Sa Trường Sa là của VN. Đả đảo Trung Quốc xâm lược…”. Chúng ta không chỉ hèn khi chúng ta im lặng trước những người biểu tình yêu nước, chứng kiến họ bị đàn áp mà lặng câm. Chúng ta không chỉ hèn vì bàng quan trước cảnh bọn giặc trá hình làm công nhân kéo vào sâu trong lãnh thổ Đất Nước, lập ấp, lập làng, đào đá san đồi thỏa ý. Chúng ta không chỉ hèn khi thờ ơ chứng kiến biết bao người phụ nữ Việt thân yêu phải đi làm ô sin ở mãi những xứ sở xa xôi, để lại con nhỏ cho ông bà trông nom dùm, mong đi bán sức kiếm đồng tiền còm gửi về “xây tổ ấm”. Chúng ta không chỉ hèn khi vô cảm trước cảnh  biết bao phụ nữ Việt “làm hồ sơ” đi lấy chồng nước ngoài, mà nhiều cảnh ngộ chẳng khác nào cảnh “bán mình chuộc cha”. Chúng ta không chỉ hèn khi không biết nhục trước cảnh các em ta, các cháu ta phải cởi áo, tụt quần cho bọn đàn ông nước ngoài săm soi trong màn “kén vợ” quái dị…   Mà chúng ta còn “xứng đáng” hèn ngay cả khi tưởng sự im lặng của mình là “vô hại”-sự im lặng trước tiếng than của những người phụ nữ can đảm mà đáng thương. Hôm qua họ là những chị Thương, em Hiền trong gia đình họ Đoàn nơi Cống Rộc. Là những người phụ nữ mặc áo trắng bluse, đơn côi thể hiện lương y trước sự nhạo báng và cả đe dọa ở Hoài Đức. Và hôm nay là sự cô đơn của Nhã Thuyên, của ts Nguyễn thị Bình- cô giáo của cô giáo!... Có biết bao nam sinh viên đã và đang được những cô giáo này dạy cho cái hay của thơ ca. Dạy cho cách cư xử phải đạo của một con người… Vậy mà họ đã làm gì? Họ đã “im lặng và nhịn nhục” chứng kiến các cô giáo của mình bị người ta xúm đánh hội đồng cách hạ cấp. “Chữ thầy giả thầy” rồi sao? Họ sẽ làm gì cho Đất Nước, cho Dân Tộc vào buổi mai sau?... Nghĩ tới cuộc cách mạng lật đổ độc tài chỉ từ một sự việc người bán hàng rong bị cảnh sát xử thô bạo mà tự vẫn tại xứ Tuynizi lạc hậu, lại càng buồn và hổ thẹn cho đàn ông Việt chúng mình. Tôi không có tư cách gì để đại diện cho đàn ông Việt ở các lĩnh vực thành đạt hay giàu sang; Nhưng xin được phép thay mặt cho hết thảy đàn ông Việt ở thói nhịn nhục- cái thói làm nên sự HÈN cố hữu, để gửi tới hai người phụ nữ đáng kính Vũ thị phương Anh, Nguyễn thị từ Huy cũng như hết thảy phụ nữ Việt “giỏi việc nước, đảm việc nhà” lời tạ lỗi. Tôi không dám gửi một lời chúc nào tới quý bà quý cô, nhân tháng 3 có ngày mùng 8, vì tự thấy không xứng đáng.   Tôi cũng chưa biết làm cách nào để trả lời được câu hỏi xoáy vào tâm can mà người phụ nữ Việt Nguyễn thị từ Huy đặt ra “Bao giờ các anh thôi sống hèn?”!... March/23rd/2014 Nguồn: Quê Choa
......

Trừng phạt Nga, Tây phương nhắm vào giới tỷ phú thân cận của Putin

Danh sách hơn 30 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga (31 trong danh sách Mỹ và 31 trong danh sách Liên Hiệp Châu Âu) bị trừng phạt đã được các cường quốc Tây phương cân nhắc lợi hại : vừa đánh thẳng vào các tỷ phú thân cận của chủ nhân điện Kremli vừa bảo toàn được quyền lợi kinh tế của Tây phương. Các tỷ phú Nga thân cận với Putin là những nạn nhân đầu tiên của lệnh trừng phạt Tây phương. REUTERS Ngay trước khi tổng thống Putin sắp ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách trừng phạt thứ hai nhắm vào các đối tượng được xem là có vai trò trong chiến lược gây khủng hoảng tại Ukraina.   Tổng thống Barack Obama ra lệnh phong tỏa tài sản 20 công dân Nga trong đó có nhiều tỷ phú, cấm doanh nghiệp Mỹ buôn bán với những đại gia này và ngân hàng Rossiya trong đó phần hùn của Iouri Kovalchouk, được xem là kinh tài của Putin từ năm 1990. Khi tấn công vào ngân hàng Rossiya, Washington muốn gửi thông điệp cảnh cáo Putin là lãnh vực tài chính của Nga không an toàn. Thêm vào đó, trong số khách hàng và thành phần lãnh đạo ngân hàng này là những nhân vật thân cận của Putin. Một nạn nhân khác bị Mỹ cấm visa, cấm làm ăn buôn bán và bị phong tỏa tài sản là tỷ phú Gennadi Timtchenko mà theo tạp chí Forbes, tài sản lên đến 15,3 tỷ đôla, đại gia đứng hàng thứ 6 của Nga và cũng là nhà kinh tài của Putin. Công ty Gunvor của nhà tài phiệt này là cơ quan trung gian buôn bán dầu hỏa đứng hàng thứ tư thế giới, đăng ký tại đảo Virgo.Theo Reuters, các biện pháp mới của Washington cứng rắn hơn nhiều so với danh sách thứ nhất nhưng Hoa Kỳ không đụng vào lãnh vực kinh tế « sinh tử » của Nga như dầu hỏa và kim loại vì e rằng nếu Nga trả đũa trên hai lãnh vực này thì kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại. Ba tập đoàn lớn của Nga là Gazprom, khí đốt, Rosneft, dầu hỏa và tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport không bị đụng tới. Tuy nhiên, hiệu năng của biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã gây ra hệ quả thấy được. Trước tiên là tỷ phú Gennadi Timtchenko, đã vội vã bán đi hết cổ phần của ông trong công ty Gunvor do ông sáng lập, tương đương với 43% số vốn cất giấu tại Genève cho Torbjorn Tornqvist, một công dân Thụy Điển và cũng là người hùn hạp. Theo nhận định của báo Le Monde, sự kiện nhà kinh tài của chính tổng thống Nga đã phải bán tháo cổ phần đã làm giới tài phiệt Nga đổ mồ hôi lạnh. Mặc khác, do cấm vận, khách hàng của các ngân hàng Nga và chi nhánh không thể sử dụng thẻ tín dụng loại Mastercard và Visa. Khác với Mỹ, theo AFP, Châu Âu không tấn công vào ngân hàng Rossiya mà chỉ tập trung vào giới cố vấn thân cận của Putin trong đó có phó thủ tướng Dmitri Rogozin, một số lãnh đạo chính trị và tư lệnh trong quân đội. 31 nhân vật bị phong tỏa tài sản và bị cấm thị thực nhập cảnh, hết đường sang những nơi mua sắm và nghỉ mát ở Châu Âu như: Luân Đôn, Paris, Nice, Luxembourg, Chypre, gây tác động tâm lý rất mạnh. Luật sư Nga Alexei Navalny, một trong những đối lập khắc tinh của Putin hiện đang bị quản thúc, tuyên bố với New York Times : Tây phương có thể đánh một đòn chí tử vào đám cờ hiệu của điện Kremli thường xuyên du lịch sang Tây phương ». Một nhà ngoại giao Châu Âu nhân định là Châu Âu để cho Hoa Kỳ đánh mạnh vì dễ hơn và đủ để « cô lập chính trị và ngoại giao » Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho tình thế « đã bất ổn » tại Nga.   Nguồn: rfi.fr/quoc-te
......

Pages